Thứ Sáu, 22 tháng 8, 2014

Kiến thức & trí tuệ

Giác Ngộ - Nhiều người lẫm lẫn kiến thức và trí tuệ. Theo Phật pháp, kiến thức là hiểu biết của con người sinh ra do nghe, thấy, suy nghĩ. Vì vậy, hiểu biết này là hiểu biết thông thường của con người nhờ học mà có được.

Người nào chịu cực học và đọc sách vở nhiều sẽ có kiến thức rộng; nhưng tại sao Đức Phật lại nhắc nhở chúng ta rằng biết nhiều thì khổ nhiều, biết ít khổ ít, không biết không khổ. Các vị Thánh La hán được gọi là hàng vô học, còn từ tam hiền trở xuống là hàng hữu học. Những bậc hữu học có nhiều hiểu biết trên sách vở, ngôn từ; trong khi hiểu biết của Thánh nhân là buông bỏ tất cả. Có thể nói thái độ của người học Phật khác với người học theo thế gian. Người học Phật là học có tiêu hóa, không phải chấp văn tự, ngữ ngôn.

Học có tiêu hóa nghĩa là những gì chúng ta học được, đọc được không giữ y nguyên trong lòng chúng ta, mà phải có đào thải. Vì vậy, chúng ta loại bỏ những gì không cần thiết cho lộ trình giải thoát và chúng ta chỉ giữ lại những tinh chất dinh dưỡng của trí tuệ. Ý này được kinh Pháp Hoa gọi là nghĩa lý sâu xa bên trong, văn tự thì ở bên ngoài. Khi đào lọc những cặn bã sẽ còn lại tinh chất là nghĩa lý sâu xa, theo đó chúng ta tu tập mà Phật thường nhắc là phải đúng như pháp tu hành để sanh trí tuệ.

Phật đưa ra thí dụ trong phẩm Tín giải của kinh Pháp Hoa, có một cùng tử sau bao tháng ngày lang thang đã gặp lại người cha của mình là ông trưởng giả, nhưng cùng tử không nhận ra, mà lại sợ quá bỏ chạy khi trông thấy người cha quá giàu sang và có nhiều quyền uy. Ông trưởng giả thấy vậy mới sai hai người hầu cận đuổi theo bắt lại. Anh cùng tử hoảng sợ đến ngất xỉu. Ông trưởng giả bảo không cần bắt anh ta, mà để cho anh ấy đi. Anh cùng tử đi qua xóm nghèo làm thuê mướn. Ông trưởng giả mới sai một người què, một người chột đến dụ anh cùng tử trở về hốt phân cho ông trưởng giả.

Nếu chúng ta đọc câu chuyện này, ngày nào cũng đọc như vậy mà không hiểu Phật muốn ẩn dụ điều gì, thì đó là đọc kinh không tiêu hóa. Đọc kinh có tiêu hóa là tìm nghĩa lý sâu xa bên trong thí dụ Phật đưa ra. Ông trưởng giả ví cho Đức Như Lai. Khi Đức Phật xuất hiện ở Bồ Đề Đạo Tràng và Ngài thành Phật ở nơi đây. Vì vậy, cây Bồ đề là nơi đánh dấu sự thành tựu quả vị Vô thượng Đẳng giác của Phật. Chúng ta tới nơi đây để tìm Phật hay để đưa tâm mình về 2.500 năm trước và nhận ra rằng Phật tâm có thể đi ngược đến tận vô số kiếp quá khứ. Không phải chúng ta chỉ lạy suông cây Bồ đề rồi cho rằng linh thiêng. Riêng tôi ngồi ở Bồ Đề Đạo Tràng nhớ lại Đức Phật xưa kia thành đạo nơi này, Ngài đã trải qua những tầng tâm thức như thế nào. Tôi trầm ngâm suy nghĩ đến quên sự vật chung quanh và có được tâm nhẹ nhàng giải thoát đồng với tâm Phật, gọi là đồng cảm, đồng hạnh và đồng nguyện giúp cho tâm tôi kết nối được với Phật một cách sâu sắc, nên tôi hiểu về Phật, hiểu về cây Bồ đề. 

Đối với tôi, cây Bồ đề là nơi Phật giác ngộ. Cây Bồ đề được thành hình từ hạt giống Bồ đề đầu tiên Phật phát tâm, gọi là phát tâm Bồ đề và từ đó Ngài dấn thân hành Bồ tát đạo trải qua vô lượng kiếp. Nói cách khác, chúng ta hình dung ra hạt Bồ đề phát xuất từ tâm Phật, hay từ tâm chúng ta mà theo năm tháng Phật thành tựu viên mãn hạnh Bồ tát, mới nuôi lớn thành cây Bồ đề, tức tuệ giác của Phật sinh ra, thăng hoa và viên mãn, đó là ý nghĩa sâu xa của cây Bồ đề. 

Đức Phật từ khi phát tâm Bồ đề đến thành tựu quả vị Phật ở Bồ Đề Đạo Tràng. Còn cây Bồ đề của chúng ta đang ở chặng đường nào? Khi tâm tập trung và lắng yên để tìm ý nghĩa sâu xa, chúng ta rời thế giới phàm phu, đi vào thế giới tâm linh và tâm trí chúng ta theo đó được khai mở thì như vậy, chúng ta đang từng bước thể hiện nghĩa lý sâu xa.

Trở lại kinh Pháp Hoa, Đức Phật thành đạo ở cội Bồ đề là trí tuệ Ngài đạt đến đỉnh cao nhất, Phật nhận ra rằng tất cả mọi người đều không có sinh tử, đều sẽ thành Phật giống như Phật. Nhưng tại sao chúng ta lại mãi trôi lăn trong sinh tử. Nhận ra nghĩa lý sâu xa, tôi thấy rõ cuộc đời của chúng ta chỉ là giấc mộng, cho nên trong cuộc sống này, hay trong giấc mộng đời này thì có thuyết pháp, có việc này việc nọ, có người chống đối, v.v… ; nhưng khi trở về trạng thái tâm lắng yên là cắt đứt được tất cả trần duyên thì thấy giải thoát liền. Vì vậy, tôi nói "Trần duyên thuận nghịch tâm không thiết", người ta cung kính cúng dường mình, hay chê bai, nói xấu cũng chỉ là mộng; vì trở về cuộc sống tâm linh, tất cả những sự kiện này chấm dứt. Kinh Bát Nhã diễn tả ý này là "Độ nhứt thiết khổ ách", tức vượt qua được tất cả khổ đau.

Chúng ta nhận diện được hai trạng thái tâm, nếu trở lại cuộc sống thật hoàn toàn thanh tịnh thì không có vấn đề gì, nhưng sống trong mộng thì có đủ tất cả tốt xấu, vui buồn, vinh nhục, v.v… Đọc kinh và nhận chân được nghĩa sâu sắc này là chúng ta đã tiêu hóa được kinh.

Qua thí dụ gã cùng tử nói trên nhắc đến một người mù có hai chân khỏe cõng người sáng mắt cùng đi nhằm chỉ cho hàng nhị thừa là người có trí tuệ và người có đạo đức. Kết hợp phước đức và trí tuệ để chúng ta cùng tiến tu, sẽ dễ dàng gặt hái được công đức. Quan sát thực tế chúng ta nhận ra ý này, người có phước đức ví như có của cải, nhưng không biết khai thác vì không có trí tuệ. Trái lại, người có trí tuệ nhưng không có vốn liếng thì không thể làm giàu được. Phải biết kết hợp phước đức và trí tuệ mới thành công. Xưa kia, Lưu Bị phải cầu Khổng Minh hỗ trợ vì ông này có hiểu biết nhưng không có điều kiện làm. Lưu Bị có điều kiện làm, nhưng không có cái đầu mưu chước như Khổng Minh. 

Anh cùng tử được đưa về làm công việc hốt dọn phân nhơ, nghĩa lý sâu của điều này là gì? Đức Phật nói rằng anh cùng tử thật sự không nghèo, nhưng tại anh tự cảm thấy nghèo và tự than thân trách phận. Chúng ta cũng vậy. Chúng ta là con của Đức Như Lai. Phước đức của Như Lai vô lượng, còn chúng ta nghèo, vì không nhận ra được bản chất của thân tứ đại và cuộc sống này của mình là mộng.

Thí dụ anh cùng tử hốt phân gợi nhắc chúng ta liên tưởng đến Bàn Đặc dọn quét bên ngoài, nhưng biết kết hợp với dọn phiền não, nghiệp chướng, trần lao bên trong. Khi chúng ta công quả, quét dọn chùa, cảm thấy an lạc là nhờ đã quét dọn được tâm nhơ bên trong. Cùng tử dọn dẹp phân nhơ là quét dọn tinh xá sạch sẽ thì tâm bên trong của anh cũng được trang nghiêm. Trong thực tế cuộc sống, nếu nhà chúng ta dọn ngăn nắp, sạch sẽ, mình cảm thấy khỏe, còn nhà bừa bãi làm chúng ta thấy mệt. Cũng vậy, những gì chúng ta không bằng lòng thì nên loại bỏ, dại khờ đem những thứ bực bội vô lòng làm chi cho thêm khổ, rồi còn nói một câu nghe thật tội nghiệp "Sống để dạ, chết mang theo!". Những gì không bằng lòng, chúng ta quét sạch, quét bên ngoài tinh xá trong sạch, bụi dơ trong lòng cũng bay ra. Nhờ vậy, lâu ngày, lòng chúng ta cũng sạch thì mới nhìn đời chính xác. Lúc trước, tâm còn đầy phiền não, nên nhìn đời ảm đạm và thấy mọi người không đáng tin cậy, cho nên người cũng xử sự với ta như vậy; nhưng tâm trong sáng rồi, thấy được việc tốt của người khác. Phật nói rằng sanh được làm người là có phước rồi. Cho nên, chúng ta thấy phước của người và quan hệ với cái phước đó, khai thác cái phước đó, thì họ sẽ thương mến ta.

Nhờ quét dọn tinh xá, tâm cùng tử lần trong sáng thì trưởng giả cho quản lý gia tài và trưởng giả nói rằng cùng tử nghèo nhưng không tham lam, ích kỷ như những người làm công hèn hạ khác. Cùng tử nghèo nhưng không hèn, người khác nghèo và hèn. Theo Phật, hiểu ý sâu của cùng tử trong kinh Pháp Hoa, chúng ta cố tập sống không hèn là không tham lam, ích kỷ, làm cho người khác hưởng và tiếp tục ở am tranh cũng như ở lầu các. Ở lầu các, chúng ta nợ biết bao nhiêu người, làm sao trả nổi. Người học đạo và tu hành luôn tránh vấn đề thọ dụng, vì thọ dụng bị tổn phước; làm mới tạo được phước.

Cùng tử không thọ dụng, không hèn, trí tuệ phát sanh, hiểu biết nhiều, cho nên được trưởng giả giao quản lý gia tài, điều này nhằm nói đến giai đoạn Phật bổ xứ chúng ta làm, nên được Hộ pháp long thiên gia bị và thành tựu Phật sự. Và cuối cùng, trưởng giả phú chúc gia tài cho cùng tử.

Hành giả đi đúng lộ trình Phật dạy, từ thân phận cùng tử cũng có thể đi đến quả vị cao nhất là Phật quả; không phải chỉ học suông giáo pháp trên lý thuyết thì không tăng trưởng được hiểu biết, không tu được và huệ không sanh. Theo đạo Phật, học để tu mới sanh công đức, học để hiểu thôi thì chỉ có kiến thức.

Người nào chịu cực học và đọc sách vở nhiều sẽ có kiến thức rộng.
Đức Phật thành đạo ở Bồ Đề Đạo Tràng, trí tuệ của Ngài rọi khắp Pháp giới, thì kinh Hoa Nghiêm nói rằng Phật thấy rõ từ địa ngục A tỳ cho đến Trời Sắc Cứu cánh tất cả Thanh văn, Duyên giác và Bồ tát, Ngài thấy rõ tất cả hình tướng và tâm bên trong của họ cùng những tác động qua lại giữa chúng sinh. Phật thấy như vậy không sai lầm, kinh Pháp Hoa gọi là thập như thị, cho nên Phật mới điều động được sự vật. Còn chúng ta bị vật chuyển, nên chúng ta bị lệ thuộc thiên nhiên và xã hội. 

Trên bước đường tu, làm sao chúng ta bớt lệ thuộc thiên nhiên và xã hội, nghĩa là giảm bớt điều kiện sống. Hãy nghiệm xem chúng ta có điều kiện sống càng tốt chừng nào thì càng bị thụ động, chẳng hạn như chúng ta quen ăn ngon, khi tu một Ngày an lạc ở đây, sẽ cảm thấy khó chịu với cơm hộp. Và lệ thuộc rộng là xã hội tạo điều kiện cho người càng lệ thuộc thì càng dễ sai khiến họ. Phật tử ở Mỹ về Việt Nam nói rằng ở đây tuy nghèo, nhưng sướng, vì còn thì giờ đến chùa tu. Ở Mỹ, chúng con không có thì giờ, làm việc suốt ngày, suốt tuần; nhưng làm cực khổ như vậy mà tiền không dư. Phật tử ở Việt Nam không làm gì, nhưng không thiếu là tâm chúng ta không thiếu; vì chúng ta tu theo Phật, tham vọng được hạn chế tối đa, nên không thấy thiếu. Người tu khác người đời là biết cắt bỏ ham muốn, hạn chế được một phần ham muốn thì dứt được một phần khổ đau và phát sanh trí tuệ, cho đến hạn chế tối đa, chỉ còn ba việc là ăn, mặc và ngủ, nhưng Phật dặn chúng ta đối với ba việc này cũng "bất túc", chúng ta tập lần như vậy để nghiệp không sanh. Bình thường ăn ba bát cơm thì no, chúng ta tập ăn hai bát thôi, hạn chế lần nên cơ thể không tăng trọng lượng. Hạn chế ăn và ngủ để chúng ta đi sâu vào Thiền quán giúp cho trí tuệ phát sanh.

Bước đầu, Phật khuyên chúng ta phải học và đọc kinh Phật để có kiến thức và từ đó, thực tập để có trí tuệ; đó là quá trình văn, tư và tu. Phải học rộng nghe nhiều, ở đâu có Pháp sư nổi tiếng chúng ta cầu học, nhưng học xong phải thực tập những gì đã học. Pháp sư giảng pháp và cuộc sống của họ cũng tốt, còn cuộc sống không ra sao thì chỉ là văn tự Pháp sư, nghĩa là vị này chỉ học rộng thôi và chỉ làm công việc mà Tổ quở rằng "Sổ tha trân bảo, hữu hà ích", tức đếm tiền cho người khác còn mình thì nghèo hoài, hoặc giới thiệu món ăn mà không được ăn, bụng đói meo. Quan trọng là phải ăn mới no, phải có tiền để sống. Nếu giới thiệu Phật và Bồ tát làm những việc công đức, còn mình làm gì. Hòa thượng Thanh Từ kể rằng khi Ngài mới ra trường giảng về bốn quả của Thanh văn, có một Phật tử hỏi Ngài chứng được quả nào chưa. Tôi nghĩ đây là Bồ tát hiện ra để nhắc nhở Hòa thượng tu, nên Ngài đã ra núi Lớn tham thiền và chứng được quả Ly sanh hỷ lạc, nghĩa là được an lạc ở ngoài cuộc sống, sự an lạc nội tâm không lệ thuộc cuộc đời và thiên nhiên. Cuộc sống thế nào, hoàn cảnh thế nào, Ngài cũng an lạc, vì trụ tâm, không chạy theo vọng trần vọng nghiệp. Chưa chứng quả nào thì không làm vừa lòng ai, nhưng ra núi tu một mình, thấy an lạc, Tăng Ni, Phật tử tự động tìm đến cầu học với Ngài.

Chúng ta học để mở rộng kiến thức và nhờ kiến thức mà hiểu nghĩa lý sâu để ứng dụng vào cuộc sống tu hành. Và thực tập được quả nào là huệ phát sanh. Như vậy, khởi đầu bằng kiến thức và cuối cùng có trí tuệ. Người tu không có trí tuệ vì bị vướng mắc với ngữ ngôn văn tự trong sách vở. Người thực tập vượt qua sách vở để có trí tuệ.

Theo Phật, quán Tứ niệm xứ để sanh huệ thì trước tiên, chúng ta thâm nhập được thế giới Không. Bấy giờ, huệ là Không, là giải thoát môn, chúng ta sẽ nhận ra lằn ranh giữa sanh và tử, sanh trong thế giới này và chết chúng ta ở thế giới Phật và ngược lại, từ thế giới Phật, sanh lại thế giới này. Nói cách khác, chúng ta quên thế giới này, đi xa đến thế giới Thật báo trang nghiêm là thế giới thiền định thì ta giống như người chết giả trên cuộc đời.

Như vậy, đi qua cánh cửa đầu tiên bằng Tứ niệm xứ quán, thì huệ sanh do cắt bỏ trần duyên, nên có được hiểu biết đúng như thật về bề mặt và bề trái của cuộc đời. Và nếu thực tập trọn vẹn 37 trợ đạo phẩm, đạt được Bát chánh đạo thì cũng là ba nghiệp thân khẩu ý này, nhưng là con người hoàn thiện với chánh kiến, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh ngữ, chánh tinh tấn, chánh tư duy, chánh niệm và chánh định.

Kiến thức là hiểu biết của con người sinh ra do nghe, thấy, suy nghĩ.

Chánh kiến là nhìn cuộc đời chính xác bằng trí tuệ, không phải thấy theo kinh nghiệm, hay sách vở. Thực tế chúng ta thấy người có kinh nghiệm nhiều thì khó gần gũi được, vì họ hay phê phán, chỉ trích, bắt lỗi đủ thứ. Thấy theo kinh nghiệm hoàn toàn không chính xác, nhưng thành tựu huệ trong Bát chánh đạo là chánh kiến thì Như Lai thấy không sai lầm và thấy thế giới này một cách rõ ràng như thấy trái cam trong lòng bàn tay. 

Tu theo Phật, việc quan trọng nhất làm sao chúng ta thấy biết mọi người, mọi việc thật chính xác. Người ta đến nói đủ thứ, nhưng chúng ta thấy được động cơ trong nội tâm của họ, tức là hành uẩn, họ đang tính toán cái gì. Sợ nhất là vô minh, hay lòng tham của ta nổi lên làm mờ mắt mình. Có một thầy kể rằng ông gặp một người quen gọi lại nói rằng có mấy thỏi vàng, nhưng vội quá không đi bán được, nhờ thầy bán dùm và trả cho họ một số tiền ít hơn giá trị của vàng, nhưng thật ra đó là vàng giả. Nếu có trí tuệ thì phải biết được họ dụng ý gì, đừng để lòng tham làm mờ tâm trí mà đưa tiền mua để được lời nhiều. Học Phật là phải có huệ để thấy biết người và việc một cách chính xác. Các vị thiền sư ngày xưa phò vua giúp nước, làm nên đại nghiệp, điển hình như Thiền sư Vạn Hạnh đã khuyên vua Lê Đại Hành không cần đánh, chỉ ngồi yên trong điện các mà vẫn thắng. Quả đúng như vậy, trong 21 ngày, giặc Tống phải tự rút lui. Thiền sư Vạn Hạnh thấy rõ được tâm trạng của quân Tống, với chánh kiến đúng đắn hoàn toàn như vậy cho nên lời dạy của Ngài được mọi người coi như sấm. Nói ít, nhưng nói ra điều gì cũng đúng hoàn toàn. Người đời nói nhiều thì lỗi nhiều vì lời nói phát xuất từ tà tâm, tà kiến.

Tóm lại, Bồ tát trong kinh Pháp Hoa thấy thế giới này không cần thiết, nhưng các Ngài trở lại cuộc đời để độ sanh, gọi là "Xuất một vị tha tác tắc", tức ra vào cuộc đời này hoàn toàn tự tại, đủ duyên thì vào cuộc đời độ sanh, hết duyên thì ra khỏi cuộc đời. Không có việc gì, không có người nào có thể làm vướng bận tâm trí Bồ tát, không có vinh hoa phú quý nào cầm giữ được bước chân hoằng pháp độ sanh của Bồ tát. Bồ tát ra đi khỏi thế gian, hay lưu lại cõi hồng trần này, Bồ tát làm mọi việc hay ẩn tu, không làm gì cả, đều phát khởi từ tuệ giác và đứng trên Bát chánh đạo mà hành xử mọi việc trên tinh thần vị tha vô ngã, đem lại ánh sáng trí tuệ và đạo đức cho tất cả mọi người. 

HT.Thích Trí Quảng
Nguồn: Giác Ngộ Online

Không có nhận xét nào: