Hôm qua đang làm việc ngoài vườn Chùa thì một Phật tử đến thưa, thưa Thầy có người Mỹ muốn gặp Thầy viện chủ (an Abbot) để tranh luận một vấn đề (to debate a matter of) gì đó. Thôi thì cũng phải nghỉ tay để ‘diện kiến’ một nhân vật nào đó mà có lẽ là một ‘biện lý gia’ hay một nhân vật khác thường với người bình thường cũng nên bởi từ ngữ ‘debate a matter of’ là đã bất thường rồi.
- Chào cô, cô cần gì không?
- Vâng, tôi đến đây để giúp cho ông hiểu một vấn đề.
- Vâng, cô cứ nói, là vấn đề gì ạ?
- Tôi muốn nói với ông là tượng cái ông cưởi con sư tử đó (about the statue of the man ride the lion). Ông hãy dẹp hết tượng sư tử đó đi, sư tử là loài quỷ, ông không thể thờ quỷ tại một đất nước có niềm tin về Chúa Trời được, Chúa Trời (Father) dạy thế.
- Thế à, vậy thì cô đã có tìm hiểu ý nghĩa sư tử trong văn hoá Phật Giáo chưa?
- Không, tôi không muốn biết cái văn hoa kiểu ma quỷ như thế, tôi chỉ biết vâng phục Đức Chúa Trời qua Thánh Kinh (obey God thruogh BiBle).
- Vậy thì tôi xin mời cô rời khỏi nơi đây ngay bây giờ đi.!.. Và cô ấy phải rời khỏi chùa sau một hồi cứ ngoan cố giảng dạy về cái tôn giáo của cô.
Để tránh sự hiểu lầm, tôi xin mượn cuộc đối thoại giữa nhà thần học người Brazil, Leonardo Boff với Đức Đạt Lai lạc ma để đả thông và giải toả cái “Vòng Kim Cô Cuồng Tín” cho bất cứ ai và về bất kỳ một tôn giáo nào.
Leonardo Boff kể lại: Một lần tại cuộc hội thảo bàn tròn về “Tôn Giáo và Tự Do” mà cả hai đều tham dự, vào giờ nghỉ lao, Leonardo Boff đến ngồi cạnh Đức Lạc Lai lạc ma và đặt câu hỏi.
“Thưa ngài, tôn giáo nào tốt nhất?”
Tôi nghĩ ngài sẽ nói:
“Phật giáo Tây Tạng” hoặc “Các tôn giáo Phương Đông, lâu đời hơn Ki Tô giáo nhiều”.
Đức Dalai Lama trầm ngâm giây lát, mỉm cười và nhìn vào mắt tôi…
Điều này làm tôi ngạc nhiên vì tôi biết đây là một câu hỏi ranh mãnh.
- Ngài trả lời: “Tôn giáo tốt nhất là tôn giáo đưa anh đến gần Đấng tối cao nhất. Là tôn giáo biến anh thành con người tốt hơn”.
Để giấu sự bối rối của tôi trước một câu trả lời đầy khôn ngoan như thế, tôi hỏi:
“Cái gì làm tôi tốt hơn?”
- Ngài trả lời:
“Tất cả những gì làm anh
Biết thương cảm hơn
Biết theo lẽ phải hơn
Biết từ bỏ hơn
Biết dịu dàng hơn
Biết nhân hậu hơn
Có trách nhiệm hơn
Có đạo đức hơn”.
“Tôn giáo nào biến anh thành như vậy là tôn giáo tốt nhất”.
Tôi lặng thinh giây lát mà lòng đầy thán phục, và ngay cả bây giờ khi nghĩ đến câu trả lời đầy khôn ngoan và khó phản bác ấy, trong lòng tôi vẫn còn cảm giác thán phúc.
Rồi Ngài tiếp:
“Anh bạn tôi ơi!
Tôi không quan tâm đến tôn giáo của anh hoặc anh có ngoan đạo hay không. Điều thật sự quan trọng đối với tôi là cách cư xử của anh đối với người đồng đẳng, gia đình, công việc, cộng đồng và đối với thế giới.
Hãy nhớ rằng vũ trụ dội lại hành động và tư tưởng của chúng ta. Quy luật của hành động (Action) và phản ứng (Reaction) không chỉ dành riêng cho vật lý, nó đều tác động tương quan giữa con người cả đấy.
Nếu tôi ở hiền thì tôi gặp lành.
Nếu tôi gieo gió thì tôi gặt bão.
Những gì người xưa nói với chúng ta thật không sai. Chúng ta sẽ nhận được những gì chúng ta đã làm cho người khác. Hạnh phúc không phải là định mệnh mà là một sự lựa chọn.”
- Cuối cùng ngài nói:
“Hãy suy tư cẩn thận vì Tư Tưởng sẽ biến thành Lời Nói,
Hãy ăn nói cẩn thận vì Lời Nói sẽ biến thành Hành Động,
Hãy hành xử cẩn thận vì Hành Động sẽ biến thành Thói Quen,
Hãy chú trọng Thói Quen vì chúng hình thành Nhân Cách,
Hãy chú trọng Nhân Cách vì nó hình thành Số Mệnh,
Và Số Mệnh của anh sẽ là Cuộc Đời của anh.
… và …
Không có tôn giáo nào cao trọng hơn Sự Thật.” (hết trích)
Trở lại bức tượng (a man ride a lion), tượng Đại Trí Văn Thù Sư Lợi. Xin nói rõ rằng là, tượng, chỉ là một sự tượng trưng, thì Đại Trí Văn Thù là tượng trưng cho Trí Tuệ siêu việt, Phật Trí. Thế nên trong kinh Pháp Hoa có nói là Chư Phật được sinh ra từ Đức Đại Trí Văn Thù Sư Lợi là thế. Và Sư Tử là loài chúa tể sơn lâm, là tượng trưng cho Pháp của Phật. Thế nên Phật có một danh hiệu là Sư Tử Hống. Mỗi khi Pháp Âm của Phật khai mở thì tất cả những loài nhỏ nhen đều run sợ, đó là những tính dục vọng thấp hèn của con người như: phiền não, biếng nhác, tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến, biên kiến v.v. và v.v. sẽ phải biến mất, để chỉ còn lại một ánh Trăng Khuya vằn vặc dịu mát soi về là Trí Tuệ và Từ Bi.
Để kết thức bài viết nầy, xin mời quý bạn đọc thưởng thức bài thơ:
Sư Tử Hống
Giữa núi rừng thiên nhiên
Toà sen trắng trang nghiêm
Dáng ngồi Sư Tử Hống
Đất trời lắng vô biên
Núi xanh càng xanh biếc
Không gian ngát hương thiền
Tợ cơn mưa Pháp Nhũ
Là sức sống thiêng liêng
Như suối nguồn dịu mát
Tắm gội những ưu phiền
Chảy về khắp muôn lối
Một năng lượng bình yên
Xoá vết hằng khổ bệnh
Gieo hạt giống tâm nhiên
Nảy mầm khắp đất tịnh
Tươi tốt vườn chân nguyên
Tuệ Minh-Thích Phước Toàn
(viết tại Chùa Việt Nam, Los Angeles, 9. 29.18)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét