Thứ Tư, 13 tháng 8, 2014

ĐÀ NẴNG - thành phố của tương lai

1. Giới thiệu 

Đà Nẵng là trung tâm kinh tế và là một trong những trung tâm văn hoá, giáo dục, khoa học và công nghệ lớn của khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Đà Nẵng còn là thành phố lớn thứ 4 của Việt Nam, sau thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng. Thành phố nằm dọc theo vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Đà Nẵng hiện là một trong 3 đô thị loại 1 trực thuộc Trung ương của Việt Nam (cùng với Hải Phòng và Cần Thơ). Đà Nẵng trong lịch sử có những tên gọi khác. 

Vì nằm ở cửa sông Hàn nên còn được gọi là Cửa Hàn. Người Pháp gọi Đà Nẵng là Tourane vì đọc nhầm thôn Thạc Gián thành Tu Gián và Tu Gián được phiên âm ra "Tourane". Nguồn gốc từ "Đà Nẵng" là biến dạng của từ Chăm cổ "Daknan", nghĩa là vùng nước rộng lớn. Trong đó, chữ Dak có nghĩa là nước, Nan là rộng, lớn, hoặc già. Địa danh Daknan hàm ý chỉ vùng sông nước rộng mênh mông (sông lớn hoặc sông già - cửa sông Hàn bây giờ). Người Việt phiên âm ra thành Đà Nẵng. Vào thời Pháp thuộc (và trước đó), địa danh Đà Nẵng thường được gọi là Tourane. vì chữ Daknan của dân tộc Chăm mà người Trung Hoa gốc Hải Nam đọc là Tounan, do đó mà phiên âm thành Tourane.

Đường Nguyễn Tất Thành. 

2. Vị trí và tài nguyên 

Đà Nẵng là thành phố trực thuộc trung ương, bao gồm 6 quận nội thành, 1 huyện ngoại thành và 1 huyện đảo Hoàng Sa. Tổng cộng gồm 57 phường, xã và thị trấn. Toàn thành phố có diện tích 1.255,53 km² (trong đó phần đất liền là 950,53 km²; phần huyện đảo Hoàng Sa là 305 km²). Thành phố Đà Nẵng trải dài từ 15°15' đến 16°40' Bắc và từ 107°17' đến 108°20' Đông. Phía bắc giáp tỉnh Thừa Thiên-Huế, phía tây và nam giáp tỉnh Quảng Nam, phía đông giáp biển Đông. Trung tâm thành phố cách thủ đô Hà Nội 764km về phía Bắc, cách Thành phố Hồ Chí Minh 964km về phía Nam, cách kinh đô thời cận đại của Việt Nam là thành phố Huế 108 km về hướng Tây Bắc.

Một góc Đà Nẵng nhìn từ trên núi Sơn Trà. 

Địa hình thành phố Đà Nẵng vừa có đồng bằng duyên hải, vừa có đồi núi. Vùng núi cao và dốc tập trung ở phía Tây và Tây Bắc, từ đây có nhiều dãy núi chạy dài ra biển, một số đồi thấp xen kẽ vùng đồng bằng ven biển hẹp. Địa hình đồi núi chiếm diện tích lớn, độ cao khoảng từ 700 - 1.500 m, độ dốc lớn (>400), là nơi tập trung nhiều rừng đầu nguồn và có ý nghĩa bảo vệ môi trường sinh thái của thành phố. Đồng bằng ven biển là vùng đất thấp chịu ảnh hưởng của biển bị nhiễm mặn, là vùng tập trung nhiều cơ sở nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, quân sự, đất ở và các khu chức năng của thành phố.

Tài nguyên Đất: Đà Nẵng có diện tích đất tự nhiên là 1.255,53 km². Trong đó, đất lâm nghiệp chiếm 512,21 km²; đất nông nghiệp là 117,22 km²; đất chuyên dùng là 385,69 km²; đất ở 30,79 km² và đất chưa sử dụng 207,62 km². Đất ở Đà nẵng có các loại: cồn cát và đất cát ven biển, đất mặn, đất phèn, đất phù sa, đất xám bạc màu và đất xám, đất đen, đất đỏ vàng, đất mùn đỏ vàng…

Đường Bạch Đằng, Bờ đông sông Hàn. 

Tài nguyên Rừng: Diện tích đất lâm nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng là 67.148 ha, tập trung chủ yếu ở phía Tây và Tây Bắc thành phố, bao gồm 3 loại rừng: rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Tỷ lệ che phủ rừng là 49,6%. Trữ lượng gỗ khoảng 3 triệu m³. Rừng của thành phố ngoài ý nghĩa kinh tế còn có ý nghĩa phục vụ nghiên cứu khoa học, bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển du lịch với các khu bảo tồn thiên nhiên đặc sắc như: Khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà, Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà và Khu văn hóa lịch sử môi trường Nam Hải Vân.

Bờ biển Đà Nẵng. 

Tài nguyên Biển: Vùng biển Đà Nẵng có ngư trường rộng trên 15.000 km², có các động vật biển phong phú trên 266 giống loài, trong đó hải sản có giá trị kinh tế cao gồm 16 loài. Tổng trữ lượng hải sản các loại là 1.136.000 tấn. Hàng năm có khả năng khai thác 150.000 – 200.000 tấn.

Đà Nẵng còn có một bờ biển dài với nhiều bãi tắm đẹp như Non Nước, Mỹ Khê, Thanh Khê, Nam Ô với nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ thú. Quanh khu vực bán đảo Sơn Trà có những bãi san hô lớn, thuận lợi trong việc phát triển các loại hình kinh doanh, dịch vụ, du lịch biển. Ngoài ra vùng biển Đà Nẵng đang được tiến hành thăm dò dầu khí, chất đốt…

Tài nguyên Khoáng sản: khoáng sản ở Đà Nẵng gồm các loại: cát trắng, đá hoa cương, đá xây dựng, đá phiến lợp, cát, cuội, sỏi xây dựng, laterir, vật liệu san lấp, đất sét, nước khoáng. Đặc biệt, vùng thềm lục địa có nhiều triển vọng về dầu khí.

3. Lịch sử 

Giữa thế kỷ 16, khi Hội An đã là trung tâm buôn bán sầm uất ở phía Nam thì Đà Nẵng mới là vị trí tiền cảng, trung chuyển hàng hóa, tu sửa tàu thuyền. Đầu thế kỷ 18, vị trí tiền cảng của Đà Nẵng dần dần trở thành thương cảng thay thế cho Hội An, nhất là khi kỹ thuật đóng tàu ở Châu Âu phát triển với những loại tàu thuyền lớn, đáy sâu, ra vào vịnh Đà Nẵng dễ dàng. 

Năm 1858, cuộc xâm lược của Pháp tại Việt Nam khởi đầu bằng cuộc tấn công vào Đà Nẵng. Sau khi thành lập Liên bang Đông Dương thì Pháp tách Đà Nẵng khỏi Quảng Nam với tính cách là một nhượng địa (concession) và đổi tên thành Tourane. Đơn vị hành chính này chịu sự cai quản trực tiếp của Toàn quyền Đông Dương thay vì triều đình Huế tuy thị trấn này nằm trong xứ Trung Kỳ (điều này cũng tương tự với thành phố Hải Phòng - bị Pháp cai quản và không thuộc sự bảo hộ của Bắc Kì khi ấy). Tên gọi Tourane có lẽ bắt nguồn từ việc phát âm trại từ "Cửa Hàn" bởi người Pháp. Hội đồng thị xã Tourane được lập năm 1908; đứng đầu là một viên đốc lý (résident-maire) người Pháp. Đầu thế kỷ 20, Tourane được Pháp xây dựng trở thành một đô thị theo kiểu Tây phương. Cơ sở hạ tầng xã hội, kỹ thuật sản xuất được đầu tư. Các ngành nghề sản xuất và kinh doanh được hình thành và phát triển: sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, chế biến hàng xuất khẩu (chè, lương thực, thực phẩm, nước ngọt, nước đá, rượu, nước mắm, cá khô, sửa chữa tàu thuyền, kinh doanh dịch vụ. Cùng với Hải Phòng và Sài Gòn, Tourane trở thành trung tâm thương mại quan trọng của cả nước.

Năm 1975, hòa bình lập lại, Đà Nẵng (là thành phố thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng) bắt tay vào khôi phục những hậu quả nặng nề của cuộc chiến tranh. Mặc dù còn lắm khó khăn nhưng công cuộc phục hồi và phát triển thành phố đã đạt nhiều thành quả, nhất là thời kỳ đổi mới, sau 1986.

Ngày 6 tháng 11 năm 1996 tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX đã thông qua nghị quyết cho phép tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng tách thành tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng trực thuộc trung ương. Về địa giới hành chính, thành phố Đà Nẵng mới bao gồm thành phố Đà Nẵng trước đây, huyện Hòa Vang và huyện đảo Hoàng Sa. Trên thực tế huyện đảo Hoàng Sa đang bị Trung Quốc chiếm đóng, và ủy ban nhân dân huyện đảo Hoàng Sa trực thuộc Sở Nội Vụ thành phố Đà Nẵng.

Ngày 1 tháng 1 năm 1997, Đà Nẵng chính thức trở thành thành phố trực thuộc trung ương. Ngày 15 tháng 7 năm 2003, Đà Nẵng được công nhận là đô thị loại 1. Năm 2005, một phần huyện Hòa Vang được tách ra và thành lập nên quận mới là quận Cẩm Lệ. 

Nhà thờ núi
Bờ biển Sơn trà, Đà Nẵng. 

4. Địa thế 

Từ ý tưởng thành phố Đà Nẵng là một cảng biển lâu đời, đứng liền kề với núi, sông, đồng ruộng, trong một cảnh quan thiên nhiên hài hoà, kỳ thú, nằm ở trung độ của cả nước, biểu trưng của Đà Nẵng được thiết kế với chủ đề "Xanh núi, xanh sông, xanh biển. Trắng gió, trắng trời, trắng cát" với các hình tượng nhằm miêu tả quần thể Ngũ Hành Sơn ngoạn mục với truyền thuyết trứng Rùa Thần, soi bóng bên sông nước, ruộng đồng của Hoà Vang, những gợn sóng nhấp nhô gợi nhớ đến những bãi biển xanh trong, những bờ cát óng ánh của Thanh Khê, Liên Chiểu, và cây cầu nối liền Hải Châu, Sơn Trà trong một thành phố Đà Nẵng đa dạng mà gắn kết.

Biểu trưng đơn giản ít màu, hình ảnh kết hợp hài hoà giữa thiên nhiên và con người, giữa dân tộc và hiện đại, song nổi bật, dễ nhận biết về thành phố Đà Nẵng, dễ thể hiện trên nhiều chất liệu. Tác giả của biểu trưng Đà Nẵng là họa sĩ Nguyễn Thủy Liên. Ngoài logo chính thức, cầu sông Hàn cũng thường được xem như một hình ảnh biểu tượng của thành phố.

Đà Nẵng nằm ở trung độ của Việt Nam, trên trục giao thông huyết mạch Bắc - Nam về cả đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không, là cửa ngõ giao thông quan trọng của cả miền Trung và Tây Nguyên. Thành phố còn là điểm cuối trên Hành lang kinh tế Đông - Tây đi qua các nước Myanma, Thái Lan, Lào, Việt Nam.

Tuyến đường sắt huyết mạch Bắc - Nam chạy dọc thành phố với tổng chiều dài khoảng 30 km. Trên địa bàn thành phố hiện nay có 5 ga: Ga Đà Nẵng, Ga Thanh Khê, Ga Kim Liên, Ga Hải Vân Nam và Ga Lệ Trạch. Ga Đà Nẵng là một trong những ga trọng yếu nhất trên tuyến đường sắt Bắc - Nam, tất cả các chuyến tàu đều đỗ tại ga để đón và trả khách. Tuy nhiên, ga nằm ở trung tâm thành phố nên thường gây ra tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường cùng các tệ nạn xã hội.


Thành phố Đà Nẵng nằm bên dòng sông Hàn; phía Đông vươn ra biển Đông với những bãi biển dài tăm tắp và bán đảo Sơn Trà còn rất hoang sơ; phía Bắc và phía Tây được bao bọc bởi đèo núi cao. Đèo Hải Vân cheo leo hiểm trở là ranh giới tự nhiên giữa thành phố và tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Ngoài sự ưu đãi của thiên nhiên cho Đà Nẵng, thành phố còn được bao bọc bởi 3 di sản văn hóa thế giới: Huế, Hội An, Mỹ Sơn. Xa hơn một chút nữa là di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Bạch Mã, Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Vì thế Đà Nẵng được xem là điểm trung chuyển quan trọng trên con đường di sản miền Trung.

Mỳ Quảng Đà Nẵng. 

Điểm du lịch 

Ngũ Hành Sơn (còn gọi là Non Nước) nằm cách trung tâm thành phố khoảng 5 km về hướng Đông Nam. Ngũ Hành Sơn bao gồm 6 ngọn núi: Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn, Dương Hỏa Sơn, Âm Hoả Sơn và Thổ Sơn tượng trưng cho 5 yếu tố của vũ trụ (Ngũ hành). Trong lòng núi có nhiều hang động đẹp, có rất nhiều chim yến sinh sống và nhiều chùa chiền cổ. Dưới chân núi còn có làng nghề đá Non Nước nổi tiếng. Bên cạnh là bãi biển Non Nước còn khá hoang sơ.

Bà Nà - Núi Chúa là một khu nghỉ mát cách trung tâm thành phố 40 km về phía Tây Nam. Được ví như Đà Lạt của miền Trung, và cũng như Đà Lạt, Bà Nà - Núi Chúa được xây dựng thành nơi nghỉ ngơi cho các quan chức người Pháp trong thời kì Pháp còn đô hộ Việt Nam. Sau khi thực dân Pháp rút khỏi Đông Dương, khu này bị bỏ hoang và bị tàn phá nhiều bởi chiến tranh và thời gian. Gần đây, thành phố Đà Nẵng cho tái tạo lại và hi vọng trong tương lai Bà Nà - Núi Chúa sẽ lại trở thành một khu nghỉ dưỡng cao cấp. Năm 2009, thành phố đưa vào hoạt động hệ thống cáp treo hiện đại lên đỉnh Bà Nà với 2 kỉ lục Thế giới: tuyến cáp treo một dây dài nhất (5.042 m) và có cao độ chênh lệch giữa ga trên và ga dưới lớn nhất (1.291m).

Bán đảo Sơn Trà còn được người Mỹ gọi là Núi Khỉ (Monkey Mountain), là nơi mà Đà Nẵng vươn ra biển Đông xa nhất. Nơi đây là khu bảo tồn thiên nhiên với nhiều động thực vật quý hiếm. Dưới chân bán đảo Sơn Trà là khu du lịch Suối Đá và nhiều bãi biển đẹp như: Bãi Bụt, Bãi Rạng, Bãi Bắc, Bãi Nồm.

Vịnh Đà Nẵng được bao quanh bởi núi. 

Đèo Hải Vân (được mệnh danh là "Thiên hạ Đệ nhất Hùng quan") là nơi dãy Trường Sơn nhô ra biển. Cheo leo và hiểm trở, đèo Hải Vân không chỉ là ranh giới giữa hai miền Nam - Bắc mà còn là một chứng tích hùng hồn cho thời kỳ "mang gươm đi mở cõi" của người Việt. Ngày nay, hầm Hải Vân xuyên qua lòng núi giúp cho giao thông giữa hai miền tiện lợi hơn bao giờ hết. Đường hầm dài nhất Đông Nam Á này đã phần nào đặt dấu chấm hết cho tầm quan trọng của con đèo đã đi vào huyền thoại. Tuy vậy, đường đèo Hải Vân vẫn được khách du lịch ưa thích vì cảnh sắc thiên nhiên rất kỳ thú.

Đà Nẵng nổi tiếng là thiên đường biển với những bãi biển cát vàng còn hoang sơ chạy dài hàng cây số, nước trong xanh và ấm áp quanh năm. Bãi biển Mỹ Khê của Đà Nẵng đã được tạp chí Forbes (Mỹ) bình chọn là một trong 6 bãi biển quyến rũ nhất hành tinh. 

Với địa thế được thiên nhiên ưu đãi như thế cộng với lòng người Đà Nẵng, tin chắc rằng trong tương lai không xa, Đà Nẵng sẽ sánh vai cùng Sài Gòn, Hà Nội.

Ảnh, tư liệu: Internet

1 nhận xét:

Nguyễn Huyền Nga nói...

Đà Nẵng nhiều cảnh đẹp quá, Nếu có thể mình sẽ vào Đà Nẵng trong năm tới :)
Dàn karaoke