Thứ Tư, 18 tháng 5, 2022

(2) CÕI NƯỚC VÀ CẢNH GIỚI

‎Chân Như Tuệ Quang: Thưa Thầy, Tây phương cực lạc (cõi nước đức Phật A Di Đà) có không? Vãng sanh tức là giải thoát. Tây phương cực lạc tức là niết bàn. Quán như thế đúng hay sai?

Pháp Không Chân Như: Chân Như Tuệ Quang, trong kinh Vô Lượng Thọ, đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã giảng nói rõ, sao ông còn hỏi có cõi nước đức Phật A Di Đà hay không.
Nói "vãng sanh tức là giải thoát" thì chưa rõ nghĩa, khiến nhiều người nghe mà hiểu lầm. 
Chân Như Tuệ Quang, ví như ông ở bên nước khác trên đường về nhà, bị quân lính nước khác kia truy đuổi sát hại. Ông nỗ lực một phen chạy qua được biên ải hai nước, nước khác kia và nước của ông. Quân lính nước khác kia không có quyền xâm phạm biên ải hai nước, khi đó ông thở phào nhẹ nhỏm mà nói rằng "thoát nạn rồi". Bởi vì ông biết chắc là quân lính kia không làm gì được ông nữa. Tuy vậy, ông vẫn chưa về đến nhà. Nước của ông dụ cho Cõi nước đức Phật A Di Đà, nhà của ông dụ cho giải thoát.
Ví như cuộc thi hoa hậu chỉ có hai vòng thi. Vòng một thì thi sắc đẹp, trí huệ, đạo đức, còn vòng hai thì thi biết hát. Vòng thi biết hát cho phép thí sinh đã vượt qua vòng một có vô lượng thời gian và thầy giỏi để luyện tập "biết hát". Chỉ cần biết hát thì được giải hoa hậu. Khi ấy, các thí sinh đã vượt qua vòng một thoát lên rằng "ta đạt giải hoa hậu là chắc chắn". Lời khẳng định đó không sai nhưng các thí sinh ấy chưa đạt giải hoa hậu vì chưa thi xong vòng hai. Vòng hai dụ cho cõi nước đức Phật A Di Đà, giải hoa hậu dụ cho giải thoát.
Chân Như Tuệ Quang, nếu chúng sinh nào được vãng sanh cõi nước đức Phật A Di Đà thì chúng sinh ấy chắc chắn sẽ được giải thoát và không bao giờ bị sanh nơi cõi khác.
Chân Như Tuệ Quang, Niết Bàn là cảnh giới có được chứ chẳng phải nơi chốn, cõi nước, thế giới này, thế giới kia. Niết Bàn là cảnh giới của chư Phật, là cảnh giới thường còn vĩnh viễn, an lạc vĩnh viễn, đạt được chân ngã, thanh tịnh vĩnh viễn. Chúng sinh chẳng có bốn cảnh giới đó nên chúng sinh chẳng được Niết Bàn cho dù chúng sinh đang ở cõi nước đức Phật A Di Đà.

Hán Thanh Tùng: Thưa Thầy, khi con ngồi thiền, tâm con ban đầu vẫn còn những dòng suy nghĩ miên man nhưng sau đó lắng dần có khi không còn suy nghĩ gì cả. Lúc đó, con hoàn toàn không còn phiền não, không tham, không sân, không si. Tạm thời trong thời điểm đó đã được coi là ở cảnh giới niết bàn được chưa? Nếu một niệm mà nhất tâm bất loạn thì vãng sinh cực lạc ngay lập tức. Trong thời gian ngồi thiền, con không có phiền não, có thời điểm không còn suy nghĩ gì nữa. Vậy đã coi là vãng sinh chưa?

Pháp Không Chân Như: Hán Thanh Tùng, Niết Bàn là cảnh giới có được chứ chẳng phải nơi chốn, cõi nước, thế giới này, thế giới kia. Niết Bàn là cảnh giới của chư Phật, là cảnh giới thường còn vĩnh viễn, an lạc vĩnh viễn, đạt được chân ngã, thanh tịnh vĩnh viễn. Cảnh giới thanh tịnh mà Hán Thanh Tùng đạt được không là vĩnh viễn nên chẳng phải niết bàn.
Hán Thanh Tùng hiện còn mang thân người sao coi là vãng sanh được. Ngày mai là tương lai, kẻ hành trì theo lời nguyện của đức Phật A Di Đà và theo hướng dẫn hành trì của đức Phật Thích Ca Mâu Ni, nếu buông lung thì ngày mai cũng trở thành thảm họa công đức vậy.

Hán Thanh Tùng:  Cõi cực lạc thực chất chỉ là phương tiện để cho người tu đạt được cảnh giới nhất tâm bất loạn. Có một câu chuyện về ngài Xá Lợi Phất khi nghe Phật giảng về cõi Tây Phương thì muốn đến để đảnh lễ Đức Phật A Di Đà nhưng Ngài sử dụng thần thông mà vẫn không đến được Tây Phương. Câu chuyện này, thầy Thích Minh Tâm đặt câu hỏi tại sao như vậy nhưng không trả lời. 
Ngài Xá Lợi Phất đã là A La Hán, nghĩa là một niệm cũng không sinh. Vậy tại sao lại không thể đến được Tây Phương cực lạc? Chính câu hỏi này làm con hiểu: Tây Phương Cực Lạc thực chất chỉ là phương tiện để dẫn người tu Tịnh Độ đến Thiền.

Pháp Không Chân Như: Hán Thanh Tùng, ông hãy đọc kỹ đoạn kinh này xem:
"Này Xá-lợi-phất! Vì sao gọi nước kia tên là Cực Lạc?
Vì chúng sanh của nước ấy không có các khổ não, chỉ hưởng những điều vui, cho nên gọi là Cực Lạc.
Lại này Xá-lợi-phất! Cõi nước Cực Lạc có bảy lớp lan thuẩn, bảy lớp lưới giăng, bảy lớp hàng cây đều bằng bốn thứ báu vây quanh giáp vòng, cho nên nước ấy tên là Cực Lạc.
Lại này Xá-lợi-phất! Cõi nước Cực Lạc có ao bảy báu, nước tám công đức tràn đầy trong đó. Ðáy ao toàn trải cát bằng vàng. Thềm đường bốn phía do vàng, bạc, lưu ly, pha lê hợp thành. Bên trên có lầu có các, cũng dùng đủ loại vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xa cừ, xích châu, mã não để trang sức.
Hoa sen trong ao lớn như bánh xe, màu xanh có ánh sáng xanh, màu vàng có ánh sáng vàng, màu đỏ có ánh sáng đỏ, màu trắng có ánh sáng trắng, thơm ngát vi diệu.
Này Xá-lợi-phất, cõi nước Cực Lạc thành tựu công đức trang nghiêm như thế!
Lại này Xá-lợi-phất, cõi nước Phật kia, thường trổi nhạc trời, vàng ròng làm đất, ngày đêm sáu thời, mưa hoa Mạn-đà-la cõi trời. Chúng sanh ở cõi ấy, cứ mỗi sáng sớm, thường dùng đãy y, đựng các hoa đẹp, đem cúng dường mười vạn ức Phật ở phương khác, vừa đến giờ ăn, trở về nước mình, ăn cơm, kinh hành".
Hán Thanh Tùng, trong khi thiền định, cảnh giới thiền định có được các thứ mà đức Phật Thích Ca Mâu Ni mô tả về cõi nước Cực Lạc trong đoạn kinh này chăng. Ông nên nhớ cõi nước Cực Lạc là thế giới có vô số chúng sinh đang tồn tại và tu tập chứ chẳng phải là thế giới trong tâm tưởng hay cảnh giới trong thiền định.
---
Chân Như Pháp Không (thuyết giảng)
Hoàng Lạc  (kết tập)

Không có nhận xét nào: