Thứ Sáu, 8 tháng 5, 2015

Biểu tượng văn hóa dân tộc qua góc nhìn của Dịch lý

(ĐHVH) - Bản chất văn hoá Việt Nam nằm trong vũ trụ quan truyền thống dân tộc và có chung nguồn gốc với vũ trụ quan truyền thống Á Đông, mà dân tộc Việt Nam luôn có tinh thần Việt hoá theo dân tộc tính của mình. Muốn trở về cội nguồn để thấy được nền tảng tinh thần dân tộc, chúng ta phải tìm về cái nôi tinh thần văn hoá truyền thống Á Đông.

Bởi lẽ, nền văn hoá nào cũng bắt nguồn từ một cái nôi triết học nhất định. Việc tìm ra những nét chung của một nền triết học nào đó chính là làm giàu cho nền triết học chung của nhân loại, đồng thời cũng khẳng định được sứ mệnh của nền triết lý đó trong đời sống văn hoá của mỗi cộng đồng dân tộc.

Ăng ghen trong tác phẩm "Chống Đuy-Rinh" đã viết "Không có cơ sở văn minh Hy Lạp và La Mã thì không có Châu Âu hiện đại.”([1])

Để từ đó, có thể nhận ra rằng, đất nước ta trong quá trình phát triển đi lên theo mô hình hiện đại hoá và công nghiệp hoá, không thể không bắt nguồn từ nền văn hoá truyền thống Việt Nam. Có như vậy, mới có một Việt Nam phát triển nhưng không làm mất đi bản sắc của dân tộc. Tinh thần triết lý nhân bản và vũ trụ quan truyền thống dân tộc đã được thi hào Nguyễn Du cô đọng trong hai câu thơ:

" Trăm năm tính cuộc vuông tròn
Phải dò cho đến ngọn nguồn lạch sông"

Và ca dao của người Việt cũng từng nói:

" Đời ông cho đến đời cha
Khéo gọt cho tròn khéo đục cho vuông" 

Đặc trưng của văn hoá là mang tính biểu tượng (Symbolical), mà "Vuông" và "Tròn" là hai biểu tượng (symbols) hết sức đặc trưng cho cách nhìn phương Đông về thế giới và con người. Nó bày ra được hình ảnh đất trời, sông núi, của con người Việt Nam cùng với nền văn minh nông nghiệp lúa nước lâu đời. Cái vòng tròn thời gian luôn biến đổi theo chu kỳ thời tiết bốn mùa, hoà cùng với không gian định cư nông nghiệp truyền thống đã tạo cho con người Việt Nam một vũ trụ nhân sinh hết sức Việt Nam. Tinh thần Dịch lý - Âm Dương, đã thấm sâu vào máu thịt người dân Việt và trở thành bản sắc của nền văn hoá cổ truyền dân tộc. Với hằng số vuông tròn, cũng là hằng số chung của nền văn hoá nông nghiệp phương Đông - Trời tròn, Đất vuông, mà cha ông ta đã đúc kết trở thành các "Khuôn mẫu văn hoá" trong nghệ thuật ứng xử "Ngoài thì là lý, song trong là tình" (Nguyễn Du).

Vì thế ta cần phải tìm hiểu bản chất đích thực của "Cơ cấu Dịch pháp" qua hai biểu tượng Vuông Tròn, hy vọng làm phục hồi giá trị "Tâm linh" của tinh thần Dịch lý. Từ đó nhằm làm sống lại cái nền "Minh Triết Lạc Thư" đã từ lâu chìm vào quên lãng, may ra tìm thấy một chút gì hương hoả của tiền nhân qua nền Triết lý phương Đông đã từng làm nên truyền thống nghìn năm văn hiến Việt Nam.

Đối với Á Đông chúng ta, Kinh Dịch được xem là bộ sách Triết lý uyên thâm, trọng yếu, của Nho giáo đứng đầu Ngũ kinh, tóm lĩnh mọi học thuật tư tưởng, là sách căn bản hàng đầu cho tất cả mọi sách khác. Khổng Tử người được xem như sáng tổ của Nho giáođã đọc Dịch ba lần đứt lề, làm ra mười thiên truyện bổ sung cho Kinh Dịch được hoàn chỉnh, còn phải than "Gia ngã sổ niên tất dĩ học Dịch, khã dĩ vô dại quá hĩ!" (Giá ta được thêm ít năm để học Dịch cho trọn vẹn thì không có sai lầm lớn - "Luận Ngữ học chi").([2])

Học Dịch không dễ, khó nhất ở Dịch không phải là lời mà là ở Tượng (Symbol) và Số. Tượng số chưa đủ mà khó ở Ý (Ý tại ngôn ngoại) và Thần. Người đọc không chỉ hiểu lời mà phải hiểu phần Tượng mới đạt đến chỗ uyên thâm của Ý. Thần của Dịch là ở chỗkhông lời (Ngôn ngữ biểu trưng). Dịch là một thứ kinh "Vô tự ". Đọc Dịch phải đọc bằng Tâm mà quên Trí để đạt được Ý (giải mã biểu tượng).

Dịch có nghĩa đơn giản là "Biến" nhưng phải hiểu theo hai chiều thuận nghịch, không thể theo nhận thức “Nhị nguyên” kiểu logíc hình thức, chỉ thấy một chiều xuôi hay ngược thì không thể hiểu Dịch. Bởi lẽ, Dịch là đạo "Nhất Nguyên".

Dịch học là cái học tương đối, nó tìm ra đạo "Trung Dung" giữa Âm và Dương giữa Động và Tĩnh, giữa Nhân và Quả. Với thuyết tương đối Dịch vạch rõ bản chất Âm Dương không xấu, không tốt mà do "Thời" và "Vị", cũng không có Thiện và Ác, mà tuỳ chỗ"Dụng" để phân chia. Căn bản của Dịch là vậy, nó phá tan thành kiến nhị nguyên. Tinh thần của Dịch có thể tóm tắt như sau: Dịch là đạo luôn luôn thay đổi, biến động không ở một nơi, đi khắp tất cả, có lên, có xuống, không cứng, không mềm, thay nhau không nệ vào đâu, chỉ phải biến Dịch và thích ứng.


Cơ cấu của Dịch được gói gọn trong chữ "Dịch" ghép bởi chữ Nhật và chữ Nguyệt. Nó bao hàm: Bất biến (tĩnh chỉ), Khả biến (xoáy ốc) và Biến động (duy biến).

- Nhật (dương): chủ về tĩnh tương đương với mặt trời (luôn tròn) chỉ sự cố định, cực đoan, bất biến.

- Nguyệt (âm): chủ về động tương đương với mặt trăng (luôn biến đổi) chỉ sự biến động cực đoan.

- Dịch: chủ trương Nhật Nguyệt phối hợp không bao giờ chia lìa, hai yếu tố: Âm - Dương, Động - Tĩnh. Bởi lẽ, trong Động có Tĩnh, trong Tĩnh có Động mà Động Tĩnh đều có luật thường. Luật thường đó chính là "Thái cực" - sự thống nhất và tương hỗ giữa Âm và Dương. Về sự không tách rời giữa Động và Tĩnh được nhấn mạnh trong thuyết tuần hoàn mà triết học Ấn Độ tượng trưng bằng "Con rắn cắn đuôi" (chung nhi phục thuỷ).

Tinh thần Dịch lý là linh hồn của Nho giáo, từ sự thừa nhận nguyên tắc biến hoá của đất trời, vạn vật, đến dùng văn tự để hiểu thấu lòng người. Dịch học đã dung hoà Khoa học và Triết học, để trở thành Đạo học trong việc khám phá vũ trụ và cải tạo nhân sinh. Có đọc Dịch mới thấy cái "Đạo nhất quán" của Khổng Tử chính là tinh thần của Dịch. Quan niệm vũ trụ nhân sinh được trình bày theo quan điểm "Thiên, Nhân hợp nhất". Đạo nhất quán cho rằng, vũ trụ với nhân sinh bao gồm là một. Nhìn qua Nho giáo chúng ta thấy toàn bộ triết thuyết của Nho gia chỉ là sự quảng diễn của cái đạo "Trung dung".

Kinh Dịch làm nền tảng cho học thuyết của Nho giáo vì thế mà quẻ thứ năm trong kinh Dịch là quẻ Nhu (Thuỷ thiên Nhu) đã được lấy tên của quẻ để đặt cho Đạo là Nho. Ý nghĩa của Nho là đem quẻ Nhu áp dụng cho con người, nên chữ Nhu thêm bộ nhân đứng thành chữ Nho. Nhu không được hiểu thô thiển là Nhu cầu, và cho Nho giáo là cái đạo thực dụng. Tượng quẻ Nhu là sự chờ đợi trời mưa. Vì quẻ Nhu được ghép bởi quẻ Kiền và quẻ Khảm, trời có mưa sẽ có gặt hái. Đạo Nho khuyên con người phải biết chờ "Thời", phải biết hoà cùng trời đất. Đó chính là cốt tuỷ của Đạo Nho - Đạo của nền triết lý phương Đông với hai Tượng số trời "Tròn" và đất "Vuông" mà con người phải biết dung hoà để "gieo" và "gặt" theo quy luật của sự biến Dịch.

Nói đến tinh thần biện chứng là nói đến hai mặt đối cực và sự thống nhất hai mặt đó. Nếu nói theo thuật ngữ của Hégel thì haiđối cực là: Chính đề và phản đề, còn hợp đề là sự hoà hợp hai cực đó lại. Như vậy, chính đề và phản đề trong Dịch là Thiên vàĐịa còn hợp đề là Nhân. Nho giáo định nghĩa Nhân là "Thiên Địa chi đức". Nhân phối hợp với Địa và Thiên gọi là "Tam tài", mô hình tam tài chính là "cơ cấu" của Dịch pháp. Kinh dịch biểu thị tam tài trong ba cặp hào, ở mỗi quẻ của tất cả 64 quẻ, trong đó hai hào dưới là Địa, hai hào giữa là Nhân, hai hào trên là Thiên. Cấu trúc tam tài ở Dịch thật chặt chẽ mang đầy yếu tố biện chứng. Hợp đề của chính đề và phản đề ở Dịch là Nhân mà không là Thiên hay Địa, hai mặt không triệt tiêu mà hoà nhập cho ra cái mới, và nó đã đặt Dịch học lên hàng Minh Triết. Đó là Đạo "Trung Dung" đã được Nho giáo lấy làm yếu lĩnh và được trình bày đầy đủ trong quyển sách "Trung Dung".


Dịch học đã dẫn dắt ta từ cái nhìn "siêu thức" đến cái nhìn biện chứng. Từ biện chứng để đến "Cơ cấu Dịch pháp". Kinh Dịch là mẫu cấu trúc hoàn chỉnh. Bởi sự hình thành ở mỗi quẻ đều có cơ cấu "Tam tài", bao gồm toàn bộ những mối quan hệ bên trong giữa các thành phần cấu tạo nên hệ thống chỉnh thể. Dịch học từ bao nghìn năm nay đã bằng phương pháp tiếp cận hệ thốngmà hình thành nên Cơ cấu Dịch pháp. Điều đó, có thể nhận định được rằng "Phương pháp cấu trúc" đã ra đời rất sớm, có trước "Chủ nghĩa cấu trúc" từ rất lâu. Nó chính là một biện chứng pháp của nền Triết lý phương Đông và đã được minh chứng đầy đủ trong quyển Kinh Dịch, với tính hệ thống hết sức chặt chẽ của nó.

Chúng ta đã tìm hiểu cơ cấu của Dịch và nhận thấy kinh Dịch được kết cấu bởi hai biểu tượng Âm và Dương, nhằm trình bày công cuộc sinh thành, sáng tạo, của thế giới và con người theo tinh thần Triết lý Cổ đại. Tựu trung lại cũng chỉ là quan niệm vuông tròn, đã thấm nhuần vào chiều sâu tâm thức và trở thành bản chất của nền văn hoá cổ truyền dân tộc. Việc quay về cội nguồn, lần theo lịch sử, cố gắng tìm thấy một chút gì thuộc về giá trị, tinh tuý nhất của nền văn hoá dân tộc, là việc làm thật cần thiết cho sự phát huy và kế thừa nền văn hoá truyền thống. Từ đó, làm cơ sở cho việc hội nhập và kiến tạo một nền văn hoá mới với tinh thần "nhân bản" thật dân tộc và hiện đại, nhưng mang bản sắc truyền thống Việt Nam.

Nói đến "cơ cấu" là nói đến những nguyên lý nền tảng của cả một hệ thống. Khi đưa cơ cấu Dịch pháp vào nghiên cứu "huyền sử", chính là ta muốn tiếp cận hệ thống để xem xét toàn bộ nền văn hoá cổ truyền, nhằm tìm ra những gì thuộc về bản chất còn chìm sâu tận lớp đáy của nền văn hoá dân tộc. Ta luôn vẫn tự hào về truyền thống, về dân tộc, mà những điều đó lại nằm sâu trong bề dày của văn hoá. Và, giá trị cốt lõi của nền văn hoá truyền thống lại nằm trong huyền sử. Rất nhiều điều của huyền sử cho đến nay vẫn còn nằm trong vùng mù của nhận thức, chưa được giải thích rõ ràng, từ chuyện về Rồng Tiên, chuyện Trăm trứng, chuyện về 18 vua Hùng, cho đến sự tích bánh Dầy, bánh Chưng, Chử Đồng Tử - Tiên Dung, Sơn Tinh Thuỷ Tinh v.v.. và cả những di tích lịch sử như Chùa Một Cột, Tháp Rùa với 5 cửa ô và 36 phố phường v.v... Tất cả đều còn là những điều trong vòng huyền ảo - thoại huyền. Những huyền thoại cần được "giải mã" bằng cơ cấu của Dịch pháp để tìm thấy được hàm nghĩa thâm sâu của nó.

Có thể nêu ra hai quy luật chi phối huyền sử: một là mối quan hệ bên trong thuộc giá trị của văn hoá, hai là sự kiện lịch sửthuộc hình thức ở vòng ngoài. Sự kiện lịch sử có thể kiểm soát được như quá trình thay đổi các thời đại các sự kiện. Còn vòng trong là các mô thức nội tại, nó đưa ra những yếu tố, nhằm để nói lên những ý nghĩa mang đầy tính triết lý. Những hàm nghĩa đó thể hiện được mạch ngầm của văn hoá. Nó vận hành trong hệ thống của cơ cấu Dịch pháp như cơ cấu "Tam tài", cơ cấu "Lưỡng nghi", cơ cấu "Ngũ hành" v.v... muốn nắm bắt được dòng mạch ngầm này phải có cái nhìn bao trùm theo tinh thần Dịch lý.


Biểu tượng đầu tiên được "giải mã" theo cơ cấu Dịch pháp là hình tượng con rùa. Rùa có lưng tròn tượng trưng trời, với bốn chânvuông tượng trưng đất. Vuốt rùa chính là tinh hoa của trời đất tương ứng với Đức Nhân. Biểu tượng rùa mang đầy đủ yếu tố của cơ cấu tam tài cùng 9 số thiêng của "Ma phương" (Hậu thiên Lạc Thư) mang ở trên lưng rùa bao hàm ý nghĩa gồm thâu hết lịch sử tạo nên trời đất và con người. Huyền thoại về rùa có nhiều, như sự tích rùa đội "Lạc Thư" dâng vua Phục Hy. Cũng như trong huyền thoại nước ta kể rằng thần "Kim Quy" xuất hiện giúp An Dương Vương xây thành Cổ Loa và cho nhà vua vuốt rùa làm nỏ thần để giữ gìn giang sơn xã tắc. Sau này có chuyện Rùa vàng trao gươm báu cho vua Lê Lợi để đánh đuổi giặc Minh. Huyền thoại hay nhắc đến rùa, vì rùa là một linh vật trong tứ linh: Long, Ly, Quy, Phượng. Người ta còn cho rằng rùa là một con vật sống lâu đời, mà sống lâu thì trở nên linh thiêng "Quy tuế cửu tắc linh". Không chỉ thế, mà biểu tượng Rùa còn đáp ứng những yếu tố về Âm Dương, Cương Nhu, vì có thân mềm võ cứng. Về sự biến Dịch thì rùa khi co khi duỗi, lúc tĩnh lúc động. Con rùa chính là biểu tượng của vũ trụ kết tinh cái lẽ huyền vi trời đất, Âm Dương, biến Dịch. ([3])

Có thể nhận định Rùa còn là biểu tượng "vật tổ" của toàn dân tộc bởi nó luôn xuất hiện suốt chiều dài của lịch sử từ huyền tích nỏ thần giúp An Dương Vương đánh giặc cho đến sau này trao gươm báu cho Lê Lợi chống giặc Minh. Rùa còn được coi là vị Thần giúp cho các tộc người Tày, Mường, Thái...xây nhà sàn theo mô hình giống rùa. Vì thế hình ảnh Tháp Rùa luôn nằm trong tâm thức dân tộc Việt và hình ảnh "Thần rùa" mỗi khi xuất hiện trên mặt hồ gươm đã trở thành một hiện tượng "thiêng liêng" để mọi người tôn kính và ngưỡng vọng.

- Ngoài biểu tượng Rùa, ta còn thấy một số biểu tượng khác là Rồng - Tiên hoặc Long Phượng, Chim Thú v.v.. Những biểu tượng ấy dường như rời rạc, không phù hợp với nhau. Nhưng khi xếp loại thì thấy chúng có sự tương ứng như Rồng, Long ở dưới nước,Phượng, Tiên ở trên non bay được cùng loại với chim. Do đó, biểu tượng có khác nhau, nhưng đều chỉ ra khái niệm Núi Sông hayNon Nước, mang trong nó hình ảnh Tổ quốc, Non sông Việt Nam trong yếu tố Dịch lý Vuông Tròn. Có thể nói hình ảnh Rồng Tiên chính là biểu tượng của Đất nước.


Dân tộc Việt Nam tiếp thu quan niệm vuông tròn rất lâu đời và đã Việt hoá để diễn tả theo cách nhìn huyền thoại mang đầy yếu tố triết lý của thuở cội nguồn. Hình ảnh nổi bật nhất về quan niệm vuông tròn ta bắt gặp trong câu chuyện truyền kỳ kể về vua Hùng truyền ngôi cho con bằng cuộc thi nấu ăn. Biểu tượng "Bánh Dầy, bánh Chưng" đã hàm nghĩa trong nó về nền văn minh lúa nước truyền thống đã được cụ thể hoá bằng hình ảnh Vuông Tròn biểu tượng cho Trời và Đất với vũ trụ quan Âm Dương trong sự hoà đồng nhất thể. Bánh Dầy Bánh Chưng là sự biểu tượng hoá một triết lý nhân sinh mang tinh thần Dịch lý vào điều kiện địa lý Việt Nam. Các huyền thoại này không còn là một truyền thuyết mơ hồ, mà trở thành biểu tượng thật sống động và khái quát cao với vũ trụ quan "Thời và Không" thật trừu tượng, nhưng để nói lên một ý nghĩa thật "nhân văn", thật con người.

Như chúng ta nhận biết, dòng mạch ngầm của nền văn hoá truyền thống luôn mang dấu ấn của Dịch. Những nét chấm phá trong Hà đồ, Lạc thư là những dấu hiệu của tượng số được ghi nhận như những "số thiêng" nó xuất hiện bàng bạc trong khắp huyền thoại đất Việt. Mở đầu trang sử Việt câu chuyện "Trăm trứng" thoại huyền ghi dấu ấn của sự kết hợp đất trời, vẫn còn đậm nét. Chuyện kể về Lạc Long Quân lấy nàng Âu Cơ đẻ ra cái bọc trăm trứng nở được trăm con. Đó là sự biểu hiện của Cha trời, Mẹ đất. Đây là hai mặt của đạo Kiền Khôn giao hoà tạo nên con người và đất nước. Theo truyền thuyết chép rằng 50 người con theo cha xuống biển, 50 người con theo mẹ lên non. Sau đó suy tôn người con trưởng lên làm vua, trở thành Hùng Vương đất Việt. Bọc trứng ở đây biểu hiện cho vòng tròn Thái cực - Âm Dương đã tự phân đôi theo lẽ biến Dịch ôm xoắn lấy nhau để sinh sinh hoá hoá; hình ảnh50 người theo cha (+) xuống biển (-) là hàm ý trong âm có dương; hình ảnh 50 người theo mẹ (-) lên non (+) tượng ý trong dương có âm. Lưỡng Nghi đã phân ra tứ tượng, đó là cái dụng của âm dương. Còn tổng số 100 người, tương ứng với 100 chấm số trong Hà đồ và Lạc thư, muốn nói lên sự biến dịch từ Tiên thiên bát quái, (tròn) sang Hậu thiên bát quái (vuông) nhằm đạt được cái đạo vuông tròn trong vòng chu lưu biến dịch. Hùng Vương truyền được 18 đời, là sự giao thoa của hai trục Thời, Không tức Vũ và Trụ ở tiên thiên Hà đồ. Trục dọc là Kiền 1, Khôn: 8 tổng lại là 9. Trục ngang Ly: 3, Khảm: 6 tổng lại cũng là 9. Tổng số hai trục này: 9 + 9 là 18 theo quy luật "cửu cửu Càn Khôn dĩ định", Âm Dương giao phối. Do vậy vòng tuần hoàn sinh hoá ấy có tổng số 18 nên ứng vào truyền thuyết 18 vua Hùng (Chu Dịch bản nghĩa có ghi như sau: "hệ từ truyện nói: Dịch có Thái cực; Thái cực sinh Lưỡng nghi, Lưỡng nghi sinh Tứ tượng, Tứ tượng sinh Bái quái... Thiệu tử nói: Kiền 1, Đoài 2, Ly 3, Chấn 4, Tốn 5, Khảm 6, Cấn 7, Khôn 8. Từ Kiền đến Khôn đều được những quẻ chưa sinh; nếu suy ngược lại thì có thể sánh với bốn mùa. Thứ tự của 64 quẻ sau này phải phỏng theo đó" )[4]. Và Hậu thiên lạc thư có "Cửu trù Hồng phạm" với sự cấu thành của "ma phương" cửu cung 9 số. Khi cộng lại theo các chiều của 9 con số 'thiêng" ta đều được tổng số là 15 tương ứng với truyền thuyếtVăn Lang chia đất ra thành 15 bộ. Vậy truyền thuyết Cha Lạc Long Quân lấy Mẹ Âu Cơ đẻ ra túi bọc trăm trứng chính là hình ảnh của Vòng tròn Thái cực - Âm Dương, cùng Hà Đồ, Lạc thư với "Cửu trù Hồng phạm". Huyền thoại chỉ là ngoại truyện, còn bên trong hàm ý một nền triết lý uyên thâm, cho rằng đất nước này có nguồn gốc từ trời tròn (Hà Đồ) và đất vuông (Lạc Thư) mà biến dịch. Câu chuyên huyền thoại về bánh Dày, bánh Chưng lại là điều minh chứng cho Dịch thuyết này.

Về huyền thoại lịch sử còn nhiều như Sơn Tinh - Thuỷ Tinh, Phù Đổng Thiên Vương v.v... Ta chỉ giải cấu trúc một vài huyền thoại quen thuộc, theo "cơ cấu dịch pháp", bằng những luật tắc đã quy định, nhằm nhìn ra những mô thức cơ bản của Dịch lý, tạo thành mạch ngầm chạy xuyên qua dòng văn hoá cổ truyền. Huyền thoại đã không còn là những mẫu chuyện huyễn hoặc quái dị, thần bí, dùng để giải trí mua vui, hay để tự hào với dân tộc tính của mình. Giải mã huyền thoại cốt để khai quật một phần triết lý nhân bản, vốn dĩ là linh hồn của cả một dân tộc, là tinh hoa và bản chất của nền văn hoá cổ truyền.

Tinh thần Dịch lý bao trùm các mặt của văn hoá dân tộc. Nói đến cơ cấu văn hoá cổ truyền, cũng bao hàm nói đến cơ cấu của Dịch. Dịch lý đã trở thành mạch ngầm của nền văn hoá truyền thống. Ta có thể xem xét một vài di tích lịch sử, để nhận ra mạch ngầm của nó đang còn trầm tích, ẩn tàng, tận bên trong lòng của nền văn hoá vật thể (văn vật).


Chùa một cột (Diên Hựu Tự) là một điển hình minh chứng, chùa được xây trên một cái cột tròn, mọc giữa hồ nước vuông từ thời nhà Lý cách đây một ngàn năm. Truyền thuyết cho rằng đó là thực hiện giấc mộng của vua Lý Thái Tông (1049). Khi vua mơ thấy Phật bà Quan Âm dắt Người lên tòa sen và trao cho vua đứa con trai. Sau đó Hoàng hậu sinh Hoàng nam. Nhà vua cho xây chùa Một cột để thờ Phật bà Quan âm (Tục thờ Mẫu). Và từ đó chùa Một cột đã trở thành Biểu tượng của vùng đất Rồng bay (Quốc tự). Đấy mới chỉ giải thích theo ngoại truyện, còn nội ý thức bên trong của hiện tượng này là trong tiềm thức dân tộc đã thâm nhập tinh thần Dịch lý. Nền kiến trúc ở đây, cho người ta suy tư về sự thờ phụng nguồn sống của vũ trụ, qua tượng Linga - Yoni, tức Âm Dương vật thể. Nó là hai nguyên lý mâu thuẫn khởi thuỷ, phối hợp để sinh sinh hoá hoá ra vạn vật của đạo Càn Khôn. Nhưng vật thể mang yếu tố vũ trụ ấy được nghệ thuật hoá một cách độc đáo tạo thành biểu tượng "Hoa sen" mọc giữa bùn lầy. Nó thâm trầm về một Dịch lý sâu xa biểu thị cho lòng yêu thương bác ái của người Mẹ vũ trụ hoá thân vào biểu tượng Hoa sen. Một biểu tượng của nền văn minh lúa nước với tục thờ "Mẫu" - Mẹ lúa. Đấy là ý nghĩa thật uyên thâm, minh chứng một tinh thần Việt hoá độc đáo của người dân Việt có khả năng dung hoà tất cả khuynh hướng mâu thuẫn thành một hoà điệu của đạo nhất thể Âm Dương.Có thể khẳng định chùa Một cột chính là Biểu tượng của Hà Nội.


Một di tích khác là "Tháp Rùa" giữa Hồ Gươm nước biếc với 5 cửa ô và 36 phố phường tại vung đất Thăng Long - Hà Nội. Theo truyền thuyết về hồ Hoàn Kiếm thì sau khi chiến thắng giặc Minh dành lại độc lập dân tộc, vua Lê Lợi đã đến nơi đây hoàn trả lại thanh kiếm báu cho thần Kim Quy nhằm thể hiện khát vọng hòa bình, không muốn đưa đất nước vào cảnh gươm đao, loạn lạc chiến tranh. Đó chỉ là hình thức ngoại truyện, nhưng theo "cơ cấu Dịch pháp" thì Tháp Rùa là biểu tượng của “sự trường tồn” với hàm nghĩa "Quy cửu tuế tắc linh". Rùa tượng trưng cho "Thái cực" (Trời tròn, Đất vuông), nói lên tính thống nhất và trường tồn của dân tộc, theo cùng với đất trời, sông núi. Còn 5 cửa Ô là biểu tượng của Ngũ hành sinh khắc, chế hoá trong lẽ biến dịch của Âm Dương, để từ đấy theo dòng sinh hoá của vũ trụ mà hình thành nên vạn vật. Với ý niệm đó, 36 phố phường chính là một "linh số" huyền nhiệm, hàm chứa ở đó cái Đức của "Cửu trù Hồng phạm", mà trong lòng nó mang đầy đủ yếu tố của Bát quái, Càn Khôn. Bởi lẽ, tổng của 8 số (từ 1 - 8) kết quả sẽ là 36, nếu cộng tiếp hai số lại sẽ thành 9 thuộc "quẻ Ly" biểu tượng của "Mặt trời", luôn toả sáng ở phương Đông.


Trong cái thế "Dịch biến" của cơ cấu Âm Dương, Ngũ hành Bát quái đó, biểu tượng "Rồng" đã xuất hiện để trở thành linh hồn của mãnh đất "Rồng bay". Bởi vì, trong quẻ Kiền (quẻ đầu tiên của Kinh Dịch) tại hào 5, hào đắc vị của ngôi chính nhân quân tửvới tên gọi "Phi Long tại thiên" tương ứng với tên gọi "Thăng Long - Hà Nội" sau này. Có phải chăng, cha ông ta đã thấm nhuầnDịch lý một cách sâu sắc để định danh cho vùng "Đất thánh" này một cái tên "Thăng Long", cùng một Tháp Rùa, 5 cửa ô và 36 phố phường với hàm ý mong cho đất nước Việt luôn trường tồn vĩnh cửu, và luôn theo cái đức của Rồng, trong cái thế ngũ hành sinh khắc, nhưng vẫn "Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh" (Khởi đầu, Hanh thông, Lợi tốt, Chính bền) như ý nghĩa của quẻ Kiền trong Kinh Dịch.

Do vậy, ta thấy huyền thoại với các biểu tượng và những con số chết khô, tưởng như vô tình và im lặng, nhưng khi được cơ cấu Dịch pháp "giải mã" thì cả bầu trời "Tâm linh" được mở ra, để ta nhận ra rằng tất cả đều được sắp xếp chặt chẽ đầy ý nghĩa, triết lý trong lòng các biểu tượng. Có một yếu tố làm cho huyền thoại càng thêm thần bí, là vì theo năm tháng cơ cấu Dịch lý đã bị mờ nhoè, tinh thần Đạo lý vuông tròn cũng dần bị lãng quên, huyền sử đã được sử ký hoá để chỉ còn thấy hình mà không còn thấy ý. Cuối cùng khi huyền thoại trơ trọi ra như những truyền kỳ huyễn hoặc đượm màu sắc thần thoại, tôn giáo, thì đôi khi nó bị phủ định như những điều đơm đặt. Mà không thấy rằng trong chiều sâu tâm thức của huyền thoại còn có độ dầy thăm thẳm của nền Dịch lýuyên thâm.


Với văn hoá nếp sống, Dịch học cũng thấm nhuần vào từng sự việc của đời sống, như việc hôn nhân trong nếp sống người Việt cũng đượm màu sắc Dịch học. Ngôn ngữ dân gian thường nói "miếng trầu là đầu câu chuyện" trong chuyện dạm hỏi cưới xin để thành chồng vợ, mà "phu phụ là đầu mối của đạo quân tử". Miếng trầu đã trở thành biểu tượng cho đạo vợ chồng, đạo của sự biến Dịch và giao Dịch. Vì thế "Truyện trầu cau" đã nói lên sự hoà hợp của hai yếu tố Âm Dương. Cơ cấu Dịch pháp đã chỉ ra đó làĐạo tam tài. Nếu "phu phụ" là tổng hợp của nền tảng gia đình thì ở đây khi phân tích cấu trúc của "miếng trầu" thì sẽ thấy: Cây cau chỉ trời, đá vôi chỉ đất còn lá trầu chỉ người. Bởi trầu là vai trò trung gian cho cau và vôi, là sự hoà hợp làm nên cái Đạo vợ chồng - "Nhất Âm, nhất Dương chi vị Đạo" (Dịch lý).

Việc cưới là thế, còn việc tang thì sao? Có một tục lệ mà mọi người Việt Nam đều biết, đó là khi người chết vừa nằm xuống thì ở phía trên đầu người chết có bày bàn thờ vong với đầy đủ lễ thức. Và, có một biểu tượng - văn hoá quen thuộc đó là bát cơm qủa trứngvới đôi đũa hoa cắm bên trên nó. Biểu tượng này là gì? Mấy ai quan tâm để giải thích, chỉ biết làm theo những người đi trước. Nếu đưa "Cơ cấu Dịch pháp" vào phân tích thì ta thấy rõ: Quả trứng tượng trưng cho "Âm Dương" xoay vần theo vòng luân hồi "Sinh, Lão, Bệnh, Tử", nó hàm nghĩa, cái chết chỉ là hình thức sinh hoá diệt vong, còn sự kế thừa và nối tiếp cuộc sống mới mãi mãi vĩnh hằng. Đó là biện chứng "Nhân quả" trong bát cơm thờ. Biểu tượng còn hàm chỉ về ba hồn: Hồn cha, Hồn mẹ và Hồn mình theo "cơ cấu tam tài". Bát cơm là Đất gieo lên hạt mầm lúa gạo, là nơi sinh ra, và cũng là chỗ trở về "Thổ hoàn thổ". Đôi đũa vót bông tua tròn, tượng trưng cho Trời với đôi vầng Nhật Nguyệt luôn soi sáng dòng "Minh triết" cho con người. Còn Quả trứng là sự hoà nhập của Đất và Trời với tinh thần "Trung dung lưỡng cực hợp nhất" của đạo "Người" thuộc Nhân. Cấu trúc "Tam tài" một lần nữa được thể hiện ở bát cơm quả trứng, thờ người vừa quá cố, đầy triết lý nhân sinh nhưng cũng đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam.

Còn nhiều điều đáng nói về văn hoá nếp sống theo tinh thần Dịch lý như tục nhuộm răng đen, để tóc dài, cái nón quai thao, chiếc áo dài tứ thân cổ truyền, v.v... Ngoài ra, còn có ý nghĩa về những con "số thiêng", các ngày hội tết, chiếc đàn bầu một dây, tục đốt pháo, những trò chơi dân gian ném còn, cờ người, đánh vật v.v.. Nếu phân tích theo cơ cấu dịch pháp thì tất cả đều chìm sâu trong đó dòng mạch ngầm của Dịch lý, với tinh thần biện chứng Âm Dương luôn luôn biến động, theo nhịp chuyển hoá của đất trời. Nó luôn phát triển ngay trong lòng của nền văn hoá cổ truyền dân tộc, mà hai yếu tố vuông tròn mãi mãi là biểu tượng cho cách nhìn dịch lý phương Đông.

Nêu vấn đề giá trị của Dịch học với văn hoá dân tộc thì quả là một điều hết sức khó khăn. Vì giá trị của Dịch là gì, có phải chăng chính là bản chất đích thực bên trong của Dịch đối với nền văn hoá dân tộc. Thế mà Dịch lại là môn học rất khó. Muốn hiểu được Dịch không phải dễ, vả lại nó là môn triết lý tối cổ. Nó đã hình thành cách đây hàng ngàn năm lịch sử từ đời Thượng cổ, trước khi Nho giáo ra đời rất lâu, bắt đầu từ vua Phục Hy nhìn các khoáy trên lưng con Long mã mà vạch thành tám quẻ Dịch, tiếp theo đến đời Chu Văn Vương (trước tây lịch hơn 1000 năm) mới bổ sung vào các quẻ của Phục Hy những lời giải thích quẻ (Quái từ) còn gọi là Thoán từ. Sau đó Chu Công (Cơ Đán) con trai thứ của Văn Vương mới thêm Hào từ (Tượng từ). Mãi đến sau này Khổng Tử cũng chỉ là người "San định" Kinh Dịch và bổ sung thêm Thập dực để Kinh Dịch trở nên hoàn chỉnh. Cho đến nay, Kinh Dịch vẫn tồn tại cùng với thời gian theo suốt chiều dài của lịch sử nhận thức, và Dịch lý đã đóng góp phần mình vào mọi lĩnh vực văn hoá và khoa học, trong đó có khoa học về y học cổ truyển. Kinh Dịch đã trở thành một quyển kinh lớn cho toàn thế giới tìm hiểu và nghiên cứu về nó. Bản thân thân Kinh Dịch là một quyển kinh trọng yếu, đứng đầu trong ngũ kinh của Nho giáo và tinh thần của Dịch được tập trung ở quyển sách "Trung Dung" một trong tứ thư của đạo này. Như vậy có thể nói rằng, toàn bộ cái Đạo "Biến Dịch" được vận dụng hầu khắp các triết thuyết của Nho giáo, nói khác đi, đạo Nho chính là Đạo của Dịch. Do đó, muốn hiểu Nho điều tiên quyết là phải hiểu Dịch - "Bất học Dịch bất khả ngôn thuyết", không học Dịch thì không thể thuyết lý về Nho.

Chúng ta đang sống trong một thời đại mà cả hành tinh đang cố gắng tìm cách xích lại gần nhau. Triết Đông và Triết Tây đang có xu hướng hoà nhập, bổ sung cho nhau để có thể tìm thấy một giá trị chung cho đời sống của loài người, đó là giá trị "Nhân văn". Không có một dân tộc nào có thể tồn tại nếu như không biết tiếp thu và thừa kế những thành tựu trí tuệ của nhân loại. Trên lĩnh vực này, Dịch học lại còn là con đẻ của nền Minh triết phương Đông vừa còn là mạch ngầm của nền Văn hoá cổ truyền Việt Nam.

Hiện nay, đất nước ta đang trong bước chuyển mình đổi mới nhằm tạo ra những điều kiện thuận lợi đưa đất nước đi vào một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên của Văn hoá và Thông tin. Chúng ta ra sức học tập và đổi mới nhận thức trên quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Ở mặt khác, phải chú trọng nghiên cứu những "Tinh hoa truyền thống" của dân tộc, không phủ nhận một cách cực đoan những thành tựu trí tuệ của nhân loại. Xu hướng tích hợp Văn hóa là hướng đi khôn ngoan và mang tính hiện đại, để sao cho có sự "Thống nhất trong đa dạng" trong kho tàng văn hoá của nhân loại, ở đó có phần của Văn hoá dân tộc.

Theo chủ tịch Hồ Chí Minh giá trị đích thực của Đạo Nho chủ yếu là "Đạo đức học". Đối với Nho giáo mà tinh hoa của nó là Dịch học thì cái "nhân đạo" là cái đầu tiên được đề cập cùng với chủ nghĩa nhân văn của chủ nghĩa Mác.

Với tinh thần Việt hoá, muốn thu tóm và tổng hợp nhằm tiếp nhận cái hay và loại trừ cái dở, trước hết, một dân tộc hay một cá nhân phải biết nhận thức về mình, biết thẩm định về một giá trị, nhất lại là một giá trị cổ truyền mà đôi lúc chúng ta vô tìnhhoặc hữu ý để quên hay đánh mất đi. Có như vậy sự tiếp nhận hay loại trừ không bị thành kiến và cực đoan.

Dịch học tự nó đã là một giá trị, nếu như nó đã tự tồn tại suốt hàng ngàn năm lịch sử. Vấn đề là, nó có thật sự có giá trị với nềnvăn hoá dân tộc hôm nay hay không, lại là do sự nhận biết về Dịch như thế nào và biết vận dụng nó trong mọi mặt của đời sống. Chúng ta không thể dùng một lời cụ thể nào để nói về Dịch. Bởi lẽ, Dịch là một loại kinh "Vô tự", một bộ kinh đầy hàm nghĩabằng ngôn ngữ của những biểu tượng (Les Symbols).

([1]) F. Ăng ghen: Chống Đuy Rinh. NXB Sự thật, Hà Nội. 1959.
([2]) Nguyễn Hữu Lương - Kinh Dịch với vũ trụ quan Đông Phương. NXB TP. HCM. 1992.
([3]) Có nhiều cách tiếp cận để "giải mã" biểu tượng, có thể bằng "cơ cấu Dịch pháp" để truy tìm hàm nghĩa của biểu tượng hay dùng các phương pháp khác như: So sánh Lịch sử, Dân tộc học, Ngôn ngữ học, Ký hiệu học v.v.. để tìm thấy ý nghĩa tiềm ẩn của nó.
([4]) Nguyễn Hữu Lương - Kinh Dịch với vũ trụ quan Đông Phương. NXB TP. HCM. 1992 (Trang 184)

Bài viết: TS. Nguyễn Văn Hậu
Ảnh: Sưu tầm trên Internet

Không có nhận xét nào: