1. Vị trí địa lí
Bạc Liêu là một tỉnh thuộc duyên hải vùng đồng bằng sông Cửu Long, miền Nam Việt Nam. Phía Bắc giáp tỉnh Hậu Giang, phía Đông Bắc giáp tỉnh Sóc Trăng, Tây Bắc giáp Kiên Giang, Tây và Tây Nam giáp Cà Mau, Đông và Đông Nam giáp biển với 56 km bờ biển. Tỉnh lỵ hiện nay là Thành phố Bạc Liêu, cách Thành phố Hồ Chí Minh 280 km. Bạc Liêu có diện tích tự nhiên 2.520,6 km² và dân số năm điều tra dân số ngày 01/04/2009 là 856.250 người với mật độ dân số 339 người/km². Nếu so với 63 tỉnh, thành phố thì Bạc Liêu đứng thứ 40 về diện tích và thứ 48 về dân số.
Trên địa bàn Bạc Liêu có 3 dân tộc sinh sống, người Kinh chiếm phần lớn, tiếp đến là người Khmer và người Hoa. Theo tài liệu tổng điều tra dân số (1999) thì trong tổng số dân trên địa bàn Bạc Liêu, người Kinh chiếm gần 90,0%; người Khmer chiếm 7,9%; người Hoa chiếm 3,1%; còn lại các dân tộc khác.
Bạc Liêu có 7 đơn vị hành chính cấp huyện, bao gồm Thành phố Bạc Liêu và 6 huyện (với 63 xã, phường và thị trấn) là: Thành phố Bạc Liêu, Phước Long, Hồng Dân, Vĩnh Lợi, Giá Rai, Đông Hải, Hòa Bình (mới thành lập tháng 7 năm 2005).
Thị trấn Giá Rai, Bạc Liêu
Bạc Liêu là vùng đất trẻ, được hình thành chủ yếu do sự bồi lắng phù sa ở các cửa biển tạo nên. Phần lớn diện tích tự nhiên của tỉnh là đất bằng nằm ở độ cao trên dưới 1,2 m so với mặt biển, còn lại là những giồng cát và một số khu vực trũng ngập nước quanh năm. Địa hình có xu hướng thấp dần từ Đông Bắc xuống Tây Nam và khu vực nội đồng thấp hơn vùng gần bờ biển. Trên địa bàn tỉnh có nhiều kênh rạch lớn như kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp, kênh Cạnh Đền, kênh Phó Sinh, kênh Giá Rai. Hệ thống sông ngòi, kênh rạch của Bạc Liêu nối với biển bằng cửa Gành Hào, cửa Nhà Mát và cửa Cái Cùng. Ngoài phần đất liền còn có vùng biển rộng 40.000 km². Biển Bạc Liêu có tiềm năng hải sản tương đối lớn với 661 loài cá và 33 loài tôm, cho phép đánh bắt mỗi năm 24-30 vạn tấn cá và khoảng 1 vạn tấn tôm.
Đường phố ở TP.Bạc Liêu
2. Lịch sử hình thành
Tỉnh Bạc Liêu được thành lập ngày 1 tháng 1 năm 1900 theo Nghị định ngày 20 tháng 12 năm 1899 của Toàn quyền Đông Dương đổi tất cả các hạt tham biện thành tỉnh, gồm 7 tổng: Long Thủy, Quảng Xuyên, Quảng Long, Quảng An, Thạnh Hòa, Thạnh Hưng, Long Thới. Trước kia Bạc Liêu tách từ tỉnh Hà Tiên ra. Địa bàn tỉnh Bạc Liêu khi đó bao gồm cả tỉnh Cà Mau hiện nay.
Rạch Bạc Liêu, TP.Bạc Liêu
Năm 1904, Bạc Liêu có 3 quận: Vĩnh Lợi, Cà Mau và Vĩnh Châu. Năm 1914, lập thêm quận Giá Rai. Năm 1947, quận Phước Long được nhập từ tỉnh Rạch Giá, còn quận Cà Mau được tách ra thành 1 tỉnh riêng.
Ngày 22/10/1956, Chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã nhập tỉnh Bạc Liêu với tỉnh Sóc Trăng thành tỉnh Ba Xuyên. Tỉnh Bạc Liêu được tái lập theo Sắc lệnh 245-NV ngày 8/9/1964, gồm 4 quận: Giá Rai, Phước Long, Vĩnh Lợi và Vĩnh Châu, với 5 tổng, 17 xã. Dân số năm 1965 là 76.630 người.
Năm 1976, sau khi Việt Nam thống nhất, hai tỉnh Bạc Liêu và An Xuyên (Cà Mau) hợp nhất thành tỉnh Minh Hải. Ngày 6 tháng 11 năm 1996, tỉnh Minh Hải được chia thành hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau. Hai tỉnh mới chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1 tháng 1 năm 1997.
3. Kinh tế
Tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP) năm 2011 đạt 9.826 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2010. Thu nhập bình quân đầu người năm 2011 đạt gần 25 triệu đồng (tương đương 1.123 USD).
Cơ cấu kinh tế: khu vực nông nghiệp chiếm 51,7%; công nghiệp - xây dựng chiếm 24,52% và dịch vụ chiếm 23,78% trong GDP. Tổng vốn đầu tư phát triển năm 2011 thực hiện 5.603 tỷ đồng, tăng 18,36% so năm 2010 (chiếm khoảng 25,83% GDP). Theo số liệu năm 2011, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh lên 4.356 tỷ đồng, tăng 20,5%.
Kim ngạch xuất khẩu thực hiện 260 triệu USD, tăng 18,7% so với năm 2010. Song song với việc đẩy mạnh sản xuất, UBND tỉnh đã triển khai thực hiện tốt các giải pháp theo tinh thần Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, nên tình hình cung - cầu hàng hoá trên thị trường Bạc Liêu tương đối ổn định; Chỉ số giá cả năm tăng 16,5% (chỉ số giá cả nước trên 18%); tổng mức lưu chuyển hàng hoá đạt 18.060 tỷ đồng, tăng 25,74% so năm 2010. 4. Du lịch
Với nguồn tài nguyên biển và hệ sinh thái ven biển đa dạng, tỉnh đang chú trọng phát triển du lịch sinh thái, kết hợp với du lịch tâm linh. Nhiều dự án du lịch đã được chủ trương đầu tư và đang triển khai tích cực. Doanh thu du lịch năm 2011 đạt gần 470 tỷ đồng, tăng gần 17%, với khoảng 530 ngàn lượt du khách, tăng 18% so với năm 2010 (Trong đó có khoảng 17.000 lượt khách Quốc tế).
Kênh Bạc Liêu - Cà Mau, đoạn qua Giá Rai
Một số điểm du lịch của tỉnh như: Biển Nhà Mát, Khu du lịch vườn nhãn, Quán Âm Phật đài, nhà công tử Bạc Liêu, khu lưu niệm cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu (Thành phố Bạc Liêu). Tháp cổ Vĩnh Hưng (Vĩnh Lợi). Khu di tích Đồng Nọc Nạn (Giá Rai). Khu di tích nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên Tỉnh Bạc Liêu (Đông Hải)...
Bạc Liêu xưa kia nổi tiếng là đất ăn chơi với nhiều giai thoại về "công tử Bạc Liêu", bởi người dân xứ này có tư duy khoáng đạt, thích giao lưu tìm bạn qua hội hè và qua sinh hoạt văn hoá cộng đồng. Do cởi mở và có phần sành điệu nên đất Bạc Liêu không chỉ giữ được đôi chân phiêu lãng của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, tác giả bài Dạ cổ hoài lang bất hủ, mà còn có sức hút mạnh mẽ đối với tầng lớp đại điền chủ Nam Kỳ lục tỉnh vào những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, buộc họ phải đến đây xả túi xây cất dinh thự. Bởi thế, nhiều người tới thành phố Bạc Liêu ngày nay đã không khỏi ngỡ ngàng khi nhìn thấy tại nơi đất chua phèn ngập mặn, nơi tận cùng của đất nước này, lại có những dãy nhà Tây sang trọng và đường bệ, khác hẳn những biệt thự Pháp ở Hà Nội, Sài Gòn, Đà Lạt. Đáng chú ý là những vật liệu chủ yếu trang trí nội thất các biệt thự này như cửa và chấn song cửa, gạch và đá cẩm thạch ốp tường hoặc lát nền đều được các đại điền chủ bỏ công tốn của sang tận Paris mua về.
Nhắc đến Bạc Liêu, chúng ta không quên nhắc về 2 giai thoại, Công tử Bạc Liêu và Bác sáu Lầu.
Công tử Bạc Liêu người từng đi thăm ruộng bằng máy bay, và cũng là chiếc máy bay riêng đầu tiên ở Đông Dương, hay việc thuê người Pháp làm công cho mình, bấy nhiêu thôi cũng đủ nói rõ về khả năng ăn chơi có thứ hạng của vị công tử lừng danh đất Nam kỳ. ngày nay, nép mình bên dòng sông Bạc Liêu, trên đường Điện Biên Phủ, vẫn còn lưu giữ ngôi biệt thự sang trọng ấy, nó vẫn còn đó như để hoài niệm về một quá khứ hoàng kim, của một trong những dòng dõi sang trọng bật nhất sứ Nam Kỳ. Hãy thử một lần đến đây, để hiểu nhiều hơn về cuộc sống của một đại điền chủ thời ấy, hay chỉ đơn giản là thử một lần vào vai ông, bà hội đồng, được dùng những thứ vật chất xa hoa mà phận tá điền hằng mơ ước.
Nhà Công tử Bạc Liêu, TP.Bạc Liêu
Bạc Liêu, cái nôi của Vọng cổ. Bác Sáu Lầu, tức nhạc sĩ Cao Văn Lầu, người cho ra đời bản Dạ cổ hoài lang vào những năm đầu thế kỷ XX, vốn được xem là tiền thân của những bản Vọng cổ ngày nay. Mãnh đất đầy thơ văn ấy, đã thổi hồn lãng mạng cho người nhạc sĩ tài hoa, để ông có thể viết lên một kiệt tác để đời. Ngày nay, cũng tọa lạc trên con đường mang tên ông, là khu lưu niệm cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, nếu có diệp về Bạc Liêu, mời bạn một lần ghé thăm để thấp lên nén hương tỏ lòng ngưỡng mộ và tưởng nhớ về một bật thi sĩ tài hoa. để đánh thức những giá trị nghệ thuật truyền thống ấy, ngày nay Đoàn Cải lương Cao Văn Lầu Bạc Liêu luôn mang sứ mạng bảo tồn và phát huy một trong những bộ môn nghệ thuật độc đáo của dân tộc
5. Đặc sản ẩm thực
Nằm ở vùng đồng bằng châu thổ Cửu Long, Bạc Liêu vốn được thiên nhiên ưu ái cho những sản vật vô cùng trù phú. Nếu vùng Nam QL1A nổi tiếng với nguồn lợi thủy hải sản vô cùng dồi giàu và đa dạng, như cá đồng, cá biển, mực, tôm, cua, nghiêu, sò, óc... với sản lượng hơn 250.000 tấn thủy sản hằng năm, không chỉ tiêu thụ trong nội địa mà còn xuất khẩu thu ngoại tệ. Đặc biệt, muối Đông Hải nổi tiếng khấp Nam Kỳ Lục tỉnh, về cả sản lượng lẫn chất lượng.
Về Bắc QL1A là những cánh đồng lúa bạt ngàn, bất tận. Nơi cho ra đời gạo một bụi đỏ Hồng Dân, vốn đã khẳng định được giá trị trên bản đồ gạo Việt Nam. bánh tầm Ngan Dừa, dưa bồn bồn, hay mắm chua Vĩnh Hưng (được làm từ cá trắm) là những sản vật không thể bỏ quên khi đến nơi đây.
Bên cạnh đó là những món ăn của người Bạc Liêu vốn đã làm ngất ngây bao du khách như: Bún bò cay, Bún cá, Bún nước lèo, Bánh xèo, Bánh canh, các loại lẩu như lẩu cá kèo, lẩu mắm, hay lẩu hải sản... dĩ nhiên nó sẽ được chế biến theo một phong cách riêng biệt của ẩm thực Bạc Liêu, mà không lẫn vào đâu được.
Hoàng Lạc (tổng hợp)
Ảnh: Internet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét