Thứ Hai, 30 tháng 9, 2013

Nói chuyện với con: Nguồn dinh dưỡng vô hình

Câu chuyện thật vừa xảy ra ở Anh: có bà mẹ trở dạ sinh đôi: đứa con gái thì khỏe mạnh, nhưng đứa con trai chỉ nặng hơn 1kg thì không thấy phản xạ. Bác sĩ thông báo: “tình trạng gần như không hy vọng, chắc chỉ chút nữa thôi bé sẽ qua đời”. Bà mẹ bèn yêu cầu bác sĩ cho phép chị được ôm con lần cuối. Áp bé vào ngực mình, chị đã vỗ về và thủ thỉ với con rằng: “con ơi, bố mẹ đã đặt tên cho con . Con có chị gái sinh đôi nữa. Khi sắp có con, bố mẹ có thật nhiều điều muốn làm cho con... Thật nhiều nơi muốn đưa con đến. Bố mẹ mong con sẽ nên người.”. Khi còn cảm nhận được hơi ấm của con là chị vẫn tiếp tục thì thầm với con, cứ thế! Thật tình, nếu bé không thể sống, thì chị chỉ muốn giúp bé có một kết thúc êm dịu nhẹ nhàng nhất mà một bà mẹ có thể cho con mình. Vậy mà hai tiếng đồng hồ sau, con trai chị từ từ mở mắt và bắt đầu khóc, bắt đầu có những phản xạ sống. Các bác sĩ tròn xoe mắt, chồng chị cũng bàng hoàng. Còn niềm hạnh phúc của chị: chắc khó ai tả nổi. Bức ảnh cả gia đình chị được báo chí Anh đăng tải khi cậu bé tròn một tháng tuổi, trông thật bảnh bao!

Gần 10 năm nay, tại Việt nam đã triển khai chương trình ‘Kangaroo’ cho trẻ sinh non: mẹ sẽ dùng một túi địu áp chặt bé vào ngực mình suốt ngày. Nhờ chương trình này, tỉ lệ tử vong ở trẻ sinh non đã giảm đáng kinh ngạc. Về mặt vật lý học - y học, các bác sĩ giải thích rằng: hơi ấm từ mẹ truyền sang sẽ giữ cho thân nhiệt bé ổn định hơn, cơ may sống sót nhờ đó tăng lên. Đó chỉ là điều ta thấy được đo được, chứ không phải là tất cả. Và quan trọng, đó không phải là lý do chính yếu! Bởi nếu chỉ cần duy trì thân nhiệt ổn định cho bé, thì những máy móc hiện đại dư sức làm, cần gì mẹ bé phải địu bé áp vào ngực trần của mình 24h như thế. Có giai đoạn người ta đã thử dùng với máy móc nhưng không thành công như mong đợi, nên cuối cùng khoa học lại phải ‘cầu viện’ đến tạo vật kỳ diệu nhất mà tạo hóa dành riêng cho bé: mẹ bé! Phép màu của liệu pháp ‘Kangaroo’ chính là. .yêu thương. Khi mẹ địu bé, ngoài hơi ấm, bé còn nghe hơi thở âu yếm của mẹ, tiếng tim mẹ đập lúc thì băn khoăn, lúc lại lo âu, như lời động viên thôi thúc bé rằng: “con ơi, mẹ biết con của mẹ dũng cảm không ai bằng, hãy cố hết sức để sống con nhé!”. Kèm theo đó, quan trọng vô cùng, suốt ngày bé được nghe những lời thật dịu dàng từ mẹ: “bé của mẹ ơi, mẹ yêu con nhất trên đời. Mẹ đang xoa chân xoa tay cho cục cưng nè, đồng chí đói chưa? Măm măm nhé? Ba đang chờ nghe con nói chuyện kìa. Nãy giờ bạn ngủ có ngon không? Ui cha, ai tè ướt áo tui rồi?”. .Trời ơi, toàn những liều linh dược, bé sống là phải!

Từ lâu rồi chúng ta cũng đã biết quá rõ: một trẻ có đủ cha mẹ, được sống trong gia đình hạnh phúc, được nuôi dạy hợp lý, thì phát triển về tâm lý và sức khỏe thể chất tốt hơn rất nhiều so với một trẻ mồ côi có cùng thể trạng. Dẫu rằng ở các cô nhi viện, trẻ vẫn được ăn no mặc ấm, vẫn được nuôi dạy hợp lý và vẫn được các cô bảo mẫu quan tâm chăm sóc. Vấn đề nằm gọn ở yếu tố ‘yêu thương’: các cô bảo mẫu vẫn thương, nhưng vì đông quá nên không thể cho mỗi bé đủ ‘hàm lượng ấu yếm yêu thương’ mà bé cần. Trong khi ở nhà thì tình yêu thương của bao nhiêu người trong gia đình dồn hết lên một mình bé, và đó là điểm duy nhất tạo nên sự khác biệt.

Dẫn chứng đa chiều như vậy chỉ để làm sáng tỏ một điều hiển nhiên: đối với trẻ nhỏ (từ 0 tuổi đến 6 tuổi) thì dinh dưỡng hoàn chỉnh sẽ phải gồm đủ 2 phần: thực phẩm - đóng vai trò quan trọng 50% - và yêu thương, đóng vai trò quan trọng 50% còn lại. Ở độ tuổi này, nếu chỉ nuôi bé bằng thực phẩm thuần túy mà không đáp ứng đủ nhu cầu yêu thương, thì trẻ sẽ dễ tử vong hoặc sức đề kháng cơ thể không tốt. Nhưng quan niệm ấu trĩ đến khó ngờ của khá nhiều phụ huynh là ‘bé còn nhỏ quá, biết gì mà nói. Có nói chuyện bé cũng đâu có hiểu gì’. Những dẫn chứng trên đã chứng minh rằng thực tế là hoàn toàn ngược lại: Đối với tất cả chúng ta, đặc biệt là đối với con trẻ - từ sơ sinh đến tuổi thành niên - YÊU THƯƠNG cũng là một nguồn dinh dưỡng quan trọng, nó vô hình nhưng không thể thiếu. Bởi nếu thiếu, thì trẻ nhỏ sẽ chịu những ảnh hưởng trực tiếp về mặt sinh học: chức năng cơ thể kém hơn, dễ mắc bệnh hơn, tính tình cáu bẳn hơn. Ở lứa từ 6 tuổi trở lên, trẻ sẽ phát sinh thêm những rắc rối nặng nề về tâm lý: dễ tủi thân, hay giận hờn ganh tị, hay buồn, hay sợ, dễ tự ti, có những bé luôn cảm thấy mình thiếu thốn nhưng không nói được mình đang thiếu cái gì. . .Dẫn đến những rắc rối về hành vi như: hay giấu diếm, cáu gắt, muốn bỏ nhà đi, ‘quậy’ để gây chú ý, nói dối, có hành vi bạo hành với bạn bè, trộm cắp, kém tự tin, thậm chí muốn tự tử. 

Phụ huynh hay than phiền ‘tôi quá bận không có thời gian nói chuyện với con’: Không thể tin được là bạn không có 20 phút buổi sáng để lo cho con. Và cũng không thể tin được là buổi tối bạn không có được 40 phút với con: đó là những lúc bạn có thể nói chuyện và ôm ấp bé! Nhưng! Trong một tiếng đồng hồ ấy, bạn sẽ nói gì và nói thế nào, đó mới là chìa khóa quan trọng nhất: số lượng thời gian không nhiều thì chất lượng thời gian phải đủ - Chất lượng luôn quan trọng hơn số lượng! Nếu khoảng thời gian ấy thật sự có chất lượng thì MỘT GIỜ/ một ngày là tương đối đủ. Cuối tuần có thể nhiều hơn một chút. Với trẻ trên 6 tuổi, đừng nghĩ luôn ‘kè’ bên con để ‘giáo huấn’ là tối ưu. Trẻ ở tuổi này, khả năng tư duy đã tương đối hoàn chỉnh, nên khi bạn nói với bé điều gì mà không chừa cho bé thời gian để ‘tiêu hóa’, thì chắc chắn đến một lúc bé sẽ bị ‘sình bụng kiến thức’! Vả lại, sau 6 tuổi, nếu ít thời gian, bạn có thể giao tiếp với con từ xa bằng những phương tiện rất phong phú: điện thoại, tin nhắn, email, chat. . . Như vậy, lý do ‘tôi quá bận. . ‘ chỉ là sự đổ thừa! Lý do ấy hoàn toàn không có cơ sở chính đáng!

Lê Thị Phương Nga

Không có nhận xét nào: