Chủ Nhật, 23 tháng 5, 2021

KINH NÀO, NAM HAY BẮC?

Người thông tuệ liễu đạt pháp tánh, hay đại trí tuệ bát nhã cứu cánh, hẳn phải rõ nội tại của hạt nhân nguyên tử, hạt điện tích, hư không và cội nguồn của sóng điện từ.
Như thế, mới biết được sắc tức là không, không tức là sắc; thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như thế.
Như thế mới biết được tánh không của các pháp không sinh, không diệt, không dơ, không sạch, không thêm, không bớt. Như thế mới biết được, trong tánh không, không có 5 uẩn; không có 12 xứ; không có 18 giới; không có 12 nhân duyên, cũng không có đoạn tận 12 nhân duyên; không có 4 diệu đế; không có trí tuệ, cũng không có chứng đắc giải thoát.
Không như thế, không thể biết được như vậy. Không như thế, mà hiểu mình thành tựu trí tuệ bát nhã, thì đó là tưởng tri mà thôi.
Vì vậy, trong Kinh Pháp môn căn bản, Đức Phật nói:
"-- Này các Tỷ-kheo, ở đây, có kẻ phàm phu ít nghe, không được thấy các bậc Thánh, không thuần thục pháp các bậc Thánh, không tu tập pháp các bậc Thánh, không được thấy các bậc Chơn nhân, không thuần thục pháp các bậc Chơn nhân, không tu tập pháp các bậc Chơn nhân, tưởng tri địa đại là địa đại. Vì tưởng tri địa đại là địa đại, người ấy nghĩ đến địa đại, nghĩ đến (tự ngã) đối chiếu với địa đại, nghĩ đến (tự ngã) như là địa đại, người ấy nghĩ: "Ðịa đại là của ta" - dục hỷ địa đại. Vì sao vậy? Ta nói người ấy không liễu tri địa đại.
Người ấy tưởng tri thủy đại là thủy đại. Vì tưởng tri thủy đại là thủy đại, người ấy nghĩ đến thủy đại, nghĩ đến (tự ngã) đối chiếu với thủy đại, nghĩ đến (tự ngã) như là thủy đại, người ấy nghĩ: "Thủy đại là của ta" - dục hỷ thủy đại. Vì sao vậy? Ta nói người ấy không liễu tri thủy đại.
Người ấy tưởng tri hỏa đại là hỏa đại. Vì tưởng tri hỏa đại là hỏa đại, người ấy nghĩ đến hỏa đại, nghĩ đến (tự ngã) đối chiếu với hỏa đại, nghĩ đến (tự ngã) như là hỏa đại, người ấy nghĩ: "Hỏa đại là của ta"- dục hỷ hỏa đại. Vì sao vậy? Ta nói người ấy không liễu tri hỏa đại.
Người ấy tưởng tri phong đại là phong đại. Vì tưởng tri phong đại là phong đại, người ấy nghĩ đến (tự ngã) đối chiếu với phong đại, nghĩ đến (tự ngã) như là phong đại, người ấy nghĩ: "Phong đại là của ta"- dục hỷ phong đại. Vì sao vậy? Ta nói người ấy không liễu tri phong đại.
Người ấy tưởng tri Sanh vật là Sanh vật... Người ấy tưởng tri chư Thiên là chư Thiên... Người ấy tưởng tri Sanh chủ là Sanh chủ... Người ấy tưởng tri Phạm thiên là Phạm thiên... Người ấy tưởng tri Quang âm thiên là Quang âm thiên... Người ấy tưởng tri Biến tịnh thiên là Biến tịnh thiên... Người ấy tưởng tri Quảng quả thiên là Quảng quả thiên... Người ấy tưởng tri Abhibhù (Thắng Giả) là Abhibhù...
Người ấy tưởng tri Không vô biên xứ là Không vô biên xứ... Người ấy tưởng tri Thức vô biên xứ là Thức vô biên xứ... Người ấy tưởng tri Vô sở hữu xứ là Vô sở hữu xứ... Người ấy tưởng tri Phi tưởng phi phi tưởng xứ là Phi tưởng phi phi tưởng xứ...
Người ấy tưởng tri sở kiến là sở kiến... Người ấy tưởng tri sở văn là sở văn... Người ấy tưởng tri sở tư niệm là sở tư niệm... Người ấy tưởng tri sở tri là sở tri...
Người ấy tưởng tri đồng nhất là đồng nhất... Người ấy tưởng tri sai biệt là sai biệt... Người ấy tưởng tri tất cả là tất cả...
Người ấy tưởng tri Niết-bàn là Niết-bàn. Vì tưởng tri Niết-bàn là Niết-bàn, người ấy nghĩ đến Niết-bàn, nghĩ đến (tự ngã) đối chiếu với Niết-bàn. Nghĩ đến (tự ngã) như là Niết-bàn, người ấy nghĩ: "Niết-bàn là của ta" - dục hỷ Niết-bàn. Vì sao vậy? Ta nói: Người ấy không liễu tri Niết-bàn."
Cho nên kinh Hoa Nghiêm nói:
"Như có quyển kinh lớn
Lượng bằng tam thiên đại thiên thế giới,
Chứa trong một hạt bụi.
Tất cả hạt cũng đều như thế.
Có một người thông tuệ,
Mắt sáng nhìn thấy rõ,
Đập hạt bụi lấy kinh,
Làm lợi cho muôn loài." 
Sư Định Quang
Nguồn: https://www.facebook.com/thetruthsoftheuniverse

Không có nhận xét nào: