Thứ Sáu, 17 tháng 4, 2015

Trò chơi rồng rắn lên mây: Cội nguồn và văn hóa giễu nhại dân gian

TTđTD - Tổ tiên người Việt có nền văn hóa huyền vĩ nhưng đã khéo léo cất dấu cái văn hóa này dưới những cách thức khác nhau: trống đồng, tranh dân gian, trò chơi dân gian, truyện cổ tích...

1. Có nhiều cách để xếp loại một trò chơi dân gian :

Theo nội dung, đề tài người ta có thể xếp : trò chơi chiến trận, trò chơi nông nghiệp, trò chơi buôn bán, trò chơi học hành, trò chơi ngư nghiệp, trò chơi tôn giáo… Theo cách tổ chức chơi có thể xếp : trò chơi cá nhân, trò chơi đối ngẫu, trò chơi đội hình, trò chơi phe nhóm… Theo kỹ năng và mục đích chơi có thể xếp : trò chơi ngôn ngữ, trò chơi khéo tay, trò chơi nhanh chân, trò chơi trí tuệ, trò chơi thể lực… Nhưng người ta cũng có thể kết hợp nhiều tiêu chí để nhận diện một trò chơi đặng mô tả và nhận thức được nó, với cách này, ta có thể định nghĩa trò chơi “Rồng rắn lên mây” như sau : Đây là một trò chơi đuổi bắt được thực hiện bởi một cộng đồng chia phe nhóm giàu tính sân khấu và trình diễn, có mục đích rèn luyện kỹ năng hoạt động nhóm và kỹ năng tránh né tai họa. Nó mang đến niềm cộng cảm hứng khởi cho trẻ em và cho cộng đồng.

2. Giá trị cơ bản của trò chơi “Rồng rắn lên mây” :

a. Trước hết là giá trị đối với người chơi :

- Người chơi hiểu biết, đồng thuận với một “kịch bản” truyền thống được mọi người thừa nhận, trong đó quy cách chơi phải được tuân thủ. Quy cách này là vốn truyền thống truyền lại từ xa xưa, ông bà cha mẹ đã từng chơi và trẻ con “học” theo. Đứa trẻ chưa từng tiếp xúc, hoặc lần đầu chơi đều phải biết và dần thành thục quy cách này, nếu không sẽ nhanh chóng bị loại khỏi cuộc chơi vì “Mày chả biết chơi !”.

- “Rồng rắn lên mây” là một trò chơi nhóm, có đội hình, có phân vai và mọi người phải thực hiện vai chơi của mình trong sự phối hợp với người khác. Ở đây, người chơi được rèn luyện kĩ năng phối hợp với nhau, sự gắn kết của các cá thể trong dây “rồng rắn” nếu không sẽ xảy ra tình trạng “đứt dây”, rã đám chơi. Kĩ năng hoạt động nhóm – như ta thường nói – được rèn luyện từ đây.

- Trong trò chơi, có người tìm bắt (thầy thuốc), có người cản trở (đầu bịn), có nhiều người di chuyển né tránh theo chuỗi (các con). Quá trình hành động sẽ tạo cho người chơi kĩ năng nhanh nhẹn né tránh tai họa (bị bắt) bằng sự nhanh nhẹn, khéo léo và sức khỏe dẻo dai. Đây là một kĩ năng sống mà từ sinh vật đến con người đều cần thiết. Trong lúc đó, nền giáo dục chúng ta luôn hướng hẳn về một xã hội, một môi trường tốt đẹp, không tai họa cho nên, khi gặp những ứng xử thực tế, trẻ em bị lúng túng.

-Bộ phận lời trong trò chơi có giá trị khởi đầu và cầm nhịp cho cuộc chơi. Với ngôn từ nhiều hình ảnh, giả tưởng, khó hiểu, đối đáp… trò chơi đã góp phần rèn luyện kĩ năng ngôn ngữ cho trẻ nhỏ. Những bé nói ngọng, nói nhịu sẽ qua môi trường này mà tự sửa được khuyết tật của mình.

- Nhưng điều quan trọng hơn là trẻ em khi tham gia cuộc chơi sẽ có đươc niềm hứng khởi cộng cảm, đồng thời nhận thức được sự khác biệt của từng cá thể, qua đó xác định tư cách, nhân cách, vai trò khác biệt của mình trong cộng đồng, trong nhóm. Đây là hiệu quả kép của hình thành nhân cách :

+ Tính cộng cảm đó là hứng khởi chung khi tiến hành trò chơi, những quy cách mà toàn thể phải tuân thủ, ngôn từ mà toàn thể xướng lên, niềm vui buồn mà tất cả đều có được khi cuộc chơi thuận lợi hoặc rã đám.

+ ”Sự khác biệt” là yếu tố sống còn để hình thành cá tính. Trong khi chơi, với những va chạm, phối hợp trực tiếp, con trẻ sẽ nhanh chóng nhận ra sự khác biệt của từng cá thể : khỏe – yếu, nhanh – chậm, khôn – dại, lớn – bé, thậm chí là dũng cảm – nhút nhát, mồ hôi muối – mồ hôi dầu, rách – lành, giàu – nghèo… Nhận thức được sự khác biệt cũng có nghĩa biết định vị năng lực, phẩm chất, vai trò của mình trong tập thể, trong nhóm. Điều này quan trọng tới việc hình thành những tính cách. Cái mà chương trình giáo dục nước ta xưa nay chủ trương tạo ra sản phẩm nhất loạt, giống nhau cần được bổ sung bằng sự tôn trọng sự khác biệt. Cứ so sánh với những trẻ em suốt ngày chơi vi tính và úp mặt vào màn hình, chúng ta sẽ thấy sự phân biệt giá trị lớn lao. Thường thì trẻ em nông thôn trước đây không có khái niệm tự kỷ hoặc trầm cảm.

b. Giá trị đối với cộng đồng chứng kiến :

Trò chơi là một quá trình trình diễn trong các không gian công cộng (sân đình, ngõ xóm, hội quán, bãi cát, trảng cỏ…) trước sự chứng kiến của nhiều người. Trong văn hóa dân gian, người chứng kiến cũng được quan niệm như người trong cuộc, họ sẵn sàng nhắc nhở, can thiệp vào cuộc chơi với mục đích trò chơi không bị rã đám (chỉ dẫn quy cách, giúp trẻ bị ngã, ngăn trẻ chơi xấu…). Trong không gian trực tiếp đó, niềm hứng khởi cộng đồng, trách nhiệm với trẻ thơ, ưu khuyết điểm từng cá thể tham gia chơi được người chứng kiến nhận thức và sẽ có những điều chỉnh trong ứng xử và giáo dục, nuôi dưỡng con cái.

Đồng thời, chúng ta thử tưởng tượng một không gian làng quê không có tiếng chim hót, gà gáy, chó sủa và tiếng trẻ nô đùa… Đó là một không gian trầm mặc và u buồn, thiếu sinh khí. Con người sống trong không gian như vậy sẽ mệt mỏi về tinh thần, thiếu niềm vui sống và hạn chế về khả năng hoạt động và sáng tạo. Chúng ta yêu động vật, chúng ta yêu trẻ con là vì sự sống động, đầy náo nhiệt của chúng. Cộng đồng sẽ trở nên nhân hậu hơn, giàu hi vọng hơn.

c. Đối với những giá trị văn hóa lịch sử khác : Mỗi trò chơi ở mỗi cộng đồng cư dân đóng góp cho văn hóa nhân loại bản sắc độc đáo của mình. Trò chơi “Rồng rắn lên mây” là đặc sắc của văn hóa tinh thần Việt Nam đóng góp cho nhân loại. Chúng ta cần một nhân loại đa dạng văn hóa cũng như trái đất cần đa dạng sinh học vậy. Đa dạng sinh học liên quan đến cân bằng sinh thái, sinh quyển, đa dạng văn hóa liên quan đến cân bằng tinh thần, đến sự phát triển bền vững. Một loài vật nhỏ bé cũng cần bảo vệ nguồn gen, một trò chơi dân gian hà cớ gì không bảo vệ nó.


3. Cội nguồn lịch sử :

a. Một trò chơi dân gian là một tổng thể diễn xướng mang tính tổng hợp, nguyên hợp nhiều yếu tố văn hóa và nghệ thuật khác nhau. Muốn tìm hiểu cội nguồn lịch sử của nó ta phải lý giải cùng lúc nhiều yếu tố được trình diễn và xem độ tích tụ các tín hiệu của nó gần gũi nhất với cổ mẫu diễn xướng nào trong văn hóa. Đây là con đường mà nhà bác học Nguyễn Văn Huyên (theo sự tôn vinh của giáo sư Hà Văn Tấn), từ nửa đầu thế kỷ trước, đã làm khi giải mã bài đồng dao “Chi chi chành chành”. Kinh nghiệm và phương pháp của nhà dân tộc học số một Việt Nam này được chúng tôi vận dụng vào trường hợp “Rồng rắn lên mây”.

Bắt đầu từ yếu tố ngôn từ (lời xướng) : Đây là bài đồng dao khó hiểu vì tính đứt đoạn các mệnh đề, các thông báo của nó. Các hình ảnh được xướng lên có vẻ ngẫu nhiên ráp lại, không ăn nhập với nhau. Có nhiều bài đồng dao kiểu này.

Tên trò chơi “Rồng rắn lên mây” là lấy từ câu mở đầu của lời xướng. Điều này thường thấy trong việc gọi tên các bài bản dân ca. Vậy nó nói lên điều gì ? Trước hết, bằng trực quan, ta thấy nó mô tả chuỗi người nắm áo nhau chuyển động ngoằn ngoèo như hình rồng rắn. Tuy nhiên, rồng thường là vật thiêng, rắn thường là vật dữ, đáng sợ, vậy tại sao nó lại được trẻ em sử dụng để vui đùa. Nhưng khi đặt vào thực hành trò chơi thì ta nhận ra ngay đây là động thái đoàn người xếp chuỗi vận động vòng tròn hoặc uốn lượn. Đội hình này tồn tại ở nhiều diễn xướng dân gian mà chúng ta còn biết tới : hơn 2000 năm trước, trên trống Đông Sơn đã có những đoàn 6 người hàng dọc, cầm theo nhạc cụ tiến đến ngôi nhà đang tiến hành nghi lễ ; các lễ hội Phật giáo trong thời Bắc thuộc chắc chắn đã có đoàn người diễn hành quanh tháp tiến hành nghi lễ ; tục đâm trâu hay lễ hội cồng chiêng Tây Nguyên cũng mang động thái diễn hành ; các loại nghi thức cầu đảo của thầy pháp cũng có động thái diễn hành quanh đàn hoặc quanh mộ… Chỉ riêng một dấu hiệu này ta thấy nó chưa tập trung ở một nguyên mẫu diễn xướng nào, hay nói cách khác, thông tin về nguyên mẫu hãy đang phân tán ra nhiều khả năng khác nhau.

Đến câu thứ 2 thì ta thấy những dấu hiệu lạ : “Có cây núc nác !” (dị bản phổ biến nhất). Nó là gì vậy ? Sao lại từ rồng rắn đến núc nác ? Vào rừng chẳng thấy lối ra / Thấy cây núc nác ngỡ là vàng tâm (ca dao), Tả lòng thanh vị núc nác / Vun đất ải rãnh mùng tơi (Nguyễn Trãi), Mắt đĩa đèn / Lưỡi núc nác (thành ngữ dân gian tả ma quỷ), hơn nữa, núc nác chính là đầu vị trong bài thuốc cúng giải trùng tang của nhà chùa, của thầy pháp. Về căn bản bài thuốc đó gồm : núc nác – hùng hoàng (hoặc chu sa) – lá mỏ (lá một loài dây leo) – gỗ vông… Bao giờ núc nác cũng đứng đầu. Không tin lên chùa Hàm Long (Bắc Ninh) hỏi các thầy chùa sẽ rõ. Đến đây ta thấy tín hiệu tập trung hơn : Diễu hành nghi lễ + thuốc giải trùng tang.

Câu thứ ba là “Có nhà điểm binh”. Thuật ngữ quân sự ? Tuy nhiên, thuật ngữ này cũng dùng phổ biến cho thầy cúng, thầy pháp khi tử vi của họ có bao nhiêu “quân”, điểm danh và sai khiến được bao nhiêu “âm binh”. Điểm binh ở đây không loại trừ việc phù chú điểm âm binh. Ta nhận thấy dấu hiệu có kết cấu : Diễn hành nghi lễ + thuốc giải trùng tang + phù chú điểm âm binh.

Đến câu thứ 4, hình ảnh “thầy thuốc” xuất hiện. Nho, y, lý, số là nghiệp ngày xưa của nhà Nho. Trong tình thế tam giáo đồng dụng, nghi lễ trừ tà, giải ách được cả Phật, Nho, Đạo thực hành. Tuy nhiên, là một phần của cuộc chơi, nhân vật “thầy thuốc” vừa là thầy pháp cho thuốc lại vừa nhập thân vào thần trùng đi bắt người sống và cuộc ngả giá bắt đầu. “Con ăn một… ăn hai… ăn ba… tất cả đều “không ngon” cả. Tại sao lại không ngon ? Vì người dương gian không muốn thần trùng tác oai tác quái bắt đi ai cả. Ngay cả các khúc cũng không thể bắt khúc nào : “Khúc đầu lắm xương lắm xao / Khúc giữa lắm máu lắm me / Khúc đuôi lắm cứt lắm đái / Ba khúc thầy lấy khúc nào”. Điều kiện đưa ra nhưng khúc nào cũng không xực được. Có nghĩa là không muốn thần trùng bắt ai. Đến đây ta nhớ những lời thầy pháp, hoặc các bà “độc canh” dặn hồn khi sang thế giới bên kia, gặp vong lạ thì giấu hết anh em họ hàng nội tộc, không để vong đó theo về bắt tiếp ai, đến cả quê quán nhà cửa cũng dấu biệt : Nhà tôi ở dưới cây dâu / Ở trên cây khế biết đâu mà tìm. Cành dâu là roi trừ tà. Cành khế giòn là nơi ma ranh trú ngụ. Nói thế là để dọa vong lạ. Cuối cùng là cảnh thầy thuốc nhập trùng đuổi bắt người dương thế và đoàn người chống lại định mệnh đó.

Đến đây, chuỗi dấu hiệu đã hoàn chỉnh: Diễn hành nghi lễ + thuốc giải trùng tang + phù chú điểm âm binh + kinh đọc dặn vong người chết trùng + hành vi chống lại định mệnh. Độ tích tụ dấu hiệu có định hướng rõ ràng trong một trò chơi nhỏ, cho ta thấy, trò chơi “Rồng rắn lên mây” đã mô phỏng nghi lễ giải trùng tang của thầy cúng thầy pháp vẫn thường thực hành trong nghi lễ.

b. Nghi lễ và trò chơi trẻ con là hoàn toàn khác nhau về ý nghĩa, mục đích, mĩ cảm thì làm sao mà lại hoán chuyển cho nhau được ? Thật là lạ ! Nhưng không lạ tí nào hết. Sự vận động văn hóa với các nguyên mẫu là vô cùng phức tạp. Không thể hình dung nó vận hành một cách đơn tuyến, nhất nguyên được. Nó đa trị.

- Cách đây hơn 2000 năm, trên trống đồng Đông Sơn có cảnh hai người thực hành nghi lễ giao tay giao chân vào nhau. Các nhà nghiên cứu không ngần ngại đọc đó là trò chơi “Chồng nụ chồng hoa” mà thuở nhỏ họ vẫn chơi (?).

- Cũng cách đây hơn 2000 năm, trong Sử ký, Tư Mã Thiên ghi rõ : “Khổng Tử hồi nhỏ hay chơi trò cúng tế”. Lạ chưa, cúng tế là nghi lễ nghiêm trang của người lớn, ấy thế mà cậu bé Khổng Khâu lại xách ra mà “chơi trò”. Tư Mã Thiên viết bậy chăng ? Cứ cho là vì sinh sau đẻ muộn mà Tư Mã Thiên viết không đúng về Khổng Tử thì thời đó Tư Mã Thiên cũng đã thừa nhận nghi lễ cúng tế có thể trở thành trò chơi.

- Điều này thì dễ thừa nhận hơn, tất cả những trò diễn đồng giao như Phụ đồng roi, Phụ đồng nón, Phụ đồng chổi… mà trẻ con hay chơi đều xuất phát từ nghi lễ phụ đồng trong đạo Mẫu, đạo thánh. Không thể có suy nghĩ ngược lại là nghi lễ nhặt đông giao trẻ con để cầu cúng nghiêm trang. Sự thể này cũng giống như bài nhại trẻ con hay hát “Giải phóng cà chua” chắc chắn phải xuất phát từ bài “Giải phóng Điện Biên” chứ không thể ngược lại.

Vậy, trẻ con lấy những điều người lớn cho là nghiêm cẩn ra làm trò chơi là điều có thật. Chúng tôi gọi đó là “văn hóa giễu nhại dân gian”. Nó có từ xa xưa. Nó tạo ra một thực thể mới, sống động và mang những thông điệp mới.


4. Nhưng trẻ em có hiểu ý nghĩa bài hát ấy đâu mà vẫn chơi ?

Trò chơi “Rồng rắn lên mây” là một trình diễn dân gian. Trong các loại trình diễn, không phải lúc nào cũng phải hiểu lời thì mới trình diễn được. Rất nhiều ví dụ cho ta thấy điều đó.

- Nhà dân tộc học nổi tiếng Từ Chi viết rằng : Người Thái thường mời ông mo Mường và ngược lại, người Mường lại thường mời ông mo Thái cúng tế. Họ không cần hiểu nhưng vẫn thực hành nghi lễ và rất thành kinh, trang nghiêm.

- Tất cả các ông sư khi tụng trì chú Đà la ni bằng âm Phạn cổ đều không hiểu nghĩa. Ngay trước đây sư Ấn Độ đã không hiểu, họ gọi đó là mật chú, bí ngữ. Sang Trung Hoa, chỉ chuyển âm mà không giải nghĩa thì hiểu ra làm sao. Sang Việt Nam lại càng mù tịt. Thế mà họ vẫn đọc và tiến hành nghi lễ. Họ chỉ biết công dụng mà không cần biết nghĩa của lời.

- Đa số các bà đi chùa đều niệm “Nam mô A di đà Phật” nhưng mấy bà hiểu đó là gì.

- Trong dân ca cũng vậy, có những bài hát không rõ nghĩa nhưng người ta vẫn hát. Dân ca quan họ Bắc Ninh có hai bài “Phùng quan tế hội” và “Phùng quan xuân hội” bằng âm Hán, chúng tôi chưa từng thấy nghệ nhân nào “dạy” cho là nghĩa nó thế nào. Họ cứ hát theo cổ truyền thôi mà không cần hiểu lời.

Như vậy rõ ràng là, không phải bắt buộc hiểu rõ lời thì mới trình diễn được, cảm nhận được. Điều này cũng giống như khách du lịch Tây ba lô đứng trước những tấm bia Champa cổ ở Tháp Chàm, Phan Rang. Họ có hiểu đâu nhưng vẫn thấy cổ kính, thiêng liêng. Dấu hiệu văn hóa có một cảm nhận đa chiều, đa dạng chứ không chỉ là “nghĩa”.

Trò chơi “Rồng rắn lên mây”, vốn là từ một hình thức lễ nghi (vốn đã thần bí) lại qua một lần giễu nhại ở miệng con trẻ lại càng khó hiểu. Các hình ảnh ngôn từ của nó lóe lên trong tình trạng đứt đoạn, xáo trộn và đã trại bẹ từ xa xưa nên lại càng khó hiểu. Nó giống như tranh lập thể của Picasso mà không phải ai cũng hiểu được cả. Nhưng nó vẫn đầy giá trị đấy thôi.


5. Bảo tồn và phát triển :

Nếu chúng ta coi nó như là một di sản văn hóa phi vật thể thì chúng ta phải bảo tồn và phát triển nó.

Việc bảo tồn bao hàm sự nhận biết, sưu tầm, ghi lại, gìn giữ bằng các phương tiện ký tự, ghi âm và phim ảnh. Việc bảo tồn cũng bao hàm việc phục dựng nó gần với hiện trạng cổ truyền trong các không gian khác nhau. Việc bảo tồn còn bao hàm việc phổ biến giá trị của nó trong cộng đồng dân cư và tuyên truyền nó ra toàn nhân loại.

Việc phát triển, phát huy chấp nhận nhiều con đường khi sử dụng nó vào các nghệ thuật như tiểu thuyết, sân khấu, hội họa, âm nhạc, điện ảnh, điêu khắc. Việc phát huy còn bao hàm cả việc cải biên, cả việc sáng tạo trò chơi game trên máy tính. Con đường là rộng mở vì văn hóa là một quá trình, sự vận động của nó không bao đơn tuyến, là nhất nguyên cả.

tác giả Nguyễn Hùng Vỹ.

Không có nhận xét nào: