Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2022

(13) Phẩm thứ hai: PHẬT TIẾP XÚC MỌI VỊ TRÍ TRONG VŨ TRỤ.

Pháp Không Chân Như: Thế nào là tiếp xúc mọi vị trí trong Vũ Trụ? Nhat Phu Ho! Mỗi chúng sinh đều có Phật tánh. Mỗi Phật tánh trùm khắp Vũ Trụ. Phật tánh là một thể tánh đầy đặn, nội tại liên tục, chẳng có chỗ trống không. Thể tánh này đồng nhất với Vũ Trụ.
Ví như một quả cầu thủy tinh trong suốt, được đặt trong ánh sáng màu xanh. Giả định rằng toàn thể ánh sáng hiện hữu trong quả cầu thủy tinh là một thể ánh sáng thì thể ánh sáng này trùm khắp quả cầu thủy tinh. Còn ánh sáng của cái thể ánh sáng này thì xuyên thấu, tiếp xúc mọi vị trí trong quả cầu thủy tinh đó. Quả cầu thủy tinh dụ cho Vũ Trụ, cái thể ánh sáng dụ cho Phật tánh, ánh sáng dụ cho trường nội tại của Phật tánh.
Nhat Phu Ho: A Di Đà Phật. Chỗ này hơi khó liễu nghĩa. Thầy thông cảm nói sâu một chút dùm con ạ. Và Thầy có thể giảng thêm ra Phật Tánh là gì không ạ. Tại sao gọi nó là bao trùm Vũ Trụ.
Pháp Không Chân Như: Nhat Phu Ho! Ví như đem một viên bi sắt nung trong lửa cho đến khi viên bi nóng toàn bộ. Khi đó, viên bi này có nhiệt độ cao. Cái thể nhiệt đang trùm khắp viên bi. Bất cứ vị trí nào trong viên bi cũng có nhiệt. Nghĩa là nhiệt tiếp xúc, xuyên thấu mọi vị trí trong viên bi, còn cái thể nhiệt thì trùm khắp viên bi. Viên bi dụ cho Vũ Trụ, cái thể nhiệt dụ cho Phật tánh, nhiệt dụ cho trường nội tại của Phật tánh.
Tôi không nói Phật tánh bao trùm Vũ Trụ. Tôi nói Phật tánh trùm khắp Vũ Trụ. Bao trùm là một thể trống rỗng. Trùm khắp chỉ cho một thể đầy đặn, không có chỗ trống không. Thể tánh này đồng nhất với (to bằng) Vũ Trụ nên gọi là trùm khắp Vũ Trụ.
Nhat Phu Ho: Vậy thì thế nào là Phật Tánh. Làm sao biết Phật Tánh trùm hết Vũ Trụ ạ, thưa Thầy?
Pháp Không Chân Như: Nhat Phu Ho! Phật tánh là bản thể rốt ráo của mỗi chúng sinh, là cái thường hằng, bất biến của mỗi chúng sinh. Gọi là bản thể hữu tình, cũng là bản thể Phật. Còn làm sao biết thì phải tu.
Nhat Phu Ho! Tôi sẽ dùng ví dụ này để ông hiểu thế nào là cái thể, thế nào là trường nội tại của cái thể đó.
Ông đem một ly nước bỏ vào trong ngăn đá của tủ lạnh. Chờ đến khi nước trong ly đã đông thành đá. Thì cái cục nước đá đó gọi là một cái thể, còn nước của cục đá thì gọi là trường nội tại của cục đá đó. Ông có hiểu được không? Nếu không thì tôi ví dụ tiếp.
Nhat Phu Ho! Tôi cần ông hiểu rõ những gì tôi đã giảng bày để có thể lãnh hội được những gì tôi sẽ nói về sau. Vậy nên, không cần phải vội. Ông cứ hỏi để hiểu đúng và hiểu rõ. Và ông cần phải quán chiếu để thấu triệt được nó. Như vậy mới có lợi ích cho ông.
Nhat Phu Ho: A Di Đà Phật. Con người là một thể. Trường nội tại là nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý,… Như vậy có đúng không Thầy?
Pháp Không Chân Như: Nếu không kể Phật tánh thì hiểu như Nhat Phu Ho là đúng. Tuy nhiên đối tượng này dùng để hiểu trường nội tại thì khó hình dung được cái vi diệu của thật tướng.
Hãy nhìn vào quả cầu thủy tinh màu tím. Cái quả cầu được gọi là một thể, một vật, thì chất liệu thủy tinh tạo nên quả cầu được gọi là trường nội tại của quả cầu.
Ví như cái cục màu tím mà Nhat Phu Ho nhìn thấy gọi là thể thì màu tím là trường nội tại tạo nên cục màu tím.
Nhat Phu Ho: À, vâng. Một chai đựng nước là một thể. Trường nội tại là nước đựng trong chai.
Pháp Không Chân Như: Đúng vậy nhưng không bao gồm cái chai, Nhat Phu Ho.
Nhat Phu Ho:  À, tức là nói là một thể thì không thể tách rời.
Pháp Không Chân Như: Như thế này Nhat Phu Ho! Nếu nói chai nước là một thể thì nước chưa phải là trường nội tại của chai nước đó, mà trường nội tại của chai nước đó phải bao gồm cả nước lẫn thủy tinh của cái chai. Khi ông nói toàn bộ nước với hình dạng trong chai là một thể thì khi đó nước là trường nội tại của cái thể nước giống cái chai.
Nhat Phu Ho: À, con hiểu rồi. Xin mời Thầy giảng tiếp ạ.
Pháp Không Chân Như: Nhat Phu Ho! Bây giờ ông hãy nhìn kỹ quả cầu thủy tinh màu tím. Ông nhìn thấy cục màu tím hình quả cầu, cũng thấy quả cầu thủy tinh. Màu tím có mặt ở mọi vị trí trong quả cầu thủy tinh. Màu tím là thứ tạo nên cục màu tím. Nghĩa là trường nội tại của cục màu tím là màu tím. Màu tím tiếp xúc, có mặt, xuyên thấu mọi vị trí trong quả cầu thủy tinh.
Ví quả cầu thủy tinh là Vũ Trụ, chất thủy tinh là vật chất, không gian trong Vũ Trụ, thì cục màu tím được ví như Phật tánh, màu tím ví như trường nội tại của Phật tánh. Cục màu tím thì trùm khắp quả cầu thủy tinh. Cũng như vậy, Phật tánh thì trùm khắp Vụ Trụ. Cục màu tím thì đồng nhất (nói thô lỗ là to bằng nhau) với quả cầu thủy tinh. Cũng như vậy, Phật tánh thì đồng nhất với Vũ Trụ. Màu tím thì có mặt, tiếp xúc, xuyên thấu mọi vị trí trong quả cầu thủy tinh. Cũng như vậy, trường nội tại của Phật tánh thì có mặt, tiếp xúc, xuyên thấu mọi vị trí trong Vũ Trụ kể cả trong vật chất và không gian,...
Nhat Phu Ho: A Di Đà Phật. Dạ mời Thầy giảng tiếp ạ.
Pháp Không Chân Như: Nhat Phu Ho đã hiểu rõ chưa.
Nhat Phu Ho: Dạ, tàm tạm Thầy ơi.
Pháp Không Chân Như: Món thứ hai vừa rồi là tôi đã giảng về bản thể Phật, Phật tánh của chúng sinh, của ông. Ông phải quán chiếu cho kỹ để hiểu, Nhat Phu Ho.
Nhat Phu Ho: Dạ, con đang quán. Phần này mà không hiểu kỹ thì phần sau chắc không hiểu nổi quá.
Pháp Không Chân Như: Đúng vậy, Nhat Phu Ho. Vì Phật tánh thì giản đơn hơn nhiều so với bản thể vật chất và các tánh của bản thể vật chất. Chính nó đã gây ra sự sai biệt làm cho chúng sanh mê lầm. Khi nào cần thì ông cứ nói, tôi sẽ dùng nhiều phương tiện để cho ông hiểu.
Nhat Phu Ho: Vâng, Thầy cho con một đêm để nghiệm lại hai món trên.
Chân Như Tuệ Không: Nam mô Phật. Con xin phép Thầy, cho con hỏi. Màu tím là trường nội tại của cục màu tím. Vậy trường nội tại của quả cầu thủy tinh là chất thủy tinh đúng không ạ?
Pháp Không Chân Như: Đúng vậy, Chân Như Tuệ Không.
Chân Như Tuệ Không: Nam mô Phật. Thưa Thầy, con xin hỏi thêm. Vậy quả cầu thủy tinh là quả cầu thủy tinh, cục màu tím là cục màu tím. Hai thứ chứ chẳng phải là một thứ. Nhưng cục màu tím và quả cầu thủy tinh là đồng nhất thể. Vậy trường nội tại của quả cầu thủy tinh có bao gồm màu tím luôn không ạ?
Pháp Không Chân Như: Chân Như Tuệ Không! Đồng nhất với nhau chứ không phải đồng nhất thể. Đừng có nghĩ chúng nhập thành một. Nếu đem quả cầu thủy tinh đặt trong bóng tối thì quả cầu thủy tinh không có màu tím. Vậy chẳng thể nói trường nội tại của quả cầu thủy tinh bao gồm màu tím. Ở đây ta đang hướng sự hiểu cho hai thực thể khác nhau.
Chân Như Tuệ Không: Nam mô Phật. Dạ, con hiểu rồi ạ! Con xin cảm ơn Thầy!
Pháp Không Chân Như: Nhat Phu Ho! Khi nào đã hiểu rõ các món đã giảng thì hãy cho tôi biết để giảng tiếp các món còn lại. Trong quá trình liễu nghĩa các đoạn pháp của tôi, chỗ nào cần dùng thêm phương tiện để định hướng liễu nghĩa thì cứ hỏi. Nam mô Phật.
Nhat Phu Ho: A Di Đà Phật. Dạ con xin mời Thầy giảng tiếp ạ.
(Kết tập: Hoàng Lạc)

Không có nhận xét nào: