Thứ Hai, 31 tháng 1, 2022

TÌM HIỂU TRIẾT LÝ BÁNH DÀY, BÁNH CHƯNG

Khi nói về Vũ trụ không chỉ nói đến vật chất mà còn phải nói đến Tánh Linh. Từ Vũ trụ trong tiếng Việt được vay mượn từ tiếng Hán 宇宙. Vũ (宇) trong vũ trụ (宇宙) có nghĩa là không gian, còn trụ (宙) có nghĩa là thời gian. Vũ trụ nghĩa mặt chữ là không gian và thời gian. Không gian là thuộc tính của vật chất. Thời gian là thuộc tính của Tánh linh. Vũ trụ bao gồm vật chất và Tánh linh.
1. Sự tích 
"Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu"
(Bình Ngô Đại Cáo).
Với hơn 2622 năm từ thời lập quốc, dưới sự trị vì của các Vua Hùng, tộc Việt đã tạo dựng nên một nền văn hóa với danh xưng văn hiến. Tộc Việt, một dân tộc duy nhất trong lịch sử nhân loại, sử dụng thực phẩm làm biểu tượng văn hóa của mình còn lưu truyền đến ngày nay. Đó chính là cặp bánh dày, bánh chưng.
Trước khi tìm hiểu hai di sản thiêng liêng, trong văn hóa truyền thống của tộc Việt là cặp bánh dày, bánh chưng, chúng ta hãy đọc trong Lĩnh Nam Chích Quái: 
"Vua Hùng sau khi phá xong giặc Ân rồi, trong nước thái bình, nên lo việc truyền ngôi cho con, mới hội họp hai mươi hai vị quan lang công tử lại mà bảo rằng: “Đứa nào làm vừa lòng ta, cuối năm đem trân cam mỹ vị đến dâng cúng Tiên Vương cho tròn đạo hiếu thì ta sẽ truyền ngôi cho”.
Các công tử đua nhau đi tìm các vị trân kỳ, hoặc săn bắn, chài lưới, hoặc đổi chác, đều là của ngon vật lạ, nhiều không biết bao nhiêu mà kể. Duy có công tử thứ mười tám tên là Lang Liêu, mẹ hàn vi, đã bị bệnh qua đời rồi, trong nhà lại ít người nên khó bề toan tính, ngày đêm lo lắng, ăn ngủ không yên. Chợt nằm mơ thấy thần nhân bảo rằng: “Trong trời đất không có vật gì quý bằng gạo, vì gạo là vật để nuôi dân khỏe mạnh, ăn mãi không chán, không có vật gì hơn được. Nếu giã gạo nếp gói thành hình tròn để tượng trưng cho Trời, hoặc lấy lá gói thành hình vuông để tượng trưng cho Đất, ở trong làm nhân ngon, bắt chước hình trạng trời đất bao hàm vạn vật, ngụ ý công ơn dưỡng dục của cha mẹ, như thế thì lòng cha sẽ vui, nhà ngươi chắc được ngôi quý”.
Lang Liêu giật mình tỉnh dậy, vui mừng nghĩ rằng “Thần minh giúp ta, ta nên bắt chước theo mà làm”. Lang Liêu bèn lựa nếp hạt trắng tinh, không sứt mẻ, đem vo cho sạch, rồi lấy lá xanh gói thành hình vuông, bỏ nhân ngon vào giữa, đem nấu chín tượng trưng cho Đất, gọi là bánh chưng. Lại lấy nếp nấu xôi đem quết cho nhuyễn, nhào thành hình tròn để tượng trưng cho Trời, gọi là bánh dày.
Đúng kỳ hẹn, Vua hội họp các con lại trưng bày phẩm vật. Các con đem dâng không thiếu thứ gì, duy chỉ có Lang Liêu đem bánh hình tròn, bánh hình vuông đến dâng. Hùng Vương lấy làm lạ hỏi Lang Liêu, Lang Liêu trình bày như lời thần nhân đã bảo. Vua nếm thử thì thấy vị ngon vừa miệng ăn không chán, phẩm vật của các công tử khác không làm sao hơn được. Vua khen ngợi hồi lâu, rồi cho Lang Liêu được giải nhất. Vua dùng thứ bánh ấy để cung phụng cha mẹ trong các dịp lễ tết cuối năm. Thiên hạ mọi người đều bắt chước theo. Tục này còn truyền cho đến bây giờ. Lấy tên là bánh Lang Liêu và gọi là Tiết Liệu (節料) [hết trích].
(Nguyễn Hữu Vinh dịch)
2. Ý nghĩa
Bánh dày hình tròn (hình 1) không có góc cạnh, hình khối cụ thể, không có nhân, trùm khắp Vũ trụ thuộc Dương, tượng trưng cho thời gian, cho Trời (Thiên), cho Tánh linh (Chân Tâm). Trong ngôn ngữ Việt có từ Thiên Hạ. Thiên Hạ là Chân Tâm từ Trời hạ xuống trần gian.



Bánh Chưng hình vuông (hình 2), có góc cạnh, hình khối cụ thể, có không gian (bốn phương), có tâm (nhân), thuộc Âm, tượng trưng cho đất, cho vật chất.
Cấu trúc chiếc Bánh Chưng gồm: (1) Thịt lợn hồng (đỏ) ở giữa, (2) đậu xanh (vàng) bọc ngoài, (3) Gạo Nếp trắng, (4) luộc bánh (dụng Thủy), tạo một màu xanh lục bên ngoài, (5) Lá dong bọc bên ngoài bánh.



Trên cơ sở thành phần cấu trúc của bánh chưng, đối chiếu với nguyên lý Ngũ Hành tương sinh (hình 3) như sau:
1. Thịt heo - thịt nạc màu hồng (đỏ), thuộc Hỏa.
2. Hỏa sinh Thổ, Vàng - đậu xanh.
3. Thổ sinh Kim, Gạo nếp Trắng.
4. Kim sinh Thủy, Diệp lục tố (hình thành khi luộc bánh) - tức màu xanh bên ngoài bánh chưng.
5. Thủy sinh Mộc, Lá dong bọc bên ngoài bánh.
Đây là chiều Ngũ Hành tương sinh. Ngũ hành tương sinh là sự vận động phát triển của vật chất.

3. Tấm bánh chưng tộc Việt
Tấm bánh chưng tộc Việt phải là 4 sợi Lạc (Lạt) màu Hồng (Con Lạc, cháu Hồng) buộc theo đúng hình Cửu Cung Hà Đồ (hình 4) với nội dung Ngũ Hành Tương sinh: mang lại sự sung túc cho con người và xã hội.



Khi cắt bánh chưng tộc Việt, tổ tiên ta dùng những sợi Lạt (Lạc) cắt làm tám miếng như hình dưới (hình 5): Bốn phương, Tám hướng, mô tả các chiều không gian.



Cặp bánh dày, bánh chưng được lưu truyền từ cuối thời Hùng Vương Thứ VI cách nay đã 3500 năm nhưng còn lưu giữ đến giờ, cho thấy sự thiêng liêng và huyền vĩ của linh vật truyền thống này.
Do không hiểu bản chất nội hàm của cặp bánh dày, bánh chưng người ta đã tự chế ra nhiều loại bánh khác nhau để thỏa mãn cho sự ngon miệng và đẹp mắt, không còn là một biểu tượng huyền vĩ và thiêng liêng của nền văn hiến Việt trong ngày lễ đầu năm.
4. Kết
Có quá nhiều của ngon vật lạ dự cuộc thi vào cuối thời Hùng Vương thứ VI. Nhưng vượt qua tất cả các món ngon vật lạ đó, cặp bánh dày, bánh chưng được chấm giải nhất chính vì nội hàm biểu tượng sự huyền vĩ của nó. Cuộc sống con người đâu chỉ là ăn. Nó còn một sự thiêng liêng khác: Đó chính là trí tuệ và nhận thức về Vũ trụ trong mối quan hệ tương tác giữa con người và thiên nhiên.
Hoàng Lạc
Ảnh: Internet

Không có nhận xét nào: