Thứ Sáu, 3 tháng 10, 2014

HÒN ĐÁ GIỮA DÒNG SÔNG MẠT KIẾP.

Nghiệp mạt kiếp tạo thành dòng sông thế nhân,
Dòng người chen lấn chảy xiết trong dòng sông mạt kiếp.

Ta như hòn đá giữa dòng sông ấy,
Dòng nước gặp ta rồi lách qua chảy tiếp,
Như chưa từng có ta.

Những giọt nước lưu lại trên thân ta,
Rồi cũng bị dòng mạt kiếp chảy xiết cuốn đi.
Chỉ những giọt nước núp lại sau lưng ta
Không bị cuốn đi vì thân ta che chở,
Quang minh Như Lai bốc hơi giải thoát cho những giọt nước này.

Thân ta chẳng mòn bởi ở giữa dòng sông mạt kiếp,
Thân ta sẽ còn khi dòng mạt kiếp cạn khô.

Pháp Không Chân Như
_______________________

Phụ lục: VẤN ĐÁP

Chân Như Tuệ Không:
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT. Thưa THẦY, con chưa hiểu ở chỗ "Thân Ta sẽ còn khi dòng mạt kiếp cạn khô". Dòng mạt kiếp cạn khô có ý nghĩa thế nào con chưa hiểu rõ thưa Thầy?

Chân Như Tuệ Quang:
"Nghiệp mạt kiếp tạo thành dòng sông thế nhân, 
Dòng người chen lấn chảy xiết trong dòng sông mạt kiếp."
Hai câu này nói về nhân quả luân hồi của con người thế gian nầy và họ mê si không hề nhận ra cứ cho nghiệp dẫn dắt mà vay trả - trả vay không thoát ra được tức không giải thoát.
"Ta như hòn đá giữa dòng sông ấy", hòn đá ví cho sự kiên cố không theo dòng nghiệp báo luân hồi có nghĩa là thông suốt nghiệp báo luân hồi nên không chạy theo nó mà chấm dứt nghiệp luân hồi. 
"Dòng nước gặp ta rồi lách qua chảy tiếp, 
Như chưa từng có ta."
Dòng nước ví như mọi người không tin tưởng vào những pháp khai thị rằng sinh tử luân hồi và dừng nghiệp thế nhân lại mà tu giải thoát nên cứ luồn qua rồi quên mất những lời khai thị đó nhưng chưa từng nghe thấy.
"Những giọt nước lưu lại trên thân ta.
Rồi cũng bị dòng mạt kiếp chảy xiết cuốn đi."
Có nghĩa những người nghe thấy những khai thị nhưng không tự thân thực hành tinh tấn để giải thoát thì cuối cùng vô thường đến rồi cũng phải luân hồi nghiệp báo. 
"Rồi cũng bị dòng mạt kiếp chảy xiết cuốn đi. 
Chỉ những giọt nước núp lại sau lưng ta
Không bị cuốn đi vì thân ta che chở.
Quang minh Như Lai bốc hơi giải thoát cho những dòng nước này."
Lược giải: chỉ có những người tin sâu và tu hành theo những pháp ta đã khai thị và tinh tấn tu hành giới định tuệ mới được ánh sáng của Phật gia trì dần đạt giác ngộ và giải thoát .
"Thân ta chẳng mòn bởi ở giữa dòng sông mạt kiếp,
Thân ta sẽ còn khi dòng mạt kiếp cạn khô."
Thân ở đây là Pháp hiểu là phương pháp tu hành đạt giác ngộ hay hiểu là Phật Pháp nhưng ở đây Thầy đã dựa trên Pháp của như Lai mà dùng phương tiện dẫn dụ để khai ngộ cho mọi người nên nói là thân ta.
Những phương tiện đó sẽ luôn giúp mọi người phá mê khai ngộ cho đến khi không còn ai phải thọ nghiệp bảo làm người nữa những những pháp đó vẫn còn là mối tâm nguyện lớn lao độ thoát tất cả mọi người của Thầy.
Mong thầy chỉ dẫn thêm cho con những chỗ sai sót và chưa đúng với tâm ý bài kệ của Thầy

Pháp Không Chân Như:
Quý chân tử, dòng mạt kiếp này tạo bởi biệt nghiệp mạt kiếp và cộng nghiệp mạt kiếp. Vì vậy nó mạnh mẽ như dòng sông chảy xiết. Hầu hết mọi người trong thời mạt kiếp đều bị nó cuốn theo. Họ cùng nhau say mê và chìm đắm trong dục vọng và niềm tin mù quáng. 
Thế nào là biệt nghiệp mạt kiếp? Đây là những biệt nghiệp mạt kiếp:
- Căn trí thấp kém, 
- Tâm ý mê say,
- Trí tính mờ tối,
- Tuy có trì trai giữ giới đều không trí huệ, 
- Cái tâm ngu mê cống cao ngã mạn, 
- Tôn sùng tà kiến, 
- Không chịu hạ tâm mình để cầu thầy học hỏi những pháp chân chánh,
- Khư khư chấp trước,
- Nhận giả làm thiệt,
- Chấp trước kinh sách văn tự, 
- Chấp trước tụng trì cho nhiều số, 
- Học được hai câu nói của Phật thì cho là (đã học được) hoàn toàn.
- Chưa đặng nói là đặng, chưa chứng nói là chứng, 
- Căn lành tu ít mà muốn quả to, 
- Người ngu mê không hiểu ý Phật, 
- Tự mình điên cuồng tự dối mình.
Thế nào là cộng nghiệp mạt kiếp? Tất cả biệt nghiệp mạt kiếp hợp thành môi trường bổ sung cho biệt nghiệp trở nên mạnh mẽ và đồng bộ xã hội loài người cuốn trong dòng tâm thức đó.
Vì họ có niềm tin mù quáng, nhận giả làm thiệt, cho nên càng về sau, con người càng thấy mất niềm tin nơi Phật Pháp Tăng, không còn tin vào nhân quả, luân hồi, nghiệp báo. Họ chìm đắm càng sâu nặng trong tham ái, sân hận, ngu si, thỏa mãn trước mắt không tin có quả. Xã hội loài người gần như địa ngục. Môi trường thiên nhiên trở thành độc hại, đạo đức xã hội suy thoái nghiêm trọng: khát máu, sát sanh, cướp của, giết người, ăn thịt nhau, tàn nhẫn với người thân và cộng đồng, chứa đầy căm ghét hận thù, oan trái, nghiệt ngã, chà đạp lên nhau để sống.
Vậy nên, quý chân tử, ngay từ bây giờ trở đi, phải luôn sống tỉnh giác không để dòng mạt kiếp cuốn trôi theo. Những người này là nguồn lực để sau này cứu độ con người khôi phục đạo đức, khôi phục tuổi thọ, tin vào Tam Bảo, tin vào nhân quả, luân hồi, nghiệp báo, tăng trưởng đạo đức, tăng cao tuổi thọ, giảm nhiều khổ đau phiền não cho đến ngày Phật Di Lặc xuất thế tái lập chánh Pháp của Như Lai.

Không có nhận xét nào: