Chủ Nhật, 8 tháng 12, 2013

Phần đóng góp của Viêm tộc vào việc hình thành kinh điển

Nói đến kinh điển là nói đến phần kết tinh những gì là tinh tuý nhất của một nền văn hóa. Ở trên ta đã định luận phần đó cách tổng quát, ở chương này chúng ta thêm phần chính xác bằng gọi tên một số kinh điển cùng phác họa nội dung trong vài nét lớn và ta có thể nói rằng phần đóng góp của Viêm tộc chính là phần nóng cốt của cả lục kinh: Dịch, Thi, Thư, Lễ, Nhạc, Xuân Thu.

Tôi nói nòng cốt (Đại Đạo) mà không nói toàn bích vì toàn bích (gọi là Thường Đạo) chỉ hiện hình ở giai đoạn “Tam Đại”. Còn giai đoạn “Tam Hoàng mới có cái sườn, nhưng đã là cốt cán cho nền Nhân bản tâm linh nảy nở, các đời sau dựa trên những câu sách đại loại “bất do cổ huấn, vua hà kỳ huấn” (Kinh Thư, thiên Tất mệnh, câu 11) nghĩa là những lời giáo huấn đều phải theo cổ huấn. Nhưng tìm cổ huấn ở sách nào. Trong bài tựa kinh Thư, Khổng An Quốc có trả lời rằng: “Phục Hy, Thần Nông, Hoàng Đế chi thự vị chi tam phần, ngôn Đại Đạo dã. Thiếu Hạo, Chuyên Húc, Cao Tân, Đường Ngu chi thư vị chi ngũ điển, ngôn Thường Đạo dã, chữ hán”. Theo đó thì trước khi có kinh Thư còn có những sách cổ hơn gọi là tam phần, ngũ điển, bát sách, cửu khâu, nhưng nay đã thất lạc, ta chỉ còn có thể chắt lọc phần nào cái Đại Đạo từ trong ngũ kinh mà thôi vì ngũ kinh tiếp nhận cổ huấn từ ngũ điển, cũng như ngũ điển đã tiếp nhận từ “tam phần” vậy.

KINH DỊCH

Quyển kinh được truyền tụng là đã xuất hiện đầu tiên trong nên văn học Việt Nho là kinh Dịch. Sở dĩ có ý tưởng này vì kinh Dịch tóm lại được trong hai chữ âm dương: “nhất âm nhất dương chi vị Đạo”. Đạo đó là Đại Đạo và là nét đặc trưng đầu tiên, vì trên thế giới không tìm đâu ra quyển sách có thể tóm vào hai chữ mà lại đầy tính chất toàn bị như vậy. Chính khả năng cô đọng cùng cực này đem lại cho kinh Dịch nét đặc trưng thứ hai là dễ nhất cũng như giản dị nhất, vì thế hai chữ dịch và dị cùng viết y như nhau. Tuy nhiên đây là cái dễ của minh triết nên khi toả ra thì bao hàm cả trời đất, cả vũ trụ nên lại khó nhất. Nhưng đó là chuyện sẽ bàn ở nơi khác. Ở đây ta chỉ cần chú ý đến sự dễ dàng, chính vì dễ nhất nên có thể xuất hiện đầu trước hết như truyền thống đã lưu lại. Chính vì sự dễ, sự cô đọng cùng cực nên kinh Dịch được dạy truyền khẩu lâu đời nhất; và mới chỉ được khởi viết thành sách tự đời Văn Vương, sau được hoàn bị vào quãng thế kỷ 7-5 trước d.l. Nhiều học giả đời mới bị lôi cuốn bởi óc duy sử tức chỉ cho là có thực cái gì được ghi chép lại nên với họ kinh Dịch chỉ có từ lúc được chép ra, và họ cố hạ thấp việc chép này sát vào thời mới lối thế kỷ 4-3 trước d.l. Nói như vậy là không chịu khảo sát đến các ấn tích như âm dương đã được tìm thấy lâu xưa (xem bài Ngũ Hành trong Chữ Thời). Trước đây một số học giả cho là kinh Dịch chưa có lâu lắm, vì không thấy kinh Thi nói đến âm dương. Học giả Granet đã chứng tỏ câu nói đó là sai lầm bằng đưa ra ba trang đầy những chữ âm dương trong kinh Thi (P.C. 17).

Vì thế ta có thể coi kinh Dịch là đã có lâu đời nhất ít ra phần nòng cốt gồm âm dương và bát quái. Về 64 quẻ thì có thể hỏi do Văn Vương làm ra như một số bác học chủ trương hay do chính Phục Hy, còn Văn Vương chỉ viết lời bàn? Vấn đề 64 quẻ không quan trọng bằng bát quái: vì bát quái mới là cốt, còn 64 quẻ tuy nhiều hơn, nhưng lại là quảng diễn, một thứ quảng diễn đã được gợi hứng ngay từ trong 8 quẻ, cũng như 8 quẻ được gợi hứng từ tứ tượng và tứ tuợng từ lưỡng nghi. Vì thế ngay ở đợt hoàn thành nghĩa là khi đã đạt 64 quẻ và có hệ từ kèm theo như nay, thì sách cũng chỉ nói tới bát quái, bởi thực ra thì tất cả tinh hoa đã diễn đủ với bát quái rồi. Bởi vậy giả thử chính Văn Vương đã làm ra 64 quẻ thì cũng không át nổi công đầu của Phục Hy. Huống chi ta thấy việc quy 64 quẻ cho Phục Hy có nhiều may mắn đúng sự thật hơn vì làm ra 64 quẻ chỉ là việc tiếp tục chồng 8 quẻ lên một lần nữa. đó là việc đang đà tiện tay từ 2 đến 4 từ 4 đến 8, thì không có lý do gì dừng lại ở 8 mà không đi thêm bước nữa là 64. Tôi đoán rằng việc quy công cho Văn Vương nằm trong kế hoạch bóc lột Viêm tộc cũng một loại như quy công cho Hoàng Đế lập ra niên giáp 60 năm, vì cũng có dòng lưu truyền nói đó là công của Phục Hy tuy tên năm có khác, nhưng nền móng số 60 là 5 lần hai số 10 và 12 thì đã có từ Phục Hy rồi. Xem Thông Giám cương mục tiền biên quyển nhị: “Phục Hy thị tác giáp lịch, địch tuế thời” (Legge III 82) vì những lý trên nên tôi cho rằng chính Phục Hy đã làm ra 64 quẻ. Hay nói một cách cụ thể thì chính dân gian tức Viêm tộc, Bách Việt đã làm ra kinh Dịch từ hai cánh cửa là âm dương cho tới 64 quẻ với cả hệ từ vì đầy ca dao. Và hiện nay nước Việt Nam còn mang nặng tính chất kinh Dịch trong xương máu như Trung Hoa, có phần còn hơn là khác, thí dụ các danh hiệu Việt Nam hoàn toàn mang tính chất lưỡng diện như Bố Cái và các thể chế thói tục như truyện trầu cau v.v… sẽ bàn trong các chương sau. Có lẽ điều đó còn ghi lại trong việc phân chia các số biểu tượng. Viêm tộc được kinh Dịch nhìn nhận là đã chiếm cứ hai số quan trọng nhất là 2, 3. Thuyết quái 1 nói: “Tham thiên lưỡng địa nhi ỷ số, chữ hán”, 3 trời 2 đất là số của nền minh triết, là số nền tảng để làm ra các số khác. Như vậy hai số 3, 2 (đi với Đông và Nam ) của Viêm tộc là phần nội còn hai số của Hoa tộc 4, 1 (đi với Tây Bắc) chỉ là phần đóng khung thuộc ngoại diện. Vì thế Viêm tộc được coi kinh Dịch là di sản thiêng liêng nhất của mình. Và cũng vì lý do đó trong số mấy sách của mặt trận văn hóa Bách Việt chúng tôi có đưa ra quyển “Dịch Kinh linh thể” làm nền móng. 

KINH THƯ

Sau kinh Dịch thì đến kinh Thư cũng gọi là Thượng thư hay là Thượng cổ, vì đây là quyển tản văn có tự lâu đời nhất, với nội dung hoàn toàn nông nghiệp. Trong Kinh Thư nổi nhất về phương diện triết phải kể tới thiên Hồng phạm. Học giả Granet rất có lý gọi thiên này là bản tóm lược nền minh triết: “La somme de la sagesse” (P.C. 166), vì nó bao hàm một sự suy tư về cơ cấu vũ trụ “une Méditation sur la structure de l’univers”. Thế mà thiên này liên hệ mật thiết với Viêm Việt vì tính chất nông nghiệp của nó; thứ đến là có truyền thuyết cho rằng Hồng Phạm đã khải thị ra cho ông Vũ một người nếu không gốc Việt thì cũng đã Việt hóa hầu hết. Có lẽ vì thế mà truyền thuyết cho là ông lấy vợ Việt và khi chết cũng chôn ở đất Việt là Cối Kê (Danses 266). Sách Trúc thư kỷ niên quyển 3 nói “Mẹ ông Vũ tên là Tu Kỷ. Đẻ con phía lưng, khi lớn lên hai tai ông đều có ba lỗ, chân đi như dáng chữ Kỷ nên gọi ông là Văn Mệnh. Ông có thánh đức, cao 9 thước 9 tấc, mộng thấy mình tẩy rửa trong sông, nên lấy nước mà uống liền được điềm tốt là con hồ 9 đuôi, được thần Sông hiện ra phán bảo: “Văn mệnh trị thuỷ. Ngôn cật, thu Vũ Hà đồ, ngôn trị thủy chi sự, chữ hán”.

Nhờ đó ông Vũ trị được nước, dấu hiệu là cây cối tốt tươi và hai thần Thanh Long và Chúc Dong hiện ra. Thanh Long chỉ vu giáo, Chúc Dong chi thần giáng vu Sùng Sơn = Thần Thanh Long ở chỗ giao (Giao Chỉ), và thần Chúc Dong hiện xuống trên núi Sùng Sơn cũng gọi là Tung Sơn ở chính giữa tức nơi đất trời giao hội. “Vì thế ông Vũ được vua Thuấn truyền cho ngôi thiên tử, và liền nhận được quy thư là Hồng Phạm, đóng đô ở Dương Thành.”

Đây là một trang huyền sử nói về mối liên hệ giữa ông Vũ và Việt tộc rõ nhất. Ông Vũ là vua đầu tiên của nước Tàu, thế mà theo tinh thần phương Nam , “dĩ tu thân vi bản”. Tu thân cũng gọi là Tu kỷ, nên Mẹ ông có tên là Tu Kỷ và con đi có dáng chữ Kỷ; đẻ ra phía lưng là dương đối với bụng là âm, vì thế đóng đô ở Dương Thành, một miền của Dương Tử Giang, nơi lấy nước làm tiêu biểu mình triết, nên ông Vũ uống nước liền được điềm tốt là con hồ 9 đuôi. Chín đuôi là cửu trù của Cửu dân (Cửu lê). Vì 9 là số nhân của tam, thuộc Tam Miêu, nên tai có 3 lỗ là để nghe mệnh trời, mệnh đất, mệnh người hòa hợp nên gọi là Văn mệnh. Vì thế sứ mệnh của ông phải đi theo lối văn, chứ không theo lối võ, mà lối văn là trị thuỷ theo nền minh triết của Lạc Thư cũng gọi là Quy thư thư hay là Hồng phạm. Ta biết Hồng phạm không dạy phép trị thuỷ mà là trị nước. Vậy hai chữ “Trị Thuỷ” ở đây phải hiểu theo nghĩa nước là Quốc như tiếng Việt là một nước duy nhất dùng chữ Nước theo hai nghĩa Thuỷ và Quốc y như trong “Hà đồ, ngôn trị thuỷ chi sự” thì chữ thuỷ đây phải hiểu là quốc, và khi kinh Thư nói ông Vũ đào sâu sông (Tuấn xuyên, chữ hán) thì phải hiểu Xuyên là minh triết Đông phương toàn xuất tự nước như Hà Đồ, Lạc Thư… Chính vì ông Vũ đã biết “Tuấn Xuyên” nên kinh Thư mới tặng cho ông 4 chữ “Tuấn triết văn minh, chữ hán” (Thuấn điển I).

Vậy nhờ “Tuấn triết”, gọi khác đi là “Tuấn Xuyên” hay là “trị thuỷ” mà cây cối tốt tươi, gây thịnh vượng cho nước, nên được điềm lành hiện ra là “Thanh Long chi vu giao. Chúc Dong giáng vụ Sùng Sơn”.

Thanh Long là chòm sao phương Đông hiện ra ở phía Nam (giao). Chú ý hai chữ Giao Chỉ đã ló dạng nơi đây. Chúc Dong là thần Lửa chỉ phía Nam . Thế nghĩa là văn minh Đông Nam phát triển tức cũng là Việt đạo được thể hiện với nhà vua đầu tiên của nước Tàu. Đó là nhà Hạ do ông Đại Vũ nên khi Khổng Tử nói “phải theo triết lý chữ thời của nhà Hạ, Hành Hạ chi thời, chữ hán” (L.N XV.10) thì cũng chính là “Hành Việt chi Đạo vậy”.

Vì lý do đó mà quyển Chữ Thời mới lấy khung của Hồng phạm để quảng diễn nền minh triết của Việt Nho. Nhân nói đến chữ Việt xin kể chi tiết nhỏ sau đây:

Trong mấy thiên đầu của Kinh Thư chữ Viết cũng đọc và viết là Việt, “Viết nhược kê cổ cũng là Việt nhược kể cổ, chữ hán”. Các nhà chú giải lâu đời nhất như Mã Dung và Khổng An Quốc cũng chỉ giải nghĩa rằng đó là câu nói giáo đầu (phát ngữ từ) nhưng không đưa ra lý do tại sao lại dùng câu đó, tại sao chữ viết với Việt lại dùng lẫn lộn. Sau đây là giả thuyết làm việc của chúng tôi. Có lẽ câu đó do một người Việt được tuyển lựa để viết ra. Vì có truyền thuyết rằng, nước Việt Thường cống con rùa có mang trên lưng lịch sử gốc tích trời đất viết bằng lối chữ “cổ văn tự”, nhân đấy vua chọn nhân tài trong đất Việt để viết lịch sử. Vì thế mà có câu lập lờ mở đầu “Việt nhược kê cổ”. Cả Mã Dung lẫn Khổng An Quốc đều cho là chữ nhược là thuận, chữ kê là khảo. Vì thế câu trên có nghĩa rằng: người Việt thuận theo ý vua xin kê cứu việc cổ xưa. Nếu nói là Viết nhược kê cổ thì ra câu văn thiếu chủ từ. Còn khi thay vào bằng chữ Việt thì có chủ từ là người Việt, nhưng phải cái phiền là ghi công người Việt vào đầu kinh Thư không tiện, nên cho rằng chữ Việt với Viết như nhau, rồi sau này ai có “tai” thì hiểu lấy.

Trên đây chỉ là một giả thuyết đúng hay sai khó ai tìm ra lý lẽ đủ, có điều nó diễn tả được nội dung kinh Thư đầy chất Viêm Việt, chẳng hạn “khả ái phi quân, khả uý phi dân” (Đại Vũ mô câu 17), “đáng yêu không ngoài vua, đáng sợ không ngoài dân”. Sách “Nhật giảng” giải rộng bằng câu sau “quân sở khả uý, khởi phi dân hồ?” Những người đáng cho nhà vua sợ thì còn ai nữa ngoài dân? Đúng giọng Viêm Việt đặt dân ngang với trời: “thiên thông minh tự ngã dân thông minh”. Vì thế đường lối các triết vương nhà Ân (một nhà rất Việt) là đi theo lối sợ trời và bàn dân: “Ân tiên triết Vương địch uý thiên, hiển tiểu dân, chữ hán” (Tửu cáo câu 9). Còn biết bao câu khác tương tự trong kinh Thư. Có thể nói tất cả kinh Thư được bao trùm trong bầu khí kính nể dân như vậy, cho nên giả thuyết nói kinh Thư do người Việt nếu có sai chi tiết thì vẫn đúng với sự thực lớn lao.

Sự thực lớn đó nằm trong phương trình “thiên thông minh tự ngã dân thông minh. Thiên minh uý tự ngã dân minh uý… đại vu thượng hạ” (Cao Dao mô) = trời thông minh là do dân ta thông minh. Trời ưng thuận hay biểu lộ uy thế là tự đầu ưng thuận hay biểu lộ uy thế, trên dưới liên hệ như một tức dân với trời không hai. Theo câu trên ta có thể nói rộng ra rằng, nếu trời cầm buộc thì dân cũng cầm buộc, nếu trời ban cho thì dân ban cho. Nên khi kinh Thư nói “thiên nãi tích Vũ Hồng Phạm Cửu trù” thì có nghĩa là “dân mãi tích Vũ Hồng phạm Cửu trù” vì tích là ban ra bằng nói, thế mà ông trời Đông phương không nói, mà “nhân giả kỳ Thiên địa chi đức” tượng trưng bằng con rùa vì lưng tròn bụng vuông. Vì thế thay vì nói dân ban sách thì bảo là rùa vì con rùa mang trên lưng 9 số từ 1 đến 9 tức là gồm hết lịch sử tạo thiên lập địa, nên cùng một họ với con rùa mà Việt Thường cống vua Nghiêu (1) đội trên lưng lịch sử đất trời. Đó cũng chính là Lạc Thư 65 chữ “lục thập ngũ tự giai Lạc Thư bổn văn” (tiền Hán thư, Ngũ hành chí, thượng). Hoặc trên nữa là con rùa đội Lạc thư lên cho vua Phục Hy… cũng như sau này thần Kim Quy vẽ bản đồ giúp vua An Dương Vương xây Loa thành và giữa nước v.v… Tất cả trong bấy nhiêu truyện đều nói đến rùa. Vậy có nghĩa là gì? Thưa tất cả đều chỉ hiền triết vì chữ hiền viết với bộ bối mà bối chỉ các loài sò dùng vỏ làm tiền cũng có liên hệ với rùa (quy bối). Rùa là giống sống lâu cả từng ngàn năm, mà sống lâu thì trở nên linh thiêng = “ quy tuế cửu tắc linh” (có ý nói người già giàu kinh nghiệm), mà linh thì tỏa ra cùng trời khắp đất. Con rùa cũng đáp ứng điều này vì lưng tròn chỉ trời, 4 chân chỉ đất, lại là giống sống dưới nước và có rất nhiều ở miền Dương Tử Giang… Vì thế nên Viêm tộc dùng rùa để chỉ Hiền triết tinh hoa của Dân. Và khi nói Việt thường cống con rùa… thì phải hiểu là có sự hiện diện của một hiền triết trong phái đoàn sứ giả. Rất có thể phái đoàn đem đến một con rùa trên lưng có một số chữ xếp đặt như Lạc Thư, hay chính là Lạc Thư… Những chữ đó nói gì? ai viết? Tại sao lại viết trên lưng rùa, mà không trên lưng con khác… thì tất cả đều đòi hỏi một trí óc vĩ đại mà người ta quen gọi là hiền triết. Việt Thường cống con rùa là có một số hiền triết Viêm Việt chịu ra giúp vua Nghiêu. Dân là nước, trị dân là trị nước. Nước cho là dân cho. Hà xuất Đồ Lạc xuất Thư là dân cho ra Hà Đồ, dân cho ra Lạc Thư. Ông Vũ được trời cho Hồng phạm là được dân hay đại biểu dân là hiền triết (như Cơ Tử) khải thị cho Hồng phạm và nhờ đó mà ông có “tài trị nước” trở thành “Hữu Hạ, chữ hán” tức là được lòng các nước phương Nam mùa Hạ mà nổi nhất là Bách Việt. Phương Nam với mùa Hạ là một. Do đấy lập ra nhà Hạ có nghĩa là lập thành liên bang Việt Nam . Vì thế sách Trúc thư Kỷ niên kể rằng “khi vua Vũ đi tuần xuống miền Nam ra tới giữa sông Dương Tử thì có 2 con rồng vàng đến đội thuyền. Đoàn tuy tùng kinh hãi. Vua Vũ nói rằng ta chịu mệnh trời xuất tận lực vào việc nuôi người, sinh ra là tính, chết là mệnh, việc chi phải lo ngại con rồng. Rồng liền kéo đuôi mà đi”. Hai con rồng là hai miền tả ngạn sông Dương Tử tức miền của Việt Nam thờ vật tổ dương là rồng vàng. Ban đầu rồng đội thuyền là có ý phòng hờ, nhưng khi thấy vua Vũ đi theo đúng với triết lý Hồng phạm là lo cho dân thì thôi không tổ chức chống cự nữa, nhưng để mặc cho Đại Vũ đi vào miền Nam để trở thành “Hữu Hạ” tức là nắm được phương Nam .

(1) Vua Nghiêu hoặc vua Vũ Văn nhà Châu không quan trọng, vì đây là huyền sử chỉ có ý nói cho Bắc phương biết văn hóa phương nam cao cả có đã lâu đời từ lúc nước Việt còn nằm ở dưới phận dã hai sao Ngưu Nữ ở phía Hằng Sơn. Hằng với Thường là một. Nói Việt Thường là nói đến nước Việt lúc còn ở dưới chân núi Hằng Sơn. 

KINH LỄ

Sau Thư đến Lễ. Kinh Lễ vẽ lại cái lý tưởng sinh hoạt của xã hội Việt tộc xa xưa. Nếu Hồng phạm nói số sinh 1, 2, 3, 4, 5 (lý thuyết) thì kinh Lễ dùng số thành 6, 7, 8, 9 tức áp dụng lý thuyết vào thực tại đời sống. Cốt tuỷ của kinh Lễ là thiên Nguyệt lệnh. Nguyệt lệnh phát xuất tự nhà Minh Đường nơi làm lịch, nhưng phải hiểu lịch theo nghĩa thiêng liêng ngày xưa nên là rất quan trọng. Bởi vì đối với đời sống nông nghiệp thì Lịch bao hàm cả đời sống toàn triệt từ ăn làm qua việc cưới gả, lên cho tới tâm linh tu luyện (P.C. 133) nên nhà Minh Đường có trải qua nhiều hình thái như Linh Đài hay Bích Ung cũng gọi là Văn tổ (Danses 290-291). Trong nhà đó coi trọng kinh nghiệm tức là coi trọng tuổi già, và xếp đặt ngôi thứ dưới trên dựa trên tiêu chuẩn tuổi tác (quy tuế cửu đắc linh). Đó là ấn tích của Viêm tộc, của dân gian vì thế có lịch Lý của Vương triều, mà cũng có lịch tình của dân gian, cuối cùng lịch tình của dân gian đã thắng vượt (Socio 88-91). Chúng ta hãy đọc lại cốt tuỷ thiên Nguyệt lệnh thì sẽ nhận ra. Muốn vậy ta hãy thu gọn lại trong một bảng tóm như hình sau đây.

Nam
Số 7 , Viêm Đế tế gà trùng: lộng vũ thàn: Chúc Dong 
Đông
Số 8, Thái Hạo tế cửu trùng: lân thần: Cú Mang Hoàng Đế Tế bò trùng: khoả thần: hậu thổ 
Tây
Số 9 Thiếu Hạo tế chó trùng: mao thần: Nhục Thu 
Bắc
Số 6 Chuyên Húc tế heo trùng: giới thần: huyền minh 

Bảng này được rút gọn cho dễ hiểu, vì cần phải nắm được nó mới hiểu được nhiều điểm then chốt thuộc nguồn gốc nước ta (xem bảng Nguyệt Lệnh đầy đủ ở quyển Vũ trụ nhân linh) ở đây chỉ cần ghi chú hai đế của trục Đông Nam :Đông là Thái Hạo = Phục Hy

Nam là Viêm Đế = Thần Nông

Còn hai đế của trục Tây Bắc là: Thiếu Hạo = Thiên Kim

Chuyên Húc = Cao Dương

Về trùng của trục Đông Nam là vũ = giống biết bay nên tế gà Đông là lân = giống thú hiền nên tế cừu.

Do lẽ đó mà nước ta nhận cả điểu (Hồng Bàng) đi với vật tổ Tiên và thú hiền như lân (Lạc Long Quân) đi với vật tổ rồng. Trùng của trục Tây Bắc là: Tây: mao giống thú dữ: tế bằng thịt chó. Bắc: giới = giống có vảy: tế thịt heo…

Chưa tìm ra lý do tại sao giới mà lại tế heo. Nhưng đây là tiêu biểu nên phải hiểu cách co giãn. Về trung ương thì chữ Hoàng Đế nên hiểu là Hoàng hợp với ngũ đế, còn khi hiểu cho vua Hoàng Đế thì đó là chiếm công vi tư. Vì đây là cung của Hậu Thổ nên phải thái công, vì thế trùng phải là khoả nghĩa là trần trùng trục không có vảy hay lòng hoặc mao chi hết để biểu thị thánh nhân vô tâm. Tế bằng bò vàng là lấy về sắc vàng là sắc của Hậu thổ. Vì mối liên hệ vật biểu nên nhiều lần tự xưng thí dụ là Khuyển Nhung một cách rất thành khẩn, nên khi nói Khuyển Nhung thì không cần phải có ý bảo nhung là chó, mà có nghĩa y như ta là con cháu tiên rồng.

Xem trong bảng trên ta sẽ dễ nhận ra nền văn hóa và nắm giữ quyển hành cai trị, vậy mà trong khi đổ khuôn đã không dám đoạt hết ngôi vị dành cho Viêm tộc, thí dụ thay vì để Viêm Đế và Thái Hạo ở số 2 và 3 Hoa tộc đã có thể đặt Đế Cốc Đế Chí thay vào thì đã làm sao. Hoặc ít nữa họ đã có thể đem Chuyên Húc và Thiếu Hạo đặt vào số 2, 3 vì đó là hai ỷ số, vậy mà không, họ vẫn dành hai ỷ số cho Viêm Đế và Thiếu Hạo thì ta biết họ được cảm hóa. Viêm tộc đã chinh phục lòng họ rồi.Và như vậy họ bằng lòng với số 4 và 1 và hai vật tế “thấp hơn là heo và chó, không sang bằng kê với dương. 

Phụ chú
Trong các sách khi nói đến Tam Hoàng thì viết là (chữ hán) tức là Bạch Vương, còn Hoàng Đế thì lại viết là (chữ hán). Chỗ này có thể ngờ rằng đã có một sự đánh tráo trộn: lẽ ra Hoàng Đế phải viết với bộ Bạch Vương để chỉ ông vua từ miền Tây mà đến nên thuộc hành kim sắc trắng gọi là Bạch Đế, thờ vật tổ thú (mao). Theo sách Trúc Thư kỷ niên thì Hoàng Đế đã dẫn đầu bốn giống thú dữ là hổ, báo, hùng, bi, tức bốn dân thờ vật tổ thú từ phía Tây, lại thờ thần Nữ Bạt thuộc Đạo Vu nghiễn cũng từ phía Tây, sắc trắng. Vì thế phải viết Hoàng là Bạch với Vương mới trúng. Còn Tam Hoàng là những ông vua sáng lập ra nền văn hóa nông nghiệp thì viết là (chữ hán) tức là với bộ điền và cộng bổ đôi. Cộng điền chỉ phần ruộng ở giữa theo phép tỉnh điền của 8 gia đình phải làm chung cho nhà Vua. Nhưng vì sau mất ý thức nên một đôi sách viết khác cũng như hai chữ Hoàng dùng lẫn lộn. Giả thuyết trên được kiện chứng do việc Tần Hoàng bắt đổi chữ (hán) ra (hán). Xưa kia chữ tội viết là (hán) nhưng vì chữ này tương tự với chữ Hoàng nên bắt phải đổi ra chữ (hán) (Leg III. 40). Cũng phải đặt trong ý tưởng này việc Hoa tộc đôi khi xưng mình là Hoàng tộc, thì cũng là sự đánh tráo nối dài của Hoàng Đế trên kia. Hoặc xưng như thế là có ý khoe mình thuộc Hoàng gia, và coi trọng dòng vua theo tư thế của Hoa tộc. Còn nếu nói theo nghĩa gốc Tam Hoàng thì Viêm tộc mới chính là Hoàng tộc. Hoàng tộc là Viêm tộc mà đại diện nay là nước Việt Nam nên xưa kia các cụ hay gọi là Hoàng Việt (xem Việt điện u linh, và Lĩnh Nam trích quái) vì lý do đó chúng ta chỉ gọi là Hoa tộc mà không gọi là Hoàng tộc. Bởi vì Hoàng tộc thuộc văn minh nông nghiệp thờ Thần Nông cũng gọi là Điền Tổ (Maspéro 24) vì là nền văn minh cao hơn du mục, nên khi nhà Chu du mục vào chiếm quyền nhà Thương nông nghiệp thì đã tô tạo ra (tức lấy một hai yếu tố xa xưa mà tạo thành) một ông tổ gọi là Hậu Tắc (Creel 215 Naissance). Và cuối cùng tôn Hậu Tắc lên bậc thần lúa tắc, bắt chước lối Thần Nông đã trở lên thần lúa mễ, để cuối cùng chiếm chỗ của Thần Nông trong việc tế xã tắc (Hoa tộc) mà không còn là Xã Mễ (Viêm tộc). Khi ta nói “Thần xã tắc” là vô tình ta nói lên một sự kiện lịch sử to lớn trong cuộc tranh giành không có kẻ thắng người bại: Viêm mất chỗ cùa Thần Nông nhưng lễ xã mễ thì được công nhận. Nhà chính trị công nhận lễ Thần Nông nhưng phải đổi xã mễ ra thần xã tắc. Viêm tộc giữ phần xã, nhường cho Hoa tộc chữ tắc (lấy trong Hậu Tắc). Đây chỉ là một giả thuyết làm việc, ghi lại để mở ra những đường hướng sưu tầm nghiên cứu và nhất là để làm thức tỉnh lại ý niệm về hai hướng văn hóa giao thoa. 

KINH THI 

Kinh Thi là quyển kinh điển của Việt tộc thì là điều có thực, nhưng vì được san định lại nhiều lần, tước bỏ đi có đến 9/10 (ba ngàn bài chỉ giữ có 300) nên bị xuyên tạc đi nhiều. Nhất là còn bị những chú sớ của Hán Nho che đậy rất kỹ lưỡng. Tuy nhiên cũng còn nhận ra được phần nào vì lối che đậy vụng về, như lưu ý học giả về những điểm vụn vặt (phú, tỉ, hứng) và nhất là luân lý khiến cho người sau khó tìm ra được những ý ban đầu (P.C. 16). Thí dụ việc gán những bài trong kinh Thi cho Văn Vương, Trang Vương, Hậu Phi v.v… là chỗ khiến tôi nóng mặt sừng sừng mỗi khi đọc các chú sớ của lũ Hán nho. Ngoài ra còn lối đặt tên các nước thuộc phương Bắc, lưu vực Hoàng Hà, để đối chọi với Sở từ thuộc lưu vực Dương Tử giang miền Nam. Làm như thế có hại vì trước hết giúp cho vương triều thoán đoạt tác quyền kinh Thi của Viêm tộc. Đấy là việc làm của Hán Nho. Điều đó sẽ làm cho con cháu sau này không nhìn ra di sản thiêng liêng của mình ở đâu nữa, nên thải bỏ để quay ra học những sách hết sức tầm phào. Bởi thế cần chúng ta nghiên cứu Kinh Thi.

Trong khi đọc với cặp mắt phê phán, chúng ta nhận ra ngay rằng nội dung kinh Thi phần lớn thuộc Viêm tộc, vì bầu khí cởi mở, đàn bà tương đối còn thong dong, ca múa tưng bừng… Đã vậy ta còn thấy chứng cớ cả về địa vực. Thí dụ bài đầu:

“Quan quan thư cưu
tại hà chi châu”.

Nếu đọc vội thì ta cho Hán nho nói đúng khi bảo kinh Thi thuộc phương Bắc, vì ở phương Bắc gọi sông là Hà: Hoàng hà, Cửu hà. Còn bên Nam thi kêu là giang “Trường giang, Hoài giang, Việt giang…” Chắc nhiều học giả đã nghĩ như thế (ấy là nếu có óc phê bình nhận xét) nhưng khi đọc kỹ liền nhận ra chữ Hà ở đây không là sông mà chỉ là gò ở giữa sông. Vậy dù có chữ Hà cũng không trở ngại việc chi cho miền Dương Tử giang. Điều này còn được kiện chứng khi ta đọc xuống bài thứ 9 gọi là Hán quảng:

“Hán quảng chi hĩ
Bất khả vịnh chi
Giang chi vĩnh hĩ
Bất khả phương tư”
“Trên bờ sông Hán ai ơi
Có cô con gái khó ai mơ màng
Mênh mông sông Hán sông Giang
Lặn sang chẳng được bè sang khó lòng”.Sông Hán là chi nhánh sông Dương Tử thì ai cũng biết. Như vậy rõ rệt là địa bàn của thơ châu Nam là miền Dương Tử giang tức là miền của những châu Kinh, châu Dương, châu Hoài… của Việt Nam cổ đại. Ngoài ra còn một số tang chứng rất lớn xuất hiện ngay từ câu đầu, đó là các loại chim.

“Quan quan thư cưu
tại hà chi châu”.

Cưu là một giống chim nước quen sống ở hai vùng Dương Tử Giang và Hoài Giang gồm Cốt Cưu, Quýnh Cưu, Thư Cưu, Cung Cưu và Cưu Cư (là giống không biết làm tổ, phải đi đẻ nhờ tổ chim tước). Dương Tử là miền nhiều chim vô kể, nên chắc vì đó mà tổ tiên ta đã nhận vật biểu điểu, điểu trước nhất đi với vật tổ Tiên, và vì đó xưng là họ Hồng Bàng. Hầu chắc Hồng không cần chỉ là chim to của miền Trường Giang, có thể vì đấy chữ Hồng kép bởi chữ Giang và Điểu. Hoặc cũng có liên hệ với hai loại chim mà kinh Thư thiên Vũ Cống câu 10 nói “Dương điểu du cưu” tức là một thứ ngỗng rừng, cũng gọi là chim mặt trời, vì nhân theo độ cao thấp của mặt trời, mà từ Nam lên Bắc, rồi từ Bắc xuống Nam, đưa thoi theo mùa nóng lạnh. Dù sao thì vùng Dương Tử Giang rất nhiều chim. Kinh Thi đã phản chiếu lại hiện tượng đó bằng chim xuất hiện tràn ngập: Thư cưu mở đầu rồi về sau “Hoàng điểu vu phi. Duy thước hữu sào, duy cưu cư chi. Yến yến vu phi, Trĩ minh cầu kỳ bẫu. Ung Ung minh nhạn, Hồng tắc li chi. Thuần chi bôn bôn. Thước chi cương cương…”

và do đó chim hay đi với việc cưới xin: lễ hỏi phải có cặp ngỗng rừng để chúng “Ung ung minh nhạn” (Creel 279) hoặc truyền thuyết về các bà mẹ nuốt trứng chim rồi sanh con.

Tóm lại vừa có rất nhiều chim và chim lại gắn liền với việc cưới xin kiều trực tiếp (gọi là bôn) thì hai điều đó thuộc phương Nam .

Còn về thú thuộc du mục thì xuất hiện quá ít so với chim, mà con thú xuất hiện đầu tiên trong kinh Thi lại là con lân thuộc phương Đông, hiền đến nỗi không dám giẫm lên cỏ non sợ chết sâu. Còn thú dữ (thuộc mao phương Tây) xuất hiện quá ít không đủ ghi lại được một hình ảnh du mục nào cả, thế có nghĩa là văn hóa du mục thú đã bị lép về hẳn trước sức mạnh của văn hóa nông nghiệp chim (đi với Tiên).

Về trùng cũng xuất hiện ít: một lần là con trung tư (châu chấu) lần sau là con thảo trùng ) có lẽ cũng châu chấu) để đại diện cho trùng trong nguyệt lệnh, nhưng trùng cũng tham dự vào phong thái nông nghiệp của phương Nam , tức rất hồn nhiên trong việc yêu thương. Vậy là trong kinh Thi chủ tịch vẫn là chim: chim đi với dân ca, quốc phong (Socio 76). Các chim được kể đến nhiều là những con hay bay đôi, và cùng ứng đối trong tiếng hót: thí dụ câu “quan quan thư cưu” thì tiếng quan trước là của con cái (nhất âm) tiếng quan sau là của con đực (nhất dương), các câu khác cũng thế. “Ung ung minh nhạn” “Yến yến vu phi”… nói ngay bài đầu hai chữ quan là đủ rõ: “yểu điệu thục nữ”, bản tiếng La tinh mới dám dịch sát, là có một mình, còn “quân tử bảo cầu” là giao cấu: copulari. Đôi khi các cụ ta cũng dám dịch sát đáo để, thí dụ:

“Diệc chi kiến chỉ
Diệc chi cấu chỉ” 

mà dịch là
“Bao giờ cho thấy mặt chàng
Cho ta vui vẻ nở nang tấm lòng”. 

Chữ cấu mà dịch là nở nang tấm lòng thì tuyệt, vì nó có âm văng mãi tới 9 tháng sau. Các con thảo trùng: cái nhảy là đực nhảy theo. Con trung tư:

“bay đậu vui vầy,
nên con cháu mầy
đông thật là đông”.

Tóm lại ta có thể nói kinh Thi phản chiếu khá trung thực đời sống tình ái phương Nam của Việt tộc. Lối sống ấy còn thuộc bộ lạc với tục ngoại hôn, và có tính cách cộng đồng: nghĩa là cứ đến mùa xuân, thì tất cả trai gái làng này (mỗi làng một bộ lạc) đến hát với trai gái làng bên cạnh. Tham dự tích cực thì chỉ có các trai chưa vợ gái chưa chồng để hai bên xem mắt nhau trong lúc hát đối; sau đó họ chia nhau từng đôi, vào các lùm cây, hoặc trong bãi cỏ tặng hoa và giao hợp. Sau lần “hảo cầu” mà nếu đàng gái “nở nang tấm lòng” thì đến mùa thua sẽ cưới đàng hoàng, và từ đấy cô cậu biết đi chơi xuân; còn nếu chưa nở nang gì cả thì đến mùa xuân sang năm lại đi hội nữa. Đó chỉ là tục cưới xin lúc xưa, có mang ý nghĩa thiêng liêng là giúp trời đất trong đạo nuôi dưỡng “tán thiên địa chi hóa dục”. Đó là ý tưởng bàng bạc (tức không ý thức minh nhiên) trong bầu khí trống quân trong các lối hát, các lối hội chùa Lim v.v… mà ta có thể gọi chung là Hội mùa xuân = “chơi xuân”. Tuyệt không có một ý nghĩ tội tình nào pha trộn: từ khi hát đối, liếc nhìn, chọn lựa đến việc tặng hoa thược dược, hoặc trao mấy cành cây nhỏ bó lại để biểu thị sự đoàn tụ đôi bên và cuối cùng hợp thân v.v… tất cả đều được làm một cách kính cẩn trang trọng của một cuộc tế tự có tất cả dân làng tham dự, trong không khí tưng bừng của ngày đại lễ, làm bằng ăn, uống, hát, múa trong niềm hoan lạc thiêng liêng. Nó soi sáng cho những tích trong lịch sử chẳng hạn bà Giản Địch nhân lúc đang dạo ngoài đồng nuốt trứng chim én liền có mang sinh ra tổ nhà Thương… thì ta hiểu ngay được rằng khi bà đi hội vào lúc hoa nở “ngày xuân con én đưa thoi” nó thoi ngay vào bụng bà nên bà có mang. Sự có mang đó không hề một ai cho là xấu mà còn mừng cho đứa con của bà sau này được tôn lên làm vua nhà Thương v.v… Vua nhà Thương được sinh ra do bà mẹ nếu không Viết trong dòng máu thì cũng được thụ thai trong buổi lễ đầy Việt tính nên nói là nuốt trứng chim (kinh Thi Đại nhã bài Huyền điểu). Chim đi với Tiên, mà lại nuốt trong buổi lễ “giao mối” (người mối lái ở phía nam) tức là trong một cuộc hát trống quân được kiểu thức hóa. Nói vắn là hoàn toàn Việt nền bà Giản Địch may mắn hơn bà Khương Nguyên sinh ra Hậu Tắc là tổ nhà Chu . Nhà Chu thuộc du mục rồi sau mới được chuyển hóa theo văn minh nông nghiệp của Viêm Việt. Cho nên bài sinh dân (kinh Thi đại nhã) có thể coi là một thứ huyền sử ghi lại sự chuyển hóa tự du mục Hoa sang nông nghiệp Việt. Thoạt tiên bà Khương Nguyên đi hội mùa xuân. Kinh Thi nói là bà đạp lên lốt chân người to lớn, bụng sưng lên, nhưng khi đẻ ra thì bà sợ nên đem con bỏ ngoài đường hẻm. Đó là hậu quả của luân lý thanh giáo Bắc phương không chấp nhận lối sinh con ngoài hôn phối. Thế nhưng bò dê (hiểu là văn hóa nông nghiệp) lại đến sưởi ấm và khi Hậu Tắc lớn thì trời ban cho tài trí biết trồng ngũ cốc (hiểu là đi vào văn hóa Viêm Việt).

Trở lại với các cuộc chơi xuân, trống quân ta có thể nói đó là những buổi lễ dầy tính chất sáng tạo cả về văn nghệ lẫn sinh lý. Vì thế ai cũng cố gắng sáng tác trong cả văn nghệ lẫn sinh lý. Tuy nhiên cho tới nay các học giả hầu hết không thấy, hay hơi hé nhìn một chút nhưng không đủ can đảm và thông thái để dịch sát nghĩa nhiều bài thơ. Trong các học giả Tây Âu chỉ có Granet là hiểu đúng hơn hết (xem Fêtes et Chansons, Etudes sociologiques v.v… của ông).

Sở dĩ người ta không hiểu vì thói tục trên đi ngược Bắc phong, nên Hán nho thường có những câu kể lại cách khinh dễ như “quân thần đồng xuyên chi dục” của sách Phong tục thông và “Nam nữ đồng xuyên chi dục” của Hậu Hán Thư và các vương triều của Trung Hoa xưa đã cấm hát trống quân ở phương nam và gọi việc cấm đó là “đức hóa” của nhà vua và thực chất chỉ là một cố gắng đàn áp văn hóa Viêm tộc. Sau này Tần Thuỷ Hoàng khoe mình đã trong sạch hóa phong tục phương nam nhất là ở nước Việt, thì phải hiểu về vấn đề tình dục (nên đọc cả trang 488 trong quyển La pensée chinoise của Granet để thấy rõ hai tinh thần Hoa Việt). Trống quân nếu được tổ chức đúng, thì phải ở bên bờ sông dưới chân núi và nhất là ở cửa Đông và Nam(Socio 79-80). Điều ấy nói lên mối liên hệ với nền văn hóa Đông Nam của Việt tộc.

Sở dĩ phải nhấn mạnh điểm này là cốt để minh chứng rằng hầu khí của quốc phong phần lớn là thuộc miền Trường giang, quê hương của muôn loài chim, của tình ái ân không đi qua mai mối, nhưng được bộc lộ cách chân thành bằng những câu nói mộc mạc mang đặc tính chất phác nhưng trầm hùng sáng sủa và sau này trước sức lấn át của Bắc phong, tinh thần đó vẫn còn phục hồi nhiều lần như qua văn thể Sở từ của Khuất Nguyên, của Tống Ngọc hoặc qua nhạc phủ đời Hán… Đây cũng là một sự chỗi dậy của văn học dân chúng, sự hoàn hồn của kinh Thi nó phối hiệp với văn học cung đình gồm những nhóm như Tương hòa ca từ, chữ hán. Sở dĩ nói nhạc phủ là chính kinh Thi hoàn hồn vì tất cả đều có thể phối hợp với âm nhạc là nét đặc trưng của kinh Thi, của ca dao. Ca dao là đồng diêu được ca đước múa. Chính lối nhạc phủ này đã chi phối bầu khí văn hóa, đến nỗi những loại bài quân nhạc tấu lên khi ngôi trên ngựa như “Hoành suý khúc, chữ hán” phát xuất từ phương bắc do Ho tộc đều bị gọi là ngoại lai tức vỏ ra văn chương dân gian đã nắm được chủ quyền từ lâu lắm, đến nỗi ngoại xâm không sao cướp được ngôi chính. Dân gian ở đây phải hiểu là Viêm tộc, nên bao gồm cả những người chí sĩ:: một Dương Hùng, người Cối Kê đã dùng bạch thoại đầu tiên, một Đào Tiềm, thi sĩ nông gia, cũng như biết bao ẩn sĩ, danh sĩ khác của Viêm tộc. Vì những lý do rất nhiều như thế, nên không thể dựa trên một số tiêu đề, thí dụ các bài quy cho các nước lưu vực Hoàng Hà, hoặc một hai danh từ như chữ hề trong bài Nam phong ca mà Dịch Quân Tả cho là nhất định giả tạo vì chữ hề mới xuất hiện từ Chu Sơ, còn trước thời Tam Đại không thấy dùng đến. Nhưng đâu là những tài liệu trước Tam Đại để mà dám kết luận cách tuyệt đối như thế.

Trái lại chúng ta có đủ lý do để nghĩ rằng, đã có một cuộc hòa đồng giữa hai nền văn hóa Viêm và Hoa mà ta có thể gọi là cuộc linh phối hoặc gọi là cuộc tráo trộn cũng được. Gọi là tráo trộn vì Hoa tộc mạnh về võ, nhưng yếu về văn, nên đến lúc phải hòa trộn văn thì đuối, vì thế có thể xảy ra những cuộc tráo trộn do chính Viêm tộc làm ra: nó ở tại đem vào những bài ca của dân gian một ít lời để lái một bài thơ phương nam ra vẻ của phương bắc, hoặc để nguyên cả một bài hay một chuỗi bài như Châu Nam Thiệu Nam mà đặt vào vùng núi Kỳ ở Thiểm Tây để cho người phương bắc dễ chấp nhận. Ở chỗ này chúng tôi có ý kiến của Lương Khải Siêu đáng chú ý: ông đã căn cứ trên âm nhạc để phân chia loại thơ trong kinh Thi và ông cho rằng phải thêm vào một loại thơ thứ tư nữa là Nam sau Phong, Nhã, Tạng vì trong bài “chung cổ” tiểu nhã có câu: “dĩ nhã dĩ nam, chữ hán” theo chữ này thì Nam đứng một loại riêng đối với Nhã, nhưng sau cuộc linh phối thì Nam biến mất như một thể riêng để trở thành “Châu Nam, Thiệu Nam” nhưng giữ vai trò mở đầu quốc phong, giống như câu “Việt nhược kê cổ” mở đầu kinh Thư nói trên. Việc linh phối này chắc xảy ra lâu trước đời Khổng Tử nên đến đời ông thì ông đã không tìm cách lập lại Nam, nhưng chỉ kéo chú ý môn sinh đến hai thiên “Châu Nam Thiệu Nam” cho là chính phong (ngoại giả là biến phong) và cho ai không học 2 chương đó thì như coi vào tường! Mù mịt. Một câu nói đề cao hai Thiên Châu Nam Thiệu Nam đặc biệt, khiến chúng ta ngờ rằng hai thiên đó trước kia đứng một loại riêng, mà nếu để riêng thì khó lòng cho người phương Bắc chấp nhận, bởi vì đây là một trường hợp gặp gỡ đầu tiên của “gió Đông gió Tây” hay là hai loại thuần phong mỹ tục. Về ý kiến này, chúng tôi nhận thêm được bằng chứng trong bản dịch của học giả Legge, ông thêm một chữ và vào hai chữ Châu và Nam, Thiệu và Nam . The odes of Châu and the South, thêm chữ và vào tiêu đề đã nói lên sự dồn đúc hai loại thí dụ “Thuần phong của Bắc và Nam ”.

Phương Bắc có tính cách thanh giáo nghiêm khắc, còn phương Nam thì phóng khoáng, chân thành, nơi mà trai gái tự do gặp nhau và nếu ưng nhau thì tự quyết định lấy nhau không phải qua mai mối hay trung gian nào cả gọi là bôn. Hoa tộc trái lại đòi phải có mai mối, lễ hỏi, lễ cưới nếu không thì coi là mường rợ, là trái đạo đức, nên gọi là dâm bôn. Nói dâm là nói theo phạm trù Hoa tộc, còn với Viêm tộc thì chữ bôn có nghĩa y như chữ Parthenos của Hy Lạp (148) thường được dịch là “đồng trinh” mà sinh con, nhưng chính nghĩa là trai gái lấy nhau không qua trung gian mai mối. Hai lối nhìn đời ấy sau này sẽ thỏa hiệp một cách rất uyển chuyển khi thì Hoa tộc thắng tức “luân lý” thắng. Khi thì Viêm tộc thắng tức luật thiên nhiên hay nghệ thuật thắng. Như vậy vấn đề còn kéo dài qua bao thế hệ dưới nhiều hình thái, thí dụ truyện Kiều: người thì kết án Kiều là dâm thư là vô tình đứng về phương diện luân lý Hoa tộc. Ngược lại người ca ngợi Kiều như một kiệt tác văn chương thì cũng vô tình đứng về phương diện nghệ thuật. Nho giáo đã đứng về phương diện nào? Thưa không bên nào cả nhưng là đứng trên Tính con người, vì “tính tương cận, tập tương viễn”. Tập đây phải hiệu là tập tục mà kinh Thi kêu là Phong là quốc phong tức những tập tục đẹp của một nước, tiếng La tinh kêu là mos gốc của chữ Morale, luân lý. Nhìn thẳng vào nguyên nghĩa như thế, ta nhận thấy không thể nâng luân lý lên làm tiêu chuẩn tối hậu, vì nó chỉ là tập tục, mà tập tục có tính cách riêng lẻ “cái bên này núi cho là thật, thì bên kia núi cho là sai” cũng là cái ngực mà đàn bà xưa thì ẩn các cô nay thì dương v.v… đầy dẫy những thí dụ thay đổi theo không gian (hai triền núi) và thời gian (xưa và nay). Các nhà luân lý vì không nhìn ra điều đó nên tôn phong luân lý, hay thuần phong mỹ tục lên bậc tuyệt đối là tỏ ra thiếu óc triết và vì thế làm cho con người chia li “tập tương viễn”. Nếu Hoa tộc cũng như Viêm tộc đều cương quyết tuyệt đối hóa “luân lý” của mình thì làm sao hai dân tộc đã hòa hợp với nhau nổi. Sở dĩ họ đã hòa hợp vì có những vị hiền triết đã coi nhẹ tập tục, biết tương đối hóa “luân lý” để vươn lên bậc tính thì mới làm cho hai dân tộc “tương cận”. Bởi chưng Tính là cái chi phổ biến giàu tính chất bao dung. Còn khi phải biểu lộ ra thì nghệ thuật thường gần với Tính hơn là luân lý, vì bản chất nghệ thuật là hòa hợp nên giàu tính cách uyển chuyển chứ không khúc chiết như lệ tục. Vì thế Khổng Tử tỏ ra nhấn mạnh nghệ thuật nhiều hơn luân lý: ông đề cao thơ Châu Nam Thiệu Nam mà hai thiên này nổi về nghệ thuật chứ không về luân lý; vì luân lý chỉ hoàn toàn do chú sớ của Hán nho cho vào một cách lố bịch. Ta có thể căn cứ vào tiêu chuẩn này để dò tìm “xuất xứ” của một số bài quốc phong thì có lẽ nhận ra được những bài nào đã bị lài theo óc thanh giáo phương Bắc. Thí dụ bài “thạc nhân” trong Vệ phong có thể ngờ là do phương Bắc, vì phương Bắc cưới dâu, còn phương Nam cưới rể. Ở phương Bắc con gái bị quản thúc còn phương Nam con gái được nhiều tự do. Nhưng sau dần dần thanh giáo phương Bắc xâm lấn tự do phương Nam . Có lẽ vì sự xâm lấn này mà đến một lúc nào đó các Hán nho đã để cho óc thanh giáo tràn ngập bóp nghẹt tinh thần Viêm tộc, cũng là tinh thần ưa nghệ thuật và có lẽ vì đó mà kinh Nhạc là chúa nghệ thuật bị thất lạc dưới gót giầy chinh phục của luân lý.

KINH NHẠC 

Kinh Nhạc là phần của Viêm tộc mà đời sống dệt toàn bằng ca bằng vũ, đến nỗi không những có quốc ca mà còn có quốc vũ. Và nhiều bộ lạc của Viêm tộc đã không chịu phục tùng cho tới lúc kẻ xâm lăng là Hoàng Đế lẫn Nghiêu, Thuấn, Vũ phải dùng ca vũ, nghĩa là phải chấp nhận tinh tuý văn hóa Viêm Việt (xem Kinh Thư, Đại Vũ mô 21). Sau này đến giai đoạn Hán nho mới để mất kinh Nhạc và kinh Vũ, là chạy theo óc trục lợi cận thị được kết tinh trong thiên “Phi nhạc” của Mặc Địch. Sự đánh mất kinh Nhạc kinh Vũ tiêu biểu cho một sự đánh mất ý nghĩa sâu xa của văn hóa Viêm tộc, một nền văn hóa rất ưa vũ. Trong bài đại tự của Mao Thi có viết: “Lời nói không đủ cho nên ta thán. Ta thán không đủ cho nên ca vịnh. Ca vịnh không đủ đưa đến việc tay múa chân nhả”…

Bao giờ ca vịnh không đủ? Thưa là lúc tình tràn bờ. Ai cũng công nhận phương Nam tình cảm mạnh hơn phương Bắc, vì thế có sự tràn bờ hơn nên múa nhảy nhiều hơn. Bởi vậy yếu tố Viêm Việt được biểu thị nhiều bằng ca vũ và vũ là bản tóm tài tình nhất của kinh điển: vì trong Vũ thì kinh Dịch đánh nhịp là nhất động nhất tĩnh; kinh Thư với thiên Hồng phạm phác họa lược đồ của vũ khúc, còn Nguyệt lệnh của kinh Lễ chính là thực sự múa và hát theo cung điệu mỗi mùa, theo lời được đặt trong kinh Thi, để biểu thị sinh thú ở đời. Vì nhạc ở đợt cao thâm như vậy nên là nền văn minh duy nhất có bộ trưởng bộ nhạc, bộ vũ là ông Quỳ. Đây là một trong hai bộ đặc biệt của Nho Việt, tức bộ Nhạc và bộ “Nạp ngôn, chữ hán” do ông Long điều khiển (Thuấn điển 26). Việc của bộ Nạp ngôn là phải nghe dân mong mỏi gì để đạt lên chính quyền (xem Thuấn điển, câu 23). Tóm lại nhạc là đặc điểm của Viêm tộc, nên trải qua bao nhiêu thế hệ nhạc và vũ tuy bị cản ngăn, vẫn sống âm thầm trong dân gian và ngày nay khi ta đi vào dân ca, mới ngỡ ngàng nhận ra cả một kho tàng mênh mông của Nhạc Việt. Thì ra cũng như bao yếu tố khác của Việt nho khi bị Hán nho lấn át lại rút lui về sống tai các thôn ấp xóm làng, và nhờ thế duy trì được sự sống của một nền văn hóa dân gian, cũng chính là của nhân gian, một nền văn hóa có thể nói là cho tới nay đã ghi được nhiều thành tích cụ thể nhất vào đời sống thường nhật. Đây là đề tài của kinh Xuân Thu sẽ được bàn ở bài “Tự Hà vu với Hà Lạc”.

Bây giờ hãy tóm lược lại quá trình hình thành kinh điển và xin tạm chia ra ba đợt sau. Đợt nhất gọi là Hoàng Đạo thuộc Tam Hoàng là Phục Hy, Thần Nông, Nữ Oa. Đây là giai đoạn hoàn toàn thuộc Viêm Việt và là thời đặt nền móng và ta gọi được là giai đoạn “Đại Đạo tam tài”.

Giai đoạn hai gọi được là Vương Đạo kéo dài từ đời Hoàng Đế cho đến hết thời Xuân Thu là giai đoạn Hoa tộc cùng với Việt tộc quảng diễn cái sườn của giai đoạn trên và gọi được là giai đoạn “ngũ hành Thường Đạo” trong đó Hoa tộc giữ 2 phần, còn Viêm tộc chừng 3, cả hai lập ra một mối quân bình lý tưởng là “tham thiên lưỡng địa” Trời (Viêm) ba, địa (Hoa) hai.

Cho đến giai đoạn thứ ba là Bá Đạo thì Hoa tộc lấn Viêm tộc: có thể nói Hoa tộc 3 mà Viêm tộc chỉ có 2, nên kể là Bá Đạo cũng gọi là Hán nho trong đó kinh điển bị giải nghĩa theo óc chuyên chế của pháp gia, của óc đế quốc Hán nho. Bởi vậy đã không thêm được kinh nào, mà còn đánh mất kinh Nhạc, kinh Vũ và vùi lấp ý sâu xa của Việt nho bằng những chú sớ vô duyên của kinh Thi, Dịch, Lễ… Giai đoạn Hán nho này làm chủ tình thế mãi đến tận nay, còn Việt nho chỉ sống âm thầm cách mặc nhiên, đôi khi mới nhô lên ý thức một hồi, rồi lại rơi vào mê man nghĩa là phần lớn sống lẩn quất trong tiềm thức biểu lộ cách mung lung qua những truyện truyền kỳ, thần thoại như được ghi lại trong Sơn Hải Kinh, Hoài Nam Tử, Liệt Tử, Ngô Việt Xuân Thu v.v… Nếu ở những nền văn minh khác thì đó là thần thoại, vì dân bản thổ không còn bao giờ mở miệng ra được nữa, trái hẳn lại ở Viễn Đông, Viêm tộc đã góp phần ăn nói rất nhiều đến nỗi hầu choán cả phần của kẻ xâm lăng (như sẽ bàn trong bài sau về ca dao) nên những thần thoại được gọi là huyền sử, vì chúng đảm nhiệm được sứ mạng nuôi dưỡng tinh thần dân tộc cũng như ban đầu đã làm cơ sở tinh thần cho Viêm tộc trong thời khuyết sử.

Đấy là về mặt tinh thần, còn mặt sinh sống cũng thế, nghĩa là Viêm tộc bị dồn dần vào một mảnh đất nhỏ là nước Việt Nam. Sở dĩ Việt Nam đã tranh đấu trong nhiều ngàn năm là vì mặc nhiên từ trong tiềm thức đã như mang một lời di chúc là nếu dòng Viêm tộc ngày sau có bị mai danh ẩn tích thì những người còn lại phải duy trì nhang khói trước hồn linh của văn hóa Viêm tộc và đó là sứ mạng của Việt Nam. Muốn chu toàn sứ mạng này thì điều kiện tiên quyết là phải nhận thức trở lại phần đóng góp của Viêm tộc. Nhưng sự nhận thức này rất khó, cần phải có óc tê vi, vì nó không lộ liễu nhưng tàng ẩn như cái quy trong tay Nữ Oa hay nói theo tiếng Tây là khía cạnh nữ tính tiềm ẩn, tuy tiềm ẩn nhưng rất thiết yếu cho sự thống nhất văn hóa, một nền văn hóa chỉ có vòng ngoài hay khía cạnh Nam tính tức chỉ có độc hướng tới việc chinh phục sự vật, và thiết lập những quy chế theo nếp sống tập thể cho những việc công cộng, sẽ chóng đốc ra khô khan, rời rạc, tan rã như tình trạng bi đát của văn hóa Tây phương hiện nay, và khỏi nói ai cũng nhận ra là văn hóa Viễn Đông đang lao đầu vào cái dốc sa đọa ấy. Đấy gọi là vong bổn. Bổn gốc của Viêm Việt là thiên, của Hoa là địa. Vì địa hiện hình nên lôi kéo hơn tượng lờ mờ của Thiên. “Tại thiên thành tượng, tại địa thành hình”. Tượng không biểu lộ như hình, vì thế tuy nội dung văn hóa Viễn Đông do Viêm Việt nhưng dạng thức lại do Hoa tộc được đại diện rõ nhất là Tần. Nhà Tần tự miền Tây tràn vào đã đổ khuôn chính thể và lưu lại cả tên cho nước Tàu là Tần (mà ngươi Tàu đọc là Tsin, Tây nói theo đó đọc là Chine, Maspéro 318) và cùng với danh hiệu là cả một hệ thống định chế, pháp luật, tổ chức nước Tàu thành quận huyện. Quả là tại địa thành hình, còn tại thiên chỉ có tượng. Ngày nay hình lại được tiếp hơi do nền văn minh Tây phương “duy địa” càng làm cho Tượng linh của Việt nho bị lặn mạnh thêm trên đà sa đọa. 

Kim Định
TTđTD - Theo: Anviettoancau.net

Không có nhận xét nào: