Thứ Năm, 7 tháng 5, 2015

Nghiệp và Vô thức

Nghiệp

Nghiệp, tiếng phạn là karma, nhiều khi phiên âm là yết ma. Khái niệm “nghiệp” bắt đầu từ triết học Ấn độ. Ấn giáo và Phật giáo đều xử dụng khái niêm này. Nghiệp chính là nhân. Có nhân thì có quả. Có nghiệp thì có nghiệp quả. Nhân định hướng cho quả. Lực định hướng gọi là nghiệp lực. Quả riêng của một người gọi là biệt nghiệp, quả chung của một nhóm người gọi là cộng nghiệp. Khi ta sinh ra đời, ta được một thân thể kèm theo một nơi chốn, một cộng đồng, một xã hội để sống. Thân thể ta có được gọi là chánh báo, nơi chốn hoặc hoàn cảnh ta sinh sống gọi là y báo. Nghiệp đời trước tạo ra chánh báo và y báo đời này. Trong cuộc sống, nghiệp là lực thôi thúc bên trong khiến ta đi tới quyết định không cưỡng lại được. Nghiệp quyết định sự chọn lựa của ta.

Có nghiệp tốt có nghiệp xấu.
Nghiệp xấu khiến ta sinh ra với cơ thể không hoàn hảo, tâm trí không hoàn hảo, nơi sinh sống loạn lạc chiến tranh, nghiệp xấu luôn dẫn dụ ta đến những hoàn cảnh xấu, ví dụ những trường hợp:

”Ma đưa lối quỉ dẫn đường
Cứ nhằm những lối đoạn trường mà đi”

Nghiệp tốt tạo ra thân tướng tốt, tâm trí minh mẫn, sinh ra trong quốc gia tốt, hướng dẫn ta vượt qua hiểm nguy tai nạn, luôn đưa dẫn ta đến những cơ hội tốt lành.
Mạnh Tử nói: Nhân chi sơ tính bổn thiện
Tuân Tử nói: Nhân chi sơ tính bổn ác

Thực ra, “nhân chi sơ tính …tùy nghiệp”. Nghiệp ác làm đứa trẻ thành người ác, nghiệp lành khiến đứa trẻ thành người lành. Giáo dục chỉ có tác dụng rất hạn chế. Quan sát những đứa trẻ thì thấy rõ điều này. Có trẻ thích cho, vui khi cho. Có trẻ không thích cho, cáu giận khi bị mất. Có trẻ biểu lộ cái ác từ nhỏ, có trẻ biểu lộ sự hiền lành từ nhỏ. Có trẻ thông minh từ nhỏ, có trẻ đần độn suốt đời. Tất cả cấu tạo cơ thể, trí tuệ, tính khí, khuynh hướng đều bị qui định bởi nghiệp. Nguyễn Du nhận định về nghiệp như sau:

Đã mang lấy nghiệp vào thân
Cũng đừng nên trách trời gần trời xa
Bắt phong trần phải phong trần
Cho thanh cao mới được phần thanh cao

Vô thức

Vô thức (unconsciousness), theo phân tâm học là động lực bí ẩn thúc đẩy bên trong, chi phối và sai khiến ý thức. Do đó, khái niệm “Vô thức” trùng với một phần của khái niệm “nghiệp”. Nói chính xác:
Vô thức là biểu hiện tâm lý của “nghiệp”.

Khái niệm nghiệp rộng lớn hơn vì tính cả đến những thể hiện của cơ thể ta (chánh báo), hoàn cảnh sống của ta (y báo).

Vô thức là một phần của nghiệp, nhưng nó rất quan trọng vì một hành động ta làm, một ý tưởng ta nghĩ tất cả đều được ghi nhận rồi cất vào vô thức. Khi ta làm một hành động thiện hay ác, dù ta có nhớ hay quên, thì vô thức vẫn bí mật ghi lại những sự kiện và cảm xúc lúc đó. Vô thức vừa là một hidden-camcorder vừa là một kho chứa nghiệp vừa là nơi xuất phát những biểu hiện nghiệp.

BS. Phạm Doãn

Không có nhận xét nào: