Thứ Hai, 1 tháng 9, 2014

Tâm Thức, Không Gian Ba Chiều

Tâm thức là bao gồm Trí tuệ, Tâm trí và Tiềm thức.
1
Trí tuệ là sự tiếp thu tri thức của các ngành khoa học kỹ thuật, khoa học xã hội, khoa học kinh doanh, khoa học chính trị, khoa học con người và khoa học tâm linh,... Đồng thời là sự hấp thụ những trải nghiệm của đời sống, niềm hân hoan của thành công, nỗi cay đắng của thất bại. Tất cả theo thời gian, năm tháng những tri thức và những trải nghiệm ngấm vào máu thịt, thấm đẫm trong từng tế bào, không chỉ chứa đựng trong bộ óc mà còn tràn đầy trong trái tim, hình thành và hun đúc nên thành bản lĩnh trí tuệ. Trí tuệ là cái bên trong của con người, nó từ bên ngoài rồi trở thành một phần của cái bên trong.

Trí tuệ là cái làm nên Con Người. Đó là hiện tại của Con Người. Thông qua Trí tuệ Con Người thực hiện chức năng sống. Và tất cả các hoạt động khoa học, tất cả các hoạt động kinh doanh, tất cả các hoạt động chính trị, hệ thống tôn giáo và các hoạt động tâm lý,... của Con Người đều dựa vào nền tảng chung đấy là Trí tuệ.

Lịch sử Khoa học và Triết học của Nhân loại cho thấy con người rất quan tâm tới Trí tuệ. Có nhiều công trình đã nghiên cứu về lĩnh vực này. Mới đây, năm 1983, giáo sư Howard Gardner, giáo sư về giáo dục tại Đại học Harvard, Trong cuốn sách có tên Các mô hình của Tư duy: Học thuyết Đa trí tuệ, ông đã đưa ra nhiều nghiên cứu để củng cố lý thuyết của mình rằng trí tuệ của con người đa diện chứ không phải đơn diện. Giáo sư Howard Gardner đã chuyển trọng tâm từ câu hỏi “Bạn thông minh bao nhiêu?” thành “Bạn thông minh như thế nào?” Sự dịch chuyển tinh tế nhưng hết sức quan trọng này thực sự đã mạnh mẽ phủ định quan điểm cũ, cho rằng tiềm năng trí tuệ của một người hoàn toàn có thể được đánh giá đầy đủ thông qua chỉ số I.Q.

Giáo sư Gardner đề xuất 8 hình thái khác nhau để miêu tả phạm vi rộng lớn các tiềm năng Trí tuệ của con người. Những hình thái Trí tuệ này bao gồm: (1)Trí tuệ ngôn ngữ; (2) Trí tuệ logic, toán học; (3) Trí tuệ không gian; (4) Trí tuệ vận động thân thể; (5) Trí tuệ âm nhạc; (6) Trí tuệ về tự nhiên; (7) Trí tuệ giao tiếp và (8) Trí tuệ nội tâm. Sự phân tích đa diện của Trí tuệ là một khám phá thú vị, nhưng chưa phải là tất cả.

Một phương diện rất lớn khác là Trí tuệ tâm linh, chưa được đề cập tới, trong công trình này. Khoa học về Trí tuệ không chỉ thuộc về Triết học Duy vật, nó thuộc về Cuộc sống. Triết học Duy tâm đã có những hiểu biết khá sâu sắc về Trí tuệ. Tôn giáo và Phật giáo đã biết về Trí tuệ từ hai ngàn năm trăm năm trước. Ở đây, chúng ta tìm hiểu Trí tuệ theo ngôn ngữ của thời đại hiện nay.

Trí tuệ có ba thuộc tính, đó là tính Vận động, tính Sáng tạo và tính Chủ quan.

Thật là ngây thơ, khi lấy chỉ số I.Q. để đánh giá tiềm năng Trí tuệ của một con người. Bản lĩnh Trí tuệ được hấp thụ từ Tri thức của Khoa học, của Tự nhiên, của Nghệ thuật, của Cuộc sống. Qua kinh nghiệm của cuộc sống, từ niềm hân hoan của thành công, từ mùi vị cay đắng của thất bại, mà bản lĩnh Trí tuệ được hình thành, được bồi đắp, được hun đúc. Người già nhiều Trí tuệ, người trẻ ít Trí tuệ. Người từng trải giàu Trí tuệ, người ít lăn lộn trong cuộc sống nghèo Trí tuệ. Trí tuệ phát triển theo thời gian, phát triển theo những trải nghiệm của cuộc sống, trong một đời người; nó luôn biến đổi và phát triển theo thời gian. Đó chính là thuộc tính vận động.

Sáng tạo là thuộc tính thứ hai của Trí tuệ. Stephen Hewking, nhà vật lý hàng đầu hiện nay, trong tác phẩm "Lược sử Thời gian", đã lược sử toàn bộ quá trình phát triển của ngành Vật lý; và ông cũng chỉ rõ, chỉ có tính Sáng tạo của Trí tuệ, Tri thức của Vật lý, Tri thức Khoa học, Tri thức của Thế giới mới phát triển được. Tồn tại trong hệ quy chiếu của Aristotle, mọi vật đều cố định và trái đất thì đứng yên; Trí tuệ sáng tạo của Galileo, không chấp nhận điều đó. Trên tháp nghiêng Pisa nổi tiếng, Galileo đã chứng minh được các vật có khối lượng khác nhau đều rơi với cùng một vận tốc. Và sau đó Newton có một bước nhảy về những định luật chuyển động và định luật về lực hấp dẫn, mở ra một kỷ nguyên mới về phát triển vật lý. Cơ học Newton ra đời, đặt dấu chấm hết cho ý niệm về vị trí tuyệt đối trong không gian. Nhiều thế kỷ sau, lại một bước nhảy nữa, đứng trong hệ quy chiếu của Newton, hệ quy chiếu 3 chiều, Trí tuệ sáng tạo của Albert Einstein không chịu dừng lại. Ông xây dựng nên lý thuyết tương đối. Vũ trụ có thể được mô phỏng bằng việc chia ra nhiều mảng, mỗi mảng được gắn cho nó một toạ độ 3 chiều. Vũ trụ không có thời gian tuyệt đối, thay vào đó mỗi một cá thể có một độ đo thời gian khác nhau, tuỳ thuộc vào vị trí và tốc độ chuyển động của nó. Và lý thuyết tương đối đã vứt bỏ khái niệm thời gian tuyệt đối. Một kỷ nguyên mới về vật lý vũ trụ lại được mở ra. Tính Sáng tạo của Trí tuệ tạo ra bước nhảy cho Tri thức, cho Khoa học.

Nếu Tri thức có thuộc tính Khách quan, thì Trí tuệ không có thuộc tính Khách quan. Trí thức được tích luỹ, rồi được hấp thụ, rồi mới chuyển hoá để được thành Trí tuệ. Trí thức là cái bên ngoài. Trí tuệ là cái bên trong của mỗi Cá thể Con Người. Nó đã được sinh ra từ hương vị ngọt ngào của chiến thắng, của niềm vui; nó cũng đã trưởng thành trong mùi vị đắng cay của thất bại, của nỗi buồn. Nó đã được hấp thụ, nó đã được chuyển hoá. Nên nó không thể khách quan được. Trí tuệ sống dựa vào những định kiến, nó luôn không công bằng. Thuộc tính thứ ba của Trí tuệ là tính Chủ quan. Chủ quan theo tưng cá thể con người, chủ quan theo từng giai đoạn của cuộc sống, chủ quan theo từng xã hội và môi trường tồn tại,...
2
Tâm trí là những cảm xúc, những suy luận, những định kiến, những phán xét, những liên hệ, những tưởng tượng và cả tư duy,... Tâm trí luôn luôn lôi kéo Trí tuệ. Tâm trí là lăng kính của Trí tuệ. Qua 5 giác quan (mắt, tai, mũi, lưỡi và thân) chúng ta luôn nhận biết được 5 đặc tính của sự vật (sắc, thanh, hương, vị và xúc). Chúng ta thấy một Bông hoa mọc ven đường; cảm nhận được hương thơm nhè nhẹ, bồi hồi bởi sắc tím nhàn nhạt,... Hãy cảnh giác với Tâm trí, Tâm trí đã hiện về rất nhanh, vâng rất nhanh. Nếu ta vui, Tâm trí sẽ mách bảo ta sẽ mua một cây hoa này để trồng, ta sẽ hái những đoá hoa này tặng bạn, ta sẽ trồng bên hồ nước sau nhà,... Nếu ta buồn, Tâm trí sẽ hiện về, rằng bông hoa này đẹp nhưng ta không thích nó gợi đến kỷ niệm buồn, hoa này đẹp nhưng bán khá đắt tiền, hoa này đẹp nhưng hương vị nhạt nhoà, nhà bên cạnh cũng có hoa này, ta sẽ trồng bụi hồng rực rỡ cho nó đẹp hơn,... Nếu bạn là người hiểu biết, có thể Tâm trí sẽ hiện về: đấy là cây thuộc họ gì, chỉ mọc ở vùng nào, chỉ ra hoa vào thời gian nào,... Tâm trí hiện lên đủ chuyện: phải hay trái, đúng hay sai, đẹp hay xấu,... để rồi khởi lên mọi thứ tâm thiện hoặc ác. Tâm trí không những khởi lên những vấn đề của hiện tại, mà còn nhớ lại các cảnh thuộc quá khứ, mơ ước các cảnh trong tương lai cũng mãnh mẽ không kém. Tâm trí luôn liên hệ với vô minh, với ngã chấp, luôn cho sự vật những ý nghĩa theo ngã, ngã sở, theo các tâm tham, sân, si, đầy phiền não, mà lãng quyên đi thật tướng của sự vật. Tâm trí luôn phụ thuộc vào trạng thái của tình cảm. Trong tâm trí cảm xúc là một yếu tố quan trọng nhất.

Cảm xúc có cảm xúc tiêu cực và cảm xúc tích cực. Cảm xúc tích cực là cảm xúc phát triển. Cảm xúc tiêu cực là cảm xúc phá hủy. Phát triển và phá hủy là phát triển và phá hủy Tâm thức. Cảm xúc lôi kéo Tâm trí, lôi kéo suy nghĩ, lôi kéo ý tưởng, lôi kéo tưởng tượng,... và rồi lôi kéo hành động đến ba độc tham, sân và si; đó là cảm xúc phá hủy. Nó che mờ Trí tuệ, nó làm tối tăm Tâm thức. Cho nên những con người luôn tranh đấu vì quyền lực, vì danh vọng, vì tiền bạc và vì tính dục; là những con người Tâm thức không thể phát triển cao. Những Chính trị gia, những Thương gia, những nhà buôn,... họ cách xa Thiên đường, cách xa Thượng đế, cách xa Niết bàn hơn rất nhiều người khác. Những Tần Thuỷ Hoàng, những Hittle,... làm sao họ cho thể lên Niết bàn được, khi mà ân oán của họ còn chồng chất, khi còn hàng triệu sinh linh chưa siêu thoát vì họ, khi mà cả cuộc đời của họ Tâm trí luôn cuộn sóng với những mưu đồ, với những tranh chấp. Những Thành Cát Tư Hãn làm sao mà Tâm thức gọi là phát triển được, khi cả một đời đầy giận dữ, ngay cả khi chết cũng chết trên lưng ngựa và đầy giận dữ vì chưa hạ được thành Tây Hạ. Cả cuộc đời của họ luôn sống trong cảm xúc phá hủy. Cảm xúc phá hủy nó có thể tạo ra mưu lược, nó có thể tạo ra năng lượng cho Trí năng vận động cuồng loạn, nhưng lại tạo ra một Tâm thức bệnh hoạn. Nó không thể, không thể tạo ra một Tâm thức trong sáng, mạnh mẽ. Cảm xúc phá hủy càng mạnh mẽ, cái tôi của họ cành mạnh mẽ theo, họ càng gắn bó với những ham muốn của họ. Sao có thể gọi là Tâm thức phát triển được. Những nhà buôn cũng vậy. Họ quá ham tiền. Tiền có thể là cho Trí năng của họ loé sáng. Những tiền bạc đã lôi kéo Tâm thức họ đến gần với tiền bạc hơn.

Nhưng Bill Gates, Steve Jobs không phải những nhà buôn. Hai con người này, công việc và cuộc đời họ đậm tính Thơ ca. Họ làm việc nhưng họ quên họ là người làm. Họ giàu có nhưng thực sự họ không phải là nhà buôn, họ không chỉ duy nhất ham muốn kiếm tiền. Kinh doanh là một trong nhiều dạng thức của cuộc sống của họ. Thực sự họ đã sống trong Tình yêu, Tình yêu công việc, Tình yêu cuộc sống; họ đã Sáng tạo cùng cuộc sống. Sáng tạo là đặc trưng là màu sắc của cuộc sống của họ. Từ Tình yêu và rồi Sáng tạo, mà tiền bạc chạy theo họ. Đó là khác biệt lớn lao giữa họ và những nhà buôn, nhà kinh doanh khác. Những nhà buôn, nhà kinh doanh chạy theo tiền bạc; với hai con người này, tiền bạc chạy theo họ. Họ giống với Nghệ sỹ, họ giống với Nhà thơ, họ giống Hoạ sỹ. Hai con người này, và những Van Gogh, Levitan, Claude Monet, những Lý Bạch, Thôi Hiệu, những Newton, Albert Einstein,... họ đã sống những cuộc đời luôn với Tình yêu lớn lao, và luôn với những cảm xúc tích cực. Cảm xúc tích cực khiến họ buông bỏ được cái tôi, mở đường cho Trí tuệ bừng cháy, mở đường cho Sáng tạo sinh sôi. Tâm thức của họ ở tầm cao, rất cao.
3
Tiềm thức cũng như Trí tuệ và Tâm trí nó thuộc về cái bên trong. Tiềm thức cũng có thể đến từ bên ngoài, nhưng về cơ bản nó nằm sâu bên trong của con người, nó đã đến từ những kiếp trước. Khi còn nhỏ do điều kiện khách quan của cuộc sống con người hoặc phải chịu đựng nhiều lần một điều gì đó, hoặc phải chịu đựng một cú sốc rất lớn, những điều đó làm thổn thức trái tim, đã khắc sâu vào não bộ và nó trở thành ký ức, một dạng của tiềm thức. Nó có thể trở lại ngày hôm nay, hoặc ngày mai, khi nó trở lại hành vi con người mang đậm dấu ấn của nó. Khoa học hiện đại gọi hiện tượng này là phản xạ có điều kiện. Nhưng cơ bản và phần lớn, rất lớn Tiềm thức đã được tính luỹ từ rất, rất nhiều kiếp trước.

Tiềm thức có thể tích cực và có thể tiêu cực. Bác sĩ Brian L. Weiss, tốt nghiệp đại học Columbia, đã từng bác sỹ nội trú của trường đại học y khoa Yale, hiện nay là phó giáo sư trường đại học y khoa Miami, đã kể lại những trải nghiêm của mình trong tác phẩm: "Tiền kiếp và luân hồi có thật hay không?". Năm 1980, ông đã sửng sốt và hoài nghi khi một trong những bệnh nhân của ông cô Catherine bắt đầu nhớ lại những chấn thương ở tiền kiếp, mà nó dường như là nguyên nhân dẫn đến những cơn ác mộng và lo âu tái diễn. Tuy nhiên sự hoày nghi của ông đã bị xói mòn khi cô bắt đầu gửi những thông điệp từ "không gian giữa các kiếp sống" chứa đựng những tiết lộ rõ rệt về gia đình bác sĩ Weiss và đứa con con trai của ông bị chết. Sử dụng cách chữa trị tiền kiếp, ông đã chữa đươc cho Catherine và bắt đầu một giai đoạn mới trong sự nghiệp của mình. Hiện nay danh sách những bệnh nhân của ông ngày một dài thêm. Họ có khi là một một nghệ sỹ đã bị hành hạ trong thời kỳ dị giáo ở Tây ban nha; hoặc một chủ nhà hàng không thể lái xe qua cầu hay hầm vì nhớ lại đã bị chôn sống trong nền văn minh Cận đông, hoặc một thầy thuốc trẻ nhớ lại chấn thương ở biển cả, khi ông ta là cướp biển,... Họ khỏi bệnh vì qua thôi miên, tất cả đã nhớ lại ký ức sống động về tiền kiếp. Khắc phục các tiềm thức tiêu cực để cuộc sống hạnh phúc hơn. Khởi mở và phát triển các Tiềm thức tích cực có thể làm cho cuộc sống hoan hỷ hơn và Phúc lạc hơn.

Ở một phương diện khác, trong Tiềm thức có Bản năng và Trực giác. Nếu Trí tuệ thuộc về ý thức, thì Bản năng thuộc về vô thức và Trực giác thuộc về siêu ý thức. Cả ba cái thuộc về bên trong của con người. Trí tuệ là tầng lầu thứ hai, Bản năng là tầng dưới và Trực giác tầng trên cùng, tầng thức ba. Bắt đầu từ bên ngoài được tích luỹ từ tri thức từ kinh nghiệm; ngấm vào máu thịt, vào hơi thở, vào từng tế bào rồi hình thành lên thành Bản lĩnh Trí tuệ. Bản năng và Trực giác lại nằm ở sâu thẳm bên trong; và được hình thành từ nhiều kiếp sống, được hình thành từ quá trình tiến hoá của loài người; không chỉ hình thành trong một kiếp người. Đó là sự khác nhau giữa Trí tuệ với Bản năng và Trực giác.

Bản năng thuộc về vô thức, xã hội loài người với những định kiến, những lề thói, không coi trọng Bản năng, coi nó gần với thuộc tính của con vật. Nhưng không có những vận động Bản năng thì con người chết, không sống được. Ăn, uống, hoạt động tính dục và đặc biệt là thở,... là những hành vi thuộc về Bản năng. Chỉ không thở trong vài giây, vài phút con người không thể sống nổi. Hãy coi Bản năng là những điều tự nhiên, đừng ghét bỏ nó; nó là tự nhiên và nó là thiêng liêng.

Trực giác thuộc về siêu ý thức, nó nằm sâu bên trong. Bản năng gần với thuộc tính của con vật, Trí tuệ làm cho con người không phải con vật, nhưng Trực giác mới thực sự làm cho con người trở thành Người.

Có những câu chuyện về Trực giác rất ấn tượng. Một trong những nhà sáng lập của Sun Microsystems, trong một lần tình cờ đã nhìn thấy một mô hình công cụ tìm kiếm sơ khai do hai nghiên cứu sinh phát triển. Trực giác đã mách bảo ông, đây là một ý tưởng tuyệt vời, một dự án phát triển tiềm năng. Làm sao ông có thể phân tích và đánh giá được sự tiềm năng của nó, nó mới chỉ là ý tưởng. Nhưng ông đã đầu tư 100.000 đô la cho phát hiện đó, để sau này trở thành Google.

Một chuyện khác, Michael Eisner đã nghe một câu chuyện trên chương trình truyền hình mới có tên Ai muốn trở thành triệu phú, khi nó còn rất sơ khai. Nhưng có điều gì đó mách bảo ông rằng chương trình này sẽ thành công. Và rồi ông đã tận tâm đầu tư vào. Để cho đến nay, chương trình truyền hình Ai muốn trở thành triệu phú, đã có mặt trên hàng trăm Đài tuyền hình của nhiều Quốc gia trên thế giới.

Và còn nhiều câu chuyện khác đã nói lên điều này. Có rất nhiều nhà khoa học có được khả năng giải quyết khá nhiều vấn đề toán học, mà không cần trải qua một quá trình tính toán, phân tích và lập luận nào cả. Người khác chỉ cần nêu vấn đề, thậm trí trước khi nói thành lời, lời giải cho vấn đề đã tới. Cho dù máy tính điện tử thì cũng phải cần tới vài ba phút, những người này thậm trí không cần đến một giây. Câu chuyện về nữ bác học Marie Curie, bà đã phải bỏ ra ba năm ròng để giải quyết một vấn đề, và đã cố gắng tiếp cận theo nhiều hướng khác nhau. Nhưng mọi hướng tiếp cận đều thất bại. Một đêm nọ, bà đã thiếp đi vì kiệt sức, nhưng thật tuyệt vời là chính trong giấc ngủ đó bà đã tìm ra đáp án. Hoặc câu chuyện về nhà khoa học đã đoạt giải thưởng Nobel trong việc tìm ra cấu trúc gen của con người. Trong một giấc mơ, ông đã nhìn thấy rõ cấu truc gen của con người. Sáng hôm sau khi tỉnh dậy, ông chỉ còn phải làm một việc duy nhất là tái hiện lại hình ảnh mà minh đã nhìn thấy hôm qua... Đấy thực sự không thuộc về bước nhảy sáng tạo của Trí tuệ, công lao của nó chính là Tiềm thức, chính là Trực giác.
4
Trí tuệ, Tâm trí và Tiềm thức là ba chiều của Không gian Tâm thức. Tâm thức phát triển thì Trí tuệ phát triển. Nhưng Trí tuệ phát triển chưa làm cho Tâm thức phát triển. Tâm thức phát triển chỉ khi cùng đồng thời với ba sự biến đổi: sự phát triển Trí tuệ, sự buông bỏ Tâm trí và sự khơi mở Tiềm thức. Một chiều của Trí tuệ biến đổi không thể làm phát triển Tâm thức. Phải cả ba chiều biến đổi Tâm thức mới phát triển.

Đức Phật sau khi từ bỏ mọi thứ và Ngài đã mất Sáu năm trời đi nhiều nơi, tu tập, trao đổi và tranh luận. Sáu năm đó, Trí tuệ của Ngài chắc rằng đã phát triển và thay đổi mạnh mẽ. Nhưng điều đó đã không đưa Ngài tới Chứng ngộ. Ngài đã Chứng ngộ khi sau nhiều ngày ngồi dưới gốc cây Bồ đề. Ngài đã Chứng ngộ khi đã bỏ rơi Tâm trí hoàn toàn và Tiềm thức đã khơi mở hoàn toàn. Đó không phải là một quá trình tuần tự, đó chính là bước nhảy, bước nhảy Tâm thức.

Có thể diễn đạt tính thơ ca của Tâm thức và Tâm trí như Đại dương và sóng. Đại dương thì bao la; sóng đã ngàn năm, đã triệu năm, khi hiền hoà, khi giận dữ cuồn cuộn trên mặt Đại dương. Sóng luôn gây hỗn độn cho Đại dương, như Tâm trí luôn gây rối loạn cho Tâm thức. Nhưng sóng không phải từ trong lòng của Đại dương, nó đến từ bên ngoài, nó đến từ gió, nó đến từ bão, nó đến từ chênh lệch áp suất của tầng khi quyển. Nó chỉ có thể xáo động mặt biển, chỉ bề mặt mà thôi. Ngay cả khi nó giận dữ nhất, nó cuồng nộ nhất nó cũng chỉ tạo nên xáo động bề mặt, chỉ bề mặt mà thôi. Các nhà khai thác dầu khí, họ xây dựng các công trình trên biển với cả một kinh phí khổng lồ, hàng tỷ hàng chục tỷ USD, họ phải rất cẩn thận với sóng biển. Họ đã tính toán với những cơn sóng với tần xuất rất thấp, hàng trăm năm mới xảy ra một lần, đó là những cơn sóng lớn nhất. Những cơn sóng tính toán đó, chiều cao sóng tính toán đó chỉ lên tới trăm mét. Trăm mét hỗn độn, trăm mét rối loạn, đó chỉ là bề mặt của Đại dương bao la sâu hàng chục ngàn mét. Nhưng có những con sóng thần, những con sóng bạo tàn. Nó cũng đến từ bên ngoài, không phải trong lòng Đại dương, nó đến từ sự nứt gẫy và trồi trụt của những lát cắt địa tầng dưới đáy Đại dương. Nó tích luỹ một năng lượng khổng lồ, bằng hàng chục hằng trăm lần năng lượng của quả bom Nguyên tử do người Mỹ thả xuống Nhật ở cuối Chiến tranh thế giới thứ hai. Sự trồi trụt của mặt đất dưới đáy biển, hãy tưởng tượng một dãy núi dịch chuyển, dịch chuyển cực kỳ nhanh. Sự dịch chuyển này kéo theo một lượng nước kèm rất lớn chuyển động theo. Các nhà Hàng hải, khi sản xuất những con tàu, họ vô cùng quan tâm tới dao động của thân tàu trên sóng. Qua tính toán, thực nghiệm trong Bể thử mô hình và thực nghiệm trên mô hình 1/1, họ nhận ra được một kết luận lớn lao, quán tính chuyển động của tàu chỉ là một phần thôi, một phần lớn khác là ở lượng nước kèm cùng chuyển động theo; nó đã tích luỹ một năng lượng rất lớn, lớn hơn nhiều năng lượng của con tàu. Và sóng thần cũng vậy, năng lượng chuyển động của dãy núi đã được cộng thêm năng lượng nhiều lần lớn hơn của lượng nước kèm. Một năng lượng khổng lồ. Nó đã gây ra khủng khoảng ở Thailand năm 2004, nó đã gây ra khủng khoảng ở Nhật bản năm 2011,... Nhưng ngay sau đó, không dài lâu, Đại dương lại trở lại êm đềm như chưa có gì xảy ra. Rồi ngay cả khi có sóng thần, thì cũng không phải toàn Đại dương nổi sóng, chỉ một phần, một khu vực nhỏ so với Đại dương bao la mà thôi. Và sóng vẫn cứ là bên ngoài, bề mặt trên hoặc bề mặt dưới. Tâm trí luôn làm rối loạn Tâm thức, nhưng chỉ là rối loạn bề mặt.

Khi Đại dương là Tâm thức, sóng là Tâm trí, thì Trí tuệ là nước của những dòng sông. Triệu năm nay, trong dòng Mê kong nước từ Tây Tạng, qua Trung Quốc, qua Thailand,... tới Việt Nam rồi đổ ra biển. Sông Hằng, sông Amazon, sông Nil, sông Mississipi-Missouri,... ngàn năm nay, triệu năm nay vẫn đưa nước chảy ra biển. Tất cả các dòng sông đều chảy ra biển. Tất cả các dòng sông đều mang nước cho biển cả. Như Trí tuệ góp Tri thức và Kinh nghiệm cho Tâm thức. Các dòng sông Trí tuệ chở Tri thức và Kinh nghiệm cho Đại dương Tâm thức. Các dòng sông luôn chảy, khi hiền hoà, khi cuộn sóng, luôn luôn miệt mài, luôn luôn tích góp. Sông cứ tưởng không có sông, Đại dương khô cạn. Sông luôn tưởng vậy. Nhưng Đại dương bao la lắm, nước của các dòng sông chiếm được bao nhiêu phần nước đang có trong Đại dương. Cũng như vậy, hãy đừng nghĩ rằng Trí tuệ là phần quan trọng của Tâm thức, nó chỉ là một phần nhỏ mà thôi.

Sóng thì bề mặt, mà nhìn vào Đại dương luôn thấy sóng; còn các dòng sông thì cứ tưởng không có sông nước Đại dương sẽ cạn. Tâm trí và Trí tuệ là như vậy với Tâm thức. Đâu có biết rằng trong lòng Đại dương luôn có những dòng Hải lưu. Những dòng Hải lưu chảy từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây, từ dưới Đông Nam lên Tây Bắc; chảy thông qua các Đai dương, chảy từ Ân độ dương tới Thái bình dương, chảy từ Thái bình dương tới Đại Tây dương... Ngàn năm nay, triệu năm nay những dòng Hải lưu luôn chảy. Bề mặt Đại dương không thấy gì, khi không có sóng Đại dương luôn êm đềm, hiếm ai biết được trong lòng Đại dương có những dòng Hải lưu. Không có những dòng Hải lưu Đại dương là Đại dương chết. Những dòng Hải lưu là cuộc sống của Đại dương. Những dòng Hải lưu với Đại dương là Tiềm thức, là Bản năng, là Trực giác với Tâm thức.

Trí tuệ, Tâm trí, Tiềm thức (Bản năng và Trực giác) và Tâm thức nó là như vậy. Nó không thể khác được, xin đừng hiểu nó khác đi. Nó phải là như vậy.

Cũng có thể dùng ngôn ngữ Toán học có thể diễn đạt những điều này. Nếu coi Tâm thức là một hàm số, có ba biến số, biến số thứ nhất là Trí tuệ, biến số thứ hai là Tâm trí và biến số thứ ba là Tiềm thức. Hàm Tâm thức đạt cực đại khi và chỉ khi hai biến số Trí tuệ và Tiềm thức đạt cực đại cùng đồng thời với với biến số Tâm trí đạt cực tiểu. Nó là hàm ba biến. Có thể bằng những phương trình, những phép toán vi phân, những phép toán tích phân, những phổ, những phép rời rại... để mô tả điều này được không? Phật giáo biết, Toán học hiểu? Nhưng nếu mô tả được, thì hãy mô tả hàm Tâm thức với biến số Trí tuệ chỉ cần là hàm đa thức đơn giản mà thôi; chỉ cần đạo hàm một vài lớp là nó có thể trở thành tuyến tính hoặc bằng không. Nhưng với biến số Tâm trí và Tiềm thức thì khác đấy, hàm Tâm thức lúc này phải là dạng phổ hoặc là những hàm số phức tạp, nó không thể tuyến tính sau vàu ba lần đạo hàm đâu, nó phải có những điểm kỳ dị, nó phải có những bước nhảy, nó phải có những điểm gãy,... Và có thể biến số này còn có thể là hàm số của biến số kia. Quan hệ Toán học này phải là quan hệ phức tạp, không thể đơn giản được. Nhưng lời giải của nó sẽ là đầy bất ngờ. Cực trị của Tâm thức đầy bất ngờ. Nó có thể đạt cực trị tại những điểm, những toạ độ đơn giản nhất.

Vâng Tâm thức nó là như vậy. Trí tuệ nó là như vậy. Tâm trí nó là như vậy. Tiềm thức và Trực giác nó là như vậy.

Xin bày tỏ lòng biết ơn tới tất cả những Tác giả và Dịch giả của các bài viết, bài nói mà chúng tôi đã sử dụng để làm tư liệu và cảm xúc để viết bài này; xin chân thành hồi hướng công đức nhỏ bé của mình tới Quý vi. Nam mô Bổn sư Thích Ca Màu Ni Phật. Nam mô Chứng minh sư Bồ Tát Ma ha tát.

Minh Đạt
Nguồn: Daophatngaynay

Không có nhận xét nào: