Thứ Sáu, 16 tháng 9, 2016

NHÂN KHUẤT THỰC

Đức Thế Tôn và Tăng đoàn của ngài đã thường xuyên khất thực, nhân gì phải làm như vậy? Việc khất thực của chư Tăng Ni hiện nay, nhân gì phải làm như vậy? Nhân nào đưa đến khất thực đúng pháp và nhân nào đưa đến khất thực không đúng pháp? (Pháp Không Chân Như)


a) Đức Thế Tôn và Tăng đoàn của ngài đã thường xuyên khất thực, nhân gì phải làm như vậy?

(i) Khất thực 

Ở Ấn Độ thời đức Phật tại thế, tu sĩ của một số tôn giáo khác thường hành nghề không chính đáng như xem bói toán, tử vi, bùa chú, ngày giờ, phong thủy,... để mưu sinh. Đức Phật không chấp nhận việc này. Người tu sĩ Phật giáo không được làm việc trên vì không chánh mạng (một trong tám chánh đạo).

Khất thực là một thuật ngữ Phật học mà nếu ta dịch nghĩa sẽ dễ bị hiểu lầm như là "xin ăn". Khất thực là hành trì một hạnh nguyện của các vị xuất gia theo Phật giáo Nam Tông (nguyên thủy). Khất thực là phương cách có thể đem lại nhiều lợi lạc thiết thực cho vị khất sĩ cũng như Phật tử cúng dường. Khất thực là cách truyền bá và duy trì Phật pháp hiệu quả thông qua hình ảnh tăng đoàn hành khất.

(ii) Đức Thế Tôn và Tăng đoàn của Ngài đã thường xuyên khất thực

Đức Thế Tôn và Tăng đoàn của Ngài đã thường xuyên khất thực. Khất thực bao giờ cũng (chỉ một lần) vào buổi sáng và chấm dứt trước giờ ngọ (lúc mặt trời đứng bóng). Các Tỳ kheo đi một mình hay từng nhóm, không đứng trước cửa chợ mà đi theo thứ tự, từ nhà này sang nhà khác, không phân biệt, mắt nhìn xuống và yên lặng đứng đợi trước mỗi cửa nhà để xem thức ăn có được đặt vào bình bát không.

Các thí chủ chỉ cúng dường những thức ăn đã được nấu sẵn để ăn (cơm, rau xào...), không cúng dường các vật liệu chưa làm thành món ăn (gạo, bó rau..) và tài vật để tích trữ. Nếu chưa đủ dùng, khất sĩ tiếp tục đi theo hàng dọc đến nhà bên cạnh nhưng không được quá bảy nhà. Khất sĩ không được phép bỏ sót nhà nào, hoặc ưu tiên cho phố xá phồn thịnh, không phân biệt giàu nghèo; các gia chủ giàu hay nghèo đều phải được tạo cơ hội đồng đều như nhau để gieo trồng phước duyên...

(iii) Nhân gì phải làm như vậy?

Sau khi chứng ngộ, việc đầu tiên của đức Phật là thành lập Tăng đoàn gồm những đệ tử xuất gia theo Ngài, những người nay đây mai đó, từ bỏ tất cả để tu học Phật pháp và hoằng dương giáo lý giải thoát.

Việc Đức Thế Tôn và Tăng đoàn của ngài đã thường xuyên khất thực từ nhà này đến nhà khác, và sở hữu của họ không có gì ngoài ba chiếc Y và một cái bình Bát thì mới có nhiều thuận duyên để tu tập và hoằng dương giáo lý giải thoát. Bởi (các) nhân sau:

(1) Pháp Khất thực do Phật truyền cho các tu sĩ phù hợp với nguyên lý Trung đạo, tránh xa hai cực đoan: thứ nhất tránh xa sự thái quá qua việc ăn thực phẩm do người đời bố thí (cúng dường) trong bình bát để nuôi sống thân mà không dùng đũa ngọc, chén ngà, bàn cao, ghế đẹp với thức ăn lương cao mỹ vị không cần thiết cho sự giải thoát; thứ hai là tránh xa sự khổ hạnh thái quá qua chiếc bát đựng đồ ăn vừa đủ dùng, không như phái tu khổ hạnh lượm trái cây, lượm đồ ăn dư thừa để ăn. 

(2) Pháp Khất thực do Phật truyền cho các tu sĩ đem lại lợi ích cho mình và cho chúng sinh:

+ Đối với vị tu sĩ khất thực thì có các lợi ích sau:

- Có nhiều thì giờ tu hành;
- Thân và tâm không vướng bận kế sinh nhai;
- Tâm trí được thanh tịnh, ít phiền não;
- Đoạn trừ tâm kiêu căng, ngã mạn;
- Đoạn trừ lòng tham;
- Giản dị trong cuộc sống hàng ngày;
- Ít bịnh nhờ vận động cơ thể;
- Mở rộng tâm từ cho tất cả mọi người, tất cả chúng sanh.

+ Ngoài lợi ích cho riêng mình, vị tu sĩ khất thực còn mang lại cho người cúng dường các lợi ích sau:

- Tạo duyên cho người cúng dường đoạn trừ lòng tham, tích lũy phước báu do cúng dường;
- Tạo duyên hoằng dương giáo lý giải thoát cho chúng sinh;
- Nêu gương sống giản dị và vị tha làm cho người đời dựa vào đó bớt tham đắm của cải.

b) Việc khất thực của chư Tăng Ni hiện nay, nhân gì phải làm như vậy? 

(i) Ngày nay, các nước phương Tây, vì hoàn cảnh xã hội không giống như hoàn cảnh các quốc gia phương Đông, nên pháp khất thực khó thực hiện. Đa số các Tăng ni không đi khất thực nên các nhu cầu ăn uống đều do các Phật tử tại gia cúng dường.

Ở Trung Hoa, Triều Tiên và Tây Tạng Phật giáo Bắc tông (phát triển) truyền thống khất thực dường như đã hoàn toàn biến mất. Ở Nhật Bản, khất thực không phải là nguồn sinh sống chính mà chỉ là một sự tập luyện kỷ luật cho những vị sơ tu hay là một cách lạc quyên vào những dịp đặc biệt và cho những mục đích từ thiện. 

(ii) Không ai nghĩ rằng đức Phật khất thực vì cái ăn bởi ai cũng biết Ngài xuất thân từ địa vị thái tử của một nước giàu có. Vậy thì, mục đích thực hành hạnh nguyện này, theo lời Phật (đáp lại lời vua cha), là theo truyền thống của chư Phật. Là vị Phật, Ngài cũng phải kế thừa truyền thống ấy và cũng để làm tấm gương mô phạm hướng dẫn tăng đoàn cũng như giáo hóa chúng sanh.

(iii) Hiện nay (thế kỉ 21) tại một số quốc gia theo truyền thống Phật giáo nguyên thủy như Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Cambodia, Lào và một phần của miền Nam Việt Nam, chư Tăng vẫn tiếp tục theo truyền thống pháp khất thực của chư Phật với mục đích hạnh nguyện trên.

Tuy nhiên, những giá trị lợi lạc ấy chỉ có thể đạt được khi pháp này được hành trì đúng mục đích, đúng pháp.

c) Nhân nào đưa đến khất thực đúng pháp và nhân nào đưa đến khất thực không đúng pháp?

(i) Nhân nào đưa đến khất thực đúng pháp

Nhìn vào hình tướng của tăng đoàn khất thực, nhiều người sẽ cho rằng đây là hành động tiêu cực vì chỉ đi nhận thực phẩm của người khác. Tuy nhiên, khi quán sâu vào pháp khất thực, chúng ta sẽ thấy được nhiều giá trị rất lớn lao của nó:

- Vị khất sĩ đầu "đội trời" chân "đạp đất" và khi nhận thực phẩm, không phân biệt sang hèn, phẩm vật ngon dỡ, nhiều ít, đó là thực hành tâm từ bi hỷ xả.

- Vị khất sĩ đi một mình hay từng nhóm, không đứng trước cửa chợ mà đi theo thứ tự, từ nhà này sang nhà khác, không phân biệt, mắt nhìn xuống và yên lặng đứng đợi trước mỗi cửa nhà để xem thức ăn có được đặt vào bình bát không, đó là thực hành tâm thanh tịnh.

- Tâm thanh tịnh như vậy sẽ tạo nên nên năng lượng công đức và phước báo để có thể nuôi lớn tâm vị khất sĩ và mặt khác hồi hướng và giác ngộ cho các Phật tử cúng dường. 

Đây là pháp thực tập mà đức Phật đã thực hành khi còn tại thế. Đây là nhân của pháp khất thực đúng.

(ii) Nhân nào đưa đến khất thực không đúng pháp?

Trái ngược với trên, sẽ không phải là hành trì hạnh khất thực nếu như vị khất sĩ chỉ đi để nhận phẩm vật với tâm mong cầu mà không vì mục đích tu tập và hoằng pháp giáo lí giải thoát cho chúng sanh.

Vị khất sĩ chỉ đi để mong nhận phẩm vật thì ý nghĩa của nó không khác mấy so với việc làm của những "cái bang". Với tâm mong cầu thì chắc chắn vị ấy có tâm thích và không thích, là nhân của tham và sân. Đó là nhân của khất thực không đúng pháp.

Hoàng Lạc

Không có nhận xét nào: