Kiến tánh là một thuật ngữ của nhà Thiền, nó có nghĩa là thấy được bản chất của ta, của muôn loài vạn vật. Là một thuật ngữ của Thiền tông Trung Quốc, nên Kiến tánh được biết phổ biến trong giới Phật tử các nước Đông Á từ cuối thế kỷ thứ VII đến nay.
Ban đầu nhà Phật không dùng từ này, nhưng đến khi Đại sư Huệ Năng ra hoằng dương pháp Thiền đốn ngộ (Tối thượng thừa?), ngài đã kế thừa và phát huy đường lối của thầy mình, chú trọng đến sự kiến tánh. Chính trong sách Pháp Bảo Đàn Kinh do các đệ tử ghi lại những bài giảng của Đại sư Huệ Năng, nơi phẩm thứ nhất, Đại sư đã kể lại tư tưởng giáo dục của thầy mình là “Chỉ trọng kiến tánh, không luận thiền định, giải thoát.”.
Từ sau đời Đại sư Huệ Năng, Thiền tông phát triển mạnh, có nhiều thành tựu phi thường tại Trung Quốc, và lan truyền khắp mấy nước Đông Á. Các đời thiền sư kế thừa Đại sư Huệ Năng đã đúc kết tông chỉ Thiền tông trong bài kệ:
Bất lập văn tự Chẳng lập văn tự
Giáo ngoại biệt truyền Truyền riêng ngoài giáo
Trực chỉ nhân tâm Chỉ thẳng lòng người
Kiến tánh thành Phật. Thấy tánh – thành Phật!
Theo bài kệ này, mọi người nhận ra được đạo phong của các nhà thiền sư: đó là chú trọng tu theo Chánh pháp của Phật chứ không đi vào những hình thức hữu vi của tôn giáo. Đạo của các đức Phật không có trong chữ nghĩa, giáo lý, mà phải nhắm thẳng vào Tâm địa để tìm, xác lập một tiến trình tu tập chung chung là từ Kiến tánh vươn đến thành Phật.
Kiến tánh – thành Phật là một quá trình nhân quả, nó đã được xác định để người tu học lưu ý. (Vì là một quá trình nên chúng tôi dùng gạch nối). Qua hơn 1300 năm được phổ biến, tư tưởng Kiến tánh là nét đặc sắc của Thiền, trở nên một cái gì đó cao siêu, phi thường lắm. Có một lần, chúng tôi đã thưa hỏi thầy mình rằng:
– Bạch hòa thượng, các vị A-la-hán đã kiến tánh chưa?
Lúc ấy hòa thượng Viện chủ Tịnh xá Ngọc Thiền, thầy của chúng tôi, đã nghiêm nghị hỏi lại rằng:
– Nếu chưa kiến tánh sao gọi là A-la-hán?
Chúng tôi rất kinh ngạc, chẳng biết nói sao, thiền sư Duy Lực đã bảo là chưa mà! Sau này tìm hiểu về giáo nghĩa Tịnh độ, xem đến sách Ấn Quang Đại Sư Gia Ngôn Lục, thấy Người – được – xem – là – hóa – thân – của – đức – Đại – Thế – Chí bảo rằng kiến tánh chưa phải là đắc đạo, chưa trừ được lậu hoặc như các bậc A-la-hán, Bích-chi, Bồ-tát. Tiếp tục tìm hiểu thêm, thấy trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm thuyết minh người tu sau khi phá được Tưởng ấm thì thức ngủ như một (vấn đề ngài Huyền Quang đã từng hỏi ngài Pháp Loa vào lúc cuối đời), và được Ý sanh thân nên đi ở tự do (nhưng chưa ra khỏi 3 cõi); phá được ấm cuối cùng là Thức ấm mới thấy được bầu trời Niết-bàn ửng sáng ở phía xa, từ đó (từ Ngũ uẩn giai không) tiến lên bậc đầu tiên của Bồ-tát đạo là Càn huệ địa… thì chúng tôi mới tin lời thầy dạy.
Tác phong tự tại, la Phật mắng Tổ, nói những câu khó hiểu và sanh tử tùy duyên… của các thiền sư còn ghi lại trong nhiều sách Thiền đã làm lắm người ngộ nhận về sự kiến tánh. Nhiều Phật tử đều có cảm nhận: “Sao mà các thiền sư có đời sống siêu thoát quá, thật chẳng như các nhà sư bình thường!”. Đến khi được các thiện tri thức giải thích cho hiểu, người học đạo mới biết rằng kiến tánh là nấc thang đầu tiên, được xác định là Kiến tánh khởi tu, bắt đầu chính thức tu theo Phật từ nấc thang Kiến tánh.
Khi giảng Kinh Thủ Lăng Nghiêm ở Mỹ vào thập niên 1960, hòa thượng Tuyên Hóa đã kể lại công án Thiền:
“Trong hội đồng tu của thiền sư Quy Tông, một vị đệ tử của Đại sư Mã Tổ thời xưa ở Trung Quốc, có nhiều nhà sư tham thiền. Vào đêm kia, có một nhà sư lớn tiếng nói:
– Tôi ngộ đạo rồi!
Sáng hôm sau, lúc chúng Tăng tập hợp, ngài Quy Tông bảo:
– Ông sư ngộ đạo hồi hôm đâu, mời ra đây.
Nhà sư đó bước ra, thiền sư Quy Tông hỏi:
– Ông thấy được đạo lý gì, hãy nói cho mọi người biết?
Nhà sư liền đáp:
– Tôi thấy sư cô vốn là người nữ!”
Kể tới đó, hòa thượng Tuyên Hóa nhận định tiếp: “Bằng Phật nhãn của mình, thiền sư Quy Tông thấy được người đệ tử đó đã đắc quả Dự lưu, nên ấn chứng cho ông ta.”. Nhận định này của hòa thượng Tuyên Hóa (Tổ sư thứ 9 của thiền phái Quy Ngưỡng ở Trung Quốc) chắc sẽ làm cho nhiều người nghi vấn: Trong Phật pháp Tối thượng thừa mà cũng đắc Sơ quả Thanh văn à? Kiến tánh “THẤP” vậy sao? – A-di-đà Phật, cái Kiến có thể thấp hay cao, nhưng chắc chắn cái Tánh chẳng có cao thấp, vì vũ trụ chẳng có đến 2!
KS. Minh Bình
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét