Thứ Tư, 11 tháng 1, 2017

TRÍ HUỆ

Trí huệ có thể được hiểu một cách đơn giản là khả năng giải quyết bất cứ vấn đề gì. Tuy nhiên, trong Đạo Phật nó có một ý nghĩa sâu sắc hơn được thể hiện bởi thuật ngữ tiếng Phạn là “Trí tuệ Bát nhã” (Prajna) nói lên sự liên hệ với trí tuệ hoàn hảo của một vị Phật. Trí huệ là một trong hai điều thiết yếu phải tích lũy để trở thành một vị Phật. Điều thứ hai cần tích lũy là công đức (Xem phần “Phước báu”). Với trí huệ, bạn sẽ có được tâm của một vị Phật và đạt được các năng lực phi thường cũng như các khả năng cần thiết để giúp đỡ chúng sinh.

Để đạt được trí tuệ Bát nhã, bạn phải tuân theo trình tự phẩm hạnh (Giới luật), định lực và sau đó là trí huệ. Nếu bạn không cư xử một cách có phẩm hạnh bằng việc tuân theo giới luật, bạn sẽ không thể có sự tập trung định lực. Nếu không có định, bạn sẽ không thể đạt được trí tuệ Bát nhã siêu việt. Tất nhiên, bạn cũng phải phát triển trí tuệ để biết cách làm thế nào để áp dụng đúng các giới luật một cách đúng đắn.

Có ba loại trí tuệ: trí tuệ có được thông qua sách vở (Văn), trí tuệ có được thông qua quán sát thực tiễn (Tư), và cả hai loại này đều được trau dồi nhằm đạt được trí tuệ thứ ba là trí tuệ về thực tại tối hậu. Hai loại trí tuệ đầu tiên là những điều kiện tiên quyết chủ yếu để đạt được trí tuệ về thực tại tối hậu. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói rằng không có điều gì vượt qua Bát nhã. Giáo pháp về trí tuệ Bát nhã là giáo pháp cao nhất của Phật pháp.

Nó lý giải về bản tính nguyên thủy của các vị Như Lai cũng như tất thảy chúng sinh. Đó là chân lý của vũ trụ. Bạn phải đạt được trí tuệ Bát nhã để tự giải thoát cho mình khỏi vòng luân hồi sinh tử. Để đạt được trí tuệ về thực tại tối hậu, bạn phải nhận thức một cách triệt để nguyên lý rằng bản chất của mọi vật là rỗng không. Bạn phải hiểu bản chất vô thường của mọi thứ. Bạn phải biết rằng mọi hiện tượng thế gian là huyễn ảo, trống rỗng và giả tạo giống như những giấc mơ, những ảo giác, bong bóng. Trí tuệ Bát nhã Prajna có khi được gọi là sự hiểu biết, tri thức, trí tuệ hay cái nhìn sâu sắc. Nó là một trí tuệ trực giác không thể diễn đạt được bởi các khái niệm. Đó là cái thấy sâu sắc về tánh Không, là bản chất của thực tại. Nó là một từ tiếng Phạn để chỉ trí tuệ mà về cơ bản có nghĩa là cái thấy thanh khiết về tính Không – Bản chất tự nhiên của thực tại.

Zhaxi Zhuoma Rinpoche

Không có nhận xét nào: