Theo cáo phó của tăng đoàn Làng Mai, Thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch lúc 0 giờ ngày 22.01.2022 tại Tổ đình Từ Hiếu (P. Thủy Xuân, TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) ở tuổi 96.
Rất nhiều người, cả Phật tử lẫn người không theo đạo, khắp thế giới đã bày tỏ sự tiếc thương và tri ân Thiền sư.
Nói đến Thiền sư Thích Nhất Hạnh, người ta ấn tượng sâu sắc với một phong cách tao nhã trong văn chương, thi phú. Đặc biệt ông chuyển tải Phật giáo đến cuộc sống bằng phương thức nhẹ nhàng, gần gũi, hiện đại, tâm lý, khiến người đọc và người nghe cảm giác đời đạo dung thông, tiếp cận dễ dàng. Chẳng hạn câu chuyện về dòng sông và đám mây của ông: “Đêm hôm đó, dòng sông có cơ hội để nghe được tiếng khóc của mình. Đó là tiếng sóng vỗ vào hai bên bờ sông. Khi nó nghe được tiếng sóng vỗ của chính nó, dòng sông tỉnh ngộ. Nó hiểu ra bản chất của sông cũng là bản chất của mây…” (Không diệt không sinh đừng sợ hãi).
Thiền Đại thừa của ông bước xuống đời phụng sự xã hội, phụng sự con người trong từng giây phút hiện tại, đẹp và lợi ích ngay trong từng giây phút chạm vào hơi thở, chạm vào cuộc sống. Thiền của ông ẩn hiện trong từng ánh nắng mặt trời, từng chiếc lá, nụ hoa, từng giọt nước uống ngọt môi, từng hạt cơm trắng ngần, trong mỗi bước chân nhẹ đưa trên cỏ, mỗi tiếng chuông thánh thót ban chiều… Thiền rất dễ. Thiền rất nhẹ. Thiền rất đời. Và ta bỗng thấy gần Phật hơn bao giờ hết…
Thiền sư Thích Nhất Hạnh tại chùa Bồ Đề, Hà Nội năm 2005 - ảnh Lưu Quang Phổ
Chính vì vậy cả thế giới gọi Thiền sư bằng một tiếng “Thầy” giản dị, thân thương. Từ những ngày còn rất trẻ, Thầy đã chủ trương kêu gọi hòa bình khi tiếng súng vang rền khắp quê hương và nhiều châu lục. Đến trước khi viên tịch, thầy vẫn thuyết pháp vì hòa bình, vì tình thương nhân loại. Mà không chỉ thương người sống, còn phải thương cả người chết, bất kể người đó ở đâu, thuộc chính thể nào. Tình thương không biên giới, không chính trị. Vì thế Đại lễ Trai đàn Chẩn tế năm 2007 Thầy tổ chức dành cho những người gánh chịu oan khổ trong chiến tranh đã được cả nước ủng hộ. Bởi nó xóa nhòa ranh giới giữa những người anh em cùng mẹ Việt Nam sinh ra, chỉ còn lại nước mắt cho những cuộc sinh ly tử biệt đau đớn nhất kiếp người. Người ở bên kia “thế giới”, xin hãy buông lòng, buông tay, thanh thản ra đi tìm một chân trời mới, một hạnh phúc mới. Và người sống cũng xích lại gần nhau cùng dựng xây đất nước ngày càng tươi đẹp hơn.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh tên thật là Nguyễn Xuân Bảo, sinh năm 1926 ở Huế. 16 tuổi, ông xuất gia ở chùa Từ Hiếu (Huế). Ông thành lập Trường Thanh niên Phụng sự xã hội, góp phần thành lập Viện Đại học Vạn Hạnh và Nhà xuất bản Lá Bối. Ông đi giảng dạy về Phật giáo khắp thế giới và thành lập rất nhiều trung tâm thiền, viết hơn 100 quyển sách về văn hóa và Phật giáo, trong đó có nhiều quyển bằng tiếng Anh. Các sách tiếng Việt nổi tiếng của ông: Bông hồng cài áo, Nẻo về của ý, Đường xưa mây trắng, Thả một bè lau, Đạo Phật áp dụng vào đời sống hàng ngày, An lạc từng bước chân… Ông cư ngụ ở Tu viện Làng Mai (Pháp), đã về thăm Việt Nam hai lần vào 2005 và 2007, tổ chức ba Trai đàn Chẩn tế cầu siêu rất lớn tại ba miền Nam Trung Bắc. Năm 2018, ông về hẳn Việt Nam, ở tại tổ đình Từ Hiếu (Huế) cho đến ngày viên tịch.
Hòa bình, theo lời dạy của Thầy, còn phải được thiết lập ngay trong đời sống không hề có tiếng súng. Bởi phía sau những nhà lầu, xe hơi, những tiện nghi vật chất thừa mứa hôm nay, có thể là những “họng súng” của lòng tham, tranh giành, đấu đá, hận thù, ganh tị, sa đọa, say sưa, phung phí… luôn chực chờ nhả đạn. Và con người vẫn có thể chết một cách dễ dàng, chết từ thân xác cho tới tâm hồn. Cho nên, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn trên thế giới (trong đó có Google) đã mời Thầy Thích Nhất Hạnh đến nói chuyện. Thầy cân bằng cho tâm hồn người ta giữa vật chất và tinh thần, giữa mê say và tỉnh táo. Thầy cảnh báo sự sụp đổ của tâm hồn và môi trường sinh thái vì chúng ta mải mê chạy theo chủ nghĩa vật chất, lấy vật chất khỏa lấp khổ đau nhưng khổ đau vẫn vẹn nguyên, vẫn nối dài lo sợ. Thầy chỉ cách cho người ta chuyển hóa đau khổ chỉ bằng chánh niệm và buông bỏ. Đó không phải là cách sống thụ động, mà là cách sống hòa bình, cân bằng với trái đất và mọi người. Bởi suy cho cùng, hạnh phúc không phải là giành được thắng lợi, giành được vị trí số 1. Đôi khi hạnh phúc rất giản dị là lúc anh bớt việc kiếm tiền mà trở về mái nhà nhỏ có đứa con thơ má thơm mùi sữa. Đôi khi hạnh phúc là quyển tập anh trao cho cậu học trò nghèo. Hạnh phúc cũng là lọ hoa trên bàn tỏa hương cho anh ngắm nhìn chứ không dúi mũi hoài trên những con số lời lãi. Hạnh phúc là lúc anh cầm trên tay trái quýt ngọt trong đó có giọt mồ hôi của người nông dân, có ánh nắng mặt trời nuôi lá nuôi cây lớn lên…
Bài của: Hoàng Kim
Nguồn: https://thanhnien.vn/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét