Giới hạn trong phạm vi lý luận, chúng ta tóm tắt nét đặc trưng của kinh Dịch: giản dị hóa bằng TƯỢNG và cụ thể hóa bằng SỐ. Tức là qui chiếu vạn hữu về trên một căn bản đồng nhất mà kinh Dịch gọi là thiên hạ chi động, trình phù nhất, hay đồng qui nhi thù đồ, nhất tri nhi bách lự - từ nhiều hướng nhưng cùng về một chỗ; cùng một mục đích những có trăm nghìn mối nghĩ. Vì động, cho nên có thiên sai vạn biệt; nhưng tất cả chúng khởi đi từ cái một và trở về trong một cái.
Nếu vậy, khi đã qui chiếu được vạn hữu vào căn bản đồng nhất, người ta có thể phân phối cái động thiên sai vạn biệt trong thiên hạ thành trật tự có qui củ. Ý tưởng then chốt ở đây là : tại thiên thành tượng, tại địa thành hình. Tượng, có thể được hiểu như là những nguyên tắc tiên thiên. Khi những nguyên tắc này được ứng dụng vào các lãnh vực cụ thể, chúng sẽ là những sự thực hữu hình trong một trật tự cân xứng. Trong toán học, đó là trật tự tỉ đối. Chúng ta khởi đầu từ khái niệm với một trật tự cân xứng này để đi đến sự ứng dụng về Số của kinh Dịch trong lãnh vực lý luận.
Một trật tự cân xứng là một thế giới trong đó các sự vật được phân phối đồng đều ở các vị trí tương đối. Sau đây là những nguyên tắc chỉ đạo cho sự ứng dụng Dịch vào các lãnh vực lý luận và thực tế: THỜI, VỊ, TRUNG, CHÍNH. Nói về những trường hợp ứng dụng có kết quả, kinh Dịch thường diễn tả: đắc thời, đắc vị, đắc trung"; "lục vị thời thành" "các chính tính mệnh, bảo hợp thái hòa"; vân vân. Đây là do bản tính tồn tại của sự thực hữu hình, không phải là những ứng dụng tùy tiện. Kinh nói: phương dĩ loại tụ, vật dĩ quần phân. Sự cân xứng trong thế giới hữu hình được kể theo loại và nhóm. Như vậy, khi đối chiếu với các biểu tượng tiên nhiên, hay bát quái, thì mỗi biểu tượng trong thế giới hữu hình đều trấn giữ tại một phương hướng: khảm, chính Bắc, cấn, Đông Bắc, đoài, chính Tây; vân vân.
Khái niệm về một trật tự cân xứng như vậy có hiệu lực như thế nào khi được ứng dụng vào đường lối suy luận?
Ở trình độ gần như tổng quát của mọi đường lối suy luận, ta có thể lấy thí dụ từ Thiên Thai Tông (một trong các tông phái của Đại thừa Phật giáo Trung Hoa). Cái đặc sắc là người ta căn cứ trên đường lối theo sự hướng dẫn của Dịch để thấu triệt những khái niệm rất trừu tượng và rất xa lạ đối với truyền thống tư tưởng Trung Hoa. Tông này lấy số Ba làm số trật tự cân xứng của luận lý, hay một tập hợp luận lý nói theo danh từ luận lý học Tây phương (combinaison logique), và họ gọi là TAM VIÊN DUNG. Đại cương, khi vận dụng, tông này sử dụng những cặp tương phản trong một tập hợp luận lý, gọi là cặp song phi và song chiếu. Một tập hợp luận lý của họ gồm có ba thành tố căn bản: KHÔNG, GIẢ, TRUNG. Mỗi thành tố sẽ được thiết lập bằng những biến thiên như hủy diệt và tồn tại, rồi khi vượt qua cả hai tuờng hợp đó, người ta có một sự thực bên trên tất cả khái niệm. Nghĩa là vượt qua tính cách đối đãi hay phản danh của một khái niệm bằng song phi và song chiếu: khái niệm trừu tượng được đưa vào thực tại cụ thể.
Lối suy luận trên đây, có thể coi như một đường lối căn bản mà ta có thể tìm thấy thường xuyên nơi Dịch.
Ngày nay, người Tây phương gọi con số ba của kinh Dịch, là một tập hợp luận lý, là con số thần bí của tính phân phối và tập hợp (permutation et combinaison). Chúng ta đừng nghĩ con số ba ở đây là con số của một quá trình biện chứng. Nơi kinh Dịch, ta biết mỗi một quẻ của Bát quái đều gồm có ba hào. Xưa kia, người ta thường giải thích vì có ba lãnh vực hay ba cấp bậc của trật tự: trật tự của thiên giới, trật tự của nhân giới và trật tự của vạn vật (không phải vạn hữu). Nghĩa là TAM TÀI. Vì vậy, một quẻ có ba hào. Chúng ta cũng có thể hiểu điều này theo một chiều hướng khác. Trước hết, có thể coi số ba như là biểu tượng của sự ổn định và cân xứng, nghĩa là hợp lý. Khi nói đến hợp lý của tương quan nhân quả, một tương quan đồng thời, cái này gá vào cái kia và ngược lại mỗi cái vừa nhân vừa quả; để diễn tả sự hợp lý này, người ta lấy thí dụ về hình ảnh kim tự tháp của những cây gậy tựa vào nhau. Vả lại, trong các nền luận lý học cổ điển, với tam đoạn luận của Aristole, hay với nhân minh học của Dinga Ấn Độ, người ta thấy một lập luận vững chãi được phân phối theo con số ba, với ba mệnh đề. Một tập hợp luận lý, như vậy, tự căn bản là mộ tập hợp của số ba. Theo đó mà nói, con số ba tượng trưng cho ý niệm về một sự hợp lý vững chắc của các tương quan nhân quả. Đây chỉ là những trường hợp gợi ý. Dù vậy, tất cả, có thể nói là tất cả, mọi trật tự cân xứng của hữu hình được phản chiếu trên con số ba. Hay nói chính xác hơn: con số ba là hình ảnh phản chiếu của trật tự hữu hình và cân xứng. Từ mộ thành số tượng trưng cho trật tự toàn diện của thế giới là số mười, nếu ta qui chiếu về trên căn bản đồng nhất, tức số một, ta có hiện sự tiết giảm theo tính cách cân xứng và tương đối: năm – ba – một, cuối cùng sẽ có một hình tam giác, nếu mỗi một số được ghi thành một điểm.
Chúng ta đã nói, số ba không phải là một quá trình biện chứng, mà là con số của một tập hợp luận lý. Trong mỗi tập hợp này, người ta phân phối bằng tính cách có lặp lại (permutation avec répétition), hai thế lực tương phản âm và dương. Kết quả đạt được là có tám tập hợp, tức Bát Quái, chúng tương ứng với tâm phương vị của trời đất. Từ khái niệm trừu tượng mà đạt đến trật tự cân xứng của thế giới hữu hình, đó là sự thành tựu cao nhất của lý luận. Câu nói của kinh Dịch: Tại thiên thành tượng, tại địa thành hình", có thể được hiểu theo chiều hướng vừa kể.
Khuynh hướng của Dịch là từ những phúc tạp mà tiến tới chỗ THUẦN NHẤT: Dịch giả, dị dã. Ba đặc tính của một nguyên tắc tiên thiên khiến cho nó khả dĩ ứng dụng được trong thế giới hữu hình, kinh Dịch gọi là Thuần, Túy, Tinh. Đây là một chiều hướng lý luận không bị giới hạn trong những nguyên tắc phân tích và tổng hợp. Nói cách khác, người ta không khảo sát giá trị của một mệnh đề luận lý qua phân tích hay tổng hợp. Trong chiều hướng của phân tích hay tổng hợp, người ta cần phải lưu ý các trường hợp đơn hay phức. Nhưng ở đây khỏi cần lưu ý như vậy. Thí dụ về luận lý tứ cú (logic of four alternatives hay tetralemma), ta có:
(A) I. Có………………………..(khẳng định đơn)
II.Không………………..(phủ định đơn)
III.Vừa có vừa không (khẳng định phức)
IV.Không phải có không phải Không (phủ định phức)
Xét theo các trường hợp đơn cú, bốn mệnh đề trên rút lại chỉ co hai, vì III và IV là trường hợp phức số của I và II.
Cũng trong luận lý tứ cú, ta thử lấy một lối lập luận của Đỗ Thuận, người khai sáng Hoa Nghiêm Tông:
(B) I. Phi dị biệt
II.Phi đồng nhất
III.Phi đồng nhất tức phi dị biệt
IV.Phi dị biệt tức phi đồng nhất.
Ở đây, mỗi mệnh đề phải có một giá trị biệt lập, trong nhất tính độc hữu của nó; biệt lập nhưng chúng phản chiếu lẫn nhau như các đỉnh của một tứ giác. Ý nghĩa của mỗi cánh được thành tựu ở tâm điểm của những phản chiếu này.
Chúng ta ghi nhận một điểm khác nhau rất nhỏ giữa III và IV của (A) là "Vừa Có vừa Không"…và III và IV của (B): "Tức". Một đằng diễn tả thể cách của Có và Không, do đó, đáng gọi là khẳng định đơn cú. Trường hợp (B), ý niệm về tức ở đây là tương tức, chỉ cho thể tính vô phân biệt giữa các sự hữu; nó không hàm chứa một ý tưởng về thể cách tổng hợp.
Với lối lý luận bằng tứ cú trên đây, trường hợp (B), người ta rút ra một hình ảnh của thế giới như sau:
I. Một trong tất cả
II.Tất cả trong Một
III.Tất cả trong Tất cả
IV.Một trong Một
Nói tóm lại, hậu quả của một chiều hướng lý luận "TRINH PHÙ NHẤT" sẽ dẫn đến một thế giới quan như vừa kể.
Một trường hợp điển hình khác có thể xảy ra ở đây, để xác định lối luận TIRNH PHÙ NHẤT của kinh Dịch ấy.
Đây là trường hợp của Trí Nghiễm, tác giả của Hoa nghiêm nhất thừa thập huyền môn, vị tổ thứ hai của Hoa nghiêm tông. Oâng lý luận về sự tăng và giảm của một và mười, theo hai chiều hưng hạ, để giải thích thế giới quan vô tận; và con số mười được gọi là Thập vô tận.
Trước hết, ông chia hai trường hợp tương quan giữa một và mười: dị thể và đồng thể. Trong mỗi tương quan đều có tăng và giảm. Dĩ nhiên muốn tính sự tăng giảm này, người ta phải lấy số một và số mười làm chuẩn đích. Một chỉ cho sai biệt và mười chỉ cho toàn thể. Rồi ở dị thể và đồng thể, mỗi trường hợp lại được chia thành hai:
I. Một trong Nhiều, Nhiều trong Một
II.Một tức Nhiều, Nhiều tức Một.
Bằng đường lối quanh co và chậm chạp như vậy, ông đi từng bước một: từ một lên mười, rồi từ mười tiết giảm đến một, thực hiện cho đến kỳ cùng – ở đây xin phép không bàn rộng – người ta đạt đến điều này: thế giới như một màn lưới được kết dệt vô số hạt ngọc. Mỗi mắt lưới là một hạt ngọc, chúng phản chiếu lẫn nhau – phản chiếu giữa cái Một và Tất cả – thành một thế giới trùng trùng vô tận. Nếu trở lại từ đầu khái niệm về trật tự cân xứng, chúng ta cũng bắt gặp cái thế giới quan vừa kể.
Trật tự cân xứng là trật tự của những đối xứng tương quan và tương giao. Từ điểm này các nhà Hoa Nghiêm tông giải thích tương quan hiện hữu, hay lý Duyên Khởi, là lý thuyết căn bản của Phật giáo, thành tương do. Bằng tính cách tương do này, sự đối xứng của hai sự thể được quan niệm rằng phải có một hữu lực và một vô lực, một thực thể và một vô thể. Cái vô lực thì tựa vào cái hữu lực; cái vô thể thì lẫn vào cái hữu thể. Như vậy, tương do chính là tương tức. Đó là lý luận căn bản của một thế giới quan vô tận.
Tất cả những thí dụ điển hình đã nêu lên ở trên tạm thời cho chúng ta một nhãn quan bao quát về đường lối vận dụng trong phạm vi luận lý, gợi hứng từ khái niệm về SỐ của kinh Dịch. Vì không thể đi sâu vào chi tiết như một thiên khảo cứu chuyên môn, chúng ta hãy dừng lại trong giới hạn vừa phải này.
Tuệ sỹ
Nguồn: http://www.thuonghylenien.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét