Chủ Nhật, 3 tháng 7, 2022

(36) THỜI GIAN ĐỨC PHẬT THÍCH CA MÂU NI HOẰNG PHÁP?

Hoa Thanh Long: Thưa quý thầy, quý cô chú, quý anh chị, quý bạn!
Con có một thắc mắc mà lâu nay chưa rõ. Kính mong quý thầy, quý cô chú cùng quý anh chị và các bạn có thể giúp cho mọi người biết về sự thật - đó là số năm mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã hoằng pháp độ sanh sau khi Ngài thành đạo 45 năm hay 49 năm?
Vì theo con được biết, bên hệ phái Nam Tông thì nói 45 năm, còn bên hệ phái Bắc Tông thì nói 49 năm. Tuy vấn đề này không có gì làm xáo trộn việc học pháp hay hành pháp. Nhưng nếu việc này được sáng tỏ và thống nhất thì cũng giúp cho hai hệ phái ngày càng gần gũi và gắn bó hơn như con một nhà. Và qua đó cũng giúp cho quý vị đồng tu học đời này và đời sau có thêm phần hiểu biết, để không còn chấp và bớt đi sự phân biệt trong sự phân chia hệ phái. Do nơi con thấy chuyện này cũng cần làm sáng tỏ, nên con viết bài này xin được chỉ bày cặn kẽ, nếu có điều gì sai sót hay bất tiện mà làm ảnh hưởng đến quý thầy, quý bạn trong quá trình học, tu hay làm ành hưởng đến Phật Pháp thì con xin sám hối!
Nếu như quý thầy, cô, chú chưa thực rõ thì cũng có thể cùng nhau đàm luận trong hòa ái để không đánh mất tính trang nghiêm khi ảnh đại diện của trang nhà đang tôn thờ Bảy Vị Phật. Con tin ở trang này cũng không ít quý thầy, cô, chú có tuổi, có đạo nên con rất mong tất cả cùng dùng ngôn từ hòa ái nhất có thể, để làm tăng thêm giá trị đạo hạnh nơi chính mình!
Lâu nay con cứ nghĩ là: 
Nếu như,
Cõi Phật chưa chân tịnh,
Quốc độ làm sao an,
Dân tình ắt hoãn loạn, 
Nước nhà nhiều nguy nan.
Xin cúi đầu đảnh lễ chư vị và rất mong thấu hiểu lòng con mà hoan hỉ sẻ chia!
Pháp Không Chân Như: Nam mô Phật. Xin chào chư vị. Hôm nay tôi trình bày về thắc mắc và những lo nghĩ của Hoa Thanh Long. Chư vị hãy khéo lắng nghe.
Chân Như Vô Ngại: Nam mô Phật. Con xin lắng nghe ạ.
Chân Như Tuệ Không: Nam mô Phật. Thưa vâng, bạch Sư phụ.
Hoa Thanh Long: Nam mô Phật. Con xin được lắng nghe.
Pháp Không Chân Như: Chư vị Phật tử! Tính đến nay đã hơn 2500 năm kể từ thời Đức Thế Tôn tại thế. Vào thời kỳ ấy, con người ở những nơi mà ngài thuyết pháp không sử dụng chữ viết. Điều này có nghĩa là không có bản ghi chép nào của những người liên quan với Ngài tại thời đó nói về các ngày trọng đại của cuộc đời Đức Thế Tôn. Do đó, ngành khảo cổ sẽ không tìm thấy bản ghi chép như vậy.
Đối với các phương pháp xác định tuổi cổ vật không thể xác định chính xác đến năm. Không thể chắc chắn thông tin trên các bản ghi chép về sau là sự thật.
Ba lý do nêu trên, ngành khảo cổ không thể giúp con người biết chính xác các sự kiện trọng đại của cuộc đời Đức Thế Tôn.
Có ai phản biện về ba lý trên hay không?
Chân Như Tuệ Không: Thưa Sư phụ, con đồng ý với ba lý do trên ạ.
Han Eun Hee: Thưa Ngài! Con thấy ba lý do nêu trên là thoả đáng trong bối cảnh như vậy. Con đồng thuận với ba lý do nêu trên ạ.
Chân Như Vô Ngại: Dạ. Con đồng thuận với 3 lý trên ạ. Nam mô Phật.
Pháp Không Chân Như: Về phương pháp xác định của ngành khảo cổ thì tôi đã nói, không thể xác định chính xác các ngày, năm trọng đại của cuộc đời Đức Thế Tôn.
Phương pháp xác định thứ hai là nghe người khác nói. Nếu có một người có thể biết được quá khứ và có thể xác định được ngày, tháng, năm trọng đại của cuộc đời Đức Thế Tôn. Chúng ta nghe như vậy, không thể thấy vì không thể thấy. Họ nói lên rằng: Ngày, tháng, năm đản sanh của Đức Thế Tôn là ngày này, tháng này, năm này; Ngày, tháng, năm mà Đức Thế Tôn xuất gia là ngày này, tháng này, năm này; Ngày, tháng, năm mà Đức Thế Tôn thành đạo là ngày này, tháng này, năm này; Ngày, tháng, năm mà Đức Thế Tôn nhập niết bàn là ngày này, tháng này, năm này. Ai đó nghe và tin nhận như vậy thì không phải là người thực hành theo lời Phật dạy. Vì sao? Vì rằng ta không thể thẩm sát lời nói của vị ấy về vấn đề này là đúng hay là sai. Do đó, lời nói của một người nào đó không thể giúp ta xác định chính xác các ngày, năm trọng đại của cuộc đời Đức Thế Tôn.
Có ai phản biện về kết luận thứ hai của tôi hay không?
Chân Như Vô Ngại: Dạ. Con đồng ý với kết luận trên của Sư phụ vì con nghĩ rằng lời nói của người khác có đúng thật hay không đúng thật như những gì đã nói, người nghe cũng không thể thẩm sát được lời nói đó đúng thật hay không đúng thật.
Han Eun Hee: Nam mô Phật! Con đồng thuận với kết luận ở trên ạ.
Chân Như Tuệ Không: Thưa Sư phụ, vâng ạ. Con đồng ý với kết luận thứ hai của Sư phụ.
Pháp Không Chân Như: Như vậy, ở đây, chư vị Phật tử, không có căn cứ vững chắc nào để xác định chính xác các ngày, tháng, năm trọng đại của cuộc đời Đức Thế Tôn.
Vậy thì, chư vị Phật tử, nếu ai đó dựa vào khảo cổ, dựa vào kinh sách, dựa vào lời của người khác để xác quyết, cho là đúng rằng ngày, tháng, năm đản sanh của Đức Thế Tôn là ngày này, tháng này, năm này... và cho rằng các thông tin khác với thông tin này là không đúng thì đó là người cố chấp, bảo thủ, ngu si. Vì sao? Vì người này dựa vào những thứ không có cơ sở vững chắc để làm căn cứ quyết định và không chấp nhận những thông tin khác với quyết định đó của họ.
Nếu ai đó dựa vào khảo cổ, dựa vào kinh sách, dựa vào lời của người khác để xác quyết, cho là đúng, tuyên bố rằng ngày, tháng, năm đản sanh của Đức Thế Tôn là ngày này, tháng này, năm này... thì đó là người cố chấp, bảo thủ, ngu si, không xứng là người đại diện, không xứng được chúng ta nghe cho dù vị ấy là một tu sĩ nổi tiếng hoặc có chức sắc cao trong Phật giáo.
Sự khác nhau về ngày tưởng niệm về Đức Thế Tôn của các hệ phái không phải là nguyên nhân đưa đến sự hòa hợp chưa cao mà chính do một số khác biệt về giáo lý giữa các hệ phái.
Một số khác biệt giáo lý giữa các hệ phái làm cho các hệ phái không thể thống nhất một giáo lý chung.
Nếu như các hệ phái thống nhất một giáo lý chung thì họ sẽ hòa hợp và việc cùng nhau thống nhất chọn các ngày tưởng niệm Đức Thế Tôn là việc không khó khăn.
Để các hệ phái thống nhất một giáo lý chung thì phải có người sáng suốt chỉ rõ cho từng hệ phái biết rõ đúng sai trong các nội dung khác biệt về giáo lý. Nếu chư vị có lòng mong muốn hòa hợp giáo lý thì chư vị hãy tinh tấn để trở thành người sáng suốt hoặc tìm người sáng suốt.
Tôi đã trình bày xong về các thắc mắc và lo nghĩ của Hoa Thanh Long.
Hoa Thanh Long: Nam mô Phật. Con xin tri ân thầy đã vì con mà thuyết giảng ạ.
Pháp Không Chân Như: Chúc chư vị luôn hòa hợp.
Chân Như Vô Ngại: Nguyện cho các hệ phái sớm hòa hợp giáo lý. Nam mô Phật. Nam mô Sư phụ.

Không có nhận xét nào: