Chủ Nhật, 30 tháng 1, 2022

NỒI BÁNH CHƯNG NGÀY TẾT!

Ai cũng bảo: văn hoá Việt là văn hoá lúa nước. Nhưng có người cho rằng ít thấy vết tích văn hoá này trong đời sống ngày nay. Cứ nói bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc mà sao tìm mãi không ra! Đình chùa toàn chữ nho, Văn Miếu thờ Khổng Tử, dân Việt mặc quần áo Tây,...

Nhận xét trên có phần đúng, nhưng chưa đủ. Văn hoá vật thể thì có thể nhìn thấy ngay; còn văn hoá phi vật thể nằm trong tiềm thức, tâm linh dân tộc, kín đáo, sâu sắc, khó nhận. Văn hoá Việt dễ nhìn thấy, điển hình nhất là việc thờ cúng tổ tiên, thờ Thành hoàng làng, hát chèo sân đình, hát quan họ,... đặc biệt là nồi bánh chưng [tét] ngày tết.

Nồi bánh chưng ngày tết là đặc sản chính hiệu của văn hoá Việt hàng nghìn năm nay. Tết đến, người Việt dù giàu hay nghèo dù trong nước hay ở ngoài nước đều không thể thiếu tấm bánh chưng. Đây là sản phẩm của văn minh lúa nước, là triết lí "Âm dương, ngũ hành" đã đi vào tiềm thức của người Việt từ thời Hùng Vương [sẽ nói rõ ở bài viết tiếp theo].



Không còn nồi bánh chưng do gia đình tự nấu là mất đi một nét đẹp văn hoá truyền thống. Ngày nay, con cháu chúng ta không còn ngồi bên nồi bánh chưng, thậm chí không thấy nồi bánh chưng nữa! Ở đô thị, các gia đình không còn nấu bánh chưng mà mua bánh chưng gói sẵn; ở nông thôn, dù củi lửa có sẵn mà nồi bánh chưng cũng vắng bóng dần... Nhưng điều đáng buồn hơn, khi kinh tế phát triển, chúng ta cố chạy theo bóng dáng bên ngoài: đốt pháo hoa rực trời, cổng chào và khẩu hiệu thật to,...

Nồi bánh chưng là văn hoá Việt, là triết lí Việt, nhưng đang mai một dần! Ai là người khôi phục và phát triển nó? Không ai khác: chính người Việt chúng ta.

Hoàng Lạc
Nguồn: http://hoangvanlac31.blogspot.com/

Không có nhận xét nào: