Thứ Tư, 3 tháng 7, 2019

Rừng đước Năm Căn

Rừng đước và rừng tràm nối tiếp vây quanh mũi Cà Mau từ Đông sang Tây, rừng Cà Mau đứng thứ nhì trên thế giới về tầm quan trọng và diện tích, sau rừng ngập mặn ở cửa sông Amazon của châu Mỹ La Tinh.

Cà Mau có hai khu rừng lớn nổi tiếng trong cả nước và trên thế giới. Khi nói đến rừng U Minh người ta liên tưởng đến loài cây phổ biến là cây tràm, rừng rừng đước bạt ngàn ở Năm Căn. Rừng đước và rừng tràm nối tiếp vây quanh mũi Cà Mau từ Đông sang Tây, đứng thứ nhì trên thế giới về tầm quan trọng và diện tích, sau rừng ngập mặn ở cửa sông Amazon của châu Mỹ La Tinh.

Rừng đước Năm Căn, yếu tố về địa lý đã và sẽ có sức gây ấn tượng cho biết bao tấm lòng yêu quê hương đất nước...


Vẫn là những dòng sông, con rạch chằng chịt luôn chảy cuồn cuộn, hối hả từ con nước lớn đến nước ròng, vẫn là những ngôi nhà sàn lênh đênh ven hai bờ sông, trong ngọn rạch, vẫn là những bãi bùn nối tiếp những bãi bùn với những cánh rừng đước thẳng đứng, có nơi những thân đước như bó đũa vắt ống, với gió rừng và mây trời, với những đêm đầy sao trên trời và lung linh trên mặt nước, với Mũi Đất âm thầm dưới chân sóng cứ lầm lũi lấn dần ra biển khơi… Tất cả những cái đó khiến vùng đất này không giống bất cứ vùng đất nào trên đất nước. Lạ lùng. Rất đỗi lạ lùng bởi sức bồi đắp phù sa vô tận của rừng đước Năm Căn.


Theo tài liệu mới nhất của trung tâm nghiên cứu và ứng dụng kỹ thuật rừng ngập mặn Năm Căn:

Do trải qua những thăng trầm của lịch sử, thời gian, do bị bom đạn, chất độc hoá học của Mỹ huỷ diệt, do bị khai phá theo nhu cầu mưu sinh của con người, do chặt phá rừng vỡ đất làm đầm tôm… khiến cánh rừng nguyên sinh trên dưới 200.000 ha vào những năm 40 nay chỉ còn ở mức 64.000 ha, được phân bố trên địa bàn huyện Ngọc Hiển, Năm Căn, Đầm Dơi, Cái Nước.

Nhiều nhất là huyện Ngọc Hiển có khu rừng rộng lớn bao gồm khu rừng đặc dụng Mũi Cà Mau và rừng vùng Bãi Bồi phía Tây ven biển. Rừng ngập mặn Cà Mau có thảm thực vật đa dạng, phong phú, có tổng cộng 66 loài cây được chia ra: Cây rừng ngập mặn chính thức có 27/32 loài hiện có ở Việt Nam và 28 loài cây khác tham gia có mặt trên vùng đất này.


Riêng 27 loài cây rừng ngập mặn chính thức phổ biến là họ mắm (Mắm đen, mắm trắng, mắm biển, mắm lưỡi đồng ), họ bần (bần đắng, bần ổi, bần chua), họ dừa nước (gồm dừa nước, chà là); họ đước (gồm đước, vẹt dù, vẹt tách, dà vôi, dà quánh). Ưu thế nhất vẫn là cây đước sinh sôi trên vùng đất tự nhiên, kể cả rừng trồng. Nhờ bộ rễ lợi hại đứng choãi ra chung quanh dưới gốc, cây đước phát triển vững chắc trên đất phù sa trẻ. Cây đước chính là linh hồn của rừng đước Năm Căn bởi đước sống khá bền vững với khu rừng già, đước mang lại lợi ích cho con người, gắn bó sâu xa với từng thân phận con người trên vùng đất cực Nam Tổ quốc. (Chưa kể đến các loài thuỷ sản, bậc nhất là các loài tôm).

Những năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước, dân Đất Mũi vào rừng sâu dựng làng gầy dựng phong trào đấu tranh diệt giặc, nhiều năm phải ăn trái mắm thay cơm, cất nước mặn thành nước ngọt để dùng. Chính nơi này làm nơi đồn trú cho quân chủ lực, địa phương quân và dân quân du kích làm nên những chiến công lừng lẫy: đánh tan tác nhiều cuộc càn quét lấn chiếm của địch, bẻ gãy nhiều “chiến dịch Hạm đội nhỏ trên sông”…


Chính nơi này là căn cứ địa vững chắc của Xứ uỷ, Khu uỷ, Tỉnh uỷ, và là nơi Trung ương cục đặt bản doanh. Nơi này có thầy giáo-nhà báo-Phan Ngọc Hiển người đã tổ chức đánh chiếm Hòn Khoai trong tay giặc Pháp thời Nam kỳ khởi nghĩa (1940); nơi có gia đình ông Ba Pháo đã từng nuôi dưỡng, cưu mang đồng chí Lê Duẩn; nơi quê hương của anh hùng Bông Văn Dĩa với thuyền buồm, thuyền máy tìm đường chuyển vũ khí từ Bắc Vào Nam, mở ra con đường Hồ Chí Minh trên biển…

Vì vậy, trong nhiều yếu tố nuôi dưỡng tâm hồn con người, trước hết tại vùng rừng đước Năm Căn có đầy đủ hai yếu tố quan trọng, đó là điều kiện địa lý và lịch sử đấu tranh cách mạng kiên cường, từ đó, trong sự nghiệp đổi mới đất nước hiện nay rừng đước Năm Căn đã đóng góp nhiều thành tựu đáng kể vào thành tựu chung của tỉnh và của cả nước.

TTđTD - Theo báo Cà Mau

Không có nhận xét nào: