Thứ Tư, 10 tháng 1, 2018

LAGI HAY LA GI

Hòn Bà 
Ngày 09 tháng 01 năm 2018, tuoitreonline có bài La Gi là 'la di', Cư Kuin là 'chư quynh' (https://tuoitre.vn/la-gi-la-la-di-cu-kuin-la-chu-quynh-2018…), xin tham gia thêm bài sau.

Lagi (theo cách viết thông thường trước đây) là địa danh của một vùng đất có dấu ấn lịch sử. Đầu năm 1993, Uỷ ban Nhân dân thị trấn La Gi đã phát hành tập sơ thảo “Lagi sống mãi với truyền thống”. Phần đầu tập sơ thảo có dành một chương giới thiệu về sự hình thành và ra đời của địa danh này. Xuyên suốt tập sơ thảo, trước và sau tên của địa danh được viết và khẳng định Lagi (viết liền nhau thành một từ). Năm 2005, huyện Hàm Tân được tách ra thành hai đơn vị hành chính: thị xã La Gi và huyện Hàm Tân. Thị xã La Gi gồm phần đất của thị trấn La Gi cũ và các xã Tân Hải, Tân Thiện, Tân Bình, Tân An.

Thị xã La Gi
Tên thị xã mới này ở một số văn bản được viết chưa thống nhất: Nơi viết Lagi; nơi viết La Gi (viết tách rời thành hai âm tiết). Xin đơn cử: Nghị định số 114/2005/NĐ-CP về việc thành lập thị xã La Gi tỉnh Bình Thuận ngày 25 tháng 9 năm 2005 của Chính phủ, tên thị xã được viết: La Gi. Còn trên địa bàn thị xã, phần đông các bảng hiệu đều viết Lagi. Thậm chí, các văn bản phát hành của các cơ quan nhà nước tỉnh, thị xã cũng có hiện tượng này.



Đã đến lúc chúng ta phải có một cách viết sao cho phù hợp với lịch sử và đặc điểm của tiếng Việt. Việc này đòi hỏi các nhà chuyên môn cũng như sự quyết định chính thức của Nhà nước để chấm dứt tình trạng một địa danh mà có hai cách viết lưu hành trong nhân dân và trong các cơ quan Nhà nước, vô tình dễ dẫn đến hai cách phát âm khác nhau [la di; la ghi] bởi hai cách viết.


Theo tác giả bài này, viết như Nghị định 114/2005/NĐ-CP là phù hợp nhất: La Gi (tách rời thành hai âm tiết). La Gi phát âm là /la/ /zi/. Về ngôn ngữ, bao giờ ngữ âm cũng có trước chữ viết; ngữ âm là nội dung, chữ viết là hình thức thể hiện. Tiếng Việt có nhiều chữ viết: chữ khoa đẩu, chữ nôm, chữ quốc ngữ (chữ viết hiện nay). Dù chữ viết có thay đổi nhưng ngữ âm (tiếng nói) ít thay đổi có tính ổn định cao.

Trong ngữ âm tiếng Việt, một chữ cái (a, g,...) có nhiều cách phát âm; và ngược lại, một âm (nguyên âm hoặc phụ âm) cũng có nhiều cách viết. Ví dụ: phụ âm /z/ được viết d, gi, g (trong giết); chữ viết i, y đều được phát âm là /i/. Tiếng Việt đa phần mỗi âm tiết là một từ hoặc một tiếng. Mỗi âm tiết đều viết rời ra. La Gi là hai âm tiết. Gi là âm tiết: gồm phụ âm g (đứng trước i được phát âm) /z/ và nguyên âm i /i/. Còn âm tiết Lagi (hiểu theo ngôn ngữ Việt) thì gi là phụ âm /z/ chứ không phải là âm tiết.

Xưa làng Phước Lộc (phường Phước Lộc hiện nay) có "cửa tấn La Di". La Di đã bị viết chệch thành Lagi (theo ngôn ngữ Pháp khi Pháp đô hộ Việt Nam). 

Hoàng Lạc

Không có nhận xét nào: