Thứ Năm, 29 tháng 12, 2016

GIỚI ĐỊNH TUỆ của BÁT CHÁNH ÐẠO

Trước khi nhập diệt (Niết bàn) Ðức Phật cho gọi các hàng đệ tử lại và căn dặn: "Pháp và Luật (Dhamma vinaya) Như Lai đã giảng giải và ban hành cho các con, sau khi Như Lai diệt độ, chính Pháp và Luật này sẽ là Ðạo Sư của các con[1]".
Từ lời di huấn này, chúng ta thấy rõ rằng đường lối tu tập của Ðức Phật, hệ thống Tôn giáo của Ngài, bao gồm Pháp và Luật. Luật hàm ý sự toàn hảo về phương diện đạo đức, chế ngự những hành động của thân và khẩu, phép tắc cư xử trong đạo Phật. Tất cả những điều này thường được gọi là Sìla (giới) hay học giới, pháp đề cập đến việc tu tập tâm, chế ngự tâm, đó là thiền hay sự phát triển Ðịnh Tâm (Samàdhi) và Trí Tuệ (Pannà). Ba phần Giới, Ðịnh và Tuệ này là những lời dạy căn bản nếu được tu tập một cách thận trọng và trọn vẹn sẽ nâng con người từ thấp lên cao; đưa họ từ bóng tối ra ánh sáng, từ tham dục đến xả ly, và từ loạn động đến tịnh lặng.
Tam học này không phải là những phần biệt lập mà là những phần không thể thiếu của Ðạo Lộ (giải thoát). Ý niệm này được kết tinh từ lời khuyến giáo thật sáng suốt của bậc Chánh Ðẳng Giác xưa cũng như nay: 'Không làm các điều ác, tu tập các hạnh lành; giữ tâm ý trong sạch' [2].
Ðây là những lời dạy cổ kính thường được trích dẫn nhưng lúc nào cũng thật mới mẻ, vì nó truyền đạt một cách cô đọng bức thông điệp của bậc Ðạo Sư như khi ngài chỉ ra con đường thanh tịnh và giải thoát. Tuy nhiên, Ðạo Lộ thường được nói đến như là Bát Thánh Ðạo hay Bát Chánh Ðạo (Ariyo atthamgiko maggo), mặc dù một số người thích gọi Ðạo Lộ này là Bát Thánh Ðạo, nhưng cũng nên chú ý rằng từ "Ariyan" ở đây không đại diện cho một chủng tộc, đẳng cấp, giai cấp hay dòng họ nào cả. Nó chỉ đơn thuần có nghĩa cao quý hay cao thượng, thế thôi.
Bát Chánh Ðạo được sắp thành ba nhóm: Giới, Ðịnh, Tuệ, Ðạo Lộ này là nét đặc thù của đạo Phật và phân biệt nó với mọi Tôn giáo và mọi triết lý khác.
Tám chi phần của đạo lộ là:
Nhóm tuệ (Pannà):
Chánh Kiến (Sammà-ditthi)
Chánh Tư Duy (Sammà-samkappa)
Nhóm Giới (Sìla):
Chánh Ngữ (Sammà-vàca) Chánh Nghiệp (Sammà - kammanta)
Chánh Mạng (Sammà àjiva) 
Nhóm Ðịnh (Samàdhi):
Chánh Tinh Tấn (Sammà-vayama)
Chánh Niệm (Sammà-sati)
Chánh Ðịnh (Sammà-samàdhi)
Nói đến đạo lộ này, trong bài Pháp Ðầu Tiên[3], Ðức Phật đã gọi đó là Trung Ðạo(Majjhimà patipadà), bởi vì nó tránh xa hai cực đoan: Lợi dưỡng là đắm mình trong dục lạc được xem là thấp hèn, dung tục và dẫn đến nguy hại, là một cực đoan. Tự hành hạ mình bằng các hình thức khổ hạnh nghiêm khắc dẫn đến đau khổ, thấp hèn và nguy hại là một cực đoan khác.
Sống trong cung điện xa hoa giữa những đàn ca múa hát thâu đêm, đức Bồ tát biết bằng chính kinh nghiệm của mình, rằng dục lạc ngũ trần không đưa đến chân hạnh phúc và giải thoát. Sáu năm trường khổ hạnh, mà Ngài như một đạo sĩ khổ hạnh, đã thực hành rất nhiệt tình mong tìm sự thanh tịnh và giải thoát cuối cùng, nhưng cũng không đem lại kết quả gì. Ðó chỉ là một nỗ lực hão huyền, vô ích. Tránh xa hai cực đoan này, Ngài đi theo con đường tu tập giới và tâm, bằng vào kinh nghiệm tự thân đã khám phá ra Trung Ðạo bao gồm ba nhóm như đã kể trên.
Ðiều cần phải ghi nhớ ở đây là thuật ngữ "đạo" chỉ là cách diễn đạt có tính biểu trưng, mặc dù theo ước lệ chúng ta nói đến việc bước theo đạo lộ, thế nhưng trong ý nghĩa cùng tột thì tám bước biểu thị cho tám Tâm Sở.
Chúng tương quan và tương duyên lẫn nhau, ở cấp độ cao nhất thì chúng vận hành đồng thời chứ không phải bước theo từng bước hoặc thực hành hết chi này đến chi khác theo số thứ tự. Ngay cả ở mức độ thấp nhất cũng vậy, mỗi chi cũng như các chi cần phải được tác động với một mức độ nào đó của chánh kiến, vì đó là trọng tâm của đạo Phật.
Trước hết chúng ta hãy nghe những lời dạy này từ Ðức Phật:
'Này các Tỳ kheo! chính vì không thông đạt, không thể nhập bốn pháp (Dhammà) mà Ta và các ngươi lâu đời phải trôi lăn trong biển sanh tử. Bốn pháp ấy là gì? Này các Tỳ kheo! chính vì không thông đạt, không thể nhập Giới, Ðịnh, Tuệ và Giải Thoát mà Ta và các ngươi lâu đời trôi lăn trong biển sanh tử vậy. Nhưng khi bốn pháp này đã được thông đạt và thể nhập, này các Tỳ kheo, thời tham ái đối với đời sống tương lai được trừ diệt, những gì đưa đến một đời sống mới được dứt sạch và nay không còn một đời sống nào nữa'[4].
Bậc Ðạo Sư nói thêm:
'Ðịnh, này các Tỳ kheo, được hỗ trợ bởi giới sẽ đem lại quả vị lớn, lợi ích lớn. Tâm (định) được tuệ hỗ trợ sẽ đưa đến giải thoát hoàn toàn các món lậu hoặc, tức là dục lậu, hữu lậu (tri kiến lậu) và vô minh lậu[5]'.
Những lời dạy này của Ðức Phật đã giải thích rõ
nhiệm vụ và mục đích của tu tập Giới, Ðịnh, Tuệ. Sự giải thoát có nghĩa là thấu thị cuộc sống khi đã tận diệt ba nhân căn để của bất thiện Tham, Sân, Si hay Vô Minh (Lobha, Dosa, Moha)từng tấn công tâm con người. Ba căn bản bất thiện này được loại trừ qua việc tu tập Giới, Ðịnh, Tuệ.
Như vậy chúng ta thấy giáo pháp của Ðức Phật nhắm vào sự thanh tịnh tuyệt đối, kiện toàn tâm lực, giải thoát khỏi những tham muốn thấp hèn.
Thế thì sự giải thoát khỏi những cấu uế của tâm này, sự giải thoát khỏi khổ này là trách nhiệm của tự thân mỗi con người, không phải là trách nhiệm của ai khác, dù là người hay chư thiên, ngay cả một vị Tối Tôn như Ðức Phật cũng không thể giải thoát cho ai khỏi những trói buộc của cuộc đời, ngoại trừ chỉ đường cho họ.
Ðạo lộ giải thoát gồm: Giới, Ðịnh, Tuệ thường được đề cập trong Kinh Ðiển như là Tam Học(tividhàsikkhà) và không có học nào trong tam học này tự thân nó là cứu cánh cả; mỗi học là một phương tiện để đi đến cứu cánh. Nghĩa là mỗi học không thể tu tập độc lập với các học khác. Như trường hợp một cái giá ba chân, nếu một chân gãy thì cả cái giá ấy sẽ sập, vì vậy ở đây, học này không thể làm nhiệm vụ nếu không có sự hỗ trợ của hai học khác. Tam học thường nương tựa và hỗ trợ lẫn nhau. Giới củng cố Ðịnh và Ðịnh trở lại thúc đẩy trí tuệ. Trí tuệ giúp hành giả loại trừ tà kiến đối với các pháp, thấy các pháp như chúng thực sự là, đó là thấy cuộc sống và tất cả pháp liên quan đến cuộc sống đều phải chịu sanh, diệt, vô thường.
Tới đây chúng ta đã thấy rõ tác động hỗ tương giữa Pháp và Luật (Dhamma-vinaya) hay giữa minh và hạnh (Vijjà-carana) hai yếu tố thạo thành một tiến trình phát triển duy nhất, 'Như lấy tay rửa tay, hay lấy chân để rửa chân. Cũng vậy, giới hạnh làm cho trí tuệ thanh tịnh và trí tuệ làm cho giới hạnh thanh tịnh[6]'. Sự kiện này có lẽ cũng là điều đáng ghi nhớ đối với các nhà nghiên cứu Phật học, vì có một khuynh hướng, đặc biệt trong giới kinh viện, xem lời dạy của Ðức Phật như thuần lý luận, hoặc chỉ như một Giáo lý siêu hình không có giá trị thực tiễn hoặc một tầm mức quan trọng nào cả.
Tuy nhiên, pháp hành của đạo Phật là một tiến trình nghiêm nhặt nhằm tịnh hóa lời nói, hành động và tư duy của con người. Ðó là một tiến trình tự phát triển, tự thanh tịnh. Sự nhấn mạnh ở đây là vào những kết quả thực tiễn chứ không phải là sự suy luận mang tính triết lý, những ý niệm trừu tượng, hay thậm chí chỉ là sự suy diễn đơn thuần.
Bằng ngôn ngữ mạnh mẽ Ðức Phật đã cảnh tỉnh hàng đệ tử tránh xa lối tu chỉ chú trọng đến tri thức sách vở như vầy:
Nếu người nói nhiều Kinh
Không hành trì, phóng dật,
Như kẻ chăn bò người
Không phần Sa-Môn hạnh.
Dầu nói ít Kinh điển
Nhưng hành pháp, tùy pháp
Từ bỏ Tham, Sân, Si
Tỉnh giác, tâm giải thoát
Không chấp thủ hai đời
Dự phần Sa-Môn hạnh [7].
Những lời cảnh tỉnh này đã nói lên được đường lối tu tập của đạo Phật, phương pháp nắm bắt chân lý cùng tột của đạo Phật, sự thức tỉnh từ vô minh đến trí tuệ, hoàn toàn không lệ thuộc vào sự phát triển tri thức có tính kinh viện, mà nơi pháp hành thực tiễn đưa hành giả đến sự giác ngộ và giải thoát cuối cùng.
Ðức Phật quan tâm đến các hữu tình chúng sanh hơn đến những tính chất vô tình. Mục đích duy nhất của Ngài là làm sáng tỏ những bí ẩn của kiếp nhân sinh, để giải quyết vấn đề sanh hữu. Ðiều này đã được Ngài thực hiện nhờ liễu tri trọn vẹn Tứ Thánh Ðế, các sự thực vĩnh hằng của cuộc đời.
Trí hiểu biết về các sự thực (Tứ Ðế) này được Ngài cố gắng chia sẻ cho những ai đang tìm kiếm nó, chứ không hề áp đặt chân lý lên người khác. Ngài không bao giờ bắt buộc hay thuyết phục người nào theo Ngài cả, vì sự cưỡng bách hay ép buộc là hoàn toàn xa lạ với phong cách giáo huấn của Ngài. Ngài cũng không khuyến khích hàng đệ tử phải tin nơi Ngài một cách mù quáng, mà mong họ suy xét kỹ lời dạy của Ngài. Giáo pháp mời người có mắt 'đến để thấy' (Ehipassika) chứ không phải đến để tin. Chính việc đến để thấy và hiểu, không phải để tin một cách mù quáng, là điều được bậc Ðạo Sư tán thành.
Muốn hiểu được thế gian bên trong, ta phải phát triển nội căn, tức tâm của con người. Ðức Phật dạy: 'Hãy theo dõi tâm của các người'[8] hay 'Bậc trí tự điều phục[9]'.
Ngày nay con người đang làm việc không ngừng trên mọi phương diện nhằm cải thiện thế gian. Các nhà khoa học đang theo đuổi những công trình nghiên cứu và thí nghiệm của họ với sự quyết tâm và lòng nhiệt thành không mệt mỏi. Những khám phá hiện đại và các phương tiện truyền thông liên lạc đã tạo những kết quả đáng kinh ngạc. Tất cả những sự cải thiện này, dù có những lợi ích của nó và đáng trân trọng, nhưng vẫn hoàn toàn thuộc về lãnh vực vật chất và nằm ở bên ngoài.
Tuy nhiên, trong cái hợp thể thân và tâm của con người này còn có những điều kỳ diệu chưa từng thăm dò mà các nhà khoa học phải bỏ ra rất nhiều năm chưa hẳn đã thấy.
Thực sự mà nói, cái thế gian mà các nhà khoa học đang cố gắng để hoàn thiện này, theo quan niệm của đạo Phật phải chịu rất nhiều biến đổi (vô thường) trên mọi lãnh vực của nó, và rằng không ai có khả năng làm cho nó hết khổ.
Cuộc sống của chúng ta vô cùng bi quan với tuổi già, bao phủ với sự chết, gắn bó với vô thường. Ðó là những tính chất cố hữu của cuộc sống, cũng như màu xanh là tính chất cố hữu của cây cỏ, và vị đắng là tính chất cố hữu của ký ninh vậy. Những phép màu và sức mạnh của khoa học dù toàn hảo đến đâu cũng không thể thay đổi được tính chất cố hữu này. Sự huy hoàng bất tử của tia nắng vĩnh hằng đang chờ, chỉ những ai có thể dùng ánh sáng của trí tuệ và giới hạnh để chiếu sáng và giữ gìn đạo lộ của họ vượt qua con đường hầm tăm tối, bất hạnh của cuộc đời.
Con người của thế gian ngày nay hẳn đã nhận ra bản chất biến đổi vô thường của cuộc sống. Mặc dù thấy được như vậy, họ vẫn không ghi nhớ trong tâm và ứng xử với sự sáng suốt, vô tư. Sự đổi thay, vô thường lúc nào cũng nhắc nhở con người và làm cho họ khổ đau, nhưng họ vẫn theo đuổi cái sự nghiệp điên rồ của mình và tiếp tục xoay lăn trong vòng sanh tử luân hồi, để bị giằng xé giữa những tính năng của thống khổ.
Xét cho cùng, cho dù một nhà khoa học hay một người bình thường, nếu người ấy không hiểu được tầm quan trọng của giới hạnh, tính cấp bách cho nỗ lực hành thiện, sự cần thiết phải áp dụng chánh kiến vào cuộc sống, người như vậy, theo đạo Phật là người vẫn chưa chín chắn, chưa trưởng thành. Họ còn phải vượt qua rất nhiều khó khăn nữa, trước khi thắng được cuộc đua sanh tử của cuộc đời và đạt được phần thưởng bất tử của Niết bàn.
Ðể có được sự hiểu biết về thế gian bên trong, kiến thức khoa học, có lẽ không giúp ích gì được cho chúng ta. Sự thực cùng tột này không thể nào tìm thấy trong lãnh vực khoa học. Ðối với các nhà khoa học tri thức là điều gì đó đã ngày càng trói chặt họ vào kiếp sinh tồn này. Do vậy tri thức đó không phải là tri kiến giải thoát. Ngược lại đối với người nhìn cuộc đời và tất cả những gì liên quan đến cuộc đời này đúng theo thực chất của chúng, mối quan tâm chính của họ về cuộc sống này không phải là suy diễn mông lung hay chu du vào những vùng hoang ảo của trí tưởng tượng vô ích, mà làm sao để đạt đến chân hạnh phúc và giải thoát khỏi những khổ đau hay bất toại nguyện (Dukkha). Ðối với họ chân tri kiến tùy thuộc vào câu hỏi cơ bản: sự học này có hợp với thực tế không? Nó có hữu ích cho chúng ta trong cuộc chinh phục chân an lạc và tĩnh lặng nội tâm hay không? Nó có đạt đến chân hạnh phúc hay không?
Ðể hiểu được thế gian bên trong này chúng ta cần có sự hướng dẫn, sự chỉ dẫn của một bậc toàn tri có đầy đủ khả năng và chân thật, một bậc mà trí và minh của họ đã thể nhập được vào những phần sâu kín nhất của cuộc đời và nhận ra bản chất thực sự nằm trong mọi hiện tượng. Vị ấy phải đích thực là một triết gia, một khoa học gia chơn chánh có thể nắm bắt trọn vẹn ý nghĩa của những đổi thay vô thường và đã biến sự hiểu biết này thành sự chứng đắc những sự thật thâm sâu nhất mà con người không thể dò nổi, những sự thật của tam tướng(Tilakkhana): Vô Thường, Khổ, Vô ngã (anicca, dukkha, anatta). Những khốn khổ của cuộc sống không còn làm cho vị ấy bối rối hoặc những điều phù du không còn làm cho vị ấy xúc động. Ðối với họ một quan niệm mơ hồ về mọi hiện tượng là điều không thể có; vì vị ấy đã vượt qua mọi khả năng có thể gây ra lầm lỗi nhờ vào sự vô nhiễm hoàn toàn, sự vô nhiễm mà chỉ có thể phát sanh từ trí tuệ nội quán (vipassanànàna).
Ðức Phật là một bậc toàn tri như vậy, và đạo lộ giải thoát của Ngài đã mở ra cho tất cả những ai có mắt muốn thấy và có tâm muốn hiểu biết. Ðạo lộ này không giống như những con đường'cứu chuộc' khác, vì Ðức Phật dạy rằng mỗi cá nhân, dù tại gia hay xuất gia, phải tự mình có trách nhiệm đối với sự giải thoát của chính mình.
Nhân loại bị vướng vào mớ bòng bong, cả bên trong lẫn bên ngoài (nội triền và ngoại triền),phương thuốc trị liệu hữu hiệu mà Ðức Phật đưa ra được tóm tắt như sau:
Người trú giới có trí
Tu tập tâm và tuệ
Nhiệt tâm và thận trọng
Bậc giới hạnh thoát triền [10].
Lời khuyến hóa đầu tiên của Ðức Phật cho 60 vị Thánh A-La-Hán vào những buổi đầu hoằng hóa là: Pháp (Dhamma) cần phải được công bố vì lợi ích và an lạc của số đông, vì lòng thương tưởng đối với thế gian [11]. Có thể nói toàn bộ giáo pháp của bậc Ðạo Sư đã đượm nhuần lòng từ ái, và bao dung lớn rộng ấy.
Giới (Sìla), chặng đầu của Ðạo Lộ, dựa trên lòng bi mẫn này. Tại sao người Phật tử phải tránh sát hại và trộm cắp của kẻ khác? Không phải đó là vì tình thương đối với chính mình và mọi người đó hay sao? Tại sao người Phật tử phải có bổn phận giúp đỡ người nghèo khó, túng thiếu và những người trong cơn hoạn nạn? Ðiều đó không phải được phát xuất từ lòng bi mẫn đó hay sao?
Tránh ác và làm thiện là nhiệm vụ của giới, quy tắc ứng xử được dạy trong đạo Phật. Nhiệm vụ này không bao giờ thiếu lòng bi mẫn. Giới bao gồm trong đó mọi phẩm chất tốt đẹp của tâm hồn là từ ái, khiêm tốn, khoan dung, lòng trắc ẩn, tâm quảng đại và hoan hỉ với sự thành công của kẻ khác. . .v.v. . Ðịnh và Tuệ luôn luôn phải có giới trong sạch đi kèm.
Như đã nói ở trên, ba chi số ba, bốn và năm của Bát Chánh Ðạo tạo thành giới của đạo Phật. Ðó là: Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp và Chánh Mạng.
Chánh Ngữ là tránh:
Không nói dối, đồng thời phải luôn luôn nói sự thật.
Không nói lời ly gián gây sự bất hòa và chia rẽ, đồng thời phải nói những lời nào đưa đến sự hòa hợp và đoàn kết.
Không nói những lời thô ác, cộc cằn, thay vào đó phải nói những lời từ ái, tế nhị.
Không nói những lời vô ích, ngồi lê đôi mách, thay vào đó phải nói những lời có ý nghĩa và không bị bậc trí khiển trách.
Chánh Nghiệp là tránh:
Không sát sanh
Không trộm cắp
Không tà dâm.
Ðồng thời phải trau giồi lòng bi mẫn, chỉ lấy những gì được cho, và sống trong sạch trinh khiết.
Chánh Mạng là từ bỏ những lối làm ăn sinh sống tà vạy, đem lại sự tai hại, khổ đau mình và cho người khác, đó là buôn bán:
Vũ khí
Súc vật để giết thịt.
Người (ở đây muốn nói đến tình trạng mua bán nô lệ rất thịnh hành vào thời Ðức Phật).
Các loại thức uống có men gây say.
Các loại độc dược.
Ngược lại phải sinh sống bằng những nghề được xem là không bị khiển trách, không làm hại đến bản thân mình và người khác (các chi này sẽ được thảo luận kỹ trong những chương sau).
Từ những nét đại cương về luân lý Phật giáo này, rõ ràng rằng, giới luật do Ðức Phật ban hành không chỉ là sự cấm đoán có tính tiêu cực, mà là một sự xác quyết phải hành thiện - một sự nghiệp được lát bằng những thiện ý vì an lạc và hạnh phúc của cả hành tinh này. Những nguyên tắc đạo đức được nhắm vào việc làm cho xã hội an ổn bằng cách thúc đẩy sự đoàn kết, hòa hợp và những quan hệ chánh đáng giữa con người với nhau.
Giới là phương tiện mở đầu cho lối sống Phật giáo. Nó là nền tảng cho sự phát triển tinh thần, người có ý định hành thiền hay định tâm trước tiên phải phát triển lòng yêu mến giới, vì chính giới nuôi dưỡng đời sống tâm linh và làm cho tâm vững vàng, an tịnh.
Giai đoạn kế tiếp trên lộ trình giải thoát là tu tập tâm, định (samàdhi), giai đoạn này gồm ba chi khác của Bát Chánh Ðạo là: Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Ðịnh (số 6,7 và 8).
Chánh Tinh Tấn là sự cố gắng kiên trì:
Ðể ngăn ngừa những tư duy ác, bất thiện chưa sanh, không cho khởi sanh trong tâm hành giả.
Ðoạn trừ những tư duy ác đã sanh.
Làm cho sanh khởi và phát triển những tư duy thiện chưa sanh.
Thúc đẩy và duy trì những tư duy thiện đã sanh càng thêm tăng trưởng
Do vậy nhiệm vụ của Chánh Tinh Tấn là để cảnh giác và chặn đứng những tư duy không lành mạnh, đồng thời tu tập, thúc đẩy, duy trì những tư duy thiện và trong sáng đang sanh trong tâm hành giả.
Người có trí là người làm chủ lời nói và hành động của mình nhờ giới (Sìla) giờ đây thực hiện mọi nỗ lực để khảo sát những tư duy của mình, những tâm sở của mình, và tránh những ý nghĩ điên đảo.
Chánh Niệm là phát khởi niệm hay gán sự chú tâm vào:
Các hoạt động của thân (Thân hành niệm: Kàyanupassanà).
Các cảm thọ (Vedanànupassanà: Niệm Thọ).
Những hoạt động của tâm (Cittanupassanà: Tâm hành niệm).
Các pháp (Dhammànupassanà: niệm Pháp).
Vì các chi phần của đạo lộ này tương quan và tương tác lẫn nhau, Chánh Niệm trợ giúpChánh Tinh Tấn, và cả hai cùng hợp tác với nhau có thể chặn đứng sự khởi sanh của những tư duy bất thiện, đồng thời phát triển những tư duy thiện đã có mặt. Người thận trọng đối với những hành động thân, khẩu, ý của mình, sẽ tránh tất cả những gì gây tổn hại cho sự tiến bộ tâm linh. Một người như vậy không phải là người tâm trí lười biếng, thiếu nghị lực. Bài kinh Tứ Niệm Xứ nổi tiếng (Satipatthàna) đề cập rất đầy đủ chi tiết bốn lãnh vực Chánh Niệmnày[12].
Chánh Ðịnh là sự an định vững chắc của tâm có thể so sánh với ngọn đèn cháy sáng không dao động ở nơi kín gió. Chính sự tập trung đã làm cho tâm an trú và khiến cho nó không bị dao động, xáo trộn. Việc thực hành định tâm (Samàdhi) đúng đắn sẽ duy trì tâm và các tâm sở ở trạng thái quân bình. Một thiền sinh hay hành giả có thể phải đương đầu với rất nhiều chướng ngại của tinh thần, nhưng với sự hỗ trợ của Chánh Tinh Tấn và Chánh Niệm tâm định vững vàng có khả năng đẩy lùi những chướng ngại, những tham dục đang khuấy động tâm hành giả ấy. Tâm định vững chắc không bị các pháp trần làm cho xao lãng, vì nó đã chế ngự được năm pháp cái.
Khi đã làm chủ tâm và không để cho tâm làm chủ mình được như vậy, lúc ấy hành giả (yogi) tu tập chánh trí (pannà) bao gồm hai chi đầu và cũng là chặng cuối của Ðạo Lộ. Ðó là Chánh Kiến và Chánh Tư Duy.
Tư duy chân chánh là những tư duy có liên quan đến sự xuất ly (Nekkhamma-samkappa), tư duy vô sân hay từ ái (Avyàpàda samkappa) và tư duy vô hại hay bi mẫn (Avihimsà-samkappa). Những tư duy này cần được tu tập và mở rộng đến muôn loài chúng sanh bất kể chủng tộc, giai cấp, dòng dõi hay tín ngưỡng nào, vì chúng bao chùm mọi loài có hơi thở, không có những giới hạn quy định. Dĩ nhiên việc ban rãi những tư duy cao quý như vậy là điều khó có thể đối với người tự coi mình là trung tâm và ích kỷ.
Một người có thể là thông minh, uyên bác và đa văn, nhưng nếu họ thiếu những tư duy chơn chánh. Người ấy, theo lời dạy của Ðức Phật, chỉ là một người ngu (Bàla) chứ không phải là người có trí. Nếu chúng ta nhìn mọi vật với sự sáng suốt, vô tư, chúng ta sẽ hiểu rằng tham muốn vị kỷ, thù hận và bạo hành không thể đi chung cùng trí tuệ. Chánh Kiến hay trí tuệ luôn luôn thấm nhuần với Chánh Tư Duy và không bao giờ mất chúng.
Chánh Kiến trong ý nghĩ rốt ráo, là sự tuệ tri như thật bản chất của thế gian. Muốn được vậy, ta cần phải có một sự thấu thị rõ ràng về Tứ Thánh Ðế. Ðó là: Khổ Ðế, Tập Ðế, Diệt Ðế và Ðạo Ðế.
Chánh Kiến hay trí tuệ thấu thị là kết quả của việc hành thiền đều đặn và liên tục, hoặc sự tu tập thật cẩn trọng của nội tâm. Ðối với người đã thành tựu Chánh Kiến, khó có thể có cái nhìn mê mờ về mọi hiện tượng (các pháp), vì người ấy đã vô nhiễm với mọi bất tịnh và đã đạt đến bất động tâm giải thoát (Akuppà ceto vimutti).
Ðộc giả giờ đây có thể đã hiểu tại sao ba nhóm Giới, Ðịnh, Tuệ lại làm phận sự chung với nhau, vì một mục đích cuối cùng là bất động tâm giải thoát, và qua sự tu tập thận trọng bản tâm, qua việc chế ngự các hành động của thân và khẩu, sự thanh tịnh đã được đạt đến như thế nào. Chính nhờ sự tự nỗ lực và tự phát triển mà mỗi hành giả tự mình đạt đến giải thoát, chứ không phải do cầu nguyện hay van xin một tha lực nào. Ðây đích thực là pháp (Dhamma) đã được Ðức Phật khám phá, đã được Ngài khéo tu tập và đạt đến chánh giác rồi khai thị cho thế gian.
'Giới, Thiền Ðịnh, trí tuệ
Và giải thoát vô thượng
Gotama danh xưng
Chứng ngộ những pháp này,
Ðức Phật thắng tri chúng
Thuyết pháp cho Tỳ kheo
Ðạo sư đoạn tận khổ
Bậc tuệ nhãn thanh tịnh' [13].
Mặc dù kiến thức khoa học vẫn phát triển đều đặn, song con người trên thế gian này vẫn cảm thấy bất an, bị giằng xé với bao nỗi sợ hãi và bất mãn. Họ mê muội với khát vọng đạt đến tiếng tăm, giàu sang cùng quyền lực và để thỏa mãn các giác quan. Thế gian phiền muộn này vẫn đang sôi sục với hận thù, với ngờ vực, với tham vọng, với ích kỷ và với bạo hành, chỉ có bức thông điệp của Ðức Phật về tình thương và sự hiểu biết, về Bát Chánh Ðạo là phù hợp với mọi thời đại, liên quan đến điều này Ðức Phật dạy:
'Hướng tri kiến thanh tịnh
Duy chỉ có đường này,
Nếu người theo đường này,
Ma Vương ắt rối loạn
Ði trên đường bát chánh
Là tránh mọi đau thương
Ta dạy ngươi con đường
Nhổ sạch mọi gai gốc[14]
Hãy nỗ lực Tinh Tấn
Như Lai bậc dẫn đường
Ai tu tập thiền tịnh [15],
Ắt thoát vong Ma Vương [16]'.

Trích: Con Ðường Cổ Xưa (The Buddha's Ancient Path) - Piyadassi Thera
Dịch giả: Tỳ Khưu Pháp Thông
[1] D. 16.
[2] "Sabba pàpassa akaranam - Kusalassa upasampadà sacittapariyodanam - etam buddhànasàsanam". Dhp. 183.
[3] Bài pháp đầu tiên thường gọi là Chuyển Pháp Luân (Dhamma-cakkappavattana).
[4] D. 16.
[5] D. 16.
[6] D. 4
[7] Dhp. 19-20.
[8] D.16
[9] Dhp. 80.
[10] S.I. 13
[11] Vinaya, 1. 21.
[12] Xem chương XII nói về Chánh Niệm.
[13] A.II..
[14] Gai gốc: nguyên văn là những mũi tên Tham Dục.
[15] Thiền định: chỉ chung cho định (Samatha) và tuệ (Vipassanà).
[16] Dhp. 274, 275, 276.

Không có nhận xét nào: