Chủ Nhật, 3 tháng 7, 2022

(37) SỰ SỐNG

Phùng Truyền: Xin thầy Pháp Không Chân Như vui lòng cho tôi hỏi: 
1. Sự sống từ đâu mà đến? Tại sao cho đến giờ này, các nhà khoa học đương đại vẫn chưa “chế tạo” được một tế bào (sự sống) nào?
2. Tại sao loài khỉ không biết xài tiền, học chữ, đếm số, học tập hoặc lao động như con người?
Thành thật cảm ơn Thầy.
Pháp Không Chân Như: Phùng Truyền, tôi sẽ trả lời các thắc mắc của ông, ông hãy chú tâm lắng nghe và khéo tác ý.
1. Thắc mắc thứ nhất của ông: "Sự sống từ đâu mà đến? Tại sao cho đến giờ này, các nhà khoa học đương đại vẫn chưa “chế tạo” được một tế bào (sự sống) nào?".
Trên Trái đất này, sự sống nương từ tâm thức của chúng sinh mà hình thành. Từ thuở sơ khai của Trái đất khi chưa có sự sống (phát triển từ tế bào như ông đang hiểu về sự sống), chúng sinh vẫn có mặt theo thể dạng không giống như thể dạng sự sống đó (không có tế bào như tế bào mà ông đang biết). Ví như thể dạng là một hệ hạt thô sơ (các loại hạt mà ông đã biết) và vi tế (các loại hạt có khối lượng nhỏ mà ông chưa biết) hoặc là một hệ hạt vi tế. 
Từ lúc ấy đến nay, vì chúng sinh thường hay tác ý và mong muốn thế giới xung quanh như thế này thế kia, bản thân mình có thể dạng như thế này thế kia. Qua nhiều đời nhiều kiếp lâu dài với tác ý như vậy được duy trì, được làm cho sung mãn, được làm cho mãnh liệt làm cho vật chất xung quanh vận động hướng theo sự tác ý đó mà hình thành, qua quá trình chọn lọc tự nhiên (chọn lọc tự nhiên là quá trình kết hợp vật chất theo những trật tự khác nhau, những thứ tồn tại được thì có mặt, không tồn tại được thì không có mặt) dần dần hình thành thể dạng của chúng sinh theo từng loài và thế giới thực vật xung quanh như ngày hôm nay. Quá trình này là quá trình hình thành và phát triển cấu trúc về thân. Nhờ đó mà có tế bào mà ông đang biết.
Tế bào mà ông đang biết là kết quả hình thành và phát triển của quá trình tác ý nhiều đời nhiều kiếp của chúng sinh. Chúng không phải tự nhiên mà có, không do một đấng toàn năng nào tạo ra, không thể hình thành trong thời gian ngắn.
Tác ý của chúng sinh là những vận động vi tế không như thiết bị khoa học hay chân tay của con người. Thiết bị của khoa học hay chân tay của con người không thể chủ động kết hợp các hạt vật chất rời rạc để tạo thành một tế bào như tế bào có cấu trúc tự cân bằng với môi trường xung quanh nhờ qua quá trình chọn lọc tự nhiên lâu dài thông qua tác ý của chúng sinh. Bản thân sự can thiệp của các thiết bị khoa học cũng đã làm cho vật chất mất cân bằng huống chi là tạo ra một hệ vật chất tự cân bằng với môi trường xung quanh.
2. Thắc mắc thứ hai của ông: "Tại sao loài khỉ không biết xài tiền, học chữ, đếm số, học tập hoặc lao động như con người?".
Phùng Truyền! Loài khỉ không biết xài tiền, học chữ, đếm số, học tập hoặc lao động như con người là do cộng nghiệp của loài, sự tương ưng cộng nghiệp của loài. Loài khỉ như hôm nay cũng là quá trình hình thành và phát triển lâu dài của những chúng sinh tác ý tương ưng nhau qua từng đời, từng kiếp từ lâu xa đến nay. Các loài động vật nói chung do tâm thức tác ý không thiện, không tịnh, không buông xả, không tinh tấn như loài người nên khác với loài người. Loài người nhờ tâm thức tác ý thiện hơn, tịnh hơn, buông xả hơn, tinh tấn hơn mà được thân nhu nhuyến dễ sử dụng.
Nghiệp có thể thay đổi. Ví như ông đem một con khỉ về nuôi và huân tập cho chúng những thứ ưu điểm của con người. Kiên trì như thế từ đời mẹ đến đời con,... cứ như thế, một quá trình lâu dài, gen của chúng sẽ thay đổi theo hướng huân tập đó. Ví như ông, nếu ông huân tập những điều bất thiện, tham lam, sân hận, cố chấp, cống cao ngã mạn, lười biếng thì kiếp sau của ông sẽ không được thân người. Ví như từ nhỏ đến lớn, ban đầu ông thường hay bất thiện, tham lam, sân hận, cố chấp, cống cao ngã mạn, lười biếng, và bản thân ít thông minh. Khi ấy, kiểm tra gen sẽ như thế này, thế này. Trong quá trình từ nhỏ đến lớn, ông luôn huân tập tâm thiện, không tham lam, không sân hận, buông xả, tinh tấn, chịu lắng nghe và quán xét với tâm định tĩnh, công bằng. Khi đến lớn, kiểm tra gen sẽ như thế kia, như thế kia không còn giống hoàn toàn như thuở nhỏ.

Không có nhận xét nào: