Thứ Tư, 3 tháng 7, 2019

Thành Cổ Loa

TTđTD - Về truyền thuyết An Dương Vương, thành Cổ Loa có luận thuyết của Giáo sư Lê Mạnh Thát và gần đây có Thái Doãn Hiểu ... còn tranh luận. Để góp phần làm rõ vấn đề trên, xin giới thiệu với quý vị một vài thông tin về thành Cổ Loa .

Nhắc đến Cổ Loa là nhắc nhớ truyền thuyết về An Dương Vương được thần Kim Quy bày cách xây dựng thành lũy, về chiếc nỏ thần kỳ diệu và mối tình bi thương của Mỵ Châu - Trọng Thủy.

Thành Cổ Loa được các nhà khảo cổ học đánh giá là "tòa thành cổ nhất, quy mô lớn vào bậc nhất, cấu trúc cũng thuộc loại độc đáo nhất trong lịch sử xây dựng thành lũy của người Việt cổ".

Cổ Loa có diện tích bảo tồn gần 500ha, được coi là địa chỉ văn hóa đặc biệt với hàng loạt di chỉ khảo cổ học đã được phát hiện, phản ánh quá trình phát triển liên tục của dân tộc ta, từ sơ khai qua các thời kỳ đồ đồng, đồ đá và đồ sắt mà đỉnh cao là văn hóa Đông Sơn. Cổ Loa là kinh đô của Nhà nước Âu Lạc thời kỳ An Dương Vương (thế kỷ III TCN) và của nước Đại Việt thời Ngô Quyền (thế kỷ X).


Từ trung tâm Hà Nội, đi 18km đến xã Cổ Loa thuộc huyện Ðông Anh, bạn sẽ tìm thấy vết tích còn lại của ba vòng thành xưa bằng đất và nơi các nhà khảo cổ tìm được hàng vạn mũi tên đồng, lưỡi cày, rìu sắt, xương thú vật... Thành được xây theo phương pháp đào đất đến đâu, khoét hào đắp lũy đến đó, theo kiểu vòng xoắn ốc nên có tên gọi là Loa thành. Tương truyền, thành Cổ Loa có tới chín vòng, dưới thành ngoài là hào sâu ngập nước thuyền bè đi lại được. Ngày nay, ở Cổ Loa chỉ còn lại ba vòng thành đất: thành ngoài (chu vi 8km), thành giữa (hình đa giác, chu vi 6,5km) và thành trong (hình chữ nhật, chu vi 1,6km). Thân thành ngày nay có chiều cao trung bình từ 4-5m, chân thành rộng tới 20-30m. Các cửa của ba vòng thành cũng được bố trí rất khéo, không nằm cùng trên một trục thẳng mà lệch chéo. Do đó, đường nối hai cửa thành ở cùng một hướng là đường quanh co, có ụ phòng ngự ở hai bên, gây rất nhiều trở ngại cho quân địch khi tiến đánh thành.


Qua cổng làng, cũng là cổng thành sẽ tới đình làng Cổ Loa hay đình Ngự Triều. Đình được xây dựng trên nền điện thiết triều cũ vào năm 1907, thời Nguyễn. Theo truyền thuyết thì đó là nền cũ của điện ngự triều, nơi bá quan triều hội ngày xưa, trong đình còn tấm hoành phi "Ngự triều di quy".

Đền thờ An Dương Vương còn gọi là đền Thượng ngự trên một quả đồi xưa có cung thất của vua. Ngay trước đền thờ là một hồ nước hình bán nguyệt, giữa có giếng Ngọc. Truyền thuyết cho rằng, đó chính là cái giếng mà Trọng Thủy đã gieo mình, lấy nước này đem rửa ngọc trai (vốn được gọi là nước mắt của Mỵ Châu) thì ngọc trai sáng đẹp lạ thường. Hồ rộng, mặt nước trong xanh, phong cảnh hữu tình, phía xa xa thấp thoáng những bờ tường thành cổ. Cửa đền thờ An Dương Vương có một cặp rồng đá uốn khúc sinh động với nghệ thuật điêu khắc từ thời Lê. Đền gồm nhiều cửa, đi vào khu vực chính là điện thờ vua, nằm phía trong hai bên thờ hoàng hậu và thờ Mẫu. Nhà bia nhỏ với vòm mái cong cong, vây quanh là những cây sứ già vươn cành gầy guộc. Ở đây có ba bia đá cổ khắc từ năm 1606.


Đến Cổ Loa, có một nơi mà du khách không thể bỏ qua, đó là am Bà Chúa, tức miếu thờ công chúa Mỵ Châu. Chiếc am u tịch, như muốn gợi về câu chuyện tình ngang trái cách đây hàng ngàn năm, nhỏ bé như cuộc đời ngắn ngủi của nàng công chúa "trái tim lầm chỗ để lên đầu".

Trong am có một tảng đá hình người cụt đầu, là tượng thờ Mỵ Châu, được phủ bằng chiếc áo gấm thêu. Truyền thuyết kể rằng, sau khi nàng Mỵ Châu hóa thành hòn đá to trôi dạt về bãi Đường Cấm, ở phía đông thành Cổ Loa, dân trong thành đem võng ra cáng về đến gốc đa thì đứt võng, hòn đá rơi xuống, bèn lập am thờ ngay tại chỗ.


Nhiều du khách rất thích được đến tận nơi để thắp hương tưởng nhớ nàng và cảm thương chạm tay lên bờ vai của tảng đá. Có lẽ, sự hấp dẫn và thu hút của khu di tích thành Cổ Loa nói chung và am Mỵ Châu nói riêng không chỉ từ những kiến trúc cổ, những hiện vật khảo cổ có giá trị mà còn bởi mối tình bi thương nổi tiếng Mỵ Châu - Trọng Thủy. Sự bí ẩn, huyền hoặc của Loa thành chứa đựng rất nhiều truyền thuyết nửa hư nửa thực.

Hằng năm, lễ hội Thành Cổ Loa diễn ra từ ngày 6 đến 16 tháng giêng âm lịch (chính hội là mồng 6) để tưởng nhớ Thục Phán An Dương Vương, người đã có công xây thành Cổ Loa và trị vì Âu Lạc.

TTđTD - Theo PNCN

1 nhận xét:

Le Th Th... nói...

Con xin cung kính ...