Thứ Năm, 29 tháng 12, 2016

ĐÔNG Y LUẬN CHỨNG MẤT NGỦ.

Mất ngủ không gọi là bệnh mà là chứng, có nhiều gốc bệnh gây chứng mất ngủ nên cách điều trị mất ngủ cũng phải luận theo nguyên nhân gốc rễ mà điều trị chứ không phải cho uống thuốc an thần để bệnh nhân lăn ra ngủ rồi sáng hôm sau mệt mỏi đờ đẫn bởi dư âm của thuốc (vì tác dụng chính của thuốc an thần là ức chế vỏ não nên bệnh nhân thường thấy đầu óc không tỉnh táo, hay quên khi sử dụng loại thuốc này quá liều hoặc dài ngày).

Chứng mất ngủ này có rất nhiều nguyên nhân nhưng với xã hội ngày nay thì đa phần rơi vào 2 nguyên nhân chính yếu sau: TÂM HUYẾT HƯ và CAN KHÍ UẤT.

Nói theo ngôn từ Đông y thì khó hiểu nên tôi sẽ cố gắng phân tích một cách đơn giản nhất có thể để bạn đọc nắm bắt và tìm được hướng điều trị thích hợp cho mình:

TÂM HUYẾT HƯ:

Tạng Tâm trong Đông y có thể hiểu đơn giản bao gồm trái tim và tinh thần của mình. Đông y cho rằng Tâm chủ thần minh nên một khi tạng Tâm yếu thì gây ra tình trạng tinh thần bất an, hay hồi hộp lo lắng,tim đập loạn xạ, sợ sệt, hốt hoảng không rõ nguyên nhân

Huyết là danh từ chỉ chung về máu và các công năng của máu, huyết dịch trong cơ thể. Chứng Huyết hư là tên gọi chung cho các biểu hiện do máu và huyết dịch trong cơ thể bất túc (không đủ), tạng phủ mất sự nuôi dưỡng dẫn đến suy nhược toàn thân. Nguyên nhân phần nhiều do nội thương bệnh lâu ngày, tư lự quá độ, mệt mỏi, ăn uống thiếu thốn kéo dài… ngấm ngầm làm hao tổn ẩm huyết. Chứng Huyết Hư đa phần gặp ở phụ nữ vì kinh nguyệt và thụ thai sinh đẻ đều lấy âm huyết làm gốc.

Biểu hiện thường gặp của chứng HUYẾT HƯ:

- Khó ngủ, ngủ chập chờn, hay giật mình, hay mộng mị, nằm mơ linh tinh.

- Sắc mặt xanh sao, không tươi, trắng nhợt hoặc vàng bủng.

- Chóng mặt, hoa mắt, tối sầm mặt khi ngồi xuống đứng lên

- Đau đầu, khó tập trung, trí nhớ kém, hay quên vặt.

- Chân tay tê dại, cơ thịt hay mỏi, môi và móng tay nhợt nhạt, tóc rụng, da khô.

- Người già ngủ ít, táo bón, hay lẫn

- Phụ nữ hành kinh muộn, kinh ít, sắc nhợt, bụng đau nhiều thậm chí bế kinh.

Chính vì thế nguyên nhân gây ra chứng mất ngủ của suy nhược thần kinh, suy nhược cơ thể chính là do chứng Tâm Huyết Hư và phép điều trị nên nhắm vào Bổ Huyết Dưỡng Tâm là chính. Các vị thuốc như Đương quy, Đơn sâm, Kỷ tử… và bài thuốc thường dùng như Quy tỳ thang, Thiên vương bổ tâm đơn…

Cần nói thêm là các loại thuốc an thần của Đông y hầu hết cũng có tác dụng bổ Tâm, nên các bài thuốc bổ tâm an thần cũng có công hiệu cho chứng bệnh này tuy nhiên nếu không bổ thêm huyết thì cái gốc huyết hư vẫn còn đó và khó có thể điều trị dứt điểm chứng mất ngủ được.

2. CAN KHÍ UẤT:

Tạng Can trong Đông y bao gồm lá gan và một số chức năng khác trong cơ thể mà quan trọng nhất trong các chức năng của tạng Can là chức năng CHỦ SƠ TIẾT, giúp cho khí huyết trong cơ thể lưu thông lưu lợi giúp các tạng phủ làm việc nhịp nhàng đúng chức năng của nó. Tuy nhiên, tạng Can và chức năng sơ tiết này rất dễ bị ảnh hưởng bởi tâm trạng và sự căng thẳng tác động làm cho chức năng sơ tiết bị đảo loạn làm cho phần Khí bị uất kết không đi lưu lợi nữa.

Dễ thấy nhất là chúng ta thường cảm giác bực bội trong người, vùng ngực khó chịu do khí uất, dễ nổi nóng la mắng người khác vô cớ (do khí uất kết gây bốc hỏa), người bứt rứt khó chịu nên tối xuống khó chìm vô giấc ngủ, có khi lại thức trắng đêm.

Phép trị cho chứng mất ngủ do Can khí uất là phép Thư Can Giải Uất (làm cho tinh thần tư thái) với các vị thuốc như Sài hồ, Bạch Thược, Hương phụ… làm chủ dược và các bài thuốc thường dùng như Sài hồ sơ can thang, Tiêu dao tán…

Cùng gây ra chứng mất ngủ nhưng có sự khác biệt của hai chứng bệnh này nằm ở chỗ:

Người mất ngủ do can thì khó dỗ vào giấc ngủ, do tâm thì dễ tỉnh giấc nửa đêm.
Mất ngủ do tâm thì người hay mệt mỏi, do can thì người không mệt mà trái lại là hưng phấn thái quá gây ra.
Mất ngủ do tâm thì hay lo sợ, hồi hộp, do can thì hay cáu gắt, bực bội.
Do tâm huyết hư thì huyết áp thường thấp, do can khí uất thì huyết áp thường cao


Trong việc điều trị mất ngủ, chỉ khi bệnh nhân nặng cấp tính, thức trắng đêm thì các thầy thuốc Đông y mới kê các vị thuốc “trọng trấn an thần” (thuốc ngủ mạnh) như Chu sa hoặc Thần sa (hai lọai này có độc tính vì chứa Thủy ngân) còn Tây y thì thường dùng các loại thuốc mạnh như seduxen, lexomil, Ambien hay Lunest (các loại thuốc này có tác dụng phụ là gây ảo giác, rối loạn ý thức, hôn mê, co giật…) nhưng với những bệnh nhân mất ngủ lâu năm thì các loại thuốc kể trên cũng không còn tác dụng hoặc tác dụng rất ít (dân gian hay gọi là lờn thuốc).

Chính vì thế việc điều trị mất ngủ trở thành một bài toán nan giải khi bệnh nhân cần giải quyết nhanh chóng mà thuốc điều trị Đông hay Tây y không thể giải quyết được triệt để. Thêm nữa, người bệnh mất ngủ thông thường cho rằng chỉ cần uống được một loại thuốc nào đó hiệu quả là có thể ngủ được chứ không nghĩ rằng chế độ sinh hoạt và làm việc góp phần không nhỏ trong quá trình điều trị.

Trí não chúng ta đã phải căng thẳng 8 tiếng làm việc mỗi ngày, sau giờ làm việc là những lo toan, mưu tính cho cơm áo gạo tiền, chuyện nhà chuyện phố, quan hệ, đấu đá… thậm chí đến giờ lên giường mà bộ não cũng còn phải căng sức làm việc trong một thời gian dài thì thử hỏi sao lại không bệnh. Có những bệnh nhân tôi tận mắt chứng kiến chẳng cần uống một viên thuốc nào cả mà chỉ cần thực hành thiền một tuần là có thể chữa khỏi chứng mất ngủ hơn mười năm. Vì Thiền giúp Tâm Trí được nghỉ ngơi hoàn toàn, giải quyết được cái nguyên nhân gốc rễ gây ra bệnh nên phương pháp này đạt kết quả rất vi diệu.

Chính vì thế việc điều trị chứng mất ngủ đòi hỏi người thầy thuốc và bệnh nhân phối hợp tìm ra được nguyên nhân nằm ở đâu, nếu đúng là cần thuốc thì dùng thuốc, nếu do bệnh ở tâm thì dùng tâm mà chữa chứ không cứng nhắc đưa vô tội vạ đủ thứ hóa chất hay cây cỏ vô trong người.

Lương y Phạm Anh Duy – phòng khám Tâm Y Đường
Địa chỉ 2432 Phạm Thế Hiển P6, Q8, Hồ Chí Minh.
ĐT tư vấn: 0979.321.697- 0966.846.272 - 0968.400.897

Không có nhận xét nào: