Thứ Năm, 19 tháng 5, 2022

(3) TÔNG PHÁI KHÔNG PHẢI CỦA TA, CHÁNH KIẾN LÀ CỦA TA.

"Lời dạy của Phật, cho dù được truyền thừa từ phương Bắc hay phương Nam, phương Đông hay phương Tây,... phương trên hay phương dưới, nếu là sự truyền thừa y hệt, thì lời dạy của Phật không bao giờ xảy ra điểm khác biệt không thể dung hòa. Nghĩa rằng, lời Phật dạy không bao giờ có sự mâu thuẫn hoặc phủ định lẫn nhau. Ở đây, có chăng là sự khác biệt. Sự khác biệt nhân đâu mà có? Tùy mục đích của lời dạy, tùy khả năng và phương tiện sẵn có của từng chúng sinh. Sự khác biệt ở đây là gì? Ở đây nói một phần, ở kia nói nhiều phần về một sự thật." (Pháp Không Chân Như)
***
Đại Phong‎: Đây là các tà kiến về Ngã Chấp được đức Phật liệt kê trong Kinh Đại Duyên (Trường bộ kinh):
- Chấp ngã có sắc và có hạn lượng;
- Chấp ngã có sắc và không hạn lượng;
- Chấp ngã vô sắc và có hạn lượng;
- Chấp ngã vô sắc và chẳng có hạn lượng.
- Chấp ngã là thọ;
- Chấp ngã là khả năng cảm thọ.
Xin thầy chỉ cho con có phải đây là điểm khác biệt không thể dung hòa giữa Nam tông và Bắc tông không? Vì trong Bắc tông có khái niệm: Chân tâm, Phật tánh, Bản lai diện mục, Pháp thân, Chân ngã,...?
Pháp Không Chân Như: Đại Phong! Lời dạy của Phật, cho dù được truyền thừa từ phương Bắc hay phương Nam, phương Đông hay phương Tây,... phương trên hay phương dưới, nếu là sự truyền thừa y hệt, thì lời dạy của Phật không bao giờ xảy ra điểm khác biệt không thể dung hòa. Nghĩa rằng, lời Phật dạy không bao giờ có sự mâu thuẫn hoặc phủ định lẫn nhau. Ở đây, có chăng là sự khác biệt. Sự khác biệt nhân đâu mà có? Tùy mục đích của lời dạy, tùy khả năng và phương tiện sẵn có của từng chúng sinh. Sự khác biệt ở đây là gì? Ở đây nói một phần, ở kia nói nhiều phần về một sự thật. 
Ví như Phật dạy sự thật về Ngã. 
Khi dạy cho một tu sĩ đang quyết định rằng danh này là Ngã của ta, hoặc danh kia là Ngã của ta, hoặc tất cả danh là Ngã của ta, hoặc sắc này là Ngã của ta, hoặc sắc kia là Ngã của ta, hoặc tất cả sắc là Ngã của ta, hoặc danh sắc này là Ngã của ta, hoặc danh sắc kia là Ngã của ta, hoặc tất cà danh sắc là Ngã của ta, thì Phật dạy danh này không phải là Ngã của ta, danh kia không phải là Ngã của ta, tất cả danh không phải là Ngã của ta, sắc này không phải là Ngã của ta, sắc kia không phải là Ngã của ta, tất cả sắc không phải là Ngã của ta, danh sắc này không phải là Ngã của ta, danh sắc kia không phải là Ngã của ta, tất cả danh sắc không phải là Ngã của ta. 
Khi dạy cho một tu sĩ đang quyết định rằng danh này không phải là Ngã của ta, danh kia không phải là Ngã của ta, tất cả danh không phải là Ngã của ta, sắc này không phải là Ngã của ta, sắc kia không phải là Ngã của ta, tất cả sắc không phải là Ngã của ta, danh sắc này không phải là Ngã của ta, danh sắc kia không phải là Ngã của ta, tất cà danh sắc không phải là Ngã của ta, thì Phật dạy cho tu sĩ ấy biết Ngã của vị ấy thì như thế nào.
Ở hai lần dạy như vậy, Phật đều dạy về một sự thật, đó là sự thật về Ngã. Lần dạy đầu, Phật chỉ cho người tu sĩ biết rằng tu sĩ ấy đã nhận thứ giả làm thứ thiệt. Ở lần dạy thứ hai, Phật dạy cho tu sĩ ấy biết thứ thiệt thì như thế nào.
Đại Phong! Chưa thể dung hòa trọn vẹn giữa Phật giáo Nam tông và Phật giáo Bắc tông chính ở nguyên nhân: ngu si và chấp trước.
Này Đại Phong! Ví như trước, thời ông chưa đến với Nam tông lẫn Bắc tông, ông có quyết rằng chúng sinh vô ngã chăng, ông có quyết rằng tu theo Phật thì không cần phải ăn chay chăng, ông có quyết rằng thực hành pháp tu đốn ngộ sẽ kiến tánh thành Phật chăng, ông có quyết rằng niệm Phật sẽ vãng sanh chăng, ông có quyết rằng thực hành mật chú sẽ giác ngộ chăng? Ví như rồi sau đó, ông đến với Nam tông, nên ông đã có quyết định rằng chúng sinh vô ngã, ông đã quyết rằng tu theo Phật thì không cần phải ăn chay. Hoặc ví như rồi sau đó, ông đến với Thiền Bắc tông, nên ông đã quyết rằng thực hành pháp tu đốn ngộ kiến tánh thành Phật. Hoặc ví như rồi sau đó, ông đến với Tịnh độ tông, nên ông quyết rằng niệm Phật sẽ vãng sanh. Hoặc ví như rồi sau đó, ông đến với Mật tông, nên ông quyết rằng thực hành mật chú sẽ giác ngộ. Đại Phong! Cũng là ông, sao lại xảy ra ba trường hợp như vậy, chẳng phải vì ngu si và chấp trước vào điều mà mình học tại nơi tông phái đó ư. Đây tôi lấy ông làm ví dụ chứ chẳng phải nói ông.
---
Thầy Pháp Không Chân Như (thuyết giảng)  
Hoàng Lạc (kết tập)

Không có nhận xét nào: