Ngày nay giữa khoa học và Phật giáo đã có nhiều tiếng nói chung, ví dụ như lượng tử là phi hiện thực (nonrealism), bất định xứ (nonlocal), vũ trụ toàn ảnh (holographic universe), vũ trụ là số (digital) v.v…Những khái niệm mới này của khoa học tương ứng với những nhận thức truyền thống của Phật giáo về thế gian là huyễn ảo (Nhất thiết giai vi hư huyễn - 切皆为虚幻 - kinh Đại Bát Nhã大般若 - Nhất thiết hữu vi pháp như mộng huyễn, bào ảnh, như lộ, diệc như điện - 切有为法,如梦幻泡影,如露亦如电), về tánh không, ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm, vạn pháp duy thức v.v…
Trong bài này, tôi vận dụng tiếng nói chung đó để tìm hiểu thêm giữa hai bên có thể chia sẻ tri thức với nhau như thế nào. Miền tần số (frequency domain) là khái niệm của khoa học còn A-lại-da thức là thuật ngữ của Phật giáo, hai bên sẽ hòa điệu với nhau như thế nào.
Miền tần số (frequency domain)
Trước hết cần hiểu tần số là gì. Tần 频 có nghĩa là luôn luôn lặp đi lặp lại, tiêu biểu là sóng vô tuyến điện hay sóng điện từ, làn sóng lan truyền theo phương thức các bước sóng cứ lặp đi lặp lại đến vô tận. Tuy nhiên làn sóng có thể biến đổi theo biên độ, tức là biến đổi chiều cao giữa đỉnh sóng và đáy sóng. Mặt khác số lần lặp lại trong một đơn vị thời gian (thường tính là một giây) cũng biến đổi rất nhiều tùy từng loại sóng, được gọi là tần số. Chúng ta thường nghe nói sóng radio 25m, 31m, 41m v.v…lần lượt tương ứng với dãy tần số 11600-12200 kHz (kiloHertz), 9400-9900kHz, 7200-7600kHz…Miền tần số ngoài dạng sóng, còn một dạng khác cũng rất cơ bản, rất quan trọng là dạng số, tức là dạng của kỹ thuật thông tin điện tử hiện nay, số được dùng là hệ đếm nhị phân chỉ có hai số mã là 0 và 1 tương ứng với hai trạng thái ngắt mạch và đóng mạch của dòng điện. Tần số dạng này biến đổi để biểu diễn mọi con số. Và tất cả vũ trụ vạn vật và nhân sinh, tinh thần, tình cảm, âm thanh, màu sắc, ngôn ngữ, cảm giác đều có thể biến thành con số (số hóa). Hiện nay, thị giác và thính giác đã số hóa thành công, riêng vị giác, khứu giác và xúc giác chưa được số hóa nhiều. Do đó digital chưa hoàn toàn thay thế được tần số dạng sóng, mà khám phá về toàn ảnh gần đây đã đưa khoa học đến rất gần với Phật giáo. Hiện nay, nhiều khoa học gia đã tin rằng vũ trụ là toàn ảnh. Việc khám phá tiếng ồn toàn ảnh của nhóm GEO600 ngày 17-01-2012 càng củng cố thêm niềm tin này.
Miền tần số tức là vùng chứa sóng, Hán ngữ gọi là tần vực 频域. Nhưng theo hiểu biết mới nhất của khoa học, sóng cơ bản nhất của vũ trụ không phải là sóng vật chất, nó không giống như sóng âm thanh hay sóng nước, cần môi trường là không khí hoặc nước để lan truyền. Miền tần số, bản thân nó đã là môi trường và môi trường đó có dạng sóng, nó không phải là vật chất và vô hình đối với chúng ta, sóng này truyền đi không cần môi trường, và tốc độ của nó là tốc độ của ý niệm tức là vô hạn, hiện tượng vướng víu lượng tử (quantum entanglement) đã chứng minh điều đó, miền tần số có tác dụng cực lớn. Các nhà khoa học gọi nó là Trường siêu dây (superstring field) hay Trường thống nhất (unified field) hay đơn giản chỉ là Trường. Nên nhớ danh xưng Trường thống nhất ngày nay sử dụng, tuy cùng tên nhưng không phải là Trường thống nhất mà Einstein từng sử dụng. Trường thống nhất của Einstein là trường vật chất chứa đựng không gian và thời gian, nó là vũ trụ mà chúng ta đang sống. Còn Trường thống nhất mà các nhà vật lý lượng tử hiện nay sử dụng không phải là vật chất, nó là nguồn gốc của vũ trụ nhưng không nằm trong vũ trụ vật chất. Chính vì không phải là vật chất nên nó là một Trường duy thức, các nhà vật lý lượng tử ngày nay xác nhận rằng vật chất không có thật, vật chất chỉ là ảo tưởng, vũ trụ chỉ là một toàn ảnh. Tri thức của khoa học ngày nay đã đạt tới mức họ hiểu được Phật giáo, do đó tôi mới nói rằng giữa khoa học và Phật giáo, đã có tiếng nói chung. Hãy xem kỹ video dưới đây.
Các nhà vật lý lượng tử thấy rằng Thức là sự hiểu biết, là trí tuệ tạo ra thế giới hiện thực mà chúng ta đang sống. Nhưng trước câu hỏi Thức là gì ? Thì tất cả các nhà khoa học đều bối rối, không có được câu trả lời rõ ràng. Bởi vì các nhà khoa học vốn chưa nghiên cứu sâu về tâm linh, nên không thể có câu trả lời.
Câu trả lời của Phật giáo
Thế nhưng câu trả lời đó, Phật giáo lại có sẵn. Các thiền sư kiến tánh có thể trực tiếp chỉ thẳng, “trực há thừa đương” hoặc bằng các thiền ngữ “quái đản”, hoặc bằng các hành vi rất “đáng sợ” như hét, đánh, đấm, có khi gây ra tật nguyền suốt đời cho người hỏi.
Ví dụ khi Bàng Uẩn hỏi Thạch Đầu : “不与万法为侣者,是什么人?” (Ai là người không cùng vạn pháp làm bạn?) thì bị Thạch Đầu bụm miệng. Một lần khác cũng câu hỏi đó, Bàng Uẩn hỏi Mã Tổ Đạo Nhất thì được trả lời : “待汝一口吸尽西江水,即向汝道。” (Đợi ngươi hớp một cái uống cạn nước Tây Giang, ta sẽ nói cho ngươi). Người ngoài nghe không thể hiểu, nhưng Bàng Uẩn đã ngộ.
Sư Vân Môn Văn Yển (雲門文偃 864-949) đến hỏi đạo Mục Châu Trần Tôn Túc (睦州陳尊宿). Mục Châu thấy Sư liền đóng cửa lại. Sư đến gõ cửa, Mục Châu hỏi: “Ai?” Sư thưa: “Con.” Mục Châu hỏi: “Làm gì?” Sư thưa: “Việc mình chưa sáng, xin thầy chỉ dạy.” Mục Châu mở cửa, thấy Sư liền đóng lại. Sư cứ đến như vậy ba ngày liên tục. Lần thứ ba, Mục Châu vừa hé cửa, Sư liền chen vào, Mục Châu bèn nắm đứng Sư bảo: “Nói đi! Nói đi!” Sư vừa suy nghĩ, Mục Châu xô ra bảo: “Cây dùi đời Tần” (Tần thời đạc lạc toản 秦時𨍏轢鑽) và đóng mạnh cửa lại khiến một chân của Sư bị cửa kẹp què giò. Sư nhân đây hoát nhiên liễu ngộ. Mục Châu khuyên Sư đến gặp Tuyết Phong Nghĩa Tồn thiền sư (雪峰義存822-908) và Sư được ấn chứng.
Một câu chuyện khác, theo truyền thuyết, Sư Huệ Khả đến Thiếu Lâm tự năm 40 tuổi, xin tham vấn Bồ-đề-đạt-ma. Ban đầu Bồ-đề-đạt-ma chẳng để ý đến sự hiện diện của Sư, để Sư đứng trong tuyết nhiều ngày. Để chứng minh Bồ-đề tâm kiên cố của mình, Sư tự chặt cánh tay trái dâng Bồ-đề-đạt-ma mới được nhận làm môn đệ. Bồ-đề-đạt-ma chắc chắn biết trước Huệ Khả sẽ chặt tay nhưng cứ để mặc cho ông ta làm để ông ta tự chứng tỏ quyết tâm với chính mình, chứ Đạt Ma ắt thấy trước câu chuyện này, giống như bạch tuộc Paul thấy trước kết quả các trận đấu hồi World Cup Nam Phi 2010. Cuối cùng Bồ Đề Đạt Ma trao y bát cho Huệ Khả xác nhận ông là Tổ thứ hai của Thiền tông Trung Quốc.
Thiền thì chỉ thẳng trực tiếp Thức hay Tâm là gì, không qua ngôn ngữ, lời nói, nhưng chỉ có người căn cơ đã chín mùi mới ngộ được, còn đối với tuyệt đại đa số thì hoàn toàn mù tịt. Cho nên người trung hạ căn đành phải lần mở kinh điển tìm hiểu bằng trí óc qua giáo môn. Kinh điển giáo môn cũng chỉ bày rất rõ thức hay tâm là gì, rất rõ ràng chứ không hề mơ hồ.
Tâm trên bình diện tương đối là bát thức gồm : tánh thấy, tánh nghe, tánh ngửi, tánh nếm, tánh tiếp xúc. Năm tánh này gọi chung là tiền ngũ thức (năm thức đầu). Tánh thứ sáu là ý thức, thứ bảy là mạt-na thức (Manas) và thứ tám là A-lại-da (Alaya). Alaya là tàng thức hay kho chứa, nó chứa tất cả mọi dữ liệu để tạo ra tam giới. Bát thức cung cấp chủng tử cũng như tổng hợp và chủ quản tiền ngũ thức để tạo ra lục căn và lục trần, với các giác quan đó, cá thể tự phát thành lập Manas, Mạt-na là thức chấp ngã để tạo ra cái ta của mỗi cá thể sinh vật. Alaya là cái kho chung vô tận vô lượng nơi có tất cả mọi dữ liệu, xưa gọi là chủng tử. Chủng tử là vô hình vô tướng, nó không phải là vật chất nhưng là tiềm năng sinh ra vật chất. Vật chất không có thật, nó chỉ là huyễn ảo do tâm biến hiện ra mà thôi. Tâm còn có tên gọi khác là Chánh biến tri, là cái biết sẵn có vô sinh, vô diệt. Tâm còn rất nhiều tên gọi khác nữa như Phật tánh, Giác tánh, Duy thức, Như Lai…Ngày nay các khoa học gia đã nhận ra cái Thức cơ bản của vũ trụ vạn vật mà trong tiếng Anh họ không có danh từ chính xác để gọi, đành phải dùng từ Conciousness. Nhưng từ này thông thường là để chỉ ý thức (tương ứng với thức thứ sáu), hoàn toàn không phải cái mà họ muốn nói là Trường thống nhất phi vật chất nhưng có đầy trí tuệ, chính “nó” mới là “người” quyết định mọi thứ trong vũ trụ chứ không phải cái “tôi” của từng cá thể. Cái “tôi” hoàn toàn là thụ động, nó chẳng quyết định điều gì cả. Khoa học đã chứng tỏ ý thức của “tôi’ đến chậm hơn bộ não đến những 6 giây. Mà cũng không phải bộ não quyết định, não chỉ nhận lệnh từ Tâm hay nói cách khác là trường Duy thức. Mà trường Duy thức là Miền tần số có bản chất là sóng vô hình, cũng có bản chất là thông tin, cũng tức là digital (số). Hãy xem video dưới đây.
Trên bình diện tuyệt đối bất nhị, hay nói cách khác, đối với người giác ngộ thì Bát thức chuyển thành Tứ trí. Tiền ngũ thức chuyển thành Diệu quan sát trí. Ý thức chuyển thành Thành sở tác trí. Manas chuyển thành Bình đẳng tánh trí và Alaya chuyển thành Đại viên cảnh trí.
Diệu quan sát trí (妙觀察智, sa. pratyavekṣaṇa-jñāna) Tánh thấy, tánh nghe, tánh ngửi, tánh nếm, tánh tiếp xúc, sau khi hành giả đã phá bỏ ngã chấp thì không còn bị chi phối mê mờ bởi cái ta giả tạo nữa, nên nó đạt được vô phân biệt trí không còn vướng mắc trong cặp phạm trù mâu thuẫn của cái ta. Nghĩa là mắt không phân biệt đẹp xấu, tai không phân biệt êm tai hay chói tai, thích hay ghét, mũi không phân biệt thơm thúi v.v…Năm thứ tánh đó cũng hợp nhất không còn chia tách, nghĩa là giống như Trương Bảo Thắng dùng mũi để “thấy” chữ chứ không cần dùng mắt, một số em bé có công năng đặc dị khác có thể dùng nách để thấy chữ. Những người có huệ nhãn, nhắm mắt cũng thấy hết mọi vật. Những sự phân biệt chỉ là vọng tưởng của cái ta, bởi vì tất cả chỉ là sóng tần số vô hình hay chủng tử duy thức của Alaya.
Thành sở tác trí (成所作智, sa. kṛtyānuṣṭhāna-jñāna) tức là ý thức không còn cố chấp, nên không còn tạo nghiệp, việc làm của nó là vô vi, là từ bi, không có người làm (bên khoa học nói là hành vi tự do) không có chủ khách (bất nhị). Không có năng tác hay sở tác, nhưng thành tựu lại rất kỳ diệu như Trương Bảo Thắng, Hầu Hi Quý từng chứng tỏ. Không phải họ phục nguyên bức tranh hay chiếc đồng hồ mà do Chánh biến tri làm một cách vô ngã và vô ý thức.
Bình đẳng tánh trí (平等性智, sa. samatājñāna ). Pháp giới bình đẳng vì tánh chấp ngã đã bị phá bỏ. Tất cả mọi chúng sinh, tất cả mọi sự vật đều vô ngã và không có tự tính nên tuyệt đối bình đẳng. Tất cả đều xuất phát từ Miền tần số (nói theo khoa học) hay từ Alaya (nói theo Phật giáo). Sự phân biệt giữa người này và người khác, giữa các chúng sinh chỉ là ảo tưởng của cái ta giả. Cái ta giả đó là nhất niệm vô minh, là ý thức của cái ta. Nguyên lý toàn ảnh đã chứng thực cái lý một là tất cả, tất cả là một của Phật giáo, cả trên bình diện vũ trụ (vũ trụ là toàn ảnh) và bình diện nhân sinh (bộ não cũng là toàn ảnh, hoạt động theo nguyên lý toàn ảnh). Hãy xem David Bohm và Karl Pribram nói.
Trong video này có đoạn quan trọng lặp lại nhiều lần, nói “Our brains mathematically contruct hard ‘reality’ by relying on input from a frequency domain” (Não của chúng ta cấu trúc theo cách toán học ‘thực tại’ cứng, bằng cách dựa trên sự tiếp nhận từ một miền tần số). Miền tần số ở trên đã giải thích. Còn một điều khó hiểu khác, “cấu trúc theo cách toán học” là thế nào? Theo tôi hiểu, cấu trúc theo cách toán học là phải lượng hóa, phải tạo ra số lượng, một hạt electron hay một photon, nói chung một lượng tử không thể tạo ra một sinh vật, phải có vô số lượng tử. Chính vì vậy bộ não phải ảo hóa cho một photon (như trong thí nghiệm của Maria Chekhova) có thể xuất hiện đồng thời ở vô số vị trí khác nhau trong không gian, giống như là có vô số photon.
Đại viên cảnh trí (大圓鏡智, sa. ādarśa-jñāna). Alaya giống như một tấm gương lớn phản chiếu tất cả mọi hiện tượng trong Tam giới, trong đó có vũ trụ vạn vật của chúng ta. Tất cả mọi hiện tượng vật chất và tinh thần đều chỉ là ảo hóa, không phải thật (nói theo Phật giáo là huyễn ảo, nằm mơ giữa ban ngày, còn nói theo theo khoa học, vũ trụ là toàn ảnh tức là ảo ảnh xuất hiện tại chỗ nó không tồn tại).
Phật giáo từ hơn 2500 năm nay đã nói, như phát biểu của Long Thọ rằng “Tâm như hư không vô sở hữu” Tâm giống như hư không, không có thật, nhưng Tâm lại có thể sinh ra vũ trụ vạn vật mà con người chúng ta đang sống trong đó. Tâm là tánh Không, không có gì cả, nhưng lại có đủ tất cả mọi chủng tử để phát sinh ra Tam giới. Điều đó quả thật là không thể nghĩ bàn, vượt khỏi khả năng hiểu biết giới hạn của bộ não. Bởi vậy Phật giáo không kiến lập chân lý, không thể nói Có, cũng không thể nói Không, không thể bám víu vào đâu được (Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm), bởi vì tất cả điều gì có thể nói được đều không có nghĩa thật. Trước khi nhập diệt, Thích Ca cũng đã tuyến bố : “Trong suốt 49 năm qua, ta chưa từng nói một chữ”. Trong kinh Kim Cang, Phật nói với Tu Bồ Đề : Nhược nhân ngôn Như Lai hữu sở thuyết pháp tức vi báng Phật 若人言如來有所說法,即為謗佛 (Nếu như có ai nói Như Lai có thuyết pháp hay có pháp để thuyết là phỉ báng Phật). Điều đó chứng tỏ người sáng lập Phật giáo chỉ coi kinh điển là ngón tay chỉ mặt trăng chứ không phải là chân lý, không thể khẳng định cái gì là chân lý, kể cả Tâm hay tánh Không, bởi tính chất phi hiện thực (nonrealism) và bất định xứ (nonlocal) của nó, vì nó “như hư không vô sở hữu”, không có thật, không có nghĩa lý gì cả, cũng không thể nói Có hay Không có bởi vì Có tức là Không, Không tức là Có (Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc).
Các nhà vật lý lượng tử hiện nay cũng không nói khác. Miền tần số là trường thống nhất, không phải vật chất, không phải là một thành phần của vũ trụ, không thể chứng minh là nó hiện hữu (tức không có thật) nhưng nó lại là nguồn gốc của vũ trụ vạn vật, bộ não tiếp nhận thông tin từ đó và dịch thành thế giới vật chất, các phương trình toán học để biểu diễn nó lại có thể dự đoán chính xác nhiều hiện tượng sẽ xuất hiện (chẳng hạn Higgs đã dự đoán sự tồn tại của hạt boson Higgs cả mấy chục năm trước khi người ta phát hiện nó vào năm 2012). Khoa học đã giải thích một cách rõ ràng cho hành giả học Phật thấy Tâm (họ gọi tạm là Conciousness) thì không có chỗ trụ (tìm ở đâu cũng chẳng thấy, không chứng minh được nó hiện hữu) nhưng lại có khả năng sinh ra vật chất ở chỗ mà vật chất cũng không tồn tại (vì là ảo). Hãy xem :
Vũ trụ toàn ảnh chứng tỏ bản chất của vật chất và năng lượng là số (digital). Vấn đề của nhân loại hiện nay là làm cách nào để điều khiển được vật chất và năng lượng một cách dễ dàng giống như hiện nay con người đang điều khiển thế giới ảo trên máy vi tính. Nhân thể đặc dị công năng của Trương Bảo Thắng và Hầu Hi Quý chứng tỏ rằng khả năng dùng tâm linh để điều khiển vật chất là có thể được. Lịch sử Phật giáo cũng như lịch sử văn hóa Trung Quốc đều có ghi chép về những nhân vật có khả năng làm được việc đó (ngày xưa gọi là thần thông) như Mục Kiền Liên, (biến ra chiếc cầu bắc ngang sông), Ma Ha Ca Diếp (dùng tâm lực vạch núi đá để ẩn thân, đến nay vẫn còn sống, kinh điển có nói, và đầu thế kỷ 20 có người gặp).
Thời cổ đại ở Trung Quốc : “Liệt tử_Trọng Ni quyển 4” Kháng Thương tử tự giới thiệu mình, nói : “Ta có thể thấy, nghe, không dùng mắt, tai có thể sử dụng dễ dàng như mắt”. Lý giải của ông là “thân thể ta hợp tại tâm, tâm hợp ở khí, khí hợp ở thần, thần hợp ở trời. Trời có thế giới tự nhiên, có thế giới duy nhiên, âm tuy xa xôi ngoài cõi bát hoang, nhưng gần như chân mày, lông mi, đến với ta, ta tất biết. Ai biết rằng ta dù có mất các giác quan (mắt, tai, mũi, lưỡi) và tứ chi, mất tri giác của tim bụng, lục tạng, vẫn có cái tự tri sẵn có của trời”.
Thời trung cổ, vào đời Tống có Tế Điên Hòa Thượng 濟癫和尚, hành trạng cũng gần giống như Trương Bảo Thắng , Hầu Hi Quý của thời hiện đại.
Tóm tắt sự chia sẻ giữa Phật giáo và khoa học
Phật giáo đã nghiên cứu rất kỹ càng, rất sâu rộng về Tâm và Thức nên có thể cung cấp một khái niệm tương ứng với Trường thống nhất hay Trường Siêu dây mà khoa học nêu ra, chứ danh từ Conciousness của phương tây hoàn toàn không thích ứng, mà Stephen Davis đã nhọc công tra cứu từ điển cũng không thể tìm ra một khái niệm nào thích hợp, bởi vì phương tây vốn không có khái niệm đó, phải qua phương đông tìm mới có. Khoa học có thể gọi tên là Trường Duy thức là xứng hợp cả đôi đàng. Thức là trí tuệ vô ngã có khả năng tạo ra vũ trụ vạn vật. Duy thức học là một trường phái Phật giáo tương truyền là do Vô Trước được Phật Di Lặc truyền thụ, sau đó ông và người em là Thế Thân phát huy, về sau được đại sư Huyền Trang đem về Trung Quốc lập nên Pháp Tướng tông. Bây giờ đem ráp lại với Vật lý lượng tử thì khớp đến mức không ngờ.
Còn đối với người học Phật thì xưa nay nghiên cứu kinh điển, hiểu rằng vũ trụ vạn vật là do tâm tạo. Kinh Hoa Nghiêm nói : Nhược nhân dục liễu tri, Tam thế nhất thiết Phật, Ưng quán pháp giới tính, Nhất thiết duy tâm tạo 若人欲了知, 三世一切佛, 应观法界性, 一切惟心造 (Nếu ngươi muốn biết rõ, Tất cả Phật ba đời -quá khứ, hiện tại, vị lai- Nên quán thực chất của pháp giới, Tất cả đều là do tâm tạo). Nhưng quả thật là Phật tử không hiểu rõ làm thế nào mà tâm có thể tạo ra được vật chất. Nay khoa học đã trình bày một cơ chế rõ ràng tâm tạo ra vật chất như thế nào, vật chất đó chắc chắn phải là ảo. Đây là điều rất khó hiểu, rất khó tin, nhưng nay đã rõ như ban ngày. Những thực nghiệm đặc dị công năng của Trương Bảo Thắng và Hầu Hi Quý càng chứng tỏ rõ ràng vật chất là ảo.
Nhưng khoa học hiện nay chưa có khả năng vận dụng được loại bit thông tin vũ trụ như người ta đang vận dụng với loại bit thông tin mã nhị phân (binary code) của tin học hiện nay. Tuy nhiên trong tương lai có thể khoa học sẽ chế tạo được máy tính lượng tử và vận dụng được bit thông tin vũ trụ mà Craig Hogan đã mô tả chăng? Chúng ta hãy chờ xem.
Truyền Bình
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét