Thứ Tư, 15 tháng 6, 2022

(21) TAM TỊNH NHỤC: Ý PHẬT VÀ Ý NGƯỜI.

"Có người cho rằng ta có nhu cầu ăn thịt nhưng ta không thấy, ta không nghe, ta không nghi. Người này thật dối trá. Người ăn thịt biết thịt. Biết thịt thì tại sao lại không biết rằng do nhu cầu ăn thịt của mình mà chúng sinh vì ta mà chết. Người có nhu cầu ăn thịt làm sao có thể tự loại mình ra khỏi danh sách khách hàng tiêu thụ của các nhà cung cấp thịt được. Các nhà cung cấp thịt cũng không có lý do gì loại người có nhu cầu ăn thịt ra khỏi danh sách khách hàng tiêu thụ của họ được. Hành vi bắt bớ, giết thịt từ danh sách khách hàng tiêu thụ thịt mà có." (Pháp Không Chân Như)
***
Pháp Không Chân Như: Thánh chúng chân tử! Quý vị hiểu như thế nào về tam tịnh nhục mà Đức Thế Tôn đã dạy?
Quảng Pháp: Nam mô Phật. Con cũng chưa hiểu lắm vì con chưa đọc hoặc nghe Sư phụ nào giảng về điều này. Con chỉ hiểu nôm na là: Thịt con vật ta có thể ăn được nếu ta không nhìn thấy nó bị giết, không phải vì ta mà nó bị giết, không phải ta giết nó. Con chưa biết vậy có đúng không?  
Chân Như Tuệ Quang: Nam mô Phật.  Theo con tìm hiểu với người Khmer tu, họ bảo rằng tam tịnh nhục là ta được ăn con vật mà ta không thấy con vật bị giết để phục vụ cho thọ thực của ta, không nghe tiếng kêu của các con vật bị giết để phục vụ cho thọ thực của ta, không biết những con vật đó người khác giết để phục vụ cho thọ thực của ta. Nhưng theo sự hiểu của con thì ngoài ba cái không ở trên thì tâm ta khi thọ thực không sanh tâm hỉ lạc khi ăn thịt các con vật đó và luôn biết rằng ta ăn chỉ để duy trì sự sống không sanh tâm chấp trước vào thức ăn.
Chân Như Tuệ Không: Nam mô Phật. Con có đọc trên mạng về tam tịnh nhục. Mọi người nói rằng là việc chay tịnh, được thọ dụng ba thứ thịt thanh tịnh. Đó là không thấy, không nghe, không nghi (con vật vì mình mà bị giết). Riêng con thì không hiểu. Kính Sư phụ giảng cho chúng con được hiểu đúng. 
Chân Như Vô Ngại: Nam mô Phật. Con đọc thấy tam tịnh nhục là thứ thịt mà người tu được phép ăn. Đại ý là thứ thịt mà mình không thấy, không nghe và không nghi nó có nguồn gốc từ con vật bị giết vì để phục vụ cho mình. Con không rõ đó có phải là do Đức Phật thuyết không. Nhưng con thấy cũng có lý trong thời đi khất thực. Tuy nhiên, việc tu là việc giữ thân khẩu ý để phá bỏ tham, sân, si và chấp thủ cho nên con nghĩ Đức Phật dạy về pháp giữ tâm như thế nào khi ăn chứ không dạy ta chọn món ăn. Con hiểu có vậy thôi ạ. Xin Sư phụ giảng cho con được hiểu rõ.  
Pháp Không Chân Như: Chư vị đã đọc hoàn cảnh mà Thế Tôn thuyết về tam tịnh nhục chưa?
Quảng Pháp: Con chưa đọc, nghe điều này. Nam mô Phật.
Chân Như Tuệ Không: Con có đọc qua trên mạng một đoạn, nhưng con không biết đó có phải là lời Phật thuyết hay không.
Chân Như Vô Ngại: Thưa Sư phụ, con từng đọc qua nhưng không nhớ rõ. Đó là phẩm Jivaka trong kinh Trung Bộ.
Pháp Không Chân Như: Thánh chúng chân tử! Chúng ta không cần biết Luật tạng đó (Mahàvagga, VI, 31-2) ghi đúng hay sai, mà chúng ta chỉ cần biết rằng tu sĩ đã dựa vào Luật tạng đó để minh chứng cho việc Thế Tôn cho phép thọ dụng thịt trong ba trường hợp không thấy, không nghe, không nghi.
Theo Luật tạng (Mahàvagga, VI, 31-2), vị tướng Siha sau khi quy y Phật, có tổ chức lễ thọ trai mời Thế Tôn cùng tăng đoàn đến thọ dụng tại tư gia của Siha. Trong lễ thọ trai này, tướng Siha có dùng thịt để chế biến thức ăn thiết đãi. Do đó, các đạo sĩ Kỳ na giáo đã đồn rằng vì Thế Tôn mà Siha đã giết hại con vật, Thế Tôn tuy biết thế vẫn dùng các loại thịt được giết vì mình, được làm cho mình.
Theo Luật tạng này, Thế Tôn thuyết rằng: 
“Này Jivaka, những ai nói như sau: Vì Sa môn Gotama, họ giết hại các sinh vật. Và Sa môn Gotama tuy biết thế vẫn dùng các loại thịt được giết vì mình, được làm cho mình, những người ấy không nói chính lời của Ta, họ xuyên tạc Ta, không như chân, không như thật. Này Jivaka, Ta nói trong ba trường hợp, thịt không được thọ dụng: thấy, nghe và nghi. Này Jivaka, Ta nói trong ba trường hợp này, thịt không được thọ dụng. Này Jivaka, Ta nói trong ba trường hợp, thịt được thọ dụng: không thấy, không nghe và không nghi. Này Jivaka, Ta nói trong ba trường hợp này, thịt được thọ dụng”.
Sau khi tìm hiểu hoàn cảnh và đọc lời thuyết về tam tịnh nhục, chư vị nghĩ như thế nào về trước sự kiện này, Thế Tôn và tăng đoàn thọ dụng hằng ngày như thế nào?
Thánh Chúng chân tử hãy đọc lại đoạn sau đây:
"Này Jivaka, những ai nói như sau: Vì Sa môn Gotama, họ giết hại các sinh vật. Và Sa môn Gotama tuy biết thế vẫn dùng các loại thịt được giết vì mình, được làm cho mình, những người ấy không nói chính lời của Ta, họ xuyên tạc Ta, không như chân, không như thật."
Thánh chúng hãy đọc lại hoàn cảnh. Rồi sau đó lại đọc lại đoạn mà tôi vừa trích ra.
Qua tìm hiểu hoàn cảnh và đoạn mà tôi vừa trích thì chư vị hiểu như thế nào về Thế Tôn?
Thánh chúng chân tử! Thế Tôn nói: "Này Jivaka, những ai nói như sau: Vì Sa môn Gotama, họ giết hại các sinh vật. Và Sa môn Gotama tuy biết thế vẫn dùng các loại thịt được giết vì mình, được làm cho mình, những người ấy không nói chính lời của Ta, họ xuyên tạc Ta, không như chân, không như thật.". Vậy Thế Tôn có chủ ý ăn thịt chăng?
Quảng Pháp: Nam mô Phật. Bạch Sư phụ, con nghĩ là: Do thời Đức Phật tại thế, Ngài và các đệ tử thường đi khất thực hàng ngày. Vì vậy, để thuận tiện cho những người cúng dường thức ăn hàng ngày đó, nên Ngài cho phép các đệ tử được thọ Tam tịnh nhục như đã nói ở trên. Tức là người thọ dụng phải không thấy giết, không nghe giết và không nghi vì mình mà giết. 
Chân Như Tuệ Không: Thưa Sư phụ, Đức Thế Tôn không có chủ ý ăn thịt.
Pháp Không Chân Như: Đúng vậy! Thế Tôn không có chủ ý ăn thịt. Vì không có chủ ý ăn thịt nên Ngài mới nói "Này Jivaka, những ai nói như sau: Vì Sa môn Gotama, họ giết hại các sinh vật. Và Sa môn Gotama tuy biết thế vẫn dùng các loại thịt được giết vì mình, được làm cho mình, những người ấy không nói chính lời của Ta, họ xuyên tạc Ta, không như chân, không như thật.".
Vậy thì, Thánh chúng chân tử! Thế nào là có chủ ý ăn thịt? Một vị Tỳ kheo hoặc lựa chọn những nơi có thịt để khất thực, hoặc ở tại chùa, hoặc vị ấy, hoặc vị ấy cho phép Phật tử đi mua thịt để ăn, hoặc vị ấy bảo với mọi người rằng vị ấy có thể ăn thịt, nếu Phật tử có muốn cúng dường thịt thì cứ cúng dường. Tôi nói rằng, vị này có chủ ý ăn thịt. Và tôi nói rằng, việc làm của vị ấy trái với ý của Thế Tôn.
Thế nào là không có chủ ý ăn thịt? Thánh chúng chân tử! Một vị Tỳ kheo đi khất thực, vị ấy phải ăn đồ ăn được bố thí, không khen ngon chê dở hay khen món chay chê món thịt vì tấm lòng buông xả của thí chủ. Vị ấy không có chủ ý tìm nơi có thịt để được bố thí. Tất nhiên vị không có chủ ý tìm nơi có thịt để được bố thí thì cũng không đến nơi con vật đang bị giết để khất thực, cũng không thọ nhận thịt con vật được giết vì mục đích bố thí cho mình. Khi khất thực, vị ấy không tuyên bố tôi có thể ăn thịt. Ở chùa, vị ấy không yêu cầu mua thịt hoặc cho phép mua thịt. Vị ấy không tuyên bố rằng chư Phật tử có thể cúng dường thịt. Tôi nói rằng, vị ấy không có chủ ý ăn thịt. Và tôi nói rằng việc làm của vị ấy không trái ý Phật.
Quảng Pháp: Nam mô Phật. Bạch Sư phụ, con thấy đúng như vậy. 
Pháp Không Chân Như: Này Thánh Chúng Chân Tử! Thế Tôn giảng về tam tịnh nhục là để làm rõ cho trường hợp đạo sĩ Kỳ na đồn thổi không đúng sự thật rằng Thế Tôn có chủ ý ăn thịt. Qua đoạn giảng của Thế Tôn, ta thấy rất rõ rằng Thế Tôn không tuyên bố Thế Tôn có thể ăn thịt để Siha làm thịt con vật, Thế Tôn không bảo Siha làm thịt con vật, Thế Tôn không bảo Siha đi mua thịt, Thế Tôn không biết trước Siha mua thịt để thiết đãi. Khi Thế Tôn nhận bố thí, Thế Tôn dùng nó nhưng không có chủ ý trước đó muốn dùng thịt. Cho nên Thế Tôn nói:
“Này Jivaka, những ai nói như sau: Vì Sa môn Gotama, họ giết hại các sinh vật. Và Sa môn Gotama tuy biết thế vẫn dùng các loại thịt được giết vì mình, được làm cho mình, những người ấy không nói chính lời của Ta, họ xuyên tạc Ta, không như chân, không như thật. Này Jivaka, Ta nói trong ba trường hợp, thịt không được thọ dụng: thấy, nghe và nghi (vì mình mà giết). Này Jivaka, Ta nói trong ba trường hợp này, thịt không được thọ dụng. Này Jivaka, Ta nói trong ba trường hợp, thịt được thọ dụng: không thấy, không nghe và không nghi (vì mình mà giết). Này Jivaka, Ta nói trong ba trường hợp này, thịt được thọ dụng”.
Vì vậy, Thánh chúng chân tử! Nếu có kẻ lợi dụng đoạn thuyết này của Thế Tôn để nói rằng ta có thể ăn thịt trong ba trường hợp: Không thấy, không nghe, không nghi, thì kẻ ấy đang ngụy biện cho hành vi muốn ăn thịt của mình. Vì sao? Tam tịnh nhục chỉ dành cho sự giải thích chứ không phải dành cho sự tuyên bố. Tuyên bố là hành vi có chủ ý ăn thịt. Ăn thịt là một trường bất đắc dĩ của một tu sĩ, và hành vi bất đắc dĩ đó được giải thích bằng tam tịnh nhục. Đây chính là ý của Thế Tôn và tôi cũng có ý như vậy.
Ở trên, chúng ta đã dựa vào lời của Thế Tôn để chỉ ra việc nên ăn hay không nên ăn thịt. Sau đây, chúng ta hãy dựa vào lương tâm thực tại của một tu sĩ để chỉ ra việc nên ăn hay không nên ăn thịt.
Tôi muốn biết, ý của Thánh chúng thế nào về các đoạn mà tôi đã giảng ở trên?
Chân Như Vô Ngại: Những lời Sư phụ nói con đều thấy đúng. Duy có chỗ này, con có thắc mắc:
Thứ nhất, khi tướng Siha quy y Phật thì chắc hẳn phải thọ giới. Nhưng tại sao ông ta lại giết hại sinh vật; 
Thứ hai, con nghĩ Thế Tôn khi giáo hóa ai, khi làm điều gì thì đã đều biết nó sẽ xảy ra như thế nào. Điều này có đúng không? Nếu đúng thì tại sao lại nói không biết tướng Siha sẽ cúng dường thịt;
Thứ ba, giả sử có một người nghe kể về Đức Phật nên cũng mang đồ mặn đến cúng dường. Đức Phật có thể nhận. Nhưng sau lần đó các vị khác thấy vậy cũng đem đồ mặn đến cúng dường thì chẳng lẽ vẫn được phép sao? Xin Sư phụ giảng cho con. Nam mô Phật. 
Quảng Pháp: Con nghĩ Sư phụ giảng như trên là đúng ý của Phật về Tam tịnh nhục. Nam mô Phật. 
Chân Như Tuệ Không: Nam mô Phật. Thưa Sư phụ, có điều này con chưa hiểu. Không có chủ ý ăn thịt trước đó nhưng khi được cúng dường, biết là thịt thì có thể không ăn được không?
Chân Như Bồ Đề: Nam Mô Phật! Con không có ý kiến gì về các đoạn mà Sư Phụ đã giảng ở trên. Con chỉ hiểu: "Ăn thịt là một trường bất đắc dĩ của một tu sĩ, và hành vi bất đắc dĩ đó được giải thích bằng tam tịnh nhục.".
Theo con, dựa vào lương tâm của một người tu sĩ, ta không nên ăn thịt. Con thấy việc nên hay không nên là do tâm sinh. Chúng ta biết mỗi chúng sinh đều có sinh mạng, khi học Phật Pháp thì biết mỗi sinh mạng là như nhau. Khi là một tu sĩ, nếu con quyết định ăn thịt thì giống như con đang quyết định sẽ ăn thịt người vậy. Quá dã man khi ăn xác các con vật nhưng có thể là xác con người. Chưa nói đến việc những con vật mà ta ăn có thể là người thân của ta từ vô thỉ đến nay. Bản thân con chỉ cảm thấy là không nên ăn thịt. Mong Sư Phụ chỉ dạy thêm.
Nguyện Như Ý: Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Thưa Sư Phụ, theo con nghĩ thì "tam tịnh nhục" có ba lời nhắc:
Một là "kẻ ấy đang ngụy biện cho hành vi muốn ăn thịt của mình";
Hai là ăn thịt có chủ ý là hành vi sát sanh;
Ba là đã ăn thịt vào người thì tâm sinh lý ít nhiều sẽ bị tác động.
Chân Như Tuệ Quang: Thưa Sư phụ, theo con, một người tu sĩ thì không nên có chủ ý ăn thịt. Khi ta có chủ ý ăn thịt tức là ta ăn một phần thân thể hoặc cả thân thể của chúng sinh. Vì thế ta sẽ suy giảm tâm từ bi hoặc làm cho tâm từ bi chậm tăng trưởng. Khi ta nói ta thương xót chúng sinh mà ta ăn thịt chúng sinh một cách có chủ ý thì làm cho người khác nghi ngờ vào hành vi của ta không có tâm từ bi. Ngoại trừ không có sự lựa chọn nào khác, khi thọ dụng, ta không sinh tâm hoan hỉ khen ngon. Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. 
Chân Như Tuệ Không: Nam mô Phật. Bạch Sư phụ, lâu nay con nghe Phật cho phép thọ dụng thức ăn mặn trong trường hợp không thấy, không nghe, không nghi (con vật vì mình mà bị giết). Nên con có mất lòng tin, và có mối nghi. Vì với con, Phật có tấm lòng Từ Bi vô lượng, Phật thương chúng sinh vô bờ. Nên Phật sẽ không có chủ ý ăn thịt, hoặc chủ ý cho phép đệ tử ăn thịt.
Nay được Sư phụ giảng rõ nên con đã hiểu. Hiện nay, thực phẩm thực vật rất đa dạng và phong phú đảm bảo đủ dinh dưỡng. Tu sĩ đang đi theo con đường của Phật, học và hành theo lời Phật dạy. Vì vậy tu sĩ không nên ăn thịt dù là không có chủ ý ăn thịt. Con có suy nghĩ như vậy, có lời nào sai sót xin Sư phụ, các huynh muội hoan hỉ chỉ dạy. 
Pháp Không Chân Như: Chân Như Vô Ngại! Khi tướng Siha quy y Phật thì chắc hẳn phải thọ giới. Tuy nhiên tướng Siha chắc chắn là một nam cư sĩ tại gia vì vị ấy vẫn làm tướng. Một cư sĩ tại gia không bắt buộc phải ăn chay mà tùy tâm, tùy cảnh mà dùng.
Nói rằng tướng Siha biết Phật không có chủ ý ăn thịt chúng sinh như vậy thì tại sao vị ấy lại cúng dường thịt cho Thế Tôn và tăng đoàn? Chân Như Vô Ngại! Trước hết phải hiểu rằng, Thế Tôn và tăng đoàn không có chủ ý ăn thịt chúng sinh. Chính vì lẽ đó, Thế Tôn và tăng đoàn có dùng thịt do thí chủ cúng dường thì cũng không mắc phải bất cứ nghiệp chướng nào. Vì nội nghiệp ác và ngoại nghiệp ác đều chẳng sanh đối với Thế Tôn và tăng đoàn khi thọ dụng thực phẩm cúng dường của thí chủ. Về phía tướng Siha, cũng vì lẽ đó, nếu tướng Siha cúng dường thịt cho Thế Tôn và tăng đoàn cũng không mắc tội bất kính, cũng không thể gây nghiệp bất thiện đối với Thế Tôn và tăng đoàn. Chúng ta vẫn hiểu được rằng, ở góc độ là một cư sĩ tại gia mà không ăn chay trường thì việc sử dụng thịt cũng không phải là vấn đề phải bị chê trách. Với một người Phật tử như vậy cũng hiểu được rằng việc mua thịt ít nghiệp chướng hơn là những người trực tiếp làm cho chúng sinh bị khổ đau thân xác hoặc bị chết. Cho nên tướng Siha mua thịt ngoài chợ là một việc hợp lẽ đối với một cư sĩ tại gia không ăn chay trường và không mắc tội bất kính đối với Thế Tôn và tăng đoàn khi vị ấy cúng dường thịt đó. Và Thế Tôn và tăng đoàn cũng không bị bất cứ nghiệp chướng nào từ việc dùng thịt do thí chủ cúng dường như trường hợp này.
Chân Như Vô Ngại! Đối với Thế Tôn và tăng đoàn, vì không có chủ ý ăn thịt chúng sinh nên việc thọ dụng thực phẩm do thí chủ cúng dường thì không có tâm tìm hiểu nguồn gốc của thực phẩm đó mà chỉ có tâm nhận lấy và thọ dụng để thí chủ được sanh tâm buông xả. Mục tiêu chính mà hành giả khất thực chính là làm cho tâm hỉ xả của thí chủ được tăng trưởng. Vì vậy, hành giả không thể chê bỏ thức ăn mà thí chủ thành tâm cúng dường được. Chính vì không có tâm tìm hiểu nên Thế Tôn và tăng đoàn không cần phải biết tướng Siha cúng dường món gì, mà chỉ biết rằng tướng Siha có tâm cúng dường nên Thế Tôn và tăng đoàn không nhập định để tìm hiểu về thức ăn sẽ được thọ dụng tại nhà của tướng Siha. Chân Như Vô Ngại nên biết, đối với Thế Tôn hay bất cứ ai đang mang thân phàm, muốn biết trước việc gì hay biết về việc gì đã xảy ra ở quá khứ lâu xa, hoặc nơi xa xăm hiện tại hoặc việc trong tương lai thì phải nhập định dù ngắn hay dài. Vậy nên Thế Tôn và tăng đoàn không biết trước Siha sẽ cúng dường thịt.
Với Thế Tôn và tăng đoàn thì không có chủ ý ăn thịt mà chỉ một lòng giúp cho thí chủ tăng trưởng tâm hỉ xả nên luôn sẵn lòng thọ dụng thực phẩm mà thí chủ thành tâm cúng dường. Đối với một thí chủ thành tâm thì thí chủ ấy có thức ăn nào mà mình đang dùng sẽ cúng dường thức ăn đó. Đối với thí chủ quan tâm sâu sắc hơn về việc ăn thịt chúng sinh thì họ sẽ tự lựa chọn thức ăn chay để cúng dường nếu có thể và thuận tiện. Đối với một kẻ phát tâm bất chính, cố ý cúng dường thịt để mong làm hại Thế Tôn và tăng đoàn thì kẻ nhận lấy hậu quả nghiệp bất thiện chính là kẻ sanh tâm bất thiện kia chứ không phải là Thế Tôn và tăng đoàn. Vì Thế Tôn và tăng đoàn không có chủ ý ăn thịt nên không có bất cứ nghiệp bất thiện nào sanh ra từ việc thọ dụng thức ăn cúng dường của thí chủ.
Chân Như Tuệ Không! Khi thí chủ cúng dường thịt và lúc ấy hành giả biết đó là thịt thì hành giả vẫn phải dùng. Vì nếu hành giả không dùng thì thí chủ có thể bị sanh tâm ưu sầu vì nghĩ rằng hành giả chê thức ăn mà thí chủ đã thành tâm cúng dường. Tuy nhiên, vào một dịp khác phù hợp, hành giả phải nên giảng cho họ hiểu biết về những hậu quả không tốt do có chủ ý ăn thịt.
Chân Như Tuệ Không: Nam mô Phật. Thưa Sư phụ, con hiểu rồi, cảm ơn Sư phụ!
Chân Như Vô Ngại: Con đã hiểu rồi, cảm ơn Sư phụ. Nam mô Phật. 
Pháp Không Chân Như: Thế nào là những hậu quả không tốt do có chủ ý ăn thịt? Thánh chúng chân tử!
Hiện nay, việc bắt bớ, giết thịt để cung cấp cho thị trường là cung cấp cho những người có chủ ý ăn thịt. Người có chủ ý ăn thịt không thể loại mình ra khỏi danh sách khách hàng tiêu thụ của các nhà cung cấp thịt. Những nhà cung cấp thịt không có lý do gì phải loại trừ những người có chủ ý ăn thịt ra khỏi danh sách khách hàng tiêu thụ của mình. Nhu cầu của thị trường thịt không loại trừ những người có nhu cầu ăn thịt, bất kể người đó là ai. Vậy nên, người có chủ ý ăn thịt là nguyên nhân tạo ra chúng sinh bị bắt bớ và bị giết thịt. Người có chủ ý ăn thịt không thể loại trừ mình ra khỏi nguyên nhân gây ra chúng sinh bị bắt bớ và bị giết thịt. Một xã hội có hàng triệu người có chủ ý ăn thịt thì chúng sinh bị bắt bớ, bị giết thịt phải nhiều hơn một xã hội chỉ có vài người hoặc không có người nào có chủ ý ăn thịt. Không thể nói một cách phủ nhận hành vi của mình rằng có chủ ý ăn thịt không là nguyên nhân làm cho chúng sinh bị bắt bớ, bị giết hại nhiều hơn. Cho nên, người có chủ ý ăn thịt là tác nhân gây ra chúng sinh bị giết thịt cho dù người đó không trực tiếp giết thịt, không trực tiếp mua thịt, không trực tiếp gia công chế biến thịt.
Đối với một hành giả thì nhất thiết phải tu tâm từ bi cho dù tu theo kinh được truyền thừa từ phương nào. Đã là người thực hành tâm từ bi thì nhất thiết phải coi trọng sự an vui, sự bình an, sự sống và sinh mạng của chúng sinh. Là người coi trọng sự an vui, sự bình an, sự sống và sinh mạng của chúng sinh thì không thể là tác nhân gây ra chúng sinh bị bắt bớ và bị giết thịt. Cho nên, Thánh chúng chân tử, đã là hành giả tu theo Phật thì phải lấy tâm không có chủ ý ăn thịt chúng sinh làm giới luật, làm Sư phụ trên lộ trình tu hành của mình.
Thánh chúng chân tử! Nếu ta là người có chủ ý ăn thịt, ta mua, hoặc nhờ người khác mua, hoặc nhờ người khác gia công chế biến thịt, hoặc ta có nhu cầu ăn thịt thì không thể tránh khỏi sự báo oán của chúng sinh bị giết thịt hoặc những chúng sinh có liên quan đến chúng sinh bị giết thịt. Hậu quả của sự báo oán này là bệnh tật, là tai nạn, là thiên tai, là chiến tranh, là gây gổ, là đánh nhau, là chia ly, là những cản trở trong cuộc sống, là những bất lợi trong cuộc sống, là oan gia trái chủ,... Nếu ta là người có chủ ý ăn thịt, ta mua, hoặc nhờ người khác mua, hoặc nhờ người khác gia công chế biến thịt, hoặc ta có nhu cầu ăn thịt thì chính ta là một tác nhân gây ra chúng sinh bị bắt bớ và bị giết hại. Nghĩa rằng, chính ta thiếu từ bi đối với chúng sinh.
Nếu ta có chủ ý ăn thịt, ta trực tiếp bắt bớ và giết thịt thì ta phải chịu sự báo oán và chính ta tăng trưởng tâm sát hại.
Trong luân hồi sanh tử từ vô lượng kiếp đến nay, chúng sinh vì ta mà bị bắt bớ, bị giết thịt có thể là thân bằng quyến thuộc của ta từ những kiếp trước hoặc sau đó.
Thánh chúng chân tử! Có người cho rằng ta có chủ ý ăn thịt thì việc ấy là vì ta là con người. Ta không ăn thịt thì ta cũng đã sát hại vô số chúng sinh hoặc có vô số chúng sinh vì ta mà chết. Nói như vậy là không biết hậu quả của hành vi có chủ ý ăn thịt. Và cũng không biết rằng, tuy hằng ngày ta đã sát hại vô số chúng sinh hoặc có vô số chúng sinh vì ta mà chết, nhưng ta là người tu hành thì giảm bớt hành vi bất thiện là việc mà chư Phật khuyên làm. Hằng ngày ta sám hối rằng ta tạo nghiệp chướng sâu dày từ vô thỉ đến nay, ngay hiện tại trên bước chân ta đây, nguyện xa lánh bất cứ việc ác, làm từng hạnh lành thì không lý do gì ta lại cho rằng hành vi giảm bớt sự thiệt mạng của chúng sinh thì không nên làm chăng.
Thánh chúng chân tử! Có người cho rằng ta có nhu cầu ăn thịt nhưng ta không thấy, ta không nghe, ta không nghi. Người này thật dối trá. Người ăn thịt biết thịt. Biết thịt thì tại sao lại không biết rằng do nhu cầu ăn thịt của mình mà chúng sinh vì ta mà chết. Người có nhu cầu ăn thịt làm sao có thể tự loại mình ra khỏi danh sách khách hàng tiêu thụ của các nhà cung cấp thịt được. Các nhà cung cấp thịt cũng không có lý do gì loại người có nhu cầu ăn thịt ra khỏi danh sách khách hàng tiêu thụ của họ được. Hành vi bắt bớ, giết thịt từ danh sách khách hàng tiêu thụ thịt mà có.
Lại nữa, Thánh chúng chân tử! Có người cho rằng ta ăn thịt nhưng tâm ta xem đó là những món chay. Người này cũng thật dối trá. Nếu tâm xem đó là những món chay tức là chỉ muốn ăn chay. Chỉ muốn ăn chay sao còn có nhu cầu ăn thịt rồi xem đó là món chay được.
Có người cho rằng ta ăn thịt nhưng tâm ta không có phân biệt đó là thịt hay là chay, mọi thứ như nhau. Người này cũng thật dối trá. Thánh chúng chân tử! Chỉ có bậc A-La-Hán trở lên mới có tâm như vậy. Là một kẻ đang tu hành để được quả A-La-Hán thì chớ nên phát biểu như thế.
Thánh chúng chân tử! Là hành giả tu theo Phật phải biết thực hành không có chủ ý ăn thịt, phải coi trọng sự an vui, sự bình an, sự sống và sinh mạng của chúng sinh, tu tâm từ bi, lấy đó làm giới luật, làm Sư phụ trên lộ trình tu hành của mình. Một kẻ có tu đạt được chút ít trí huệ, thần thông quảng đại mà tâm từ bi yếu kém, gây oán thù khắp nơi thì chẳng bao giờ đạt được trí huệ viên mãn, tâm từ bi viên mãn.
Chân Như Vô Ngại: Thưa Sư phụ, đến nay con mới tháo gỡ được suy nghĩ của con về phần ngoại nghiệp mà con thắc mắc trong bài “Pháp tu không sát sanh”. Đó là “tại sao người không có chủ ý ăn thịt chúng sanh mà đi mua thịt hộ thì lại không mắc ngoại nghiệp sát sanh”. Những lời giảng dạy của Sư phụ thật sâu sắc. Con xin ghi nhớ. Nam mô Phật. 
Pháp Không Chân Như: Thánh chúng chân tử khác có ý kiến gì không?
Chân Như Bồ Đề: Nam Mô Phật. Con không có ý kiến nhưng con có một vấn đề muốn hỏi thêm. Hiện nay, vì nhu cầu mà việc chế biến các món chay cũng trở nên phong phú. Nhưng có một vấn đề là mọi người hay dùng tên món mặn để đặt cho các món chay như thịt kho, cá lóc kho, vịt tiềm, hột vịt lộn, sườn non,... Hình dáng của các món ăn cũng được tạo giống với món mặn. Tuy chất liệu được làm từ đậu nành, bột,... Con muốn hỏi việc đặt tên như vậy có phải đã phạm vào nghiệp thân, khẩu, ý không? 
Pháp Không Chân Như: Các thợ nấu chủ yếu phục vụ cho cư sĩ tại gia và người phát nguyện ăn chay theo định kỳ nên họ chế biến vậy cho vui mắt khách hàng. Rồi từ cái thói quen đó mà món ăn đó xuất hiện khắp nơi. Không có gì phải quan tâm. Đặt tên món ăn như vậy không phạm vào nghiệp thân, khẩu, ý. Nghiệp, thân, khẩu ý có phạm hay không là từ tâm của từng người có tưởng muốn món mặn hay không.
Chân Như Bồ Đề: Nam Mô Phật! Con đã hiểu, cảm ơn Sư phụ.
(Kết tập: Hoàng Lạc)

Không có nhận xét nào: