Thứ Năm, 12 tháng 1, 2017

GIỚI - ĐỊNH - TUỆ

Giới - Định - Tuệ là lộ trình tu tập chân chính và có căn bản của Đạo Phật.

Người tu hành phải giữ đúng giới luật, mục đích Đức Phật chế ra các giới luật là để giữ cho thân tâm được trong sạch, thanh tịnh, tránh được các ác pháp và tăng trưởng thiện pháp, để thân tâm không bị dính mắc vào trần cảnh, để diệt trừ các lậu hoặc.

Mỗi giới được Đức Phật chế ra là dựa trên một hoàn cảnh thực tế trong quá trình Đức Phật cùng các đệ tử đi truyền pháp, khi có một vấn đề phát sinh trong thực tế thì Đức Phật chế ra một giới luật để đối trị lại, chính vì vậy giới luật cũng chính là một phương thuốc hữu hiệu thực tế có tác dụng để diệt trừ các ác pháp, tăng trưởng các thiện pháp, và làm cho thân tâm trong sạch, thanh tịnh, diệt trừ các lậu hoặc nếu chúng ta áp dụng thực hành đúng trọn vẹn.

Giữ giới bao gồm giữ trọn các giới luật đối với cả tu sĩ và cư sĩ, và sống ly dục ly ác bất thiện, nỗ lực ngăn chặn diệt trừ ác, sinh trưởng và tăng trưởng thiện, sống không làm khổ mình khổ người khổ chúng sanh, sống từ bi hỷ xả,... Khi giữ được trọn giới rồi thì không còn những điều ác, thân tâm trong sạch, tâm thanh thản an lạc vô sự rồi, không còn bị dính mắc thì tâm mới đủ sự thanh tịnh vắng lặng để đi vào thiền định. Khi tâm ở trạng thái thiền định, thanh tịnh vắng lặng rồi thì trí tuệ giải thoát mới phát sinh, mà đỉnh cao nhất của trí tuệ chính là Tuệ Tam Minh. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni khi ngồi dưới cội bồ đề, khi Ngài đi vào các trạng thái thiền định, khi đến Tứ Thiền, Ngài đã dẫn tâm đến trí tuệ Tam Minh, và chứng đạo.

Hành trình chứng đạo của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cũng chính là hành trình Giới - Định - Tuệ. Ban đầu Ngài đi theo phương pháp tu hành của các vị thầy ngoại đạo với pháp thiền Vô Sắc giới, Ngài đã thành tựu đến những cấp thiền cao nhất như Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ, nhưng ở trong đó Ngài thấy rằng vẫn không thể ly dục ly ác bất thiện, và không thể tìm thấy được sự giải thoát, khi xả thiền thì vẫn không thể ly dục ly ác bất thiện. Chính vì vậy mà Ngài đã tự đi tìm con đường riêng. Trong 49 ngày, Ngài sống ly dục, ly ác bất thiện pháp. Ngài đã chiến đấu dũng mãnh để diệt trừ tham sân si đang còn ngủ ngầm trong tâm, những dục vọng và phiền não đang ngủ ngầm trong tâm. Người đời hình tượng hóa mô tả Đức Phật chiến đấu với ma quân thực chất là chiến đầu với phiền não dục vọng trong tâm. Và Đức Thế Tôn đã sống với sự ly dục, ly ác bất Thiện Pháp. Và cả quá trình này cúng chính là GIỚI.
Khi Đức Phật đã chiến thắng toàn bộ dục vọng, phiền não, tham sân si không còn chút dư tàn thì Ngài đã đi vào các cấp Thiền từ Sơ thiền, Nhị Thiền, Tam thiền, Tứ Thiền. Đây chính là ĐỊNH.
Khi đến Tứ Thiền thì với tâm định tỉnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyễn, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản, Ngài đã dẫn tâm vào Túc Mạng Minh biết rõ mình đã trải qua bao nhiêu đời, ở tại mỗi đời Ngài đã sinh ra trong gia đình nào, làm gì, thân thế như nào, sống chết ra sao..... Ngài tiếp tục dẫn tâm vào Thiên Nhãn Minh biết rõ chúng sinh sinh ra và chết đi như nào, nhân quả thiện ác như nào, chúng sinh làm việc ác sinh vào ác thú, làm việc thiện sinh vào thiện thú,.... Ngài tiếp tục dẫn tâm vào Lậu Tận Minh, biết rõ tâm đã đoạn tận tham sân si, dục vọng, phiền não đã được diệt tận hoàn toàn, trong sạch thanh tịnh hoàn toàn, không còn bị tái sinh luân hồi nữa. Ngài biết rõ đây là lần đản sinh cuối cùng, và Ngài đã trở thành bậc Giác Ngộ, thành vị Phật. Đây chính là TUỆ và GIẢI THOÁT.

Vậy mỗi chúng ta hãy sống và tu đúng lộ trình GIỚI - ĐỊNH - TUỆ, bắt đầu từ việc giữ trọn giới luật của cả tu sĩ và cư sĩ, sống ly dục, ly ác bất thiện, sống từ bi hỷ xả, sống đời đạo đức nhân bản nhân quả. Rồi sau đó mới đi tới các giai đoạn tu hành. Mỗi người hãy thực hành và tự cảm nhận được kết quả của lộ trình đó.

Thực tế tình trạng hiện nay thì GIỚI LUẬT đã bị xem nhẹ, bị bẻ vụn, coi thường, đó là một thực trạng báo động nghiêm trọng đối với Đạo Phật. Mọi người chạy theo các pháp tu vắn tắt, tự đưa ra cả trăm ngàn lý do để ngụy biện cho việc phá giới luật, nói trườn uốn như con lươn để bao biện cho việc không giữ giới. Thậm chí còn nói rằng: không cần giữ giới, không cần tu hành, làm việc ác nhưng đến giờ phút lâm chung vẫn nhờ tha lực để cứu vớt giải thoát. Như vậy là trái hoàn toàn luật nhân quả. Bảo rằng giữ giới luật tu theo chánh pháp thì chỉ như con kiến đục dọc thân tre, còn tu nhờ tha lực thì như con kiến đục ngang thân tre nhanh hơn và hiệu quả hơn. Đó là việc hoàn toàn trái nhân quả và mê tín. Hiện này không riêng gì cư sĩ mà có nhiều tu sĩ cũng buông lỏng giới luật, không giữ đúng oai nghi chánh hạnh, làm mất đi hình ảnh đẹp và tin cậy của một bậc Sa-môn là phước điền của chúng sinh. 
Bởi vì nói đến GIỚI LUẬT, nghe nó khô khan nên Phật Tử không thích nghe, không thích hành, mà Phật Tử cứ thích nghe và hành những cái gì nó hấp dẫn, bóng bẩy, lọt tai, những ảo tưởng hạnh phúc, những cái gì dễ thực hiện......
Việc tu hành Phật Pháp hiện nay dường như quá dễ dãi và nuông chiều bản thân. Việc tu hành cần có căn bản vững chắc. Phải có nền tảng, có thứ lớp rõ ràng.

Trong BÁT CHÁNH ĐẠO cũng đã bao gồm GIỚI - ĐỊNH - TUỆ:

- GIỚI bao gồm : Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh Tinh tấn.
- ĐỊNH bao gồm: Chánh niệm, Chánh định.
- TUỆ bao gồm: Chánh kiến, chánh tư duy.

Trong Sơ Thiền thì đã phải có giới luật rồi: "Vị Tỷ-kheo sống ly dục, ly ác bất thiện pháp, chứng và trú thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm có tứ". Ly dục, ly ác bất thiện pháp, có tầm có tứ chính là giữ giới luật. Ly dục là từ bỏ hoàn toàn dục vọng tham ái, ly ác bất thiện là từ bỏ hoàn toàn điều ác bất thiện. Tầm tứ ở đây là những tư duy về điều ác điều lành về nhân quả để phân biệt thiện ác và từ bỏ ác, đưa đến trong sạch Và sau đó một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh chính là do giữ giới luật mà dẫn đến hỷ lạc. 
Và khi lên đến thiền thứ hai :"Vị Tỷ-kheo diệt tâm diệt tứ, chứng và trú thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tỉnh nhất tâm". Vậy nhờ có giữ giới luật ở giai đoạn trước tức là sống ly dục, ly ác bất thiện pháp, tầm tứ tư duy về thiện ác nhân quả mà ta có hỷ lạc, bước vào thiền thứ hai, khi đến thiền thứ hai, đến thiền thử hai ta bỏ tầm tứ tư duy, ta đã ở trong định, và tâm bắt đầu vào trạng thái thiền định,...
Và tiếp theo là Thiền thứ ba, Thiền thứ tư sẽ đạt được một cách sung mãn, viên mãn, vững chắc.
Vậy thì việc giữ giới luật sẽ đưa đến thiền định, và cuối cùng đưa đến trí tuệ giác ngộ và giải thoát.

Không chỉ trong việc tu hành, mà ngay cả cách sống, lối sống hàng ngày, của việc làm, lời ăn, tiếng nói, suy nghĩ của mỗi Phật Tử cũng hãy lấy GIỚI - ĐỊNH - TUỆ, lấy BÁT CHÁNH ĐẠO làm đường lối, để mỗi chúng ta sẽ trở nên thánh thiện, chúng ta chuyển dần tâm phàm thành tâm Thánh, để xây dựng nên một hình ảnh đẹp của người con Phật đối với cả giới tu sĩ và cư sĩ, và cuối cùng là hướng đến sự giải thoát.
Và hãy bắt đầu từ sống ly dục, ly ác bất thiện, sống đời đạo đức nhân bản nhân quả, sống không làm khổ mình khổ người khổ chúng sanh, sống từ bi hỷ xả, thương yêu chúng sinh, tha thứ, bao dung,....rồi mới đến các giai đoạn tu hành tiếp theo.

Vậy nên tha thiết mong tất cả các người con Phật chúng ta hãy coi trọng việc giữ giới luật, và sống ly dục ly ác bất thiện, sống đời đạo đức nhân bản nhân quả, sống không làm khổ mình khổ người khổ chúng sanh, sống từ bi hỷ xả,... để trở về đúng với Đạo Phật nguyên chất, nguyên thủy nhất đúng với bản chất vốn có của Đạo Phật.

Và hãy nhớ lấy điều này : "GIỚI LUẬT CÒN THÌ PHẬT PHÁP CÒN, GIỚI LUẬT MẤT THÌ PHẬT PHÁP MẤT".

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT

Đạo Phật Nguyên Thủy

Không có nhận xét nào: