Thứ Năm, 5 tháng 1, 2017

BÀN VỀ PHẬT TÁNH và THẤY TÁNH

Người tu Phật, khi chưa hiểu thế nào là nghĩa thật sự của PHẬT, thì cho rằng Phật là một vị Thần linh, quyền phép vô song, có thể cứu khổ, ban vui, độ cho mọi người, nên việc đi tu là vì mến mộ nên muốn cống hiến cuộc đời cho Phật. Công năng tu hành chỉ là học đạo, Ngồi Thiền, gỏ mõ, tụng Kinh, ca tụng, tôn thờ Phật, rồi hoằng dương Chánh Pháp bằng cách lôi cuốn ngày càng thêm người Quy Y theo Phật. Cất thêm nhiều kiểng Chùa cho to, cho đẹp… Càng làm được nhiều điều như thế thì càng thấy rằng mình đã phục vụ cho Đạo Pháp. Người tu hành thật sự, thì không chú trọng đến việc mở mang Đạo qua hình tướng, vì “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”. Chỉ mong thực hiện lời Thọ Ký: “Chúng Sinh là Phật sẽ thành”. Như vậy, bắt buộc họ phải tìm hiểu PHẬT là gì? Thế nào là Thành Phật? Đức Thích Ca đã làm gì để thành Phật? Qua đó, họ sẽ thấy thêm một số vấn đề quan trọng liên quan đến việc “Thành Phật” là: “Thấy Tánh thành Phật” hay “Kiến Tánh khởi tu”. Có nghĩa là không thể Thành Phật khi chưa THẤY TÁNH.

PHẬT TÁNH được Kinh Đại Bát Niết Bàn viết:

“Tất cả chúng sinh đều có Phật Tánh, tức nghĩa của Ngã. Nghĩa của Ngã như vậy từ nào đến giờ bị vô lượng phiền não che đậy, vì thế nên chúng sinh chẳng nhận thấy được" (Q.1, tr. 239)

“Đức Như Lai nói các chúng sinh đều có Phật Tánh, ví như y sĩ chỉ hột châu kim cương cho lực sĩ, các chúng sinh này bị vô lượng phiền não che đậy chẳng biết Phật Tánh. Nếu dứt hết phiền não, bấy giờ đặng chứng biết rõ ràng". (Q.1 tr. 245)

"Tất cả chúng sinh cũng vậy, vì không được gần gủi bậc Thiện tri Thức, dầu có Phật Tánh mà đều không nhận thấy, bị Tham Sân Si che đậy. Vì thế nên đọa Địa Ngục, Súc Sinh, Ngạ Quỷ, A tu la, Chiên đà La, Sát để lợi, Bà La Môn, Tỳ Bà, Thủ Đà… Sinh trong các dòng đó, nhơn tâm tưởng mà ra các thứ nghiệp duyên. Dầu được thân người nhưng phải đui, điếc, câm, ngọng, què, thọt, thọ các quả báo trong 25 cõi. Vì Tham sân Si che lấp bổn tâm nên chẳng biết Phật Tánh, như lực sĩ kia, hột châu vẫn ở trong tâm mà hô đã mất" (Q.1 tr.244).

Trong Sáu Cửa Vào Động Thiếu Thất, Tổ Đạt Ma nói về lý do cần Thấy Phật Tánh:

"Nếu muốn tìm Phật hãy cần Thấy Tánh.Tánh tức là Phật.
Nếu chẳng Thấy Tánh thì chay lạt giữ Giới đều vô ích cả”.

"Kẻ mê mặc sức múa máy theo người, phút chốc đọa sanh tử. Đó là những người không Thấy Tánh xưng càn là Phật. Hạng chúng sanh ấy phạm tội lớn, phỉnh gạt tất cả chúng sanh, đưa vào vòng ma giới.
Nếu không Thấy Tánh thì dầu giỏi nói 12 Bộ Kinh vẫn là ma nói. Đó là hạng bà con của ma, chẳng phải học trò của nhà Phật”.

"Nếu Thấy Tánh tức là Phật. Không Thấy Tánh tức là chúng sanh.
Lại hỏi: Nếu không Thấy Tánh thì niệm Phật, tụng kinh, Bố thí, giữ Giới, tinh tiến, rộng ban điều phước lợi có thành Phật được không?"

Đáp: Không được.

Lại hỏi: Sao không được?

Đáp: Nếu có chút pháp nào chứng được thì đó là pháp hữu vi – pháp Nhân Quả, pháp thọ báo, pháp luân hồi. Không rõ lẽ sống chết đời nào thành Phật Đạo.

"Nếu không Thấy Tánh thì nói gì về Nhân Quả vẫn chỉ là pháp ngoại đạo.
Nếu không Thấy Tánh mà thành được Phật đạo không đâu có được.
Thấy thẳng Tánh mình thì gọi là Thiền."

* Dầu có nói được ngàn kinh muôn luận mà không Thấy Tánh thì vẫn là phàm phu, chẳng phải là pháp Phật.

* Chỉ cần THẤY TÁNH thì dầu không biết một chữ vẫn được đạo.

* THẤY TÁNH tức là Phật

* Nếu Thấy được Tánh mình thì chẳng cần đọc kinh, niệm Phật.

* Nếu thấy Tâm mình là Phật thì không cần cắt tóc cạo râu. Hàng áo trắng vẫn là Phật.

* Nếu không Thấy Tánh, cắt tóc cạo râu vẫn là ngoại đạo”

* Nếu Thấy Tánh, chiên đà la cũng thành Phật”

* Phật sau chỉ nói Thấy Tánh

* Tánh tức là Tâm

* Tâm tức là Phật

* Nếu không Thấy Tánh lại nói càn là “ta được quả chánh đẳng chánh giác” ấy là kẻ đại tội.

Qua những đoạn Kinh vừa trích dẫn, ta rút ra mấy điều:

1/- Nếu không THẤY TÁNH, thì làm gì, nói gì, ngay cả làm Lục Độ, cạo tóc, đắp Y, chay lạt, giữ Giới, tụng Kinh, niệm Phật vẫn là ngoại đạo, không thể Thành Phật được. Nếu Thấy Tánh thì chiên đà la vẫn thành Phật.

2/- Tánh tức là Tâm, Tâm tức là Phật.

3 /- Lý do không Thấy Tánh là vị bị phiền não, Tham, Sân, Si che đậy, và vì không được gần Thiện tri Thức để được chỉ cho.

Thấy Tánh để được lợi ích gì?

Chính vì không Thấy Tánh, nên cho rằng mình là cái THÂN, vì thế mà quanh quẩn hành động vì nó, tạo ra bao nhiêu Nghiệp, để rồi cứ trả, vay không dứt. Thấy Tánh sẽ Thoát được những mê lầm nên không còn tạo Nghiệp nữa.

Tại sao muốn Thành Phật trước đó phải THẤY TÁNH?

Hàng ngày chúng ta quen sống với những gì CÓ TƯỚNG. Trái đất, xã hội, con người, ngay cả thân ta cũng là những thứ thuộc về CÓ TƯỚNG, có thể tiếp xúc, va chạm, nghe, thấy… Cách đây hơn 2.550 năm, Đức Thích Ca khi quán sát cuộc đời, quán sát thân người, Ngài đã kết luận là, ngoài cái THÂN HỮU TƯỚNG, mỗi người CÓ MỘT PHẦN VÔ TƯỚNG, mà phần này mới là quan trọng, điều khiển phần Hữu Tướng. Ngài đặt tên là CÁI TÂM. Có nơi gọi đó là Linh Hồn hay Thần Thức hay CÁI BIẾT, hay Tiểu Linh Quang, Tiểu Ngã vv... Theo Đức Thích Ca, mọi Khổ, vui, ràng buộc hay Giải Thoát đều do sự cảm nhận của cái phần Vô Tướng này. Thân xác chỉ là đống Tứ Đại tạm thời kết hợp, vô tri, vô giác, chỉ truyền tải cảm xúc của nó mà thôi.

Trong CÁI TÂM này, Đức Thích Ca chia ra làm 2:VỌNG TÂM và CHÂN TÂM. Cái CHÂN TÂM được Phật ví như ÁNH SÁNG. Cái VỌNG TÂM được Ngài ví như ánh sáng đã xuyên qua lớp kính, bị ảnh hưởng về màu sắc, sạch hay dơ, dày hay mỏng của lớp kính đó, không còn trong suốt như lúc khởi đầu,

Lớp kính đó, theo Đức Thích Ca, là các giác quan: Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân và Ý mà Ngài gọi là LỤC CĂN. Các pháp do Lục Căn tiếp nhận rồi đưa vào, Ngài gọi đó là LỤC TRẦN.

Khi chưa tu hành theo Đạo Phật, chúng ta chỉ nhìn, đánh giá cuộc đời qua ánh sáng đã bị che chắn, bị nhuộm màu bởi các giác quan. Sự đánh giá này cho ra kết quả: THƯƠNG, GHÉT, THAM, SÂN, SI để phản ứng lại với các pháp, vì ta cho rằng các pháp đang đến với cái THÂN là đến với TA. THÂN này CHÍNH LÀ TA.

Nhưng theo Đức Thích Ca, CÁI TA THẬT SỰ là PHẦN VÔ TƯỚNG đang điều khiển cái THÂN, đang hiện diện ở trong Thân. Cái này ứng vào THÂN thì BIẾT SỐNG. Ứng vào TAI thì BIẾT Nghe. Ứng vào Mũi thì Biết mùi. Vào Luỡi thì Biết Vị. Ứng vào Da thì Biết cảm giác… Nếu gọi là CHÂN TÂM, thì lúc còn mê lầm, Phật gọi là VỌNG TÂM và nếu gọi là CÁI BIẾT thì lúc chưa tỉnh ngộ thì gọi là CÁI BIẾT MÊ LẦM. Do vậy, nhiệm vụ của người tu là nương theo giáo pháp của Phật để chuyển hóa cái VỌNG TÂM hay CÁI BIẾT MÊ LẦM, trở về với cái CHÂN TÂM hay là CÁI BIẾT GIÁC NGỘ hoặc CÁI BIẾT SÁNG SUỐT. Do vậy, THẤY TÁNH là nhận được, biết được mình chính là cái BỔN THỂ TÂM, không phải là cái Thân Tứ Đại giả tạm này.

Làm sao để biết là có cái CHÂN TÂM đó?

Ta sẽ thấy khi quan sát một xác chết. Phải chăng thân thể vẫn còn nguyên vẹn, nhưng không còn cử động, nói năng gì được, vì CÁI BIẾT SỐNG đã rời khỏi nó rồi.

Nhưng chẳng lẽ tự nhận mình là CÁI BIẾT kia thì sẽ Thoát Khổ hay Thoát Sinh Tử Luân Hồi?

Sinh Tử Luân Hồi chỉ diễn ra đối với những gì CÓ TƯỚNG. VÔ TƯỚNG thì đâu có SINH, vì thế cũng không Tử, nên cũng không phải Sinh Tử Luân Hồi.

Nhưng không lẻ chỉ nhận rằng Mình là VÔ TƯỚNG thì Thoát?

Không phải chỉ cần nhận là đã Thoát. Mục đích của Đạo Phật là đưa ra giải pháp cho chúng ta Thoát Khổ. Và chúng ta Khổ chỉ vì bám víu vào Các Tướng, vì vậy, biết nó là Giả, không thật, không bền, không bám vào nó thì sẽ không bị nó lôi cuốn để Tham Lam, Sân Hận, Si Mê, nhờ đó mà Hết Khổ.

Nhưng rõ ràng gai đâm thì thấy đau. Gần lửa thì nóng. Dầm mưa thì lạnh… tất cả cảm giác đến với cái THÂN thì ta đều cảm nhận, sao cho rằng cái Thân này không phải là Ta?

Đạo Phật không cho rằng cái Thân này hoàn toàn không dính tới Ta, mà cho rằng đó là Cái Thân Nghiệp, là một ứng hiện tạm thời của Ta để trả những gì đã vay. Nó không phải là cái TA THẬT SỰ. Do vậy, người ý thức được như thế thì không để cho nó làm chủ, sai sử mình chạy theo những ham muốn của nó để tạo Nghiệp như trước, mà biết rõ về nó rồi lấy lại vị thế làm Chủ của mình, dùng nó để làm những điều thiện, để tu hành cho đến thành tựu.

Vậy thì làm thế nào để nhận ra mình là cái CHÂN TÂM?

Đức Thích Ca cho rằng khi chưa nhận được cái CHÂN TÂM thì chúng ta hoàn toàn bị cái VỌNG TÂM điều khiển, nên vì đó mà khởi Tham, Sân, Si khi đối pháp. Muốn nhận ra cái CHÂN trước hết phải biết cái VỌNG. Phải chăng, khi quán sát các pháp ta thấy: Có khởi thì có diệt. Có Sinh thì có Tử, có tốt thì có xấu… nghĩa là luôn có sự biến đổi từ CÓ đến KHÔNG theo quy luật? Những thứ không tồn tại vĩnh viễn được Đức Thích Ca gọi là VỌNG. Trong sự đến, đi, hợp, tan, của các pháp, ta lại thấy các mặt đối đãi luôn diễn ra: Tốt, xấu, thiện, Giàu, nghèo, sang, hèn, được hưởng hay chịu đọa, người xinh đẹp, kẻ xấu xí… cho ta thấy rằng phải có điều gì đó tác động để làm ra như thế. Cái nguyên nhân đã tác động Đức Thích Ca gọi đó là NHÂN. Cái đang hình thành Ngài gọi là QUẢ. Như vậy, truy ngược lại bắt buộc ta phải hiểu là vạn pháp không thể chỉ bắt đầu ngay tại hiện kiếp mà đã có những dị biệt thế kia. Chắc chắn chúng phải diễn ra ở một thời điểm nào đó ở quá khứ. Qua đó, ta thấy có một sự liên quan mật thiết giữa NHÂN QUẢ và LUÂN HỒI. Do có Nhân Quả nên phải có Luân Hồi để việc trả vay được thanh toán sòng phẳng với nhau.

Chấp nhận NHÂN QUẢ. Chấp nhận có LUÂN HỒI thì ta biết rằng phải có một cái gì đó TRƯỜNG TỒN, mà những hiện tượng Luân Hồi là những hoa đốm hay bèo bọt nổi rồi tan trên mặt. Nếu dùng thí dụ như là Nước, thì những cái Thân Nghiệp như những cái bọt, nổi rồi tan trên sóng, sẽ trở về với Nước. Nếu dùng thí dụ là Nguồn Điện, thì những cái Thân như những bóng đèn. Tròn hay dài, lu mờ hay sáng là nhờ vào ánh sáng của nguồn điện. Dù bóng đèn hết tuổi thọ mà chết đi, nhưng Nguồn Điện thì vẫn tồn tại. Thay bóng khác lại tiếp tục cho ánh sáng…

Những bóng đèn hay bọt nước tượng trưng cho những cái Thân Tứ Đại mà mỗi người chúng ta đang mang. Đến lúc nào đó, hết Duyên, hết Nghiệp, nó sẽ lại trở về cùng với Tứ Đại. Biết bao thế hệ đã đi qua đã chứng minh điều đó.

Nhưng tách THÂN và TÂM ra để làm gì?

Chính vì không biết MÌNH thật sự ra là NƯỚC hay là NGUỒN ĐIỆN, nên mỗi chúng ta đã bám vào những cái Thân bọt bèo, giả tạm, rồi ở đó tranh dành, hơn thua với nhau, gây biết bao đau khổ cho kiếp sống của chính mình và những người chung quanh. Vì cho rằng THÂN này là MÌNH, nên những gì không vừa ý mình thì đau khổ, giận hờn. Tìm mọi cách để chiếm đoạt những thứ mình yêu thích. Khi không đủ tài, sức để cạnh tranh một cách lương thiện thì dùng thủ đoạn, gây bao nhiêu xáo trộn cho cuộc sống. Do vậy mà có Giáo Pháp của Đức Thích Ca ra đời để cảnh tỉnh con người. Đưa ra pháp VÔ THƯỜNG, VÔ NGÃ, để nói rằng Thân này không phải là cái Chân Ngã, Nó lại không trường tồn, để mọi người hiểu được mà dừng lại, ngưng tạo Nghiệp để kiếp sống được an vui. Kiếp sau nếu có, thì nhờ vào kiếp này không tạo Nghiệp mà sinh được chỗ lành, tiếp tục an ổn, dù chưa được Giải Thoát.

Muốn bỏ được sự lầm chấp vào cái Thân hữu tướng này đòi hỏi hành giả phải Quán Sát, Tư Duy. Để việc Quán Sát, Tư Duy đạt hiệu quả thì phải dừng cả Thân và Tâm nên có pháp THIỀN ĐỊNH. Kết quả của Thiền Định là Trí Huệ, tức là cái trí hiểu biết về các pháp, để hướng tới Con Đường Giải Thoát. Chính vì vậy mà Kinh dạy người tu cần phải làm đầy đủ 3 việc là GIỚI, ĐỊNH và HUỆ và sống trong Bát Chánh Đạo. Bởi không thể có người sống bằng đồng tiền bất chánh, suy nghĩ, nói năng, hành động bất chánh mà có thể đạt tới kết quả của Đạo vốn chân chánh từ ý tưởng cho đến lời nói, hành động, gọi là Thân, Khẩu, Ý Ba Nghiệp thanh tịnh.

Bằng cuộc sống chân chánh và tư duy đúng hướng như thế, đến một thời điểm nào đó, kết quả sẽ là THẤY TÁNH, tức là nhận ra sự thật đúng như Đức Thích Ca đã nói: MÌNH không phải là cái THÂN giả tạm này, mà là cái CHÂN TÁNH. Cái THẤY TÁNH này không có gì ghê gớm đến “đất trời đổ sụp” như nhiều vị Thiền Sư đã tự đề cao! Chỉ là NGỘ ra tính chất mình sẵn có như Lục Tổ diễn tả:

“Nào dè Tánh mình vốn không sanh diệt
Nào dè Tánh mình chứa đầy đủ muôn pháp
Nào dè Tánh mình vốn không lay động
Nào dè Tánh mình có thể sanh ra muôn pháp” .

TÁNH là phía đối đãi với TƯỚNG. THẤY TÁNH tức là THẤY được, nhận ra được TA là phần Vô Tướng trong mỗi chúng ta. Không phải là thấy được, hiểu được chữ nào đó như trường hợp hiểu lầm được ghi lại trong Vô Môn Quan. Trong đó, ta thấy người thầy giao cho đệ tử tham chữ VÔ hay chữ nào đó. Khi thấy được chữ đó thì lại hiểu lầm là THẤY TÁNH! CHỮ và TÁNH hoàn toàn khác nhau từ cách tìm cho đến cách thấy mà cả Thầy lẫn trò đều không biết! Thầy ấn chứng cho trò, và trò nghĩ rằng mình đã được “làm thầy cõi trời, cõi người” đâm ra kiêu mạn, xem mình bằng hay thậm chí còn cao hơn Phật! Do không thật sự THẤY TÁNH, nên cũng không biết được rằng “Cõi trời và cõi người” đó chỉ là những cảnh giới Phật mô tả trong nội tâm của hành giả, không phải là ở vũ trụ bên ngoài!

Chư cổ đức dạy: “Kiến Tánh khởi tu” có nghĩa là sau khi THẤY TÁNH, biết mình không phải là cái Thân hữu tướng hư dối này, thì SỬA đổi những suy nghĩ, lời nói, hành động cho phù hợp. THÂN này không phải là Mình, thì đâu còn vì nó mà THAM LAM để tìm những thứ vừa ý nó mà cung phụng cho nó? Cũng đâu có SÂN SI khi nó bị xúc phạm? Đâu có GHÉT những thứ không hợp với nó và THƯƠNG những gì nó yêu thích? Khi gặp nghịch Duyên thì biết là lúc đó Quả xấu đang trả lại, bình tĩnh mà đón nhận, giải quyết. Khi gặp thuận duyên cũng không quá mừng, vì vậy, Tổ Đạt Ma dạy là: “Được không mừng, mất không lo”, vì các pháp CÓ TƯỚNG, đến với cái THÂN Có Tướng, không phải là đến với cái CHÂN TÁNH.

Nhưng cái CHÂN TÁNH cũng không phải hoàn toàn trống rỗng như hư không, vô hồn, vô cảm, mà đang hiện thân ở trong TƯỚNG, vì vậy nó cũng cảm nhận được những gì cái Tướng đang phải đối phó. Nhưng tùy theo tình trạng lúc đó nó còn MÊ hay đã GIÁC mà hướng dẫn cho thân hành động. Nếu nó còn đang MÊ, chấp lầm cái THÂN là MÌNH, thì nó sẽ dắt cái Thân hành động sai lầm, đưa đến tạo Nghiệp. Nếu nó đã GIÁC thì sẽ sáng suốt giúp người có nó tu hành đi đến rốt ráo Giải Thoát. Bản chất của nó là Thiện, nên luôn hướng dẫn cho cái Thân biết đồng cảm, chia sẻ với những hoàn cảnh đáng thương, bị cuộc đời vùi dập. Vì vậy mà Chư vị Giác Ngộ không bao giờ rời bỏ lòng TỪ, lòng BI, luôn theo dõi chúng sinh để giúp đỡ. “Kiến Tánh thành Phật” không có nghĩa là sau khi THẤY TÁNH rồi thì tự nhiên trở thành Ông Phật, có 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, hào quang sáng lóa, ngồi trên tòa Sen để cứu nhân, độ thế, mà sau khi Thấy Tánh thì người đó sẽ lần lượt xả bỏ cái Tâm dính mắc với Tướng để được Giải Thoát. 32 tướng tốt là những cái Hạnh mà người tu sẽ thực hiện đối với Thầy, bạn và mọi người chung quanh, không phải là những tướng đẹp để chúng ta dùng vàng, ngọc mà tạc để thờ!

Vì sao phiền não, Tham sân Si che lấp thì không thấy được Tánh?”. Phiền Não, Tham sân Si là những phản ứng khi thấy Pháp đến với cái Thân của người hoàn toàn cho mình là Nó. Đã thấy mình là cái Thân Hữu Tướng, không thắc mắc, suy nghĩ, tìm hiểu gì thêm, thì làm sao thấy được cái phần Vô Tướng kia? Vì thế nên mới cần phải tu hành, quán sát, tư duy, giữ Giới, đi trong Bát Chánh Đạo… Đó là những chất thuốc để giặt, tẩy những thứ dơ bẩn đã che chắn cái Chân Tánh. Điều quan trọng là phải gặp được người đã Thấy Tánh hướng dẫn cho. Nếu hội đủ các yếu tố đó, thì với lòng kiên trì, quyết tâm và Tinh Tấn, việc Thấy Tánh chỉ còn là vấn đề thời gian thôi.

Làm sao phân biệt được trong muôn vàn người giảng Đạo Phật ai đã Thấy Tánh, ai chưa?

Do lớp người đi trước hiểu sai, thần thánh hóa việc Thấy Tánh, Chứng Đắc, làm cho mọi người cứ tưởng đó phải là những người phi thường, thần thông quảng đại, vào lửa không nóng, xuống nước không chìm! Tổ Đạt Ma dạy: “Rắn biến thành rồng vẫn không đổi vảy. Phàm phu thành Thánh cũng không đổi mặt”, cho ta thấy việc Chứng Đắc, Thấy Tánh là kết quả của Soi Quán, Tư Duy, Điều Phục, thuộc về nội tâm của hành giả, không có thể hiện ra bên ngoài. Thân tứ đại của người đã Thấy Tánh và phàm phu không có gì khác nhau. Mọi cảm nhận vẫn không thay đổi, chỉ đổi cách ứng xử mà thôi. Lục Tổ sau khi Thấy Tánh vẫn phải trốn chạy khi bị truy sát, 16 năm không dám lộ diện! Tổ Đạt Ma bị đầu độc mà chết! Đức Thích Ca còn chết vì ngộ độc thực phẩm, thì chúng ta nên coi lại cái hiểu về Phật và cách tin Phật để tránh bị những kẻ đưa chiêu bài tôn giáo ra khai thác, lợi dụng! Thời xưa cũng như thời nay, những hạng đó đầy dẫy!

Người đã THẤY TÁNH là người đã hiểu rõ PHẬT chỉ có một nghĩa duy nhất là Giải Thoát nên không cần hình thức gì khác đời, chỉ âm thầm Xả bỏ những thói quen khi còn phàm phu trước đây. Chính việc xả bỏ Tham, Sân, Si, Thương, Ghét, là họ đang tô đắp tượng Phật nơi Tâm. Làm Lục Độ Ba La Mật là đang “cứu độ Tam Thiên” hay xây dựng một Tây Phương Cực Lạc nơi Tâm của họ. Cứ nhìn cuộc đời của Chư Tổ là những người thật sự Thấy Tánh, ta sẽ thấy : Suốt đời họ chỉ một Y, một bát. Sống đơn giản, nhẹ nhàng, không màu mè sắc tướng, lập dị, kiêu mạn. Cũng không hề tự xưng là Phật hay Bồ Tát giáng thế, hay hô hào, quảng bá rầm rộ, phô trương thanh thế, hoặc tranh dành tín đồ, cất chùa cho lớn, tạc tượng Phật cho to, chiêu mộ nhiều người Quy Y theo Phật! “Phật là Vô Tướng, do vô lượng công đức mà thành” thì lấy gì để nhận của cúng dường ? Đạo Phật đã gọi là Đạo Nhân Quả thì làm gì có chuyện có Phật Tổ Như Lai hay Thần Thánh nào đó cầm cân nảy mực, chỉ cần hối lộ, lễ vật cho nhiều là được đổi xấu, lấy tốt? “Tu Phật là Tu Tâm”, thì cất chùa cho to để Phật nào ngự? Do vậy, họ chỉ cần thực hiện những điều thấy, biết cho bản thân đúng theo tinh thần tự tu, tự độ. Có duyên thì nhắc nhở những ai thật sự muốn phát tâm, để làm tròn trách nhiệm của người đi trước. Và như lời Phật dặn dò trong Kinh Lăng nghiêm: “Anan, ta có dạy các vị Bồ Tát và A La Hán: sau khi ta diệt độ rồi, các ông phải thị hiện thân hình trong đời mạt pháp để cứu độ các chúng sanh đang trầm luân. Hoặc hiện làm Thầy Sa Môn, cư sĩ, vua, quan, đồng nam, đồng nữ, cho đến hiện đàn bà góa, kẻ dâm nữ, người gian giảo, kẻ trộm cướp, người thợ thịt, kẻ buôn bán... để lẩn lộn trong từng lớp người, chung làm một nghề nghiệp đặng giáo hóa chúng sanh trở về chánh đạo.

Nhưng các vị ấy quyết chẳng bao giờ nói: “Ta đây thật là Bồ Tát, A La Hán vv... hay tỏ ra một vài cử chỉ gì làm tiết lộ sự bí mật, để cho người ta biết mình là Thánh nhơn thị hiện. Chỉ trừ sau khi mạng chung rồi mới âm thầm để lại một vài di tích cho ngưởi biết mà thôi”. Như thế, chắc chắn thời nào, trong bất cứ hạng nào cũng có thể có các vị Giác Ngộ hiện thân, nhưng chúng ta khó thể nhận ra, dù họ có hiện diện ngay trước mặt giữa đời thường vậy.

Tâm Nguyện

Không có nhận xét nào: