Đại thi hào Nguyễn Du, danh nhân văn hoá thế giới, người đã viết nên kiệt tác “Truyện Kiều”. Lịch sử tiếp nhận “Truyện Kiều” đặt ra một vấn đề khá thú vị, đó là người Việt tư duy như thế nào: duy lí hay duy tình?
Duy tình- được và mất
Câu thơ ở phần cuối “Truyện Kiều”: “Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài” đã trở thành câu nói cửa miệng của mọi người, đúc kết về một quan niệm truyền thống, một kiểu tư duy, ứng xử của người Việt. Duy tình, là kiểu tư duy xuất phát từ lối sống trọng tình nghĩa, đạo lí, chú trọng xây đắp mối quan hệ tình cảm hài hoà, tốt đẹp giữa các cá nhân và giữa cá nhân với cộng đồng. Đây là kiểu tư duy của phương Đông.
Con người Việt Nam giàu lòng nhân ái, khoan dung, sống tình nghĩa, thuỷ chung, đời sống nội tâm vô cùng phong phú. Kho tàng ca dao dân ca, văn hoá nghệ thuật từ xưa đến nay đã có rất nhiều tác phẩm phản ánh truyền thống trọng tình, duy tình của dân tộc. “Thương người như thể thương thân”, “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”, “Láng giềng tối lửa tắt đèn có nhau”, “Lá lành đùm lá rách”…
Không phải ngẫu nhiên mà trong kiệt tác “Truyện Kiều” có sự xuất hiện với tần số cao của các từ ngữ “lòng”, “tâm”, “thương”, “lệ”, “đau lòng”, “xót”, “sầu”, “thảm”…Trữ tình đã trở thành một truyền thống lớn của văn chương dân tộc.
Người Việt tiếp nhận Phật giáo và Thiên chúa giáo cũng chú trọng về phương diện tình nghĩa, đạo lí hơn là nội dung giáo lí, triết học. Kiểu tư duy, ứng xử duy tình có mặt tích cực là hướng con người về chủ nghĩa nhân văn, về điều Thiện, coi trọng đời sống tâm linh, hướng về những giá trị tinh thần cao cả, tốt đẹp.
Tuy nhiên, quan niệm, cách ứng xử “Một trăm cái lí không bằng một tí cái tình” không phải không có những hạn chế, khiếm khuyết, thậm chí có những mặt đã trở thành lực cản của sự phát triển xã hội.
Duy tình sẽ dẫn đến hậu quả là coi trọng đức hơn tài trong việc đánh giá, dùng người, chú trọng các mối quan hệ tình cảm cá nhân hơn là những khế ước xã hội. Hiện tượng “con ông cháu cha” đã có từ rất lâu đời, và nay vẫn còn tiếp tục, đã và đang gây ra những hậu quả nặng nề dẫn đến mất công bằng xã hội, làm trì trệ tiến trình phát triển đất nước.
Không chỉ là quan hệ huyết thống mà kiểu tư duy duy tình còn đi xa hơn đến những mối quan hệ bạn bè, đồng hương, đồng nghiệp. Hiện tượng ưu tiên con em trong ngành là một ví dụ.
Trong lối xưng hô hàng ngày của người Việt, tính chất duy tình thể hiện rất rõ. Các từ xưng hô tuỳ hoàn cảnh hết sức phong phú và tinh tế: anh, em, con, cháu, bác, chị, bà, cụ, mình…Ví dụ đại từ nhân xưng ngôi thứ ba, cũng là một đối tượng, khi thì gọi là anh ấy, khi thì ông ấy, khi thì lão ấy, khi thì thằng ấy, hắn… tuỳ theo mối quan hệ cá nhân, đặc biệt thể hiện rõ tình cảm, sự đánh giá. Trong khi một số tiếng nước ngoài, cụ thể là tiếng Anh, các đại từ nhân xưng: I : ngôi thứ nhất; you: ngôi thứ hai; he (nam), she (nữ) là ngôi thứ ba, mang màu sắc trung hoà về cảm xúc.
Nhiều ý kiến đã phản ánh, trong công sở, công chức xưng hô với nhau theo kiểu xưng hô thứ bậc trong xã hội, hoặc mối quan hệ tình cảm gia đình. Điều nay “rằng hay thì thật là hay”, song không phải không có những hạn chế.
Một khi nhân viên đã xưng “cháu”, gọi thủ trưởng là “bác” (hay xưng “em”, gọi “anh”) thì rất khó có chuyện bình đẳng, hay phê bình, đấu tranh chống tiêu cực, nếu thủ trưởng sai. Chỉ có áp đặt một chiều, “bác” đã nói, thì “cháu” chỉ biết vâng lời. Nếu cãi lại, thì hoá ra “cháu” hỗn!
Trong cách nói năng, người Việt ưa dùng kiểu “vòng vo Tam quốc”, nói giảm, nói tránh, gây không ít khó khăn cho người tiếp nhận. Cùng một sự kiện, nhưng hai người kể lại đã rất khác nhau, thậm chí trái ngược nhau hoàn toàn về bản chất, sự đánh giá. Một số chuyên gia cho rằng cách diễn đạt của người Việt mang sắc thái cá nhân, tình cảm quá sâu sắc, và đây là một hạn chế trong nghiên cứu khoa học. Vì khoa học đòi hỏi sự diễn đạt chính xác, khách quan đến mức tối đa.
Duy tình sẽ dẫn đến hậu quả làm hạn chế tầm nhìn, không đi sâu đến tận cùng bản chất sự việc, thậm chí dẫn đến những quyết định ảnh hưởng đến lí tưởng nhân văn. Ví dụ, người ta thông cảm cho việc bác sĩ nhận phong bì, giáo viên nhận tiền của học sinh, sinh viên, cảnh sát mãi lộ, quan chức tham nhũng…mà không nghĩ đến những hậu quả hết sức nặng nề của những hiện tượng đó. Nếu quan toà giảm án cho một số tội phạm vì những lí do thuộc về tình cảm, hoàn cảnh, mối quan hệ cá nhân…sẽ tạo ra những tiền lệ nguy hiểm cho xã hội.
Trên con đường xây dựng nền pháp chế xã hội chủ nghĩa, kiểu tư duy duy tình là một lực cản không nhỏ. Hệ thống pháp luật của chúng ta vẫn còn nhiều kẽ hở, chưa hoàn thiện. Một số ngành khi tham mưu ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã tìm cách tạo ra lợi thế, ưu tiên cho ngành mình.
Cha ông ta có câu: “Thương con theo kiểu đàn bà” để nói về hậu quả tiêu cực của lối ứng xử duy tình nông nổi. Ví dụ, mẹ thương con nên nuông chiều, không buộc con phải học tập, lao động, rèn luyện, bỏ qua những lỗi lầm…sẽ làm hại con về sau.
Phải chăng vì kiểu tư duy duy tình mà nền khoa học của chúng ta kém phát triển. Một thời gian dài hàng nghìn năm, chúng ta chỉ chú trọng văn chương thi phú mà ít quan tâm đến sự phát triển khoa học kĩ thuật. Đó là một nguyên nhân dẫn tới mất nước về tay người phương Tây.
Hiện nay, thực trạng khoa học của chúng ta vẫn rất bết bát so với thế giới. Duy tình sẽ dẫn đến duy ý chí, bất chấp hiện thực khách quan, coi ý chí và tình cảm của con người là nhân tố quyết định.
Duy lí, phương pháp tư duy hiện đại
Là kiểu tư duy của phương Tây, dĩ nhiên sự phân biệt này không tuyệt đối. Duy lí hay chủ nghĩa duy lí coi trọng quy luật khách quan, coi trọng lí trí, tư duy lôgic, coi lí tính là nguồn gốc của tri thức. Câu “Tôi tư duy, vậy tôi tồn tại” của triết gia người Pháp R.Descartes được xem như tuyên ngôn của chủ nghĩa duy lí.
Duy lí chủ trương đi sâu khám phá những quy luật khách quan, khám phá đến tận cùng bản chất của sự vật và hiện tượng. Duy lí coi trọng tư duy phản biện, luôn đề cao tinh thần hoài nghi khoa học.
Chủ nghĩa duy lí là nền tảng của khoa học tự nhiên-kĩ thuật, đem lại những cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật và những thành tựu kĩ thuật công nghệ vượt bậc và vô tận.
Về phương diện luật pháp, chủ nghĩa duy lí là nền tảng cho một nền pháp chế công bằng, bình đẳng, với nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, tạo nên một nền văn hoá pháp lí phát triển cao.
Trong phương diện đạo đức, ứng xử, tư duy duy lí là cơ sở để thiết lập quyền bình đẳng giữa các cá nhân, tôn trọng cá tính, quyền riêng tư, sở thích cá nhân. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người rất ngưỡng một tư tưởng “Tự do – Bình đẳng – Bác ái” của Đại cách mạng tư sản Pháp (1789).
Một số ý kiến cho rằng kiểu tư duy duy lí đối lập với duy tình, song thực chất, kiểu tư duy duy lí không loại trừ, mà đã bao hàm kiểu tư duy duy tình. Có một nghịch lí là quá thiên về duy tình sẽ dẫn đến vô cảm, còn tư duy duy lí là nền tảng để tạo nên một xã hội nhân đạo, phát triển bền vững. Ví dụ: phát luật nghiêm khắc, công minh sẽ hạn chế được tội phạm, làm cho xã hội bình yên. Khoa học kĩ thuật phát triển đến đỉnh cao làm cho cuộc sống con người hạnh phúc hơn. Cá nhân được khuyến khích phát triển sẽ tạo ra sự đa dạng, đa giá trị của xã hội.
Sở dĩ con người là bá chủ thế giới vì con người có đại não, có ngôn ngữ và tư duy. Tư duy là kim chỉ nam cho hành động. Lựa chọn đúng phương pháp tư duy sẽ làm cho cá nhân và xã hội phát triển, tiến bộ và văn minh. Đổi mới tư duy là vấn đề được đặt ra từ lâu, song thiết nghĩ cần tiếp tục được nhắc lại, bàn đến, và thực hành toàn diện, triệt để.
Trần Quang Đại
Theo Tamnhin.net
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét