Thứ Ba, 10 tháng 2, 2015

"CÁI ĐẸP” trong tranh đông hồ

“Đông Hồ – một cái tên làng quen thuộc nằm bên bờ sông Đuống thuộc huyện Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh đã từ lâu đi vào cuộc sống tinh thần của mỗi người dân Việt Nam bằng những bức tranh dân gian nổi tiếng, tiêu biểu cho nền mỹ thuật cổ truyền Việt Nam, đậm đà bản sắc dân tộc.

Mỗi bức tranh là tượng trưng cho một câu chuyện hay một biểu tượng dân gian mang tính triết lý, một bức thông điệp đầy màu sắc về đạo đức, luân lý và tín ngưỡng sâu sắc. 

Tranh Đông Hồ không áp dụng chặt chẽ về cơ thể học, các nguyên tắc về ánh sáng hay luật xa gần của tranh hiện đại. Nhưng nghệ sĩ sáng tác tranh dân gian mang nhiều tính ước lệ trong bố cục, trong cách miêu tả về màu sắc, do đó xem tranh dân gian ta thường bắt gặp cái thú vị ở những nét ngây ngô đơn giản nhưng lại rất hợp tình hợp lý. 

Tranh Đông Hồ đa dạng nhiều thể loại khác nhau, có thể tạm chia ra mấy loại chính sau: tranh thờ (ngũ hổ, tứ địa, thập nữ vương, bộ nghi – môn…); tranh chúc tụng (gà, lợn, tích ngọc đôi kim, mong ước đầu năm…); tranh sinh hoạt (tăng gia bi bản…); tranh vui (hứng dừa, đánh ghen…); tranh châm biếm (thầy đồ cóc, đám cưới chuột…); tranh truyện (Thạch Sanh, Thúy Kiều – Kim Trọng…); tranh phong cảnh, tĩnh vật (tứ quý, tứ bình…); tranh phương châm, phương ngôn (nhị thập tứ hiếu…)… . Tranh Đông Hồ là tranh điệp truyền thống có tên gọi chung là tranh Tết. Tranh treo Tết phải vui và dí dỏm, cũng có thể nhắc nhở một lẽ sống, một lối ứng xử thích hợp.

Người nông dân Việt Nam vốn hiền chất phác, giản dị. Từ khi sinh ra, lớn lên, xây dựng gia đình, sinh con, đẻ cái đến lúc qua đời, cả cuộc đời họ thường gắn bó với một không gian hẹp, sau lũy tre làng. Họ cũng yêu cái đẹp, cũng khát khao, mong ước những cái đẹp. Với tính cách đó, với điều kiện sống đó, cái đẹp đối với họ là những thứ rất gần gũi thân thuộc: cây đa, bến nước, con đò… và những khát khao, mong ước của họ về cái đẹp cũng thật giản dị, gần gũi nhưng lại chứa đựng tính nhân văn vô cùng sâu sắc và những truyền thống nhân - lễ - nghĩa tốt đẹp được đúc kết, gìn giữ và lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Việt Nam là một nước có loại hình văn hóa gốc nông nghiệp. Mối quan tâm số một của con người nông nghiệp là sự sinh sôi nảy nở của hoa màu và con người, họ luôn mong sao cho mùa màng bội thu, gia đình đông đúc. Chính vì vậy, triết lý âm dương, ngũ hành, tín ngưỡng phồn thực… đã đi sâu vào tâm thức của người dân đất Việt. Những ước mơ bình dị đó thể hiện cái đẹp chân thật, mộc mạc của con người Việt Nam, những cái đẹp đó đã đi vào tranh Đông Hồ một cách tự nhiên, sống động qua trí tưởng tượng phong phú, đa dạng của những nghệ nhân được thể hiện ở cách vẽ thô mộc, khỏe khoắn, bố cục chặt chẽ, màu sắc tươi trong…, cái đẹp đó đã trở thành nghệ thuật - bản sắc của dân tộc Việt Nam.

Một trong những bức tranh dân gian phổ biến và nổi tiếng của làng Đông Hồ là tranh “Lợn đàn” (). Trong dịp Tết, bức tranh này là một trong những bức tranh được nhiều người mua về dán trên tường cho vui cửa vui nhà.

Một con lợn béo núc ních với đàn lợn con mũm mĩm như mơ ước cho sự phú túc và nhàn tản. Bức tranh như một lời chúc tốt lành cho một năm mới tốt đẹp. Trong bức tranh dân dã này, một biểu tượng dễ nhận thấy là vòng tròn âm dương trên mình những con lợn như muốn nhắc nhở người xem tranh một nội dung tiềm ẩn liên quan đến một học thuật cổ Đông phương và cho đến nay vẫn được coi là sự huyền bí kỳ ảo. Kế đến là tranh “Cá chép trông trăng” hay còn gọi là “Cá đàn” () với một đàn cá đang tung tăng bơi lượn cũng thể hiện một cách sống động sự sung mãn, đầy đủ mà con người luôn hướng đến. Sự đầy đủ ấm no đó còn được thể hiện qua hai bức “Tiến tài” và “Tiến lộc” ( và ) – hai bức tranh được mua về dán trên cửa trong dịp đầu năm nhằm cầu mong tài lộc vào nhà.

Bên cạnh những ước mơ sung túc, đầy đủ trong cuộc sống, người Việt Nam còn mong ước con cái trong gia đình học hành tới nơi tới chốn. Bức tranh “Thầy đồ cóc” hay còn gọi “Khai trường nhập học” () là bức tranh mà những bà mẹ Việt Nam thường mua cho con cái với hy vọng con mình sẽ học hành chăm chỉ, ngày một thông minh sáng láng, mai này được vinh quy bái tổ. Trong bức tranh là cả một thế giới của cóc, nhái, ễnh ương rất nhộn nhịp trong lớp học với một thầy ếch đang ngồi chễm chệ trên chiếc sập đang dạy học. Tuy là hình tượng sinh vật nhưng chúng lại có hành động nhân cách hóa như người.

Vinh quy bái tổ, có chức có tước, cưới vợ rền vang, được “ngựa anh đi trước, kiệu nàng theo sau” là một loạt những ước mơ của những con người muốn vươn lên thoát khỏi cực khổ phấn đấu làm kẻ sĩ. “Đám cưới chuột” hay còn gọi “Lão thử cầu thân” () là một bức tranh thể hiện rõ nét về song hỷ lâm môn: Đại đăng khoa và Tiểu đăng khoa. Chuột tên chữ là “thử”, gần với âm “dư” gợi sự no đủ, dư dã. Tuy nhiên, trong hai bức tranh “Thầy đồ cóc” và “Đám cưới chuột” còn thể hiện sự châm biếm: Trong “Thầy đồ cóc” đánh vào đồng minh của giai cấp phong kiến thống trị, chế giễu cách dạy lạc hậu, mất trật tự của nhiều thầy đồ dạy nhồi sọ. 

Trong “Đám cưới chuột” với cách sử dụng thủ pháp nhấn mạnh và lược bỏ nhằm ảnh con mèo - đại diện cho tầng lớp thống trị tuy ít về số lượng nhưng có địa vị xã hội và quyền lực lớn, trong khi đó hình con ngựa (vật cưỡi của con chuột) được thu nhỏ lại, thành ra con mèo to hơn con ngựa nhiều lần. Bức tranh này còn mang tính biểu trưng cao được thể hiện ở nhóm 5 ngôi sao ở sau kiệu phía trên tượng trưng cho Ngũ hành, rồi cặp chuột mang lễ vật (chữ Hán ghi là “Tấn lễ”) tuân thủ nguyên lý âm dương chặt chẽ: con chuột màu đỏ (dương) đi đầu thì ôm con chim (trời, dương), còn con chuột màu đen (âm) đi thì hai xách con cá (nước, âm).

Như vậy ta thấy trong tranh Đông Hồ, sự đề cao và châm biếm hòa quyện vào nhau, cái hay là do người xem tranh sẽ cảm nhận được. Tranh Đông Hồ còn là món quà cao quý mà mọi người tặng nhau trong dịp đầu năm với tất cả lời chúc tốt lành, may mắn. Trong tranh Đông Hồ thường có sự xuất hiện của những con vật qua sự chọn lọc tinh tế như con cóc, con chuột, con lợn, con cá… chúng ta không thể bỏ qua bức tranh “Đại cát” () với nhân vật chính là con gà. Hình ảnh con gà có một vị trí quan trọng trong văn hóa dân gian, gà là dương tính, là biểu hiện của Mặt trời, có thể xua đêm đen cùng những gì gắn với cõi âm. Gà là thần, có đủ 5 đức tính tốt (văn, võ, trí, dũng, nhân), có cựa vàng, mào hoa, mã đẹp, tiếng gáy vang đến tận đỉnh núi cao làm cho phương Đông bừng sáng nuốt trôi đêm tối, ngoài ra tranh gà còn có ý nghĩa trừ tà ma.


Đại cát

Con trâu cũng là con vật xuất hiện nhiều trong tranh Đông Hồ, bức tranh “Nhất tượng phước lộc điền” thể hiện tính nhân bản một cách trực tiếp về ước mơ phú túc của con người. Chiếc nón đội trên đầu chú bé mục đồng lại bay bổng lên cao như sự vươn lên của trí tuệ, bức tranh này là “một hình tượng cho niềm hạnh phúc ở trần gian” - đó chính là sự chế ngự được bản ngã và vươn tới đỉnh cao của trí tuệ.

Vinh hoa Phú quý

Ngoài những con vật, con số cũng là một sự chọn lọc sắc sảo trong tranh Đông Hồ.

Trong đời sống con người thuộc văn hóa cổ Đông phương lưu truyền trong dân gian, khá phổ biến những hiện tượng liên quan đến con số 4 như Tứ trụ, Tứ quý, Tứ bình, Tứ bảo, Tứ bất tử… . Trong tranh Đông Hồ có bức tranh “Tứ quý” () gồm: Lễ trí (.1); Nhân nghĩa (.2); Vinh quang (.3); Phú quý (.4) đồng âm với “Tứ quý” tức là 4 tháng (tháng Tý, tháng Mão, tháng Ngọ, tháng Dậu) của 4 mùa trong năm. Bức tranh thể hiện những giá trị đạo đức lễ trí, nhân nghĩa mà người Việt Nam luôn đề cao và giáo dục con cháu qua nhiều thế hệ, ngoài ra còn thể hiện mơ ước của con người được vinh hoa, phú quý. Bức tranh còn thể hiện sự hòa nhập giữa con người và thiên nhiên qua hình ảnh những đứa trẻ bụ bẫm - thể hiện sự phú túc và tính thơ ngây thiên thần - với những sinh vật gần gũi trong cuộc sống: rùa, cóc, gà, vịt.

Bà Triệu
Tranh lịch sử và tranh truyền thuyết là loại tranh ra đời muộn trong các loại tranh Tết nhưng rất phổ biến nhằm vào mục đích giáo dục, đề cao, lưu truyền các nhân vật anh hùng dân tộc cho các đời sau như bức tranh: Bà Trưng, Bà Triệu, Đinh Tiên Hoàng… . Cái đẹp của các nhân vật anh hùng trong lịch sử được xuất hiện trong tranh Đông Hồ càng làm cái đẹp đó tăng lên bội phần bởi bố cục bức tranh đậm nét hùng tráng, màu sắc hài hòa, những con vật cùng xuất hiện với các anh hùng cũng góp phần làm bức tranh sống động hơn như con voi trong bức “Bà Triệu” đang trong tư thế chồm lên nhưng sắc thái thì lại như bị phục tùng, ý tác giả phải chăng muốn miêu tả hình ảnh Bà Triệu đang thuần phục voi dữ; hoặc như hình ảnh con rồng trong bức “Đinh Tiên Hoàng” biểu tượng cho sức mạnh vũ trụ, quyền lực tối cao, do đó hình ảnh cưỡi rồng không chỉ miêu tả được tính chân mệnh thiên tử của Ngài mà còn khẳng định nền độc lập của dân tộc được giành lại sau hơn 1000 năm Bắc thuộc.

Những bức tranh dân gian Đông Hồ với màu sắc sặc sỡ vui mắt, hình ảnh và nội dung mang tính giáo dục những giá trị nhân bản, đáo lý và khuyến khích vươn tới những mục đích của con người trong xã hội đương thời: lễ trí, nhân nghĩa, vinh hoa, phú quý; hoặc tính lao động trong lao động, sự vui sống, ước mơ gia đình sung túc, con cái đỗ đạt… . Hàm nghĩa sâu xa của tranh Đông Hồ còn mang đầy tính minh triết của văn hóa Đông phương về những ước mơ thánh thiện của con người. Tranh Đông Hồ vẫn luôn bừng lên những sắc xuân, các mảng màu như nhảy múa, từng nhân vật như thách thức với thời gian, với cuộc sống hư hư, thực thực. Những mảng tranh Đông Hồ mới thật chân quê, đích thực Việt Nam để ai đi xa trong nỗi nhớ quê hương cũng đều thức dậy cái thẩm mỹ – nói như nhà thơ Hoàng Cầm:

“Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”

Cái đẹp đời thường đã được đi vào trong tranh Đông Hồ và chính các nghệ nhân đã nâng cái đẹp đó thành nghệ thuật truyền thống của dân tộc Việt Nam. Từ đời này qua đời khác, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, tranh Đông Hồ vẫn luôn được gìn giữ, lưu truyền cho đến tận ngày nay. Thông qua bức tranh điệp, người thợ thủ công Việt Nam đã cho bầu bạn nước ngoài hiểu thêm cái đẹp nồng hậu của dân tộc mình

Theo Trần Đăng Kim Trang (http://caycanhthanglong.vn)

Không có nhận xét nào: