Thứ Ba, 5 tháng 7, 2022

(39) NGƯỜI TỈNH THỨC CÓ TRÍ HUỆ CHÂN THẬT.

"Người tỉnh thức không cần làm bất cứ một thí nghiệm, không cần đo đạc, không cần cơ sở lý thuyết, không cần suy luận trên nền tảng lý thuyết, không cần suy nghĩ, không cần phải du hành Vũ Trụ, không cần phải dùng thiết bị khoa học Vũ Trụ, không cần phải áp dụng kiến thức khoa học, nhưng kẻ đó thấu biết một cách chân thực và chính xác tuyệt đối về lĩnh vực mà kẻ đó tỉnh thức." (Pháp Không Chân Như) 
***
Vũ Thành Trung: Chúng ta quá bé nhỏ! Nó nhỏ đến mức chúng ta không còn là một định nghĩa, khái niệm nào đó so với Vũ Trụ này! Một điều chắc chắn Vũ Trụ có trong Ta. Ta là một Vũ Trụ thu nhỏ! Ngôi sao nào đó đã chết cả hàng triệu năm để sau đó có sự tồn tại và phát triển của chúng ta!
Xin Thầy chỉ dạy thêm! A Di Đà Phật!
Pháp Không Chân Như: Vũ Thành Trung! Muốn học hiểu rõ Phật pháp chớ nên chấp trước. Bất cứ kẻ nào chấp trước vào khoa học, hoặc chấp trước thì kẻ đó không thể thâm nhập được lời tuyên giảng của tôi và các tâm pháp tôi tuyên bố.
Tất cả những câu hỏi mà ông cho rằng chưa ai có thể trả lời thỏa đáng mà ông đã nêu ra trong bình luận ở trên, ông sẽ tự trả lời nó một cách rõ ràng và chính xác sau khi ông đã hiểu được các bài giảng và các tâm pháp của tôi.
Ông chớ nói chúng ta quá nhỏ bé không thể hiểu biết về Vũ Trụ bao la nếu ông là Phật tử. Ông chỉ có thể nói như vậy với các nhà khoa học nổi tiếng, không thể nói như vậy đối với Phật Pháp Tăng.
Vũ Thành Trung: Pháp Không Chân Như! Nếu thầy nói vậy thì tôi chấp hay Thầy chấp! Tất cả các thông tin, cơ sở đo đạc thực hiện, từ các nhà khoa học, từ các cơ sở khoa học và các lý luận, từ các thuyết và các cơ sở lý luận logic của Phật pháp vẫn chỉ là cơ sở lý thuyết... Tôi không biết Thầy đã xuất tâm hành giả trải nghiệm du hành ra khỏi hệ mặt trời hay chưa? Hay chỉ đối chấp bằng các lý luận logic của Phật pháp. Khoa học biện chứng và Phật pháp được tách rời không xen lẫn. Tuy nhiên về lý luận có thể bổ sung cho nhau. Thầy nói Phật pháp thì sáng rõ hơn tất cả mọi giá trị của khoa học biện chứng?
Pháp Không Chân Như: Vũ Thành Trung! Cũng vẫn câu nói ấy, rằng bất cứ kẻ nào có tâm nguyện trở thành một nhà khoa học vĩ đại để đem lại lợi ích cho nhân loại thì không có con đường nào nhanh hơn và chuẩn mực hơn là hiểu rõ tường lời tuyên giảng và các tâm pháp của tôi. Khi đã hiểu rõ lời tuyên giảng và các tâm pháp của tôi thì kẻ đó hoàn toàn trả lời được một cách thỏa đáng các câu hỏi về khoa học Vũ Trụ mà thế giới và ông đang thắc mắc mà không có bất cứ nhà khoa học nào hiện tại và vị lai có thể phản biện được. Kẻ đó hoàn toàn đem lại nhiều lợi ích to lớn cho nhân loại về y học, hóa học, sinh học, vật lý, toán học, công nghệ, Vũ Trụ học, tâm linh, an toàn, hòa bình và sự giác ngộ. Đây là lời xác quyết của tôi.
Tuy nhiên, muốn hiểu rõ tường lời tuyên giảng và các tâm pháp của tôi, trước hết kẻ đó phải tạm gác những cái biết của kẻ đó qua một bên và không dùng nó để làm cơ sở thâm nhập vào lời của tôi. Trong Phật giáo gọi hành vi đó là không chấp trước. Nếu kẻ đó chấp trước thì chính đối tượng được kẻ đó chấp trước đó sẽ làm rào cản kẻ ấy không thể thâm nhập được lời của tôi, tức cũng sẽ không hiểu được, không tin được. Muốn vận dụng hay phản biện hay bác bỏ một tri kiến nào, trước hết phải thâm nhập được nó, hiểu được nó.
Nếu ông là một Phật tử hoặc ông đã từng biết đến Phật pháp, thì rõ ràng ông đã biết hoặc tin rằng những người tỉnh thức có trí huệ chân thật tuyệt đối đối với lĩnh vực tỉnh thức. Ông cũng biết rõ rằng người tỉnh thức không cần làm bất cứ một thí nghiệm, không cần đo đạc, không cần cơ sở lý thuyết, không cần suy luận trên nền tảng lý thuyết, không cần suy nghĩ, không cần phải du hành Vũ Trụ, không cần phải dùng thiết bị khoa học Vũ Trụ, không cần phải áp dụng kiến thức khoa học, nhưng kẻ đó thấu biết một cách chân thực và chính xác tuyệt đối về lĩnh vực mà kẻ đó tỉnh thức.
Nếu đem cát của tất cả con sông trên Trái Đất ví cho trí huệ của Phật thì trí huệ của Bồ tát chỉ như một hạt cát. Nếu đem cát tất cả các sông trên Trái Đất ví cho trí huệ của một vị Bồ tát thì trí huệ của một nhà khoa học vĩ đại nhất xưa nay chỉ như một hạt cát.
Nguyện ông có niềm tin nơi Tam Bảo.
Vũ Thành Trung: Cảm ơn thầy Pháp Không Chân Như. A Di Đà Phật!
(Hoàng Lạc: kết tập)

Không có nhận xét nào: