TRƯƠNG ĐỨC HÙNG
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Truyện Kiều, tên nguyên tác: Đoạn trường tân thanh, là một kiệt tác của văn học dân tộc. Dựa trên cốt truyện Kim Vân Kiều của Thanh Tâm tài nhân (Trung Quốc), thi hào Nguyễn Du (1765 - 1820) đã viết khúc “Nam âm tuyệt xướng” bằng chữ nôm, loại chữ được coi là “quốc ngữ” của nước ta thời trước. Trải qua hai trăm năm “hành thế”, văn bản tác phẩm có những biến động rất đáng lưu ý: Nguyên tác Đoạn trường tân thanh đã thất lạc.
Bản Kiều nôm cổ nhất hiện biết chỉ được khắc in vào năm 1866, sau khi tác giả đã mất được gần nửa thế kỷ. Vào năm 1875, tác phẩm được phiên chuyển từ chữ nôm sang chữ quốc ngữ lần đầu tiên. Từ đó đến nay, có khoảng trên dưới 100 bản Kiều bằng chữ nôm và chữ quốc ngữ được lưu hành. Tuy nhiên, mỗi bản Kiều đều có sự khác biệt về câu chữ với các bản còn lại và chắc chắn là khác biệt với nguyên tác. Cũng vì thế mà chuyện chữ nghĩa và văn bản Truyện Kiều đã thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, phê bình trong suốt một thế kỷ vừa qua. Khi việc nghiên cứu Truyện Kiều càng chuyên sâu thì vấn đề văn bản Truyện Kiều lại được đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết. GS. Trần Đình Sử viết: “Nghiên cứu về thi pháp Truyện Kiều tất phải bám sát vào văn bản Truyện Kiều. Nhưng như mọi người đều biết về vấn đề này còn có nhiều ý kiến khác nhau, quá trình xác định văn bản và cách phiên âm còn đang tiếp diễn. Để tiện việc, chúng tôi chọn những bản Kiều thông dụng nhất lâu nay. Đó là các bản do Bùi Kỷ - Trần Trọng Kim, Đào Duy Anh và Nguyễn Thạch Giang hiệu đính, chú giải” [35, 6].
Vị trí quá đặc biệt của Truyện Kiều đã thu hút được nhiều thế hệ các nhà nghiên cứu, biên khảo. Hàng loạt bản Kiều nối tiếp nhau ra đời trong hơn một thế kỷ qua cho phép chúng ta hình dung tới một quá trình phiên chuyển Truyện Kiều sang chữ quốc ngữ. Đây là một hiện tượng văn học rất đáng lưu ý và đáng được tìm hiểu.
Đó là lý do để chúng tôi chọn đề tài Một số vấn đề văn học sử Việt Nam qua việc khảo sát quá trình quốc ngữ hoá Truyện Kiều cho luận văn thạc sĩ chuyên ngành văn học ViệtNam . Thông qua việc khảo sát, đối chiếu các văn bản cụ thể, chúng tôi mong muốn phục dựng một bức tranh về quá trình này ở những đường hướng tiêu biểu nhất và hy vọng rằng, một đôi điều rút ra từ đó sẽ ít nhiều có ích và tạo được cơ sở cho việc tìm hiểu, nghiên cứu Truyện Kiều trong thời gian tới.
2. Lịch sử vấn đề
Do phải tiếp xúc với nhiều bản Kiều khác nhau nên các nhà biên khảo đã lưu ý đến những xô lệch về câu chữ của tác phẩm từ khá sớm. Ngay từ năm 1902, Kiều Oánh Mậu đã nói đến sự sai suyễn của các bản Kiều nôm được khắc in ở phố Hàng Gai (Hà Nội) mà ông gọi là bản phường. Sau này, khi biên soạn các bản Kiều quốc ngữ, các nhà biên khảo như Bùi Kỷ - Trần Trọng Kim, Hồ Đắc Hàm, Tản Đà, Đào Duy Anh, Nguyễn Thạch Giang, Nguyễn Văn Hoàn,… đều ít nhiều đề cập đến vấn đề này và làm khảo dị một số bản Kiều cụ thể được các ông lựa chọn. Tuy biết rằng sự xô lệch đó phần lớn là do người đời sau tự ý chữa đi, chữa lại và đôi chỗ có sự biện luận về việc lấy chữ này, bỏ chữ kia song nhìn chung, đó chỉ là sự ghi nhận và cung cấp tư liệu về các dị bản của mỗi nhà biên khảo chứ chưa phải là những khảo sát, đánh giá có hệ thống về văn bản Truyện Kiều. Những thảo luận, trao đổi về câu chữ Truyện Kiều cũng xuất hiện khá thường xuyên, nhất là khi có một bản Kiều quốc ngữ mới được xuất bản, thu hút sự tham gia của các nhà nghiên cứu và một số độc giả mê Kiều cũng chưa thể giúp chúng ta hình dung đầy đủ về sự phức tạp của văn bản Truyện Kiều.
Khoảng 10 năm trở lại đây, với xu hướng “đi tìm nguyên lời Nguyễn Du”, văn bản Truyện Kiều trở thành một vấn đề nóng trong việc nghiên cứu Truyện Kiều. Hàng loạt bản Kiều in đối chiếu nôm - quốc ngữ được xuất bản. Những cuộc trao đổi thảo luận về câu chữ Truyện Kiều diễn ra sôi nổi hơn bao giờ hết. Căn cứ vào những bản Kiều nôm cổ, các nhà nghiên cứu văn bản đã lọc ra một loạt các câu chữ mà họ cho là những sản phẩm của việc nhuận sắc trong một số bản Kiều quốc ngữ thế kỷ XX. Nhiều bài nghiên cứu về văn bản Truyện Kiều, trong đó có đề cập tới các bản Kiều quốc ngữ, thu hút sự quan tâm của độc giả. Các bản Kiều thế kỷ XIX được khảo sát một cách nghiêm túc, công phu bằng phương pháp nghiên cứu văn bản học và làm phát lộ một bức tranh khá toàn diện về thực trạng văn bản Truyện Kiều thời bấy giờ. Bằng phương pháp ngữ âm học lịch sử, khảo sát chữ huý, khảo sát câu chữ theo phong cách văn tự của tác giả… các nhà nghiên cứu đã đưa ra nhiều kiến giải lý thú, bất ngờ về văn bản Truyện Kiều.
3. Đối tượng nghiên cứu - Phạm vi tư liệu - Phương pháp nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Những nghiên cứu về văn bản Truyện Kiều trong thời gian vừa qua chủ yếu nhằm vào các bản Kiều nôm trong thế kỷ XX. Đây là những văn bản khá xa lạ không chỉ với đa số độc giả mà còn với khá nhiều người làm công tác nghiên cứu văn học. Đó là chưa kể tới hướng nghiên cứu quá chuyên biệt về chữ huý và ngữ âm học lịch sử cũng chỉ dành cho một số rất ít các nhà Hán - Nôm học. Trên thực tế, sau khi thực dân Pháp cai trị nước ta và bãi bỏ các khoa thi kiểu cũ, chữ nôm cũng dần bị mai một. Mặc dầu các bản Kiều nôm vẫn còn được khắc in cho tới tận năm 1939 song có thể nói, kể từ đầu thế kỷ XX, độc giả hầu như chỉ tiếp nhận, thưởng thức Truyện Kiều bằng các văn bản quốc ngữ. Các bài viết, công trình nghiên cứu về Truyện Kiều cũng xuất phát từ nhóm văn bản này. Vì thế, đối tượng nghiên cứu của chúng tôi chính là những văn bản Truyện Kiều được in bằng chữ quốc ngữ.
Do thực tế là mỗi bản Kiều quốc ngữ đều được hình thành trên cơ sở một hay nhiều bản nôm nên trong một chừng mực nhất định, chúng tôi cũng đề cập tới các bản Kiều nôm ở mức độ làm cơ sở cho việc quốc ngữ hoá Truyện Kiều.
Khi phiên chuyển Truyện Kiều ra chữ quốc ngữ, các nhà biên khảo dùng nhiều cách gọi khác nhau như: phiên khảo, phiên âm, biên khảo, phiên ra chữ quốc ngữ, phiên chú, phiên quốc âm, diễn âm, phiên dịch… Chúng tôi đề nghị gọi việc phiên chuyển một văn bản được viết bằng chữ nôm thành một văn bản chữ quốc ngữ là việc quốc ngữ hoá và xem những việc do các nhà biên khảo làm được trong hơn một thế kỷ qua là quá trình quốc ngữ hoá Truyện Kiều.
3.2. Phạm vi tư liệu
Theo thống kê của chúng tôi, dĩ nhiên là chưa thể đầy đủ, hiện đã có hơn 50 bản Kiều quốc ngữ. Việc xử lý một khối lượng tư liệu như vậy sẽ vượt quá khuôn khổ của một luận văn thạc sĩ, đồng thời, cũng vượt quá khả năng của chúng tôi. Thêm vào đó là những khó khăn trong việc thu thập tư liệu do tình trạng lưu trữ, bảo quản còn nhiều bất cập hiện nay. Vì vậy, chúng tôi chỉ giới hạn việc khảo sát trong phạm vi một số bản Kiều được phổ biến rộng rãi trong xã hội hoặc có những điểm đặc sắc, tiêu biểu cho từng giai đoạn. Đây cũng là những bản Kiều tiêu biểu thường được các nhà nghiên cứu, biên khảo sử dụng. Coi đó là các tiêu chí để xác định những bản Kiều có thể làm tiêu mốc cho quá trình quốc ngữ hoá Truyện Kiều trong hơn một thế kỷ qua, chúng tôi lựa chọn được các bản sau:
- Poème Kim Vân Kiều truyện, Trương Vĩnh Ký, Sài Gòn, 1875.
- Kim Vân Kiều tân truyện, Edmond Nordemann, Huế, 1897.
- Truyện Thuý Kiều, Bùi Kỷ - Trần Trọng Kim, Hà Nội, 1925.
- Kiều truyện dẫn giải, Hồ Đắc Hàm, Huế, 1929.
- Vương Thuý Kiều chú giải tân truyện, Tản Đà, Hà Nội, 1941.
- Truyện Kiều chú giải, Lê Văn Hoè, Hà Nội 1953.
- Truyện Kiều, Nguyễn Văn Hoàn…, Hà Nội 1965.
- Truyện Kiều, Nguyễn Thạch Giang, Hà Nội 1972.
- Truyện Kiều, Đào Duy Anh, Hà Nội 1974.
- Truyện Kiều, Đào Duy Anh và một số người khác, Hà Nội, 1979.
Việc khảo sát trong một phạm vi giới hạn như vậy đương nhiên không thể phản ánh đầy đủ mọi khía cạnh của việc quốc ngữ hoá Truyện Kiều nhưng thiết nghĩ, những văn bản khá tiêu biểu đó cũng có thể đưa lại một hình dung tương đối cụ thể về quá trình này.
3.3. Phương pháp nghiên cứu
Để thấy được sự xô lệch về câu chữ trong quá trình quốc ngữ hoá Truyện Kiều, chúng tôi sử dụng phương pháp so sánh, đối chiếu tất cả các văn bản đã được lựa chọn. Một điều may mắn là chúng tôi được kế thừa kết quả nghiên cứu của GS. Nguyễn Tài Cẩn. Sau khi điều tra về 9 bản Kiều thế kỷ XIX, Giáo sư đã lọc ra được “những gì còn lại từ tác phẩm của cụ Nguyễn Du” gồm những câu còn nguyên vẹn và những phần còn nguyên vẹn đang sót lại trong những câu đã bị thay đổi. Có một văn bản như thế làm cơ sở, công việc đối chiếu sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều. Tuy nhiên, khi làm công việc này, chúng tôi không chỉ nhằm mục đích thống kê những dị bản về câu chữ giữa các bản. Điều quan trọng hơn là phải phân loại, tổng hợp được những dị đồng của chúng để góp phần lý giải sự biến đổi của văn bản Truyện Kiều.
Xuất phát từ quan điểm đó, chúng tôi tự hạn chế ở mức thấp nhất việc đưa ra những ý kiến chủ quan về sự hơn kém trong cách lựa câu chọn chữ của mỗi nhà biên khảo. Vả lại, đây cũng là điều không dễ dàng gì. Mỗi cuộc tranh luận về một câu, một chữ trong Truyện Kiều từng làm tốn bao nhiêu giấy mực của những người làm công tác nghiên cứu. Chúng tôi chú ý nhiều hơn tới việc xuất hiện của các chữ mới nảy sinh trong các bản Kiều quốc ngữ bởi đây là một trong những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp tới việc hình thành thêm các dị bản Truyện Kiều.
Mỗi bản Kiều quốc ngữ ra đời trước hết là nhằm đáp ứng nhu cầu của một lớp độc giả mới, những người không còn đọc được chữ nôm và có quan niệm văn học khác với quan niệm truyền thống. Điều này đòi hỏi mỗi nhà biên khảo phải làm tốt các việc lựa chọn, xử lý văn bản, phiên âm, khảo dị và chú giải tác phẩm. Mục đích vẫn là tạo ra được một bản Kiều có sức thuyết phục cao với người đọc và hiển nhiên, nó phải gần với nguyên tác. Quá trình quốc ngữ hoá Truyện Kiều, xét cho cùng, chính là quá trình đi tìm một văn bản như vậy. Có thể nói, sự khác biệt, xô lệch về câu chữ là những đại lượng, chỉ báo cụ thể về mức độ và hiệu quả của việc đi tìm nguyên tác Truyện Kiều. Đồng thời, nó cũng bị chi phối bởi các yếu tố như: quan niệm hiệu đính, thao tác xử lý văn bản, mỹ cảm tiếp nhận… của mỗi nhà biên khảo. Vì thế, chúng tôi cũng sử dụng những kết quả phân tích này để đưa ra một số nhận xét, đánh giá sơ bộ về nét đặc sắc, độ tin cậy và những đóng góp của mỗi bản Kiều trong quá trình quốc ngữ hoá.
Nhưng mục đích, yêu cầu của việc quốc ngữ hoá không phải là những yếu tố nhất thành bất biến. Hình thành và phát triển qua hơn một thế kỷ đầy biến động; bên ngoài, nó chịu sự tác động của các điều kiện kinh tế - văn hoá - xã hội ở các giai đoạn lịch sử nhất định; bên trong, là những điều chỉnh liên tục từ thực tế của chính việc quốc ngữ hoá và nghiên cứu Truyện Kiều. Chúng tôi cố gắng đặt việc khảo sát trong mối tương quan ấy và hy vọng những gì rút tỉa từ đó sẽ góp phần lý giải một số vấn đề còn tồn tại trong quá trình quốc ngữ hoá Truyện Kiều. Nếu làm được điều này, chúng ta có thể đánh giá thoả đáng hơn về thực trạng văn bản Truyện Kiều và nhất là, có thể rút ra những kinh nghiệm cần thiết cho việc quốc ngữ hoá Truyện Kiều trong tương lai.
4. Đóng góp của luận văn
Triển khai đề tài theo hướng tiếp cận và các phương pháp như đã trình bày, chúng tôi muốn đưa ra một bức tranh tương đối toàn diện về quá trình quốc ngữ hoá Truyện Kiều trong vòng hơn một thế kỷ qua.
Tuy chưa thể dò cho đến “ngọn nguồn lạch sông” song có thể thấy đây là một dòng chảy lớn với rất nhiều chi nhánh mà đặc thù của chúng không chỉ đơn giản quy về sự khác biệt câu chữ giữa các bản.
Việc thống kê, tập hợp các số liệu khảo sát về các dị bản câu chữ và xem xét chúng trong các mối quan hệ tương tác như: mục đích và nguyên tắc hiệu đính, thao tác lựa chọn và xử lý văn bản… sẽ cho phép đánh giá khách quan và thoả đáng hơn về từng bản Kiều cụ thể cũng như những đóng góp của nó vào quá trình quốc ngữ hoá Truyện Kiều. Chính vì thế, ở một đôi chỗ, ý kiến của chúng tôi có khác với nhận định của một số nhà nghiên cứu và biên khảo vốn có cách tiếp cận và xử lý theo hướng khác.
Thông qua việc mô tả, đánh giá, chúng tôi muốn rút ra một số bài học kinh nghiệm cho việc quốc ngữ hoá Truyện Kiều và hy vọng rằng, đó sẽ là một đóng góp mang tính thực tiễn của luận văn.
Trong gần hai thế kỷ qua, 3.254 câu thơ Truyện Kiều đã làm tốn không biết bao nhiêu giấy mực của các nhà nghiên cứu, biên khảo, phê bình… đầy tâm huyết. Tìm được một điều gì có thể được coi là mới mẻ về Truyện Kiều quả là một công việc khó khăn song cũng rất đáng tự hào. Trăn trở với đề tài này, khó khăn lớn nhất mà chúng tôi gặp phải chính là sự thiếu hụt về năng lực và kiến thức của bản thân. Tuy nhiên, hành trình nghìn dặm cũng khởi phát từ những bước đi đầu tiên, chúng tôi mong muốn có dịp thực hiện tiếp đề tài này với một nhận thức mới trong tương lai.
5. Bố cục của luận văn
Luận văn gồm có 4 phần: Mở đầu, Nội dung, Kết luận, Phụ lục.
Phần Nội dung gồm 3 chương:
Chương 1: Nhìn lại quá trình quốc ngữ hoá Truyện Kiều
Chương 2: Từ bản Kiều nôm đến bản Kiều quốc ngữ
Chương 3: Một số vấn đề qua việc quốc ngữ hoá Truyện Kiều
Phần Phụ lục gồm 3 phụ lục:
Phụ lục 1: Danh mục các bản Kiều
Phụ lục 2: Đối chiếu các bản Kiều quốc ngữ
Phụ lục 3: Đối chiếu các câu chữ độc hữu của bản Kiều Oánh Mậu (1902) với bản Bùi Kỷ - Trần Trọng Kim (1925) và bản Nguyễn Thạch Giang (1972)
Chương 1
NHÌN LẠI QUÁ TRÌNH QUỐC NGỮ HOÁ TRUYỆN KIỀU
Quá trình quốc ngữ hoá Truyện Kiều, khởi đầu từ việc ấn hành cuốn Poème Kim Vân Kiều truyện năm 1875, đến nay đã được 132 năm. Trong khoảng thời gian đó, các nhà biên khảo thuộc nhiều thế hệ đã cho ra đời hàng chục bản Kiều quốc ngữ với hàng trăm lần in. Điều đáng lưu ý là mỗi bản trong số đó đều mang ít nhiều dị biệt so với tất cả các bản khác. Hiện nay, chúng ta có một “rừng” văn bản Kiều, cả bằng chữ nôm và chữ quốc ngữ, rất phong phú và cũng không kém phần phức tạp. Tuy nhiên, một số lượng văn bản lớn nhường ấy cũng chính là một chỉ báo đáng tin cậy về việc truyền bá, tiếp nhận Truyện Kiều trong đời sống văn hoá và văn học Việt Nam và đồng thời, nó cũng hé lộ phần nào những đặc điểm của quá trình truyền bá, tiếp nhận ấy. Việc xuất bản một tác phẩm, xét cho cùng, bao giờ cũng nhằm mục đích là đáp ứng một số nhu cầu nhất định mà trong đó, hiển nhiên và nổi trội nhất thường là nhu cầu tiếp nhận của độc giả. Do vậy, ảnh hưởng đậm nhạt khác nhau trong đời sống xã hội của mỗi tác phẩm sẽ phần nào tuỳ thuộc vào mức độ thỏa mãn các nhu cầu đó. Là một kiệt tác, Truyện Kiều đã để lại những dấu ấn đậm nét trên suốt tiến trình văn học dân tộc hai thế kỷ qua. Việc quốc ngữ hoá Truyện Kiều, trực tiếp hay gián tiếp, cũng góp phần lưu lại những dấu ấn đó.
Trong khoảng mười năm trở lại đây, việc nghiên cứu và giới thiệu văn bản Truyện Kiều diễn ra khá sôi nổi và gây ra nhiều tranh luận. Nhu cầu tìm hiểu, thưởng thức Truyện Kiều chưa hề ngừng. Niềm mong mỏi về một bản Kiều đúng với nguyên tác vẫn chưa được thỏa mãn. Cũng vì thế, quốc ngữ hoá Truyện Kiều vẫn còn là việc phải tiến hành tiếp tục trong tương lai. Nhìn lại quá trình quốc ngữ hoá Truyện Kiều trong hơn một thế kỷ qua, dẫu chỉ ở những nét sơ lược nhất, là một việc ít nhiều cần thiết, ví như kiểm lại hành trang cho một chuyến lên đường.
1.1. Quốc ngữ hoá Truyện Kiều trong thế kỷ XIX
Khởi đầu, việc quốc ngữ hoá Truyện Kiều gắn liền với sự thay đổi chữ viết, khi chữ quốc ngữ được dùng để thay thế chữ nôm trong vai trò ký âm ngôn ngữ của dân tộc. Đó là lẽ đương nhiên của một nguyên do trực tiếp. Nhưng xét rộng ra, nó chính là một trong vô vàn hệ quả của cuộc tiếp biến văn hoá Đông – Tây trong xã hội Việt Nam từ nửa cuối thế kỷ XIX. Diễn ra một cách bị động, cưỡng bức dưới ách thống trị của thực dân Pháp, cuộc tiếp biến văn hoá này mang những sắc thái không bình thường so với một cuộc tiếp biến chủ động, tự giác có thể đã diễn ra, chẳng hạn như cuộc Duy tân Minh Trị ở Nhật Bản. Quá trình quốc ngữ hoá Truyện Kiều, vì thế, cũng ít nhiều phải chịu những hệ luỵ đó.
Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta. Đây là một biến cố to lớn trong lịch sử dân tộc. Về mức độ, có thể so sánh nó với một biến cố cách đó hai ngàn năm, khi phong kiến phương Bắc tiêu diệt nhà nước bộ lạc của An Dương Vương Thục Phán vào năm 218 trước Công nguyên. Một lần nữa, dân tộc ta lại thất bại trước kẻ thù được vũ trang tốt hơn và đến từ một hình thái kinh tế - xã hội cao hơn. Từ một nước quân chủ độc lập, Việt Nam trở thành một nước thuộc địa dưới ách cai trị của thực dân Pháp.
Sau khi chiếm được Nam kỳ (1862), những nhà “khai hoá” đã mau mắn áp dụng một loạt biện pháp để khẳng định uy thế của mình. Năm 1864, người Pháp bãi bỏ khoa thi hương ở Nam kỳ. Sau này, họ sẽ bớt nôn nóng hơn. Như ta đã biết, kỳ thi hương chỉ bị bãi bỏ ở Bắc kỳ vào năm 1915 và ở Trung kỳ vào năm 1918, hơn ba mươi năm sau khi triều đình Huế ký hiệp ước Patenôtre 1884 công nhận quyền cai trị của Pháp trên toàn cõi Việt Nam. Ngày 15-4-1865, tờ “Gia Định báo” bằng chữ quốc ngữ ra số đầu tiên. Loại chữ dùng mẫu tự latinh để ký âm tiếng Việt này, hơn hai trăm năm qua chỉ được sử dụng trong phạm vi nhỏ hẹp của các nhà truyền giáo phương Tây, giờ đây bắt đầu có được vị trí trong đời sống văn hoá xã hội Việt Nam . Có thể nói, việc sử dụng chữ quốc ngữ là một lựa chọn tình cờ của lịch sử. Cùng với chữ Pháp, nó tạo thành một bộ đôi hoàn hảo để thay thế cho chữ Hán và chữ nôm. Khởi điểm, đó là công cụ mà nhà cầm quyền dùng để áp đặt thứ văn hoá nô dịch, đồng thời, xoá bỏ những ảnh hưởng của văn hoá truyền thống ở xứ thuộc địa mới của họ. Năm 1875,cuốn Poème Kim Vân Kiều truyện, trancrit pour la première en quốc-ngữ avec des notes explicative, et précédé d’un resumé succint du sujet en prosé par P.J.B. Trương Vĩnh Ký, Bản in Nhà nước được ấn hành tại Sài Gòn. Việc xuất bản cuốn Kiều quốc ngữ đầu tiên này chắc chắn được ủng hộ và khuyến khích từ phía nhà cầm quyền. Nhưng bên cạnh đó, cần thấy được tâm huyết của học giả Trương Vĩnh Ký trong việc truyền bá chữ quốc ngữ. Ông đã từng nêu lên quan niệm: “Chữ quốc ngữ phải trở thành chữ viết của đất nước. Phải như thế vì lợi ích và sự tiến hoá. Vậy, người ta nên tìm cách phổ biến thứ chữ này bằng mọi phương tiện” [1]. Và như vậy,Truyện Kiều “là sách ông Nguyễn Du, hữu tham tri bộ Lễ làm ra; sách nầy đặt hay hơn hết các sách” chính là một ưu tiên lựa chọn của ông để phổ biến chữ quốc ngữ.
Chín năm sau (1884), được sự giúp đỡ của một số nhà nho thời ấy, như Trần Ngươn Hanh, học giả Abel des Michels cho in Kim Vân Kiều tân truyện bằng ba ngữ: nôm - quốc ngữ - Pháp tại Paris. Khảo sát văn bản này, GS. Nguyễn Tài Cẩn cho biết: “Và điều rất thường thấy là ADM nôm (tức bản Kiều nôm Abel des Michels) chép theo DMT (bản Duy Minh Thị) mà quốc ngữ lại phiên theo TVKI (bản Trương Vĩnh Ký), bản này đi theo một đường, bản kia đi theo một nẻo, hai bên không ăn khớp gì với nhau” [28; 77]. Mặc dù có lúc dựa vào bản nôm của Duy Minh Thị để chữa lại phần quốc ngữ, song nhìn chung, với một văn bản như vậy, khó có thể xem rằng Abel des Michels đã làm việc quốc ngữ hoá Truyện Kiều một cách thực sự nghiêm ngặt. Khi cho inTruyện Lục Vân Tiên ở Paris năm 1877, Ơjen Bajiô công khai chủ trương muốn tìm hiểu xứ “thuộc địa thân mến” nhằm phục vụ “hạnh phúc và thịnh vượng của nước Pháp” [41; 110]. Tuy không tuyên bố rõ ràng như vậy nhưng có lẽ, mục đích của Abel des Michels cũng có điểm tương đồng.
Sau Abel des Michels, Edmond Nordemann là người Pháp thứ hai làm công việc quốc ngữ hoá Truyện Kiều. Là trưởng giáo trường Quốc học Huế (Directeur du Collège Quốc học à Huế), thạo tiếng Việt, Nordemann nhận thấy “nước Nam vẫn lấy [Truyện Kiều] làm hay nhất, hoặc mượn làm câu ví, hoặc tập làm câu ca, luôn luôn dùng đến”. Truyện Kiều cũng trở thành một lựa chọn ưu tiên của ông: “Vì thế ta mới in trước; rồi sau sẽ in những truyện nôm kia” nhằm mục đích “Ai có chí xem truyện này cho kỹ… chữ quốc ngữ dần dần cũng thuộc lấy làm thường”. Cuốn Kim Vân Kiều tân truyện này được in lần đầu ở Huế năm 1897, tái bản năm 1900 ở cả Huế và Hà Nội. Bằng vào việc truyền bá một tác phẩm hay nhất và quen thuộc nhất với người Việt, có thể thấy nỗ lực hiển nhiên từ phía nhà cầm quyền trong việc đưa chữ quốc ngữ xâm thực vào hai vùng đất này.
Ở thời điểm đó, chữ quốc ngữ vẫn bị tẩy chay ở cả Bắc kỳ và Trung kỳ. Các nhà nho phản ứng quyết liệt với thứ chữ do kẻ ngoại xâm mang lại. Nhà thơ Tú Xương mai mỉa: “Ú ớ u ơ, ngọn bút chì” và bày tỏ một thái độ khước từ rất kiên quyết: “Thôi thôi lạy mợ xanh căng lạy/ Mả tổ tôi không táng bút chì”. Trong mắt họ, chữ quốc ngữ là loại chữ của lớp thầy thông, thầy ký, thầy phán, sản phẩm của những trường thông ngôn, hậu bổ do người Pháp mở từ những năm 1886 – 1887, của những kẻ “sớm rượu sâm banh tối sữa bò”, ôm chân kẻ ngoại bang. Trong điều kiện ấy, dễ hiểu vì sao các độc giả thời ấy vẫn chỉ bằng lòng với các bản Kiều chữ nôm. Cho đến tận những năm cuối thế kỷ XIX, ở Huế vẫn rộ lên phong trào chép tay Truyện Kiều mà Đào Nguyên Phổ đã ghi lại: “người người truyền nhau sao chép, giá giấy đắt như giấy quý Lạc Đô” (Tựa Đoạn trường tân thanh). Ở Hà Nội, các nhà tàng bản Liễu Văn đường, Quan Văn đường, Thịnh Mỹ đường… vẫn tiếp tục khắc in các bản Kiều nôm.
Trong bối cảnh chính trị xã hội cuối thế kỷ XIX, mặc dù nền cựu học đã có những dấu hiệu suy tàn: “Nào có ra gì cái chữ nho/ Ông nghè, ông cống cũng nằm co”, chữ quốc ngữ vẫn chưa đứng chân được ở hai vùng đất này.
1.2. Quốc ngữ hoá Truyện Kiều từ đầu thế kỷ XX đến 1945
Đến đầu thế kỷ XX, các nhà nho yêu nước và các trí thức tân học trong phong trào Duy tân bắt đầu cổ động cho việc sử dụng chữ quốc ngữ. Nhận thấy ưu điểm lớn nhất của chữ quốc ngữ là dễ học, dễ viết: “Một đằng thì mất mấy năm trời để đi học một thứ chữ khác hẳn tiếng mình mà vẫn không có công hiệu; một đằng thì mất không tới sáu tháng là học ngay được văn tự tiếng mình. Vậy thì không thể không theo chữ nước ta” (Văn minh tân học sách - 1904), họ chủ trương dùng chữ quốc ngữ làm phương tiện để tuyên truyền vận động phong trào yêu nước duy tân.
Từ thời điểm này, hàng loạt sách báo bằng chữ quốc ngữ được xuất bản. Các bản Kiều quốc ngữ, chủ yếu được in ở Hà Nội, ra đời trên bối cảnh đó. Trước tiên phải kể đến bản Kim Vân Kiều dịch ra quốc ngữ có chú dẫn của Nguyễn Văn Vĩnh, Ích Ký in lần thứ 2 năm 1912. (Hiện không có tư liệu về lần in đầu tiên). Bản Kim Vân Kiều này, đến năm 1923 đã được in tới lần thứ bảy. Tiếp đó một loạt bản Kiều quốc ngữ khác, được xuất bản ở khắp Bắc – Trung – Nam. Đã từng là nơi khắc in nhiều bản Kiều nôm, giờ đây Hà Nội lại dẫn đầu về việc xuất bản các bản Kiều quốc ngữ. Truyện Kiều vẫn được đón nhận nồng nhiệt nhất ở chính cái nôi đã sinh thành ra nó. Một số bản tiêu biểu trước năm 1945 là: Kim Tuý tình từ (Phạm Kim Chi, Sài Gòn, 1917), Kim Vân Kiều chú thích (Bùi Khánh Diễn, Hà Nội, 1923) Truyện Thuý Kiều (Bùi Kỷ - Trần Trọng Kim, Hà Nội, 1925) Truyện Thúy Kiều (Ngô Tử Cống, Hà Nội, 1925), Kiều truyện dẫn giải (Hồ Đắc Hàm, Huế, 1929), Truyện Kiều (Nguyễn Can Mộng, Hà Nội, 1936), Vương Thuý Kiều dẫn giải tân truyện (Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, Hà Nội, 1941)...
Việc hàng loạt các tác phẩm của văn học dân tộc, trong đó có Truyện Kiều, được ấn hành trong giai đoạn này, nhất là vào những thập kỷ đầu, chủ yếu nhằm cổ suý cho việc truyền bá và phát triển chữ quốc ngữ. Nguyễn Văn Vĩnh trang trọng ghi dòng chữ: “Nước Nam ta mai sau này hay dở là ở như chữ quốc ngữ” trên trang đầu mỗi cuốn sách của mình.
Nhưng trên hết, đó phải được coi là biểu hiện rõ rệt của sự tương đồng giữa các nhà biên khảo (phía truyền tải) và độc giả (phía tiếp nhận) trong việc giữ gìn và phát huy các di sản văn hoá dân tộc. Trong hoàn cảnh đất nước bị ngoại bang cai trị, những di sản văn hoá và văn học của cha ông càng trở nên có ý nghĩa đặc biệt với mọi người dân mất nước. Một học giả đương thời đã nói: “Tôi tưởng người Việt Nam ta ngày nay, nếu có còn cái gì, thì chỉ kể được cái hương hoả về tinh thần (nhấn mạnh trong nguyên văn) của tổ tiên ta để lại. Cái hương hoả ấy tức là cái gốc của ta. Bổn phận của ta là phải vun đắp thế nào để giữ lấy cái gốc ấy mãi mãi. Được như vậy thì dù có ở vào cảnh ngộ nào, ta cũng không lo một ngày kia ta không có một tương lai” [24; 149]. Cuộc tiếp biến văn hoá Đông – Tây một cách cưỡng bức ấy đã nhanh chóng loại bỏ cả chữ Hán lẫn chữ nôm ra khỏi đời sống xã hội và tạo ra sự đứt gãy với truyền thống. Vì vậy, việc quốc ngữ hoá những tác phẩm nôm trở thành một nhu cầu cấp thiết hơn bao giờ hết, nhất là khi “chữ quốc ngữ là hồn trong nước” còn ở thời kỳ non nớt và đóng vai trò khiêm tốn so với tiếng Pháp đang độc tôn. Việc chú trọng vào Truyện Kiều, một “kiệt tác làm bằng quốc âm ta”, đến mức ấy cũng là điều dễ hiểu. Trong bối cảnh lịch sử thời thuộc Pháp, mỗi hoạt động văn hoá, xã hội, dường như đều mang theo một sứ mệnh mà tiêu chí cao nhất để phân định là lợi ích dân tộc. Việc truyền bá và tranh luận về Truyện Kiều, nhất là về vai trò của Truyện Kiều với chữ quốc ngữ và văn hoá dân tộc, cũng không nằm ngoài ảnh hưởng đó. Sau này, vào thời kỳ Mặt trận Dân chủ (1936 - 1939), hoạt động của Hội truyền bá quốc ngữ cũng mang những sắc thái chính trị - xã hội khá rõ nét.
Song cuộc tiếp biến văn hoá Đông – Tây ấy cũng đưa lại những cách nhìn mới về truyền thống. TrongNhà văn hiện đại, Vũ Ngọc Phan đã nhận xét: “Việc can thiệp của nước Pháp ở xứ ta thế kỷ XIX có ảnh hưởng sâu xa đến nền văn học của ta. Vì từ ngày tiếp xúc với văn minh, học thuật nước Pháp, tư tưởng phái trí thức nước ta thay đổi nhiều; các học thuyết mới, các tư trào mới dần dần tràn vào xứ ta. Các phương pháp mới cũng được các học giả ứng dụng… Dân tộc ta cũng sẽ biết tìm lấy trong nền văn học của nước Pháp những điều sở trường để bổ cho những thiếu thốn của mình, thứ nhất là biết mượn các phương pháp khoa học của phương Tây mà nghiên cứu các vấn đề có liên lạc đến nền văn học của nước mình (chúng tôi nhấn mạnh), đến cuộc sinh hoạt của dân mình” [2]. Từ năm 1919, Phạm Quỳnh đã “gọi là theo đòi phép nghiên cứu của Thái Tây” để phân tích Truyện Kiều và khẳng định Truyện Kiều “có thể sánh với những sách thật hay trong văn chương các nước khác”. Đó là một cuộc cách mạng trong việc đánh giá Truyện Kiều. Trước kia, trong thời phong kiến, chỉ có văn thơ phú lục viết bằng chữ Hán mới được coi trọng. Được viết bằng thứ chữ “nôm na mách qué” nên Truyện Kiều, dầu được tán thưởng đến mức nào, cũng chỉ được xem như là một thú chơi: “Làm trai biết đánh tổ tôm/ Uống chè Mạn Hảo, ngâm nôm Thuý Kiều”. Và như thế, bộc bạch của của chính Nguyễn Du: “Lời quê chắp nhặt dông dài/ Mua vui cũng được một vài trống canh” quyết không chỉ là lời nói khiêm.
Qua Truyện Kiều, Phạm Quỳnh cũng khẳng định giá trị của tiếng Việt để phê phán những “ông Tây An Nam” thời ấy: “Lạ thay, tiếng Việt ta nhiều người chê là nghèo nàn non nớt, thế mà Truyện Kiều thời rõ là một áng văn chương lão luyện… Đủ biết rằng tiếng ta cũng phong phú, nếu khéo luyện tập cũng đủ làm nên văn chương hay chẳng kém gì tiếng nước khác, chứ không phải như nhiều người tưởng lầm là một thứ tiếng bán khai, đành lòng bỏ đi để đem công mà học văn chương nước khác” [31; 588]. Nhận định ấy của ông đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Tuy nhiên, khi đưa ra cái “tam đoạn luận”: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn”, nhất là trong khi mất nước, Phạm Quỳnh đã bị các chí sĩ yêu nước như Ngô Đức Kế và Huỳnh Thúc Kháng phê phán trong một cuộc luận chiến nổi tiếng đầu thế kỷ XX. Dù sao từ đó trở đi, ngày càng có nhiều bài viết, công trình nghiên cứu và cả những cuộc tranh luận, thảo luận về Truyện Kiều trong đời sống văn học Việt Nam. Tuy nhiên, điều chúng tôi muốn lưu ý ở đây chính là mối tương quan của nó với quá trình quốc ngữ hoá Truyện Kiều. Truyện Kiều càng được phổ biến rộng rãi càng có nhiều người nghiên cứu, tranh luận và chính những nghiên cứu, tranh luận đó lại “marketing” cho Truyện Kiều, khiến cho nhu cầu tìm đọc Truyện Kiềutăng lên và hiển nhiên là tạo động lực cho việc quốc ngữ hoá Truyện Kiều.
Sự chủ động trong việc truyền bá chữ quốc ngữ và ý thức xây dựng nền quốc văn trong mấy chục năm đầu thế kỷ XX đã nhanh chóng đưa văn học Việt Nam vào thời hiện đại. Trên thực tế, từ những năm 20 trở đi, văn học Việt Nam chủ yếu là văn học quốc ngữ. Với máy móc, công nghệ in ấn mới và lớp độc giả mới, Truyện Kiềucũng được phổ biến nhanh chóng và rộng rãi hơn bao giờ hết. Cũng chỉ tới giai đoạn này, Truyện Kiều mới xác lập vị trí xứng đáng trong nền văn học dân tộc. Chữ quốc ngữ và Truyện Kiều đã được đưa vào chương trình giảng dạy ở nhà trường ở một mức độ nhất định. Mối tương quan chữ quốc ngữ - chữ Pháp đã hơn hẳn mối tương quan chữ nôm - chữ Hán khi xưa và Truyện Kiều cũng thoát hẳn cái số phận “mua vui” ngày trước. Trong tất cả những thay đổi đó, chúng ta có thể nhận ra những dấu ấn của việc quốc ngữ hoá Truyện Kiều, vừa là tác nhân mà cũng vừa là hệ quả của việc tiếp nhận, nghiên cứu Truyện Kiều nói riêng và của nhiều cuộc tranh luận văn học nói chung diễn ra khá sôi nổi ở giai đoạn này.
1.3. Quốc ngữ hoá Truyện Kiều từ năm 1945 đến nay
Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã đánh đổ chế độ thực dân và giành lại độc lập, tự do và chủ quyền cho đất nước. Chữ quốc ngữ trở thành chữ viết chính thức của quốc gia. Tiếng Việt và văn học Việt Nam trở thành môn học quan trọng trong tất cả các bậc của hệ thống giáo dục Việt Nam. Những cơ quan nghiên cứu chuyên ngành về ngôn ngữ, văn học được thành lập. Tất cả những thay đổi đó sẽ có tác động tích cực đến việc nghiên cứu, tìm hiểu Truyện Kiều nói chung và quá trình quốc ngữ hoá Truyện Kiều nói riêng.
Trong chín năm kháng chiến chống Pháp (1946 - 1954), việc quốc ngữ Truyện Kiều phần nào chững lại, song cũng có tới ba bản Kiều được in ở Hà Nội đang bị tạm chiếm. Trong đó, đáng chú ý nhất là Truyện Kiều chú giải do Vân Hạc Lê Văn Hoè chú giải, hiệu đính, bình luận được Quốc Học thư xã ấn hành vào năm 1953.
Từ sau năm 1954, hoà bình được lập lại, Truyện Kiều được xuất bản để đáp ứng nhu cầu của độc giả. Ở miền Bắc, chỉ trong năm 1957 đã có tới bốn bản Kiều quốc ngữ được in ra ở Hà Nội và Vinh, một bản của Nguyễn Việt Hoài hiệu đính và chú thích, các bản còn lại đều không ghi tên người biên khảo. Có lẽ vào thời điểm này, ưu tiên hàng đầu chính là việc nhanh chóng phổ biến Truyện Kiều để đáp ứng kịp thời nhu cầu của độc giả. Cuốn Truyện Kiều do Bùi Kỷ hiệu khảo được Nhà xuất bản Phổ thông ấn hành với số lượng lớn vào năm 1958 cũng nằm trong xu hướng đó. Đến trước năm 1965, nó đã được tái bản tới lần thứ năm. Nhưng phía sau những việc phục vụ kịp thời ấy, các nhà biên khảo vẫn âm thầm và kiên trì theo đuổi một mục đích lớn – khôi phục nguyên tác Truyện Kiều. Nhà nghiên cứu Vũ Đức Phúc cho biết: “Việc nghiên cứu văn bản Truyện Kiều một cách khoa học bắt đầu từ năm 1955 tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội, nhất là từ sau khi Viện Văn học ra đời năm 1959. Từ đó cho đến 1965, sau nhiều cuộc hội nghị khoa học và nhiều bài đăng trên tập sanNghiên cứu văn học của Viện Văn học, và trên nhiều báo chí khác, hầu hết các vấn đề về tiểu sử và tác phẩm của Nguyễn Du đã được nêu ra, vấn đề chính vẫn là văn bản Truyện Kiều (chúng tôi nhấn mạnh)” [21; 374].
Cùng thời gian này, nhiều bản Kiều quốc ngữ cũng được in ra ở miền Nam. Có thể kể đến: Kim Vân Kiều (Vũ Bằng, 1956), Truyện Thuý Kiều (Trần Cửu Trường và Hoàng Hiểu, Sài Gòn, 1958), Kim Vân Kiều đại toàn chú thích dẫn giải đính chính (Ưng Dụ, Huế, 1960), Kiều (Vũ Hữu Tiềm, Sài Gòn 1960), Thuý Kiều truyện tường chú (Chiêm Vân Thị - Lê Mạnh Liêu, Sài Gòn 1960), Đoạn trường tân thanh (Phan Ngọc, 1962). Một hiện tượng đột biến nếu nhìn về tám mươi năm trước đó: mặc dù là cái nôi của bản Kiều quốc ngữ đầu tiên nhưng trong suốt thời gian ấy ở Nam bộ chỉ có Poèm Kim Vân Kiều truyện và Kim Tuý tình từ. Một con số thật khiêm tốn so với số bản Kiều ở ngoài Bắc.
Năm 1965, bản Truyện Kiều của Viện Văn học do nhóm Nguyễn Văn Hoàn, Nguyễn Sĩ Lâm, Nguyễn Đức Vân hiệu đính và chú thích được in ra đúng vào dịp kỷ niệm 200 năm năm sinh đại thi hào dân tộc Nguyễn Du. Việc hiệu đính văn bản Truyện Kiều được tiến hành một cách nghiêm túc, công phu. Nhóm biên khảo đã thu thập, khảo sát 21 bản Kiều nôm và 27 bản Kiều quốc ngữ, nghĩa là hầu hết các văn bản Kiều trong điều kiện cho phép hồi đó, rồi chọn ra ba bản Liễu Văn đường (1871), bản Trương Vĩnh Ký (1875) và bản Kiều Oánh Mậu (1902) để đối chiếu; đồng thời tham khảo các bản khác trong một số trường hợp để hiệu đính. Cách làm của nhóm Nguyễn Văn Hoàn, được trình bày khá kỹ lưỡng trong phần Nghiên cứu về văn bản Truyện Kiều in ở đầu sách, đã có ảnh hưởng tới việc quốc ngữ hoá Truyện Kiều sau này. “Bởi vậy từ sau năm 1965, nhiều bản Kiều khác nhau liên tiếp được ra đời. Sự lựa chọn tài liệu, câu, chữ khác nhau nhưng về cơ bản phương pháp làm giống nhau” [21; 374].
Trong những bản Kiều khác nhau “liên tiếp được ra đời” ấy, đáng chú ý nhất là những bản sau:
- Truyện Kiều do Nguyễn Thạch Giang khảo đính và chú thích (Nxb ĐH&THCN, H. 1972). Bản này được phổ biến rất rộng rãi, tính đến nay đã được tái bản tới lần thứ 22.
- Văn bản Truyện Kiều do Đào Duy Anh hiệu đính in trong Từ điển Truyện Kiều (1974). Là một nhà nghiên cứu giàu kinh nghiệm, Đào Duy Anh chọn bản Liễu Văn Đường 1871 và bản Trương Vĩnh Ký 1875, những bản có niên đại sớm và có khả năng “gần với nguyên tác nhất”, làm văn bản cơ sở. Đây là bản Kiều được nhiều nhà nghiên cứu, phê bình văn học đánh giá cao.
- Dựa trên văn bản cơ sở của Đào Duy Anh, Nhà xuất bản Văn học mời một số nhà văn, nhà thơ tên tuổi như Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Nguyễn Công Hoan, Hoài Thanh, Tuấn Đô tham gia hiệu đính lại. Kết quả của công trình tập thể này là cuốn Truyện Kiều ra đời năm 1979.
- Tìm nguyên tác Truyện Kiều do Vũ Văn Kính hiệu khảo, in năm 1988 tại thành phố Hồ Chí Minh. Theo lời giới thiệu, bản này được soạn từ trước 1975. Có lẽ đây là kết quả của việc chỉnh lý bản Đoạn trường tân thanh khảo lục (Vũ Văn Kính và Bùi Hữu Sủng, Sài Gòn, 1971). Trong việc hiệu đính, Vũ Văn Kính chủ trương áp dụng thuyết cấu trúc để tìm được nguyên tác Truyện Kiều.
Ngoài ra, còn có các bản Truyện Kiều của các nhà biên khảo sau: Thanh Minh (1973), Kiều Thu Hoạch (1974), Đặng Thanh Lê (1984), Nguyễn Quảng Tuân (1994), Việt Chương (2000), Bùi Thiết (2001), Vũ Ngọc Khánh (2002), Phạm Đan Quế (2003), Đinh Trần Cương (2005), Lê Quế (2006)…
Nhìn chung, từ 1965 đến nay, việc quốc ngữ hoá Truyện Kiều diễn ra trong điều kiện thuận lợi hơn trước rất nhiều. Tiếng Việt được độc tôn và dần dần được quy chuẩn hoá. Vượt khỏi tầm quốc gia để trở thành kiệt tác của văn học thế giới, Truyện Kiều ngày càng thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu trong nước và cả ở nước ngoài. Nhiều công trình nghiên cứu có giá trị và những chuyên luận công phu về Truyện Kiều ra đời. Những cuộc thảo luận về từng câu, từng chữ, từng điển tích, từng âm đọc… diễn ra khá thường xuyên. Tất cả những điều đó ít nhiều đều có mối quan hệ tương tác với việc quốc ngữ hoá Truyện Kiều.
Bản thân các nhà biên khảo cũng có cách làm khoa học và công phu hơn, từ việc thu thập ngày càng nhiều văn bản rồi tiến hành khảo sát, đánh giá, phân loại cho tới việc đề ra các nguyên tắc, tiêu chí hiệu đính và chú giải. Việc quốc ngữ hoá ở giai đoạn này, vì thế, đã mang tính khoa học và quy chuẩn hơn giai đoạn trước. Đó là kết quả của việc kế thừa và phát huy truyền thống. Các nhà biên khảo Bùi Kỷ, Trần Trọng Kim, Hồ Đắc Hàm, Tản Đà… từng thực hiện những thao tác này trong phạm vi hẹp hơn và “lập ngôn” cũng ít hơn. Đồng thời, tình trạng “người sau chưa thật vừa lòng với người trước trong việc hiệu đính, trong việc xử lý dị đồng giữa các bản Kiều khác nhau” [10; 108] cũng được kế thừa. Hệ quả là, tuy có cách làm cơ bản đều giống nhau nhưng các nhà biên khảo, hiệu đính lại cho ra những bản Kiều khác nhau. Tư liệu càng nhiều càng tạo ra nhiều khả năng lựa chọn về văn bản, câu, chữ và dĩ nhiên, càng tạo ra sự khác biệt. Chưa kể đến những dị biệt trong việc đọc và phiên âm chữ nôm hay chấp nhận sự “nhuận sắc hợp lý của quần chúng”, chỉ từng ấy thôi cũng đủ sinh ra các bản Kiều quốc ngữ càng ngày càng bị xô lệch về câu chữ.
Khoảng hơn mười năm trở lại đây, vấn đề văn bản Truyện Kiều lại được đặt ra một cách nghiêm túc và thu hút sự quan tâm của nhiều nhà biên khảo.
Từ lâu, giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã thầm lặng tìm một hướng đi khác để khôi phục văn bản Truyện Kiều. Ngay từ những năm 1942 – 1943, ông đã để tâm sưu tầm những bản nôm thời Tự Đức, thậm chí là bản “sao lại một bản từ đời Gia Long” để “tái lập phần lớn văn Kiều đời xưa, có thể nói là nguyên lời Nguyễn Du, chứ không phải là nguyên bản bởi vì nguyên bản không tìm ra được nữa” [21; 244]. Ông dùng tám bản Kiều đời Tự Đức, so sánh từng chữ một để làm bản Kiều tầm nguyên. Công việc kéo dài 50 năm nhưng ông “không có khi nào có một thời gian khá dài để viết ra thành quyển sách cả” [21; ]. Những điều ấy chỉ được ông bộc bạch ít lâu trước khi mất trong bài trả lời phỏng vấn do Thuỵ Khuê thực hiện vào năm 1996. Điều đáng tiếc là cuốn Kiều tầm nguyên chưa được in ra. Những thông tin từ một bài phỏng vấn thật ít ỏi so với những gì học giả làm được trong suốt nửa thế kỷ. Song chỉ chừng ấy cũng đủ làm dấy lên một cuộc tranh luận sôi nổi về văn bản, chữ nghĩaTruyện Kiều và quan trọng hơn, đã mở ra một giai đoạn mới trong việc nghiên cứu văn bản Truyện Kiều với một phương pháp mới.
Theo sự gợi mở của giáo sư Hoàng Xuân Hãn, các nhà biên khảo và nghiên cứu đặc biệt chú ý tới các bản Kiều nôm cổ. Những nỗ lực trong vòng hơn 10 năm qua của họ đã đưa đến hai kết quả chính sau:
- Một là, thay đổi diện mạo bản danh sách các bản Kiều nôm được lập ra từ năm 1965:
+ Bổ sung các bản Kiều nôm cổ mới được phát hiện: bản Liễu Văn Đường 1866, bản chép tay của Nguyễn Hữu Lập 1870, bản Duy Minh Thị 1872, bản nôm chép tay 1894 tại thư viện Anh quốc cùng một số bản khác. Điều đáng chú ý và vốn chưa có tiền lệ với chuyện “bếp núc” của giới Kiều học - mỗi phát hiện này đều được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng…
+ Gạt bỏ được thuyết lời truyền về sự tồn tại của ba bản Kiều nôm vẫn được coi là quý nhất: “bản phường do Phạm Quý Thích đưa in”, “bản kinh được vua Tự Đức cho in”, và “bản Tiên Điền có tự tích của Nguyễn Du”
- Hai là, liên quan đến vấn đề chúng ta đang xem xét, các bản Kiều nôm cổ được nhiều người cùng phiên âm, khảo đính và ấn hành dưới dạng đối chiếu nôm - quốc ngữ:
+ Bản Liễu Văn Đường 1866 được Nguyễn Quảng Tuân phiên âm, khảo dị và chú giải (2004); Nguyễn Khắc Bảo và Nguyễn Trí Sơn phiên âm, khảo đính (2004); Thế Anh phiên âm và khảo đính (2005).
+ Bản Nguyễn Hữu Lập 1870 được Nguyễn Bá Triệu (2002) và Nguyễn Quảng Tuân (2004) phiên âm và chú giải.
+ Bản Liễu Văn đường 1871 được Nguyễn Quảng Tuân phiên âm và khảo dị (2002); Đào Thái Tôn phiên âm, chú thích, trao đổi từ ngữ (2006).
+ Bản Duy Minh Thị 1872 được GS. Nguyễn Tài Cẩn biên khảo (2002).
+ Bản Kiều Oánh Mậu 1902 được Thế Anh phiên âm, khảo dị (1999).
Việc giới thiệu các bản Kiều nôm với mật độ và tốc độ ấy là một minh chứng cho sức hấp dẫn của một hướng đi mới. Nếu nguyên tác Truyện Kiều là “chiếc bình quý đã vỡ” thì các bản Kiều này có thể được xem là những mảnh lớn nhất có thể giúp chúng ta hình dung được phần nào dáng vẻ ban đầu của nó. Tuy nhiên, đây mới chỉ là những văn bản mang tính học thuật, chủ yếu dành cho giới nghiên cứu văn học. Những người làm công tác nghiên cứu văn bản buộc phải phiên chuyển các bản nôm sang quốc ngữ để “chứng minh rằng hiện nay, các văn bản in đời Tự Đức xứng đáng được xem là quặng dùng cho việc đi tìm vàng - nguyên tác Truyện Kiều” [21; 129]. Mà yêu cầu cao nhất và cũng là duy nhất của việc quốc ngữ hoá Truyện Kiều là chuyển giao trọn vẹn khối vàng ấy tới các thế hệ độc giả hôm nay và mai sau.
Chương 2
TỪ BẢN KIỀU NÔM ĐẾN BẢN KIỀU QUỐC NGỮ
Việc mô tả quá trình quốc ngữ hoá Truyện Kiều trong một vài tương quan với bối cảnh văn hoá – xã hội giúp ta hình dung phần nào dòng chảy của nó qua từng giai đoạn lịch sử. Tuy nhiên, cũng như bất cứ hiện tượng văn hoá nào, việc phân kỳ bằng những dấu mốc thời gian cụ thể chỉ mang tính tương đối. Như một dòng chảy, nó luôn kế thừa những yếu tố đã xuất hiện từ trước và để lại dấu ấn cho giai đoạn sau. Đồng thời, dù có mang những nét chung bị chi phối bởi yêu cầu của xã hội và bị quy định bởi chính công việc quốc ngữ hoá, những bản Kiều đều có những điểm khác biệt rất dễ nhận thấy, nhất là những khác biệt về mặt câu chữ. Đại đồng nhưng vẫn tiểu dị. Chính vì thế, việc khảo sát, đối chiếu và đánh giá được những điểm dị đồng đó trong tất cả các văn bản có lẽ là cách tốt nhất để mô tả quá trình quốc ngữ hoá Truyện Kiều.
Theo ước tính, hiện nay có khoảng trên dưới một trăm bản Kiều nôm và quốc ngữ khác nhau. (Chúng tôi tính cả các bản nôm, chí ít là ở khía cạnh làm cơ sở dữ liệu và đôi khi là đối chứng cho việc quốc ngữ hoá). Việc thu thập và xử lý một số lượng tư liệu như vậy trong khuôn khổ một luận văn thạc sĩ là điều không tưởng. Vì vậy, chúng tôi chỉ tiến hành khảo sát trên một số bản Kiều thông dụng, được phổ biến rộng rãi hoặc có những điểm khả thủ thường được các nhà nghiên cứu, biên khảo lưu tâm tới. Dẫu biết rằng trong phạm vi hạn hẹp như vậy, những gì thu lượm được hẳn còn ít ỏi và khiếm khuyết, song chúng tôi hy vọng rằng, nó sẽ không quá sai lệch với những điều đã diễn ra trong thực tế.
Phiên chuyển một văn bản chữ nôm sang chữ quốc ngữ là một việc không hề đơn giản, chủ yếu là do cấu tạo phức tạp, thiếu nhất quán và chưa được định chế của chữ nôm. Việc quốc ngữ hoá một tác phẩm có nhiều truyền bản như Truyện Kiều, vì thế, sẽ trở nên vô cùng phức tạp. Nhà biên khảo buộc phải đối chiếu các truyền bản để lựa chọn những gì phù hợp với những quan niệm, tiêu chí đã xác định trước thì mới có thể tiến hành những thao tác xử lý cụ thể như hiệu đính, phiên âm, chú giải… Việc xuất hiện hàng chục bản Kiều quốc ngữ khác nhau cũng là điều dễ hiểu. Đó là một phương trình có quá nhiều tham số mà trong đó, yếu tố dễ biến đổi nhất và cũng tạo ra sự khác biệt lớn nhất đến kết quả cuối cùng chính là việc lựa chọn các văn bản cơ sở cho việc quốc ngữ hoá. Theo sự hình dung của chúng tôi, đây cũng là vấn đề mang tính quyết định trong việc quốc ngữ hoá Truyện Kiều.
2.1. Các bản nôm cơ sở cho việc quốc ngữ hoá Truyện Kiều
Phần cơ sở dữ liệu chủ yếu cho việc quốc ngữ hoá chính là những văn bản Kiều nôm. Hiện nay chúng ta biết được trên dưới 40 bản. Đây chắc chắn là con số không đầy đủ, phần thiếu hụt là rất lớn, nhất là về chất lượng: nguyên tác của Nguyễn Du, các thế hệ truyền bản ban đầu trong vòng trên nửa thế kỷ từ ngày Đoạn trường tân thanh “hành thế”. Theo tư liệu hiện có, bản Kiều nôm có niên đại sớm nhất (bản Liễu Văn Đường 1866) được khắc in khi Nguyễn Du đã qua đời được 46 năm. Dù Truyện Kiều có thể được định bản từ rất sớm nhưng hơn nửa thế kỷ “thương hải tang điền” ấy chắc chắn sẽ để lại những sai lệch đáng kể trong văn bảnTruyện Kiều. Sau 5 năm, cũng nhà tàng bản ấy lại khắc in một bản Kiều nôm nữa, bản Liễu Văn Đường 1871, song giữa hai bản Kiều nôm đã có một số sai khác về câu chữ. Chẳng hạn, bản 1866 và các bản nôm khác đều chép hai câu 87, 88 là:
Sống làm vợ khắp người ta
Khéo thay thác xuống làm ma không chồng
trong khi đó, bản 1871 lại chép thành:
Sống thìn tình chẳng riêng ai
Khéo thay thác xuống ra người tình không.
Hay câu 1844, bản 1866 chép: Khuyên chàng chẳng cạn thì ta có đòn nhưng trong bản 1871 bị sửa là Nói vào những phép, giở ra những đòn.
Sau năm năm đã vậy, huống hồ năm mươi năm. Những dị biệt tương tự vẫn tiếp tục xuất hiện trong các bản Kiều nôm được khắc in sau này ở phường Hàng Gai (Hà Nội) như: bản Quan Văn Đường 1879, bản Thịnh Mỹ Đường 1879, vv… Tuy nhiên, các văn bản nêu trên vẫn tạo thành một nhóm tương đối đồng nhất bởi sự xô lệch câu chữ giữa các bản không nhiều. Các nhà biên khảo thế kỷ XX gọi đó là những bản phường, gần đây Đào Thái Tôn gọi là hệ văn bản Thăng Long.
Sự xuất hiện của các bản Kiều nôm chép tay ở Huế (có thể coi bản Nguyễn Hữu Lập 1870, bản Tăng Hữu Ứng 1874 mới phát hiện gần đây là thí dụ)… khiến cho độ xô lệch về câu chữ tăng vọt [3]. Một hệ quả tất yếu của việc sửa chữa Truyện Kiều như Nguyễn Hữu Lập đã viết: “Tin chắc quyển truyện quốc âm là một tuyệt tác, tuy còn có những chỗ chưa được thuần nhã, cần phải luyện đạt đôi chữ, tôi thấy mình tuy tài hèn cũng xin cố gắng san cải lại” [14; 46]. Các nhà biên khảo gọi đây là những bản kinh, hay hệ văn bản Huế theo cách gọi của Đào Thái Tôn.
Các bản Kiều nôm thuộc hệ văn bản Huế thường có số câu lớn hơn con số 3254 câu của các bản phường. Điều đáng lưu ý là có khá nhiều câu bị thay đổi hoàn toàn. Chúng tôi xin nêu một số trường hợp để so sánh:
- Hai câu 1827, 1828 có trong các bản phường:
Sợ quen dám hở ra lời
Khôn ngăn giọt ngọc sụt sùi nhỏ sa
được đổi thành bốn câu:
Thương ôi! Mảnh sắt vào lò
Bấy lâu nay biết giày vò đến đâu?
Nỗi lòng chẳng đánh mà đau
Đang cười nói bỗng mặt rầu lệ sa
- Tương tự, hai câu 1893, 1894:
Những e lại luỵ đến nàng
Đánh liều mới sẽ lựa đường hỏi tra
cũng được san cải thành bốn câu:
Loanh quanh cua lọt bò sàng
Sợi dây thương đó hai đàng chưa xong
Dưới thềm trên ghế cùng trông
Một lời chưa mở hai dòng đã sa
Trước kia, các nhà biên khảo chỉ nhắc tới các bản kinh và bản phường. Gần đây, trên cơ sở khảo sát và đối chiếu các văn bản Truyện Kiều thế kỷ XIX, GS. Nguyễn Tài Cẩn còn xác định thêm nhóm văn bản miền Nam gồm bản Duy Minh Thị 1872, bản Trương Vĩnh Ký 1875 và bản Abel des Michels 1884. Tuy nhiên, ba bản này khác nhau khá nhiều và không tạo thành một hệ văn bản gần gũi như các bản ở miền Bắc [4].
Năm 1902, Giá Sơn Kiều Oánh Mậu chủ trương “dựa hẳn theo bản kinh làm chính” rồi “tham chước các bản tư gia [bản chép tay]” hoặc “những chỗ sai lạc không thông, thì đã tham đính rất kỹ, nhân vần đổi đi để cho hợp với văn lý” và cho khắc in Đoạn trường tân thanh. Tuy nhiên, trên thực tế, ông cũng không quá lệ thuộc vào các câu chữ của bản kinh. Ông có dùng sáu câu sau của bản kinh:
Mở xem thủ bút nghiêm đường
Nhắn rằng: “Thúc phụ xa đường mệnh chung”
Hãy còn ký táng Liêu Đông
Cố hương khơi diễn nghìn trùng sơn khê
Rày đưa linh thấn về quê
Thế nào con cũng phải về hộ tang
để thay cho bốn câu, từ câu 351 đến câu 354, của bản phường:
Đem tin thúc phụ từ đường
Bơ vơ lữ thấn tha hương đề huề
Liêu Dương cách trở sơn khê
Xuân đường kíp gọi sinh về hộ tang.
và một số câu chữ khác của bản kinh như:
1682. Đoạn trường ai có qua cầu mới hay
1705. Đành rằng nàng đã cửu nguyên
nhưng cũng đã gạt bỏ khá nhiều những câu bị san cải ở Huế. Thêm vào đó, ông cũng đưa vào đó những câu chữ được nhuận sắc cho “hợp với văn lý”.
Đây là bản Kiều được nhiều nhà biên khảo như Nguyễn Văn Hoàn, Nguyễn Thạch Giang, Vũ Văn Kính, Đào Thái Tôn… coi là có ảnh hưởng rất lớn đến các bản Kiều quốc ngữ xuất bản trong thế kỷ XX.
Chỉ trong vòng hơn ba chục năm cuối thế kỷ XIX, câu chữ Truyện Kiều đã bị xô lệch đáng kể. Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn cho biết: “trong chín bản Kiều được đưa ra so sánh, không có bản nào hoàn toàn giống bản nào: năm bản 3254 câu nhưng cũng có hai bản 3252 câu, một bản 3256 câu và một bản 3258 câu. Nếu cứ cho trung bình Truyện Kiều 3254 câu thì trong tổng số 22778 chữ của văn bản cũng đã có khoảng trên dưới 10% tổng số chữ đó đã bị thay đổi, bản in thế này, bản in thế khác.
Nhìn chung, cứ khoảng hơn 2 câu thì có một câu bị sao chép hay khắc in sai, hoặc bị người đời sau sửa chữa với mục đích kỵ huý, đính ngoa, nhuận sắc…, tạo ra khoảng 2000 chỗ có dị bản khác nhau.” [28; 425].
Các bản Kiều nôm vẫn còn được khắc in cho tới tận năm 1939, một khoảng thời gian cũng trên ba mươi năm nữa. Các bản Kiều nôm sau này chưa được các nhà biên khảo chú ý khảo sát một cách có hệ thống nhưng chắc chắn là việc “nhuận sắc” vẫn không hề giảm. Đơn cử, bản Kim Vân Kiều quảng tập truyện của Thiên Khẩu Thuỷ có tới 3.262 câu, trong đó cũng có khá nhiều câu, nhiều đoạn khác hẳn với tất cả các bản khác. Việc ông lang Hoạt dùng 6 câu:
Kíp truyền “xá tội, tha gông”
Phê: “Cho vĩnh viễn Châu Trần trăm năm”
Cùng nhau lạy tạ trước sân:
“Ngọc thành xin đội cao ân nghìn trùng”
Kiệu hoa cổ nhạc vang lừng
Song song về đến trướng hồng sánh vai
để thay cho bốn câu (từ 1465 - 1468):
Kíp truyền sắm sửa lễ công
Kiệu hoa cất gió đuốc hồng điểm sao
Bày hàng cổ vũ xôn xao
Song song đưa tới trướng đào sánh đôi.
chỉ là một trong nhiều thí dụ của việc sửa chữa này.
Chưa kể đến những bản sao chép tay vốn là độc bản, chắc chắn đã bị thất lạc hầu hết, chỉ chừng ấy văn bản và những dị biệt giữa chúng cũng cho phép chúng ta hình dung được phần nào những khó khăn, phức tạp mà các nhà biên khảo gặp phải khi phiên chuyển Truyện Kiều sang chữ quốc ngữ. Trước hết là việc thu thập, lựa chọn văn bản và sau nữa, là sự bất định của việc xử lý hàng ngàn trường hợp khác biệt về câu chữ trong các bản Kiều nôm.
Song vấn đề không chỉ phức tạp một cách giản dị như vậy. Sau khi được xuất bản, các bản Kiều quốc ngữ lại lần lượt góp mặt vào kho cơ sở dữ liệu cho việc quốc ngữ hóa Truyện Kiều, chí ít cũng ở cấp độ câu chữ. Trên thực tế, các nhà biên khảo đều ít nhiều kế thừa các thành quả của những người đi trước: Abel des Michels nhiều khi không phiên theo bản nôm mà chỉ dựa vào bản quốc ngữ của Trương Vĩnh Ký. Tản Đà tâm đắc với chữ chíu trong câu “Giọt sương chíu nặng cành xuân la đà” - chữ này không có trong các bản nôm mà chỉ có trong bản quốc ngữ của Hồ Đắc Hàm. Nhóm Nguyễn Văn Hoàn chọn được chữ đoán trong câu 2202 “Anh hùng đoán giữa trần ai mới già” của bản Bùi Kỷ - Trần Trọng Kim (1925)… Xuất hiện gần như đồng thời với các bản Kiều nôm song lại có một quá trình phát triển lâu dài hơn và được phổ biến rộng rãi hơn nhiều, những bản Kiều quốc ngữ ngày càng làm đầy thêm kho dữ liệu này. Công việc của các nhà biên khảo cũng vì thế mà ngày càng trở nên phức tạp. Tuy nhiên, đó là xét về mặt lý thuyết. Trong thực tế, các nhà biên khảo chỉ phải xử lý một số văn bản Kiều nhất định - phần vì việc thu thập tư liệu ít khi đầy đủ, đợt sưu tầm các bản Kiều quy mô nhất do Viện Văn học tiến hành vào đầu những năm 1960 cũng chỉ thu được 21 bản Kiều nôm và 27 bản Kiều quốc ngữ; phần vì họ chủ động gạt bỏ một số tư liệu bằng những nguyên tắc và tiêu chí do mỗi người tự đặt ra. Chúng ta sẽ thấy rõ hơn điều này khi đi vào khảo sát sơ bộ những bản Kiều cụ thể.
2.2. Một số bản Kiều quốc ngữ tiêu biểu
2.2.1. Poème Kim Vân Kiều truyện (Trương Vĩnh Ký, 1875)
Vào thời điểm Trương Vĩnh Ký bắt tay vào việc quốc ngữ hóa Truyện Kiều, ít nhất đã có ba bản Kiều nôm được khắc in: hai bản của nhà tàng bản Liễu Văn Đường vào các năm 1866, 1871 và một bản của Gia Định thành cư sĩ Duy Minh Thị năm 1872. Thêm vào đó là các bản chép tay mà đến nay không còn tìm lại được nữa. Trương Vĩnh Ký không cho biết ông có trong tay những văn bản gì và ông lựa chọn bản nào để phiên chuyển sang chữ quốc ngữ. Trong lời mở đầu (avant-propos), ông chỉ viết về công việc này như sau: “Chúng tôi đã đặt toàn bộ sự chú ý vào việc thực hiện công việc chuyển biên một cách chặt chẽ và phép chính tả rõ ràng mà chúng tôi đã tuân thủ trong các dấu giọng cũng như trong các âm cuối, có lẽ có ích, chúng tôi hy vọng thế, cho những ai theo đuổi công việc nghiên cứu và tìm hiểu chữ quốc ngữ” (Nous avons mis toute notre attention à en faire une transcrption rigoureuse et l’orthographe précise que nous avons observée dans les accents comme dans les finales, pourra profiter, nous l’espérons; à ceux qui poursuivent l’étude et la connaissance du quốc ngữ) [5].
Như vậy, có thể thấy rằng sự khác biệt về câu chữ các bản Kiều nôm lúc đó chưa thu hút sự chú ý của ông. Điều này cũng phù hợp với tình hình thực tế lúc bấy giờ; khi mà việc phổ biến, truyền bá chữ quốc ngữ đang là một ưu tiên hàng đầu. Chuyển Truyện Kiều và một loạt tác phẩm nôm như Huấn nữ ca, Gia huấn ca, Phan Trần, Lục Vân Tiên… ra chữ quốc ngữ vốn là việc đưa những di sản của văn học truyền thống đến với cuộc sống hiện tại nhưng ở Trương Vĩnh Ký, trước hết vẫn được xem là một phương tiện hữu hiệu để truyền bá chữ quốc ngữ.
Với mục đích và trong hoàn cảnh như thế, có lẽ Trương Vĩnh Ký không mấy chú trọng tới việc tra cứu, khảo dị và hiệu đính Truyện Kiều mà chỉ “phiên âm lại cho đúng một bản nôm nào đó” như Nguyễn Văn Hoàn và Đào Duy Anh đã từng nhận xét.
Bản nôm đó, theo hai ông, là một bản phường. Đào Duy Anh còn nói cụ thể hơn: “nếu không phải là bản Liễu Văn Đường 1871 thì phải là một bản xưa hơn, song không khác mấy so với bản Liễu Văn Đường” [6]
Gần đây, khi so sánh, đối chiếu 9 bản Kiều đời Tự Đức, GS. Nguyễn Tài Cẩn đã thống kê được 225 trường hợp “độc đáo, đặc hữu, chỉ có ở một bản duy nhất nào đấy” trong bản Trương Vĩnh Ký, chẳng hạn như ở các câu sau:
20. Khuôn lưng đầy đặn, nét người nở nang
(Khuôn trăng / Tư phong đầy đặn, nét ngài nở nang)
30. Vẹn nghề thi họa đủ nghề ca ngâm
(Pha nghề thi họa đủ mùica ngâm)
455. Giọt sương chưa nặng cầu Lam
(Chày sương chưa nện cầu Lam)
1428. Đào giun cuốn má liễu tan tác mày
(Đào hoen quẹn má liễu tan tác mày)
1711. Đến bến lên trước thính đường
(Giã đò lên trước sảnh đường)
2749. Quế hoa én liệng rường không
(Xập xè én liệng lầu không)
3251. Thẹn hờn cũng tại lòng ta
(Thiện căn ở tại lòng ta)
Việc thống kê sự sai biệt về câu chữ như vậy đã góp phần làm thay đổi cách đánh giá về bản Poème Kim Vân Kiều truyện: Đào Thái Tôn cho là Trương Vĩnh Ký đã “sửa Kiều”, Nguyễn Quảng Tuân lại chứng minh rằng học giả họ Trương đã “để khá nhiều sai lầm” trong việc phiên nôm.
Nhưng chúng tôi không nghĩ rằng Trương Vĩnh Ký sửa chữa Truyện Kiều. Chỉ cần một người có năng lực cảm thụ văn chương ở mức trung bình cũng có thể nhận thấy những “sửa chữa” như một vài thí dụ đã nêu là vụng về, thậm chí có chỗ còn thô bạo nữa. Ngay cả câu thơ thất vận và cực kỳ dễ sửa như: “Có khi vui chuyện mua cười / Tiểu thư lại dở những đều đâu đâu” mà Trương Vĩnh Ký còn giữ nguyên thì hà cớ gì ông lại nhằm vào những câu vốn đã chỉn chu mà chữa lại một cách vô lối như vậy? Bằng không, nguyên nhân nào khiến ông làm cái việc “để tiếng về sau” ấy? Không có câu trả lời thoả đáng cho câu hỏi trên thì cái giả thuyết Trương Vĩnh Ký “sửa Kiều” khó có thể đứng vững.
Nhận định rằng Trương Vĩnh Ký đã phiên nôm sai cũng rất khó thuyết phục: Cho rằng vào thời điểm đó mới chỉ có hai bản nôm được khắc in (bản Liễn Văn Đường 1871 và bản Duy Minh Thị 1872), Nguyễn Quảng Tuân giả định “có thể ông (Trương Vĩnh Ký) đã căn cứ vào hai bản đó để phiên âm”. Nhưng “có thể” chỉ là một cách nói, còn trên thực tế, Nguyễn Quảng Tuân đã dùng chính hai bản này để đối chiếu với bản của Trương Vĩnh Ký. Kết quả của công việc đó đã được Huệ Thiên tán thưởng: “Trong việc phiên âm và chú giải Truyện Kiều, Trương Vĩnh Ký đã phiên âm sai ít nhất là 41 chỗ và chú giải sai ít nhất là 32 chỗ. Đây là điều mà ông Nguyễn Quảng Tuân đã chỉ ra một cách hoàn toàn xác đáng và có căn cứ hoàn toàn chắc chắn” [7].
Nhưng cái “căn cứ” đã dựa trên một giả định “có thể” thì rất khó khẳng định là “hoàn toàn chắc chắn”. Có lẽ Nguyễn Quảng Tuân chỉ tỏ ra “hoàn toàn chính xác” khi nêu ra con số 41 trường hợp, thậm chí còn phân thành 3 loại: chọn âm sai (6 chỗ), phiên âm sai vì nhầm lẫn các chữ có tự dạng gần giống nhau hoặc bị khắc sai (21 chỗ) và những chữ phiên âm sai khác hẳn với các bản nôm (14 chỗ). Phiên nôm đúng là một việc không đơn giản nhưng thiết nghĩ, nó chỉ xảy ra ở một số mã chữ nan giải, như hai chữ “song viết” chẳng hạn. Đối với những trường hợp mà Nguyễn Quảng Tuân nêu ra, chắc chỉ cần học chữ nôm ở mức “sạch nước cản” là bất cứ ai cũng có thể xử lý được. Chúng tôi ngờ rằng Trương Vĩnh Ký dùng một bản nôm khác với hai bản mà Nguyễn Quảng Tuân dùng để đối chiếu. Câu chữ trong các bản Kiều nôm cũng khác nhau đáng kể vốn là một thực tế. Một người phiên chữ này mà người kia lại đưa chữ khác ra so, không sai mới là chuyện lạ.
Tuy vậy, chúng tôi muốn lưu ý đến một cách lập luận có vẻ không bình thường. Theo lời ông Nguyễn Quảng Tuân, câu 917 “Rừng thu từng biếc chen hồng”, bản Liễu Văn đường khắc lầm chữ “rừng” ra chữ “lầu”, bản Duy Minh Thị khắc đúng chữ “rừng”; câu 2426 “Dễ đem gan óc đền nghì trời mây”, Liễu Văn đường khắc sai là chữ “ốc”, Duy Minh Thị khắc đúng là chữ “óc”; câu 1318: “Nỗi quê nghĩ một hai điều ngang ngang”, bản Duy Minh Thị khắc nhầm là “sanh”; câu 2182 “Mắt xanh chẳng để ai vào có không”, bản Duy Minh Thị khắc nhầm chữ “có” thành chữ “đồng”. Vẫn theo lời Nguyễn Quảng Tuân, khi phiên âm, Trương Vĩnh Ký luôn tham khảo cả hai bản. Vậy mà trong cả 4 lần ấy, học giả họ Trương cứ nhất quyết chọn chữ khắc sai, khắc nhầm mà không chịu dùng chữ đúng để phiên âm. Thật khó hiểu (?!).
Rồi Nguyễn Quảng Tuân còn “chỉ ra” những cái sai đại loại như sau:
“10. Câu 1935:
Cửa thiền thennhặt lưới mau
Trương Vĩnh Ký đã phiên âm câu này là:
Quan phòng thẹn mặt(1) lưới mau”
rồi chú: “(1) Bản in lần thứ nhất chép là then nhặt nhưng bản in lần thứ ba năm 1911 đã sửa lại là thẹn mặt” [26; 137].
Sửa lại câu chữ Truyện Kiều như thế mà bị chỉ ra thì cũng là sự thường. Nhưng nếu biết rằng Trương Vĩnh Ký đã mất vào năm 1898 mà vẫn viết như thế thì e rằng hơi bất thường. Cái lỗi “thẹn mặt” này, nếu “hoàn toàn xác đáng”, ắt không thể gán vào cho học giả họ Trương được.
Vậy làm sao lý giải được hơn hai trăm trường hợp “độc hữu” trong bản Trương Vĩnh Ký? Trong trường hợp này, nhận xét của GS. Đào Duy Anh và Nguyễn Văn Hoàn rằng Trương Vĩnh Ký chỉ “phiên âm lại cho đúng một bản nôm nào đó” là thoả đáng hơn cả. Tuy nhiên, có lẽ ông đã dùng một bản Kiều nôm mà hiện nay chúng ta chưa được biết để phiên âm. Nhiều khả năng đó là một bản chép tay và không có quá nhiều chữ “bất thành tự” như trong các bản nôm được khắc ván in thời kỳ đó. Bản nôm này gần gũi với bản Duy Minh Thị và bản nôm Abel des Michels, tức là thuộc hệ văn bản miền Nam , chứ không phải là một bản phường.
Đặt toàn bộ sự chú ý vào việc phiên âm, Trương Vĩnh Ký đã tạo ra một bản Kiều quốc ngữ đầu tiên in đậm dấu ấn Nam kỳ với tiếng địa phương nhan nhản khắp nơi: chữ mạng, kiểu thơm, nhu gia, Tuý Kiều, Tuý Vân, đờn bà, phui pha, sau chơn, cu don, buông kìm, vuờ tay, vv… Đúng là một bản Kiều chỉ phục vụ riêng người đọc miền Nam như GS. Nguyễn Tài Cẩn nhận xét. Tuy nhiên, tình trạng đó không chỉ do hậu quả của việc in bằng chữ quốc ngữ, loại chữ có ưu thế ghi âm sát đúng hơn chữ nôm nhiều. Trương Vĩnh Ký là người Nam bộ thì việc để lại ít nhiều tiếng địa phương là điều khó tránh khỏi. Nhưng sự xuất hiện với mật độ dày đặc như thế lại cho phép ta nghĩ tới một khả năng khác. Đây chính là chủ đích của Trương Vĩnh Ký khi phiên chuyển Truyện Kiều sang quốc ngữ. Có một định hướng hết sức rõ ràng tới lớp độc giả Nam kỳ đang hình thành từ việc đọc “nhựt trình” mà cũng là những độc giả duy nhất sử dụng chữ quốc ngữ ở thời điểm đó, ông đã sử dụng tiếng địa phương ở tất cả các trường hợp có thể. Đôi chỗ còn để sót những tiếng toàn quốc như “dập dìu”, “chiều”, “thiếp thiếp” ở các câu 1203: “Nàng rằng: mưa gió dập dìu”, câu 2370 “Chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai”, câu 2710 “Nàng còn thiếp thiếp, giấc vàng chửa phai”… ông đều đưa vào phần chữ in sái và đề nghị “thì sửa lại mà đọc rằng”: dập diều, chìu, thíp thíp. Chỉ để sót năm trường hợp “in sái” trên tổng số 3254 câu của Truyện Kiều, quả là Trương Vĩnh Ký đã nỗ lực rất nhiều để tạo ra một bản Kiều quốc ngữ chỉ phục vụ riêng người đọc miền Nam. Nó gây bỡ ngỡ cho người đọc hiện nay nhưng lại rất gần gũi với người đọc thời bấy giờ. Chọn cách phiên chuyển như thế, Trương Vĩnh Ký cho thấy một xu hướng đại chúng hoá Truyện Kiều, bằng việc ít nhiều làm sai lệch câu chữ, nhất là về ngữ âm, để phù hợp với sự tiếp nhận của độc giả. Ông cũng không chú tâm vào việc đính ngoa những chữ viết sai, vốn có rất nhiều trong các bản nôm, nên bản Poème Kim Vân Kiều truyện của ông hẳn cũng phản ánh khá trung thành một bản Kiều nôm mà hiện nay chúng ta chưa tìm lại được.
Đánh giá về công việc của Trương Vĩnh Ký, Ứng Hoè Nguyễn Văn Tố đã viết: “Những truyện nôm nhưTruyện Kiều, Truyện Phan Trần, mà ông dịch ra quốc ngữ đầu tiên, tất cũng có chữ sai, nhưng không nên vin vào đấy mà phê bình, vì chữ nôm của ta là một thứ chữ không có tự điển, mỗi người viết một cách, khó lòng đọc cho đúng ngay: thử lấy một quyển nôm nào chưa ai dịch ra quốc ngữ mà đọc xem, có lắm chữ không tài nào đọc nổi, thế mới biết cái tài học của Trương Vĩnh Ký đáng tôn trọng, đáng kính phục bao nhiêu” [8].
Bản Kiều của Trương Vĩnh Ký vì thế, luôn được các nhà biên khảo sau ông tham khảo: thời gian đầu, chủ yếu là để giúp đọc chữ nôm và sau này, là một văn bản cổ làm cơ sở cho việc hiệu đính Truyện Kiều. Như vậy, bản Kiều quốc ngữ đầu tiên này, nếu được xử lý thoả đáng, vẫn là một tư liệu tham khảo có giá trị trong hành trình “tìm chữ Nguyễn Du giữa “rừng” Kiều”.
2.2.2. Kim Vân Kiều tân truyện (Edmond Nordemann, 1897)
Edmond Nordemann là trưởng giáo (hiệu trưởng) trường Quốc học Huế. Nhận thấy trong Truyện Kiều “đủ cả người trung, người nghĩa, kẻ gian, kẻ nịnh, giọng cứng, giọng mềm, điệu vui, điệu oán, đặt lời nhẹ mà ý sâu, dùng chữ xa mà nghĩa rộng, từ đầu đến cuối không câu nào non, vần nào ép, thật là tài tình tao nhã… nước Nam vẫn lấy làm hay nhất” nên ông “mới in trước, rồi sau sẽ in những truyện nôm kia”.
Về bản Kiều này, Nguyễn Văn Hoàn viết: “Bản Kiều quốc ngữ Noóc-đờ-man cũng không ghi rõ là đã dựa theo bản Kiều nôm nào”[9]. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, kho cơ sở dữ liệu của Truyện Kiều không chỉ là các bản nôm nữa, nó đã được bổ sung bằng các bản Kiều quốc ngữ của Trương Vĩnh Ký và Abel des Michels. Vì thế, trong khi quốc ngữ hóa Truyện Kiều, chắc Nordemann không đơn thuần chỉ dựa vào các bản nôm.
Bản Kim Vân Kiều tân chuyện của Nordemann gồm có 3254 câu. Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy bản này không hề bị ảnh hưởng của các bản Kiều nôm chép tay ở Huế thời đó. Các câu chữ “độc hữu” của các bản kinh không xuất hiện trong bản Nordemann. Nhưng khi đối chiếu với các bản phường thì tình hình khác hẳn, bản Nordemann có nhiều câu chữ chỉ có trong các bản phường. Một bảng đối chiếu sơ bộ một số câu chữ trong bản Nordemann với các bản: Liễu Văn đường (LVĐ 1866, LVĐ 1871), Quan Văn đường (QVĐ 1879), Thịnh Mỹ đường (TMĐ 1879), Nguyễn Hữu Lập (NHL 1870), Duy Minh Thị (DMT 1872) có thể làm rõ hơn điều đó.
114. Bóng chiều đã ngả, dặm hoè còn xa
124. Dấu giày từng bước in rêu rành rành
127. Hữu tình ta lại gặp ta
157. Nước non cách mấy buồngđiều
594. Dẫu rằng đá cũng nát gan lọ người
872. Vương ông bày tiệc tiễn hành đưa theo
1004. Lựa lời khuyên giải mơn man gỡ dần
1069. Sốt gan riêng giận trời già
Bản
|
LVĐ 1866
|
LVĐ 1871
|
QVĐ 1879
|
TMĐ 1879
|
Nordemann
|
NHL 1870
|
DMT 1872
|
Câu
| |||||||
114
124
127
157
594
872
1004
1069
|
hoè
Dấu giày
gặp
//////
người
mở
//////
//////
|
hoè
Dấu giày
gặp
điều
người
mở
Gieo
Nổi gan
|
hoè
Dấu giày
gặp
điều
người
mở
Gieo
Nổi gan
|
về
Dấu giày
gặp
điều
rằng
bày
Lựa
Sốt gan
|
hoè
Dấu giày
gặp
điều
rằng
bày
Lựa
Sốt gan
|
về
Dấu hài
biết
đào
người
gánh
Kiếm
Nổi gan
|
về
Vết giày
biết
thêu
người
gánh
Gieo
Nổi gan
|
Thống kê câu chữ như trên cho ta thấy Nordemann có lẽ đã sử dụng bản Thịnh Mỹ đường 1879 làm văn bản cơ sở. Ông cũng đã tham khảo ít nhất là một trong ba bản LVĐ 1866, LVĐ 1871, QVĐ 1879 để có chữ “dặm hoè” trong câu 114.
Việc so sánh, đối chiếu các bản Kiều quốc ngữ cũng cho thấy Nordemann đã tham khảo bản Trương Vĩnh Ký. Trong 60 trường hợp trùng nhau ở hai bản này, ta thấy có nhiều chữ “độc hữu” của bản Trương Vĩnh Ký cũng xuất hiện trong bản Nordemann:
575. Hàn huyên chưa kịp tảđề
611. Tính bài trọn đó luồn đây
1120. Gió cây lọt lá, trăng ngàn ngậm sương
2058. Ngọn đèn khêu nguyệt, tiếng chày nặng sương
Là một học giả phương Tây, chắc Nordemann đã sớm nhận ra sự bất cập của các bản Kiều nôm. Vì thế, ông đã chọn bản Thịnh Mỹ đường 1879 (hoặc một văn bản rất gần với bản này) và tham khảo một số bản Kiều khác để làm thành cuốn Kim Vân Kiều tân truyện. Có lẽ, Nordemann mới chính là người mở đầu cho lề lối biên soạn Truyện Kiều theo phương pháp hiệu đính trong suốt thế kỷ XX chứ không phải là Kiều Oánh Mậu với bảnĐoạn trường tân thanh in năm 1902 như nhận định của một số nhà nghiên cứu. Mấy năm sau, ngoài việc “theo bản kinh và tham chước các bản tư gia”, có thể Kiều Oánh Mậu còn tham khảo cả bản Nordemann (theo cách hiểu của Đào Thái Tôn về điều 6 bài Lệ ngôn: “Chữ nôm nước ta… có khi một chữ mà đọc thành ba bốn âm, phân vân mỗi người một thuyết, chưa biết cân nhắc, chọn lựa vào đâu cho nhất trí. Nay nhân theo chữ quốc ngữ mà soạn thành một bản khắc để cho được nhất trí”) để biên soạn cuốn Đoạn trường tân thanh (1902). Một số chữ được cho là “độc hữu” của bản Kiều Oánh Mậu như “Đầy” (“Đầy thềm hoa rụng biết người ở đâu”), “sỗ sàng” (“Ghế trên ngồi tót sỗsàng”), “mấy” (“Trời làm cực chi mấy trời”) thực ra đã xuất hiện ở bản Nordemann.
Trong bản Nordemann còn phát sinh 43 dị bản mới so với các bản Kiều trước đó. Xin nêu ra một số thí dụ sau:
160. Gặp tuần thả lá, thoả lòng tìm hoa
228. Dưỡng sinh đôi đức, tóc tơ chưa đền
238. Chưa xong điều nghĩ đã dào tìnhthương
357. Sẵn tay mở quạt hoa quỳ
395. Rũ xiêm vuốt áo chững chàng
1930. Ngày phô thủ tự đêm nhồi tâm hương
Vậy có chăng việc Nordemann cũng theo một thông lệ trong truyền thống văn học trung đại của nước ta mà “nhuận sắc” Truyện Kiều? Hoặc giả, ông tiếp thu sự nhuận sắc của một bản Kiều mà nay đã thất lạc? Bất luận là vì nguyên do nào, kết quả hiển nhiên vẫn chỉ có một: đến bản quốc ngữ của Nordemann, câu chữ Truyện Kiều lại bị xô lệch thêm một chút nữa.
Bản Kiều quốc ngữ của Normann trước đây ít được các nhà biên khảo chú ý song chúng tôi thiết nghĩ, cần phải tìm hiểu nó cặn kẽ hơn nữa. Đây là một văn bản mang những câu chữ của các bản Kiều cổ và thêm vào đó, được biên soạn bởi một học giả người Pháp có quan điểm và phương pháp xử lý văn bản rất khác với các nhà biên khảo thời bấy giờ.
2.2.3. Truyện Thuý Kiều (Bùi Kỷ - Trần Trọng Kim, 1925)
Đến đầu những năm 1920, các bản Kiều cả nôm và quốc ngữ được in cấp tập nhưng “các bản in ra, có nhiều bản không giống nhau, rồi có người lại tự ý mình đem chữa đi, chữa lại, thành ra ngày càng sai lầm nhiều thêm. Mới đây những bản in bằng chữ quốc ngữ, tuy có dễ đọc và dễ xem hơn trước, nhưng chưa thấy có bản in nào thật chính xác, những điều sai lầm vẫn còn như các bản chữ nôm cũ… và những lời giải thích cũng không kỹ càng lắm” [4; vii].
Có thể thấy, sự sai biệt về câu chữ trong các văn bản Truyện Kiều đã được các nhà biên khảo chú ý từ khá sớm. Và như vậy, mong muốn khôi phục một bản Kiều “gần được như nguyên văn” là một hệ quả tất nhiên. Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim đã “nhặt nhạnh các bản cũ, rồi so sánh với các bản mới để hiệu đính lại” Truyện Kiều. Đó cũng là cách mà hầu hết các nhà biên khảo sau này sẽ áp dụng với ít nhiều sắc thái khác biệt. Hai ông cũng “mượn” khái niệm “kinh bản”, “phường bản” của Kiều Oánh Mậu để phân loại các bản Kiều nôm nhưng lại cấp cho chúng những nét nghĩa khác. Kiều Oánh Mậu coi phường bản là “những bản do các hiệu ở Hàng Gai khắc ra có tới bốn năm bản, lâu ngày sai suyễn không cần phải bàn đến”. Trong khi đó, Trần Trọng Kim lại cho rằng: “Bản phường là bản của ông Phạm Quý Thích đem khắc, in ra trước hết cả… Chắc cũng có sửa đổi lại một vài câu, nhưng xem lời văn thì chỗ nào cũng một giọng cả”. Tương tự, “kinh bản” trước chỉ được dùng để chỉ bản Kiều do Đào Nguyên Phổ mang từ Huế ra thì nay lại trở thành “bản kinh của vua Dực Tông (Tự Đức) bản triều đã chữa lại”. Cách giới thuyết về bản phường như vậy và đưa ra nguyên tắc “lấy bản phường làm cốt” rất dễ khiến độc giả tin rằng hai ông đã có trong tay “bản của ông Phạm Quý Thích đem khắc, in ra trước hết cả”. Nếu điều đó có thật thì mọi chuyện sẽ trở nên đơn giản, vì bản này đích thực là bản gần được như nguyên văn, hai ông cũng khỏi phải bỏ công so sánh với các bản khác, ít ra là với bản Kiều Oánh Mậu xuất hiện muộn hơn khoảng trên dưới tám chục năm, để hiệu đính lại Truyện Kiều.
Mối tương quan giữa bản Bùi Kỷ - Trần Trọng Kim và bản Kiều Oánh Mậu rất đáng được xem xét. Trong khi khảo sát văn bản, “nhận thấy bản này chủ yếu chịu ảnh hưởng của bản Kiều Oánh Mậu”, Nguyễn Văn Hoàn đã nêu thành vấn đề: “…những sự sửa chữa của Kiều Oánh Mậu đã được phổ biến rộng rãi và trở thành thông dụng và quen thuộc với mọi người. Một điều cần phải đặc biệt lưu ý là bản Kiều quốc ngữ được phổ biến rộng rãi nhất ở nước ta trong hơn 30 năm trở lại đây là bản Bùi Kỷ - Trần Trọng Kim đã chịu ảnh hưởng bản Kiều Oánh Mậu rất sâu sắc. Bản Bùi Kỷ in đẹp, số lượng phát hành lớn, trước đây đã được Vĩnh Hưng Long thư quán, nhà sách Tân Việt và sau này là Nhà xuất bản Phổ thông tái bản đi tái bản lại tất cả vào khoảng 15 lần và điều quan trọng hơn nữa là bản đó được dùng nhiều nhất trong các trường học và thông qua nhà trường, nó trở thành thông dụng trong xã hội ” [9; xxxv-xxxvi]. Nguyễn Thạch Giang cũng đồng quan điểm khi cho rằng: bản Bùi Kỷ - Trần Trọng Kim “đã chịu ảnh hưởng bản Kiều Oánh Mậu một cách sâu sắc. Có thể nói bản này ra đời trên cơ sở bản Kiều Oánh Mậu” [10; 106]. Gần đây, Đào Thái Tôn cũng viết: “Sang đầu thế kỷ XX, Đoạn trường tân thanh (bản Kiều Oánh Mậu) đã có ảnh hưởng sâu sắc tới bản in quốc ngữ Truyện Thuý Kiều của Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim. Ảnh hưởng này không chỉ là ở câu chữ mà còn là những lời bình chú… Đến lượt nó, bản Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim lại đã ảnh hưởng sâu sắc tới nhiều bản quốc ngữ trong suốt thế kỷ qua” [21; ].
Ý kiến của các nhà nghiên cứu như vậy là khá thống nhất. Nghĩa là bản Bùi Kỷ - Trần Trọng Kim đã chuyển tải hàng trăm dị bản về câu chữ của bản Kiều Oánh Mậu, một con số không hề nhỏ, đi suốt thế kỷ XX khiến những sự sửa chữa của Kiều Oánh Mậu “được phổ biến và trở thành thông dụng”. Để thấy rõ hơn sự ảnh hưởng này, chúng tôi đã tiến hành so sánh, đối chiếu hai văn bản ở những trường hợp “độc hữu” của bản Kiều Oánh Mậu, bao gồm những chỗ ông “dựa hẳn theo bản kinh” và những chỗ “nhân vần đổi hẳn đi để cho hợp văn lý”. Tóm lại, là tất cả những câu chữ khác biệt hẳn với các bản Kiều thế kỷ XIX. Chúng tôi cho rằng, nói đến ảnh hưởng của bản Kiều Oánh Mậu thì điều trước tiên và chủ yếu là phải tính đến những ảnh hưởng về những câu chữ ấy của ông.
Việc so sánh, đối chiếu của chúng tôi (chi tiết trong Phụ lục 3) cho kết quả như sau:
Trong số 479 trường hợp dị bản về câu chữ trong bản Kiều Oánh Mậu (thống kê của GS. Nguyễn Tài Cẩn trong Tư liệu Truyện Kiều - từ bản Duy Minh Thị đến bản Kiều Oánh Mậu), bản Bùi Kỷ - Trần Trọng Kim chỉ theo có 147 trường hợp. Ở 332 trường hợp còn lại, hai ông dựa theo các bản Kiều nôm khác. Nếu lấy con số 479 trường hợp là 100%, bản Bùi Kỷ- Trần Trọng Kim chỉ dựa theo bản Kiều Oánh Mậu là 147/479 = 30,69%. Một tỷ lệ không phải là quá lớn.
Nhưng điều đáng lưu ý là bản Bùi Kỷ - Trần Trọng Kim hoàn toàn không dựa theo những sửa chữa lớn của Kiều Oánh Mậu ở cấp độ câu. Tất cả các câu như:
414. Cứ trong tướng pháp lắm thầy chê bai
531. Mở xem thủ bút nghiêm đường
532. Nhắn rằng: “Thúc phụ xa đường mệnh chung
533. Hãy còn ký táng Liêu Đông
534. Cố hương khơi diễn nghìn trùng sơn khê
535. Rày đưa linh thấn về quê
536. Thế nào con cũng phải về hộ tang”
1682. Đoạn trường ai có qua cầu mới hay
1705. Đành rằng nàng đã cửu nguyên
2911. Song còn chưa biết họ tên
3131. Đoàn viên mở tiệc nhà lan
rất đặc trưng cho bản Kiều Oánh Mậu đều không có mặt trong bản Bùi Kỷ - Trần Trọng Kim.
“Lấy bản phường làm cốt”, Bùi Kỷ - Trần Trọng Kim chủ trương: “Còn những chỗ mà bản kinh đổi khác đi, hoặc những câu mà về sau người ta sửa lại, thì chúng tôi phụ lục cả ở dưới, để độc giả có thể xem mà cân nhắc hơn kém”. Những trường hợp không theo bản Kiều Oánh Mậu, các ông đều chú “có bản viết là…” như một thông báo về việc không tán đồng những sự “sửa lại” đó.
Như vậy, với việc loại bỏ các câu “độc hữu” trên và với tỷ lệ 30,69% các trường hợp dựa theo Kiều Oánh Mậu (nếu tính cặn kẽ đến từng chữ, tỷ lệ này sẽ thấp hơn), khó có thể nói rằng bản Bùi Kỷ - Trần Trọng Kim chịu ảnh hưởng “rất sâu sắc” bản Kiều Oánh Mậu. Nếu chỉ bằng vào 147 chữ được Bùi Kỳ - Trần Trọng Kim cấp visa, có thể thấy rằng bản Kiều Oánh Mậu cũng có ảnh hưởng nhất định đến văn bản Truyện Kiều thế kỷ XX. Nó có những tác động nhất định vào việc làm xô lệch câu chữ Truyện Kiều nhưng quyết chưa phải là một cơn địa chấn làm đảo lộn văn bản Truyện Kiều.
Bắt tay vào việc hiệu đính Truyện Kiều, Bùi Kỷ - Trần Trọng Kim chủ trương “muốn giữ cho đúng như các bản cũ, chứ không phải muốn làm cho hay hơn” nên “không tự tiện mà đổi nguyên văn đi”. Đây là một nguyên tắc đúng đắn. Tuy nhiên, trên thực tế, trong văn bản Truyện Thúy Kiều vẫn còn 23 câu có sự xuất hiện của những chữ mới. Cụ thể là các câu sau:
6. Trời xanh quen thói(với) má hồng đánh ghen
65. Phận (Kiếp) hồng nhan có mong manh
151. Phong tư tài mạo tuyệt (tót) vời
258. Làm chi những (đem) thói khuynh thành trêu ngươi
286. Tịt (Tuyệt) mù nào thấy bóng hồng vào ra
572. Hoa trôigiạt (trác) thắm liễu xơ xác vàng
585. Điều đâu ai (bay) buộc ai làm
748. Rảy (Rưới) xin giọt nước cho người thác oan
1094. Rẽ (Đẩy)song đã thấy Sở Khanh bước vào
1365. Đã gần chi có đường (điều) xa
1415. Suy trong tình trạng bên nguyên (nguyên đơn)
1567. Đêm ngày lòng những giận (dặn) lòng
1664. Hẳn này thôi lại còn (có) bàn rằng ai
2160. Má hồng đến (đền) quá nửa thì chưa thôi
2186. Thân này còn dám xem ai là (làm) thường
2227. Đành lòng chờ đón (đó) ít lâu
2249. Ngày đêm (Đêm ngày) luống những dặn lòng
2544. Chấp (Giúp) công cũng có lời này mới nên
2717. Tâm (Tấm) thành đã thấu đến trời
2846. Càng sâu (âu) duyên mới càng dào tình xưa
2924. Làm cho (nên) động địa khinh thiên đùng đùng
2950. Chàng Vương nhậm thành Phú(Hoài) Dương
3066. Vậy đem duyên chị buộc vào duyên (cho) em
Một số câu chữ trên đây đã có ảnh hưởng đến những bản Kiều quốc ngữ sau này, nhất là chữ thói trong câu 6 “Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen” - nó được tất cả các nhà biên khảo về sau sử dụng.
Để lý giải những trường hợp trên, cần phải có thêm sự khảo sát về những bản Kiều đầu thế kỷ XX, tìm hiểu thêm về cách đọc một số chữ nôm cụ thể và dĩ nhiên, không loại trừ cả những sai sót trong khâu ấn loát. Tuy nhiên, việc xử lý những trường hợp này, nếu cần làm, chắc cũng không quá phức tạp.
Bản quốc ngữ Truyện Thuý Kiều của Bùi Kỷ - Trần Trọng Kim đã góp phần quan trọng vào việc quảng bá rộng rãi Truyện Kiều trong nhân dân. Tuy có 147 trường hợp dựa theo bản Kiều Oánh Mậu và 23 trường hợp có chữ độc hữu, đây vẫn là một bản Kiều đáng tin cậy, không quá xa với nguyên tác của Nguyễn Du. Chúng tôi cũng muốn lưu ý rằng, sau khi khảo sát 9 bản Kiều thế kỷ XIX, GS. Nguyễn Tài Cẩn đề nghị phục nguyên 34/479 trường hợp độc hữu của bản Kiều Oánh Mậu. Trước đó 80 năm, Bùi Kỷ - Trần Trọng Kim đã phục nguyên 29 trường hợp rồi. Để đánh giá một văn bản cần phải có sự khảo sát tỉ mỉ với những tiêu chí thật cụ thể song con số đó cũng ít nhiều nói lên được độ tin cậy của văn bản Kiều này và sự làm việc nghiêm túc của hai nhà biên khảo tiền bối.
2.2.4. Kiều truyện dẫn giải (Hồ Đắc Hàm, 1929)
Trong “Phàm lệ” của cuốn sách, Hồ Đắc Hàm viết: “Nay tôi y theo truyện cũ mà chia ra từng đoạn, trước thời chép “truyện”, thứ thời “dẫn” tích, sau thời “giải” nghĩa để bạn thanh niên xem đọc cho tiện. Nên bản này đặt tên là Kiều truyện dẫn giải”.
Soạn giả không nói gì thêm nhưng chỉ bằng vào 3.254 câu của bản Kiều quốc ngữ này, ta có thể đoan chắc rằng ông đã không “y theo” những bản Kiều nôm chép tay ở Huế để chép truyện. Vào thời điểm đó, các “thủ bản” đã không còn được coi trọng? Dù sống ở Huế, Hồ Đắc Hàm cũng chỉ đọc các bản Truyện Kiều “in ra hoặc bằng chữ quốc ngữ, hoặc bằng chữ nôm, có hơn mười mấy bản”. Ông hoàn toàn không nhắc tới “bản kinh do vua Dực Tông bản triều đã chữa lại”. Nhận thấy “ý kiến mỗi người một khác, nên chép truyện có nhiều chỗ khác nhau”, ông đã lập một bản khảo dị vắn tắt xếp theo vần a, b, c ở cuối truyện “trước là để tồn nguyên văn của mấy bản kia, sau là để làm bản đối tra cho độc giả được tiện đường chất chính”. Nếu khảo sát kỹ càng bản “Đối tra” căn cứ vào các trường hợp độc hữu, chúng ta có thể tái lập hầu hết thư mục mười mấy bản Kiều mà ông đã khảo. Ở đây có những bản Kiều khá quen thuộc và có cả một số bản mà giới biên khảo chưa chú ý tới. Thuộc trường hợp thứ hai, là bản có các câu khá “lạ lẫm” như:
611. Tính bài luận đó luận đây
1387. Diên linh mừng đã trùng dương
1466. Phê cho vĩnh viễn Châu - Trần trăm năm
1636. Liều như cung quảng xích thằng nghĩ nao
3017. Gối huyên kề lại gieo mình, vv…
Trở lại với văn bản của Kiều truyện dẫn giải, dù tuyên bố “y theo truyện cũ” nhưng Hồ Đắc Hàm không chỉ chọn một bản Kiều nôm để phiên chuyển ra quốc ngữ.
Kết quả khảo sát cho thấy khá nhiều trường hợp độc hữu của các bản Kiều quốc ngữ trước đó đã xuất hiện trong bản Kiều này: 5 câu 175, 254, 975, 1832, 2222 của bản Trương Vĩnh Ký, 13 câu của bản Nordemann (54, 155, 230, 321, 726, 856, 1176, 1496, 1635, 1653, 2527, 2530, 2796). Thêm vào đó, là một số câu đặc trưng của bản Kiều Oánh Mậu như:
Phong thư mâm lễ sai quan thuyết hàng
Đoàn viên mở tiệc nhà lan
Khó có thể hình dung một bản Kiều nôm nào đó hội đủ những trường hợp dị biệt như trên. Nó phải là sự tập hợp, lựa chọn câu chữ từ nhiều bản Kiều khác nhau, ít ra cũng phải có các bản nêu trên. Với các bản Kiều có trong tay, Hồ Đắc Hàm chỉ việc tham khảo và lựa chọn những câu chữ hợp ý để tạo thành văn bản của mình. Đó cũng là thao tác mà hầu hết các nhà biên khảo sử dụng. Vì thế, Kiều truyện dẫn giải cũng chỉ là một “ý kiến” của ông về Truyện Kiều mà thôi.
Đọc đủ các bản Kiều của hai miền Bắc Nam , nhận thấy “nhiều tiếng nói mỗi xứ một khác”, Hồ Đắc Hàm lại làm khác thêm nữa bằng cách tạo ra một bản Kiều dành cho độc giả Huế. Trong Kiều truyện dẫn giải, sự xuất hiện của tiếng địa phương cũng khá dày đặc với: chữ mạnh, Gia Tịnh, phụng chạ loan chung, đứng tài hoa, lạc vàng, lác thấy, nứt nở, lượng lự, túi giầm, sờm sở, tùng phu… So với bản Nordemann xuất bản ở Huế hơn ba mươi năm trước đó, bản Kiều này đã được “địa phương hoá” rất nhiều. Dường như mục đích truyền bá Truyện Kiều đến một bộ phận độc giả người Huế đã đủ mạnh để buộc nhà biên khảo lựa chọn lớp vỏ phương ngữ cho những câu chữ của Nguyễn Du như cách làm của Trương Vĩnh Ký.
Đến Kiều truyện dẫn giải, câu chữ Truyện Kiều lại tiếp tục bị xô lệch. Theo khảo sát của chúng tôi, trong bản này lại có thêm 53 chữ mới nữa. Xin đơn cử một số thí dụ sau:
466. Đã lòng dạy đến dạy thì xin (phải) vâng
535. Thấy (Mảng) tin xiết nỗi kinh hoàng
548. Ngập ngừng nàng mới giở (giãi) lời trước sau
762. Mới tan (dầu) cơn vựng chưa phai giọt hồng
764. Kiều càng nức nở nói (mở) không ra lời
894. Mé ngoài nghe (nghỉ) đã giục liền ruổi xe
959. Giờ ra thay mặt (bực) đổi ngôi
1048. Buồn trông cửa bể chiều (gần) hôm
1085. Trời tây lãngđãng (bảng lảng) bóng vàng
1091. Chim hôm xaoxác (thoi thót) về rừng
1398. Dại rồi mới (còn) biết khôn làm sao đây
1471. Huệ lan thơm (sực) nức một nhà
1679. Chắc rằng mai trúc sum (lại) vầy
1942. Xăm xăm đến chốn (mé) vườn hoa với nàng
2159. Lỡ từ lạc bước chân (bước) ra
2173. Giang hồ quen thói (thú) vẫy vùng
2380. Lòng lòng cũng giận người người giúp (chấp) uy
2365. Rằng tôi chút phận (dạ) đàn bà
2783. Trót lời hẹn (nặng) với lang quân
3050. Lòng nào nỡ dứt lòng (nghĩa) người ra đi
3124. Trăng già (tàn) mà lại hơn mười rằm xưa
3199. Khúc đâu đượm (đầm) ấm dương hoà
Những khác biệt về câu như vậy chắc cũng có nhiều nguyên do, trong đó có phần nào là do “nhuận sắc”. Xu hướng dùng từ dễ hiểu, hiện đại hơn khá rõ. Những sửa chữa ấy ít nhiều đều phương hại đến câu thơ cũ. Dùng “xao xác” thay cho từ “thoi thót” rất độc đáo của Nguyễn Du, câu thơ mất hẳn sức gợi về tâm trạng bất an của nàng Kiều. Ở trường hợp khác, câu:
Rằng tôi chút dạ đàn bà
Ghen tuông thì cũng người ta thường tình
mới cho thấy cái “khôn ngoan hết mực, nói năng phải lời”của Hoạn Thư. Thay chữ “dạ” bằng chữ “phận”, câu thơ bỗng trở nên vụng về và thiếu mạch lạc. Tuy nhiên, một số sửa chữa của Hồ Đắc Hàm cũng được các nhà biên khảo sau này như Tản Đà, Lê Văn Hòe, Nguyễn Văn Hoàn, Nguyễn Thạch Giang… tiếp thu để đưa vào bản Kiều của mình. Điều đó cho thấy phần nào mức độ ảnh hưởng của bản Kiều truyện dẫn giải trong quá trình quốc ngữ hoá Truyện Kiều.
2.2.5. Vương Thuý Kiều chú giải tân truyện (Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, 1941)
Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu là một thi sĩ lớn của văn học Việt Nam . Chính tài thơ và cả chất tài tử thuộc loại thiên bẩm ấy khiến ông trở thành người có ưu thế bậc nhất để nhuận sắc Truyện Kiều. Nhưng nhà biên khảo Tản Đà lại đặt ra những thể lệ biên soạn khá nghiêm ngặt: “Bản truyện này trước khi sửa soạn để in, có họp nhiều các bản chữ nôm và các bản quốc ngữ đã in trước; phàm những chữ trong truyện, bản nọ in khác bản kia, đều so sánh lựa chọn, mong được thế nào là phải hơn” và “Những chữ phân vân mà ở trong bản đây không dám có ý định như sao, thời đành cứ để theo như trong bản nôm xưa, chịu là một lẽ chưa tường” [6; 93].
Theo khảo sát của Nguyễn Văn Hoàn (1965), “Bản này phiên âm theo các bản phường thông dụng trong khoảng đầu thế kỷ này - loại Phúc Văn đường tàng bản”. Căn cứ vào phần chú giải, ta biết Tản Đà còn sử dụng một số bản khác như: “bản nôm chữ viết”, “bản nôm của Ngô Tử Hạ”, “bản in nôm của hiệu Quảng Thịnh”. Việc so sánh lựa chọn trong nhiều bản Kiều nôm, mà lại là các bản của những năm 1920 – 1930, chắc chắn sẽ dẫn tới sự xô lệch về câu chữ của Truyện Kiều. Nó đã ít nhiều hiện diện trong 24 trường hợp độc hữu của bản Tản Đà, trong đó có một số câu chữ đáng lưu ý như:
18. Mỗi (Một) người mỗi (một) vẻ mười phân vẹn mười
160. Gặp tuần đổi (đố) lá thoả lòng tìm hoa
581. Đầy nhà vang tiếng nhặng (ruồi) xanh
1102. Ta đây nàophải (phải mượn) ai đâu mà rằng
1105. Nàng rằng muôn đội (sự) ơn người
1769. Sợ chi (Nữa khi) giông tố phũ phàng
2155. Tiếc thay nước lã(đã) đánh phèn
2266. Hoa quan phấpphới (giấp giới) hà y rỡ ràng
2657. Có trời mà cũng có (tại) ta
2658. Tu là cõi (cội) phúc tình là dây oan
2672. Trước hàm rồng cá, gieo mồi băngtinh
2869. Ấy ai hẹn (dặn) ngọc thề vàng
Những sửa chữa ở một số câu như 18, 1102, 1769, 2266, 2657, 2658, 2869… qua sự thẩm định của Tản Đà, đã được “nhập cư” vào một số bản Kiều quốc ngữ sau này.
Dường như Tản Đà không tự cho phép mình nhuận sắc Truyện Kiều. Là một nhà thơ quá quen với việc nhào câu luyện chữ nên ông thường đưa ra những kiến giải riêng về câu chữ Truyện Kiều. Tuy nhận thấy “như thế thời còn nhiều chỗ đổi đi được”, ông vẫn chủ trương “đành cứ để nguyên như các bản nôm xưa, bỏ làm một nghĩa chưa tường, để đợi được có người biết rõ” [6; 122]. Ở những trường hợp có chủ ý riêng về câu chữ cụ thể, Tản Đà thường đưa vào phần chú giải. Chẳng hạn như câu 2747-2748, ông vẫn chép:
Trước sau nào thấy bóng người
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông
trong phần chính văn rồi chú: “Theo thiển nghĩ, chữ “bóng” đây, cứ để là chữ “mặt”, đúng mà hay hơn”.
Ở chỗ khác, về bốn câu, từ 1645 - 1648:
Kíp truyền sắm sửa lễ công
Kiệu hoa cất gió, đuốc hồng điểm sao
Bày hàng cổ xuý xôn xao
Song song đưa đến trướng đào sánh đôi.
Tản Đà đã đưa ra kiến giải rất tinh tế: “Trở lên bốn câu đây ngờ không đúng hợp với sự tình lúc đó. Như quan phủ có rộng lượng thời tha cho đã là tốt; không lẽ lại vì những kẻ bị kiện mà làm lễ cưới hộ cho. Huống “phủ đường” đó, một ông quan “mặt sắt” đâu có “kíp truyền” nhảm như thế? Mà theo lẽ cũng không truyền cho nha thuộc “sắm lễ” như thế được. Cho nên theo ngu ý riêng, bốn câu này chỉ riêng cắt bỏ; chữ “xong” ở cuối câu hết lời quan phủ, đổi là chữ “xuôi”, cho tiếp vần với chữ “tài”, chữ “lời” dưới đây, như thế có lẽ là xong xuôi hơn” [6; 201]..
Trong Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm tài nhân cũng không hề có tình tiết này [10]. Chúng tôi cho rằng đây có thể là “sản phẩm” của sự nhuận sắc Truyện Kiều từ rất sớm, chắc chắn phải trước năm 1866. Nguyễn Du vốn là người rất thông thạo những phép tắc của chốn công đường, không lẽ gì lại làm cái việc “vẽ rắn thêm chân” ấy. Và nếu đúng như vậy, trong việc tìm kiếm một văn bản Truyện Kiều cổ hơn, ngoài việc xác định bằng các dấu vết kỵ huý, cũng nên kiểm tra bốn câu 1645 – 1648 đã khiến Tản Đà phải ngờ vì sự bất hợp lý của nó.
Bản Vương Thuý Kiều chú giải tân truyện được các nhà biên khảo sau này như Nguyễn Văn Hoàn, Nguyễn Thạch Giang, Lê Xuân Lít,… chú ý bởi những chú giải đặc sắc của Tản Đà. Được hình thành trên cơ sở những bản nôm đầu thế kỷ XX và qua sự lựa chọn, bình chú của Tản Đà, bản Kiều này cho thấy một hướng xử lý văn bản Truyện Kiều tài hoa mà cũng khá nghiêm cẩn. Theo chúng tôi, đó là điều cần chú ý khi tiếp cận với bản Kiều này.
2.2.6. Truyện Kiều (Nguyễn Văn Hoàn, Nguyễn Sĩ Lâm, Nguyễn Đức Vân, 1965)
Công việc hiệu đính lại văn bản Truyện Kiều cho tương đối chính xác hơn để kỷ niệm 200 năm sinh thi hào Nguyễn Du (1765 - 1965) đã được Viện Văn học tổ chức thực hiện ngay từ năm 1960. Xuất phát từ mục đích “cần có một bản Kiều quốc ngữ tương đối đúng với nguyên tác”, nhóm nghiên cứu văn bản Truyện Kiều chủ trương “sưu tầm những bản cổ và có giá trị để làm cơ sở tra cứu” và đã thu thập được 21 bản nôm và 27 bản quốc ngữ [11]. Có thể nói, đây là lần quy tập văn bản Truyện Kiều lớn nhất từ trước tới nay và điều đáng chú ý hơn, nhóm hiệu đính có phần Nghiên cứu về văn bản Truyện Kiều rất công phu với gần 60 trang in, đánh giá tình trạng văn bản Truyện Kiều, nhận xét về các văn bản Kiều đã sưu tầm được và xác định quan niệm, tiêu chuẩn hiệu đính văn bản Truyện Kiều. Việc làm này có ảnh hưởng khá rõ rệt tới lề lối làm việc của các biên khảo sau này.
Sau khi đã khảo sát toàn bộ tư liệu hiện có, nhận thấy “chưa sưu tầm được một văn bản nào có giá trị tiêu chuẩn cao” nên nhóm nghiên cứu lại “chưa dám đặt yêu cầu hiệu đính theo phương hướng khôi phục lại nguyên tác của Nguyễn Du”. Và có lẽ, việc hạ chuẩn đó đã dẫn tới thái độ “hết sức thận trọng đối với lời văn thông dụng đã được quen thuộc trong nhân dân” để khỏi “đụng chạm và làm đảo lộn quá nhiều đến văn bản nhân dân đương quen thuộc”. Giả định về một văn bản như trên là khá mơ hồ, hay nói đúng hơn là không có một văn bản như vậy trong thực tế. Bởi chính nhóm nghiên cứu cũng đã nhận thấy: “rất có thể là người nào, địa phương nào cũng có cảm giác là chỉ có văn bản như mình thuộc lòng mới là đúng nhất”. Với sự góp mặt của quan điểm nhân dân, việc hiệu đính Truyện Kiều đã bị đẩy lùi một bước, ít nhất là trên nguyên tắc, bằng sự chấp nhận việc “nhuận sắc” như một lẽ đương nhiên. Cũng có thể ghi nhận đây là một sắc thái của xu hướng đại chúng hoá Truyện Kiều.
Theo quan niệm như trên, việc đề ra phương pháp cụ thể: “đối chiếu giữa bản Liễu Văn đường và bản Trương Vĩnh Ký là hai bản nôm và quốc ngữ tương đối cổ nhất hiện nay với bản Kiều Oánh Mậu là bản rất gần gũi với lời văn hiện đương được mọi người quen thuộc để phát hiện ra những trường hợp sai khác giữa ba bản, sau đó cân nhắc xem nên chọn chữ nào là tương đối hợp lý hơn cả”, và “cá biệt có trường hợp… dựa vào một bản khác, hoặc dựa vào lời truyền miệng của đông đảo công chúng” cần được xem như một hệ quả tất yếu. Về hình thức, có vẻ như đó là một lựa chọn tối ưu để thoả mãn đồng thời cả tính khoa học và tính nhân dân nhưng trên thực tế, việc kết hợp ba bản Kiều đại diện cho ba hệ bản khác nhau rất dễ tạo ra một bản Kiều quốc ngữ ít thuyết phục hơn nếu so với các bản hình thành chủ yếu trên cơ sở một hệ bản đã được thẩm định.
Nhóm Nguyễn Văn Hoàn đã liệt kê 12 bản Kiều thường được dẫn đến trong phần khảo dị [12]. Danh sách này còn có thể bổ sung thêm một số bản Kiều mà nhóm ít nhiều có sử dụng nhưng không kê ra như: Kim Vân Kiều quảng tập (nôm – Thiên Khẩu Thuỷ), Kiều truyện dẫn giải (quốc ngữ - Hồ Đắc Hàm), Truyện Kiều chú giải(quốc ngữ - Lê Văn Hoè)… Do phải so sánh, đối chiếu, lựa chọn một số lượng lớn các văn bản Kiều như trên, bản Nguyễn Văn Hoàn dung nạp khá nhiều những lựa chọn độc hữu ở bản quốc ngữ và góp phần phổ biến một số câu chữ đã được “nhuận sắc” như:
1247. Vui là vui gượng kẻo mà(bản Nordemann)
1094. Đẩy song đã thấy Sở Khanh lẻn vào (Bùi Kỷ - Trần Trọng Kim)
308. Quenmùi lại kiếm ăn miền nguyệt hoa (bản Hồ Đắc Hàm)
1040. Tin sương luống những rày trông mai chờ (bản Hồ Đắc Hàm)
1048. Buồn trông cửa bể chiều hôm (bản Hồ Đắc Hàm)
2658. Tu là cõi phúc tình là dây oan (bản Tản Đà)
2917. Thúc rằng: Gặp buổi loạn ly (bản Tản Đà)
18. Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười (bản Lê Văn Hoè)
2253. Người quen kẻ thuộc chung quanh (bản Lê Văn Hoè)…
Nhóm Nguyễn Văn Hoàn cũng đặt ra nguyên tắc: “Không tự mình sáng tác ra những chữ mới thích hợp, mà chỉ làm công việc lựa chọn chữ tương đối thích đáng nhất đã có sẵn trong các bản Kiều tiêu biểu và đã được phổ biến trong quần chúng đến mức độ nhất định nào đó” và đã tuân thủ nguyên tắc này một cách tương đối triệt để. Trong suốt bản Kiều này chỉ nảy sinh 17 chữ mới so với “những gì còn lại của nguyên tác” ở các câu 35, 214, 399, 441, 512, 530, 817, 1024, 1542, 1807, 2215, 2266, 2592, 2607, 2667, 2735, 3175. Ngoài những xô lệch nhỏ, có thể do sự khác biệt về phiên nôm như: nhất/rất, biển/bể, thì đáng chú ý là các câu sau:
214. Tỉnh ra mới biết là (rằng) mình chiêm bao
399. Phong sương đượm (được) vẻ thiên nhiên
441. Nàng rằng: Quãng (Khoảng) vắng đêm trường
817. Rủi may âu cũng tại (sự) trời
1542. Hay (Tốt) chi mà rước tiếng ghen vào mình
2735. Bốn bề bát ngát xa trông (mênh mông)
Những từ mới được đưa vào cũng có vẻ “hợp lý”, chúng có hơi hướng hiện đại hơn và dường như cũng “thuận độc” hơn.
Bản Kiều quốc ngữ của nhóm Nguyễn Văn Hoàn có thể coi là một sự tổng hợp của các bản Kiều ở khắp Bắc - Trung - Nam. Mặc dù có sử dụng bản Kiều Oánh Mậu 1902 làm một trong ba văn bản chính để so sánh đối chiếu nhưng nó không bị ảnh hưởng ở cấp độ câu. Hơn một chục câu có sự sửa chữa cơ bản của Kiều Oánh Mậu cũng hoàn toàn không xuất hiện trong bản Kiều này.
2.2.7. Truyện Kiều (Nguyễn Thạch Giang, 1972)
Về cơ bản, bản Kiều này được biên soạn theo lề lối của nhóm Nguyễn Văn Hoàn với một số sắc thái khác biệt. Nguyễn Thạch Giang cũng thu thập và tham khảo tới 25 bản Kiều (14 bản nôm và 11 bản quốc ngữ). Hầu hết các bản Kiều đáng chú ý đều hiện diện trong danh mục này, ngoại trừ bản Tiên Điền (bản chép tay) được nhà biên khảo giới thiệu khá cặn kẽ ở phần nghiên cứu về văn bản Truyện Kiều nhưng lại không kê vào danh mục.
Nguyễn Thạch Giang cũng giới thiệu về bản kinh và bản phường rồi dùng những khái niệm này để giới thiệu các văn bản Kiều được ông khảo sát. Tới Nguyễn Thạch Giang, quan điểm nhân dân đã chi phối đáng kể đến mục tiêu, nguyên tắc và phương pháp hiệu đính Truyện Kiều. Xuất phát từ việc coi “Ngay từ khi ra đời,Truyện Kiều đã sớm trở thành một tác phẩm của quần chúng… và rồi Truyện Kiều đi sâu vào quần chúng đến nỗi ai cũng nhận xem Truyện Kiều là của mình (chúng tôi nhấn mạnh) [10; 106], cho rằng hiểu, đọc Kiều như mình mới phải”, ông đưa ra một nhận xét còn “kỳ ảo” hơn Nguyễn Văn Hoàn rất nhiều: “Nhu cầu của quần chúng không phải chỉ biểu hiện ở chỗ có một bản Kiều mà có một bản Kiều như ý muốn của họ, một bản Kiều là của mình, y như mình hiểu”(chúng tôi nhấn mạnh) [10; 107]. Theo chúng tôi, điều này vừa không đúng với thực tế vừa có phần áp đặt. Nó cũng nằm trong xu thế chung của một thời, khi người ta rất sính gán cho quần chúng khá nhiều thứ mà họ không hề có. Ở trường hợp cụ thể này, nhu cầu có một bản Kiều đúng, hoặc ít ra là gần đúng với nguyên tác chắc chắn sẽ lớn hơn và xác thực hơn cái nhu cầu giả tưởng kia rất nhiều lần. Không tính đến điều ấy nên Nguyễn Thạch Giang dường như không mấy băn khoăn về “yêu cầu duy nhất là khôi phục lại diện mạo thực của văn bản” [10; xiii], hay đúng hơn, ông chỉ dự định giải quyết yêu cầu đó trong một bảnTruyện Kiều khác. Lần hiệu đính này, ông nhằm tới mục đích: “Cung cấp cho bạn đọc một bản Kiều mà đông đảo quần chúng hiện nay chấp nhận được, nghĩa là một bản Kiều quen thuộc với mọi người, một bản Kiều y như bản Kiều mà nhân dân ta, các bà mẹ Việt Nam chúng ta đã ngâm đã thuộc”. Với quan niệm đó, ông đã chọn bản Kiều Oánh Mậu 1902 để làm “bản trục” rồi “đứng trên bản trục này, nhìn về phía trước, nhìn về phía sau mà tiến hành công việc khảo dị, hiệu đính”, có tham khảo các bản chủ yếu như: bản Quan Văn đường (1906), bản Bùi Kỷ - Trần Trọng Kim (1925), bản Phạm Kim Chi (1917), bản Tản Đà (1941). Và dĩ nhiên không thể thiếu được “các chỗ nhuận sắc xác đáng của quần chúng”.
Mặc dầu rất đề cao quan điểm nhân dân và những nhuận sắc xác đáng của quần chúng nhưng trong thực tế, bản Nguyễn Thạch Giang có rất ít những câu chữ thuộc loại này. Ông chỉ dẫn ra được vài câu “ghi theo sự thông dụng trong nhân dân” và “dựa theo tài liệu điều tra của chúng tôi trong những lần đi thực tế ở nhiều địa phương khác nhau, dựa vào ý kiến chung của các đồng chí, các bạn phát biểu trong những buổi toạ đàm về văn bản Truyện Kiều” là:
154. Với Vương Quan trước vốn là đồng thân
648. Giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm
1047. Buồn trông cửa bể chiều hôm
1148. Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa.
Việc điều tra công phu đến thế cũng chỉ tìm được 4 chữ do nhân dân nhuận sắc. Nhưng có lẽ cũng không cần thiết phải vất vả như vậy. Chữ chiều trong câu 1047 và chữ xin trong câu 1148 đã có sẵn ở trong bản Hồ Đắc Hàm. Riêng chữ chiều còn được Nguyễn Văn Hoàn tuyển dụng lại trong bản Kiều in trước đó có mấy năm. Chữ vàng trong câu 648 cũng đã xuất hiện trong một bản Truyện Thuý Kiều (Bùi Kỷ - Trần Trọng Kim) do Tân Việt tái bản và có nhiều khả năng chỉ là một lỗi morasse.
Kết quả khảo sát cho thấy Nguyễn Thạch Giang khá trung thành với câu chữ của các bản mà ông đã chọn để hiệu đính Truyện Kiều. Bản của ông chỉ thêm vào kho từ ngữ Truyện Kiều vẻn vẹn có 9 dị bản mới, một con số khiêm tốn nếu so với các bản quốc ngữ khác, ở các câu sau:
620. Liệu (Liều) đem tấc cỏ quyết đền ba xuân
773. Lạy thôi, nàng mới (lại) rén chiềng
986. Một dao oan nghiệp (nghiệt) dứt dây phong trần
1101. Lặng nghe (ngồi) lẩm nhẩm gật đầu
1250. Ngẩn ngơ trăm mối (nỗi) dùi mài một thân
2056. Hương đèn việc trước (cũ) trai phòng quen tay
2218. Chàng đi thiếp cũng một (quyết) lòng xin đi
2632. Mặt nào còn đứng ở (mà lại đứng) trong cõi đời
2769. Một sân đất đỏ (cỏ) dầm mưa
Chủ định lấy Đoạn trường tân thanh (1902) làm bản trục, Nguyễn Thạch Giang đã tuyển dụng được 197/ 497 trường hợp “độc hữu” của bản Kiều Oánh Mậu. Ở bản Truyện Thuý Kiều (1925), con số này là 147/ 479. Nhưng giống như Bùi Kỷ - Trần Trọng Kim, Nguyễn Thạch Giang cũng gạt bỏ hoàn toàn những câu vốn đặc trưng cho bản Kiều Oánh Mậu. Hơn nữa, trong 332 trường hợp Bùi Kỷ - Trần Trọng Kim không để theo Kiều Oánh Mậu mà chọn dùng chữ của các bản khác thì có tới 273 trường hợp được Nguyễn Thạch Giang dùng lại. Vì thế, tuy ảnh hưởng của bản Kiều Oánh Mậu lên bản Nguyễn Thạch Giang có gia tăng đáng kể nhưng chúng tôi cho rằng, ảnh hưởng của bản quốc ngữ Truyện Thuý Kiều còn lớn hơn rất nhiều. Vì thế, khó có thể coi bản Kiều Oánh Mậu là “bản trục” cho bản Kiều này. Và nếu cần xác định một bản trục cho công việc của Nguyễn Thạch Giang thì bản có nhiều khả năng hơn cả chính là bản Bùi Kỷ - Trần Trọng Kim. Chỉ nhìn lướt qua phần khảo dị cũng thấy rõ điều đó. Số câu chữ của bản Kiều Oánh Mậu được đưa vào đây, nghĩa là không được chọn, lớn hơn nhiều so với câu chữ của bản Bùi Kỷ - Trần Trọng Kim. Thử thống kê trong 200 câu đầu, chúng tôi có được con số 29/15.
Có thể nói, bản Kiều của Nguyễn Thạch Giang chủ yếu được xây dựng trên cơ sở lựa chọn câu chữ từ hai bản Kiều trên. Sự lựa chọn văn bản này khá phù hợp với nguyên tắc lựa chọn “chữ dùng phải đủ cả hai tính chất hợp lý và phổ biến” của ông. Khi cả hai bản đều không thoả mãn nguyên tắc này, ông mới tìm ở các bản khác. Theo ghi chú của ông, số này không nhiều, các bản: Kim Vân Kiều tân tập, bản Trương Vĩnh Ký, bản Phạm Kim Chi, bản Tản Đà… chỉ đóng góp vào đó được 21 trường hợp.
Được phổ biến rất rộng rãi trong mấy chục năm qua, căn cứ vào số lần tái bản và số lượng bản in của mỗi lần, có thể coi bản Nguyễn Thạch Giang là một trong những bản tiêu biểu nhất cho xu hướng hiệu đính và tiếp nhận Truyện Kiều ở nước ta vào nửa cuối thế kỷ XX.
2.2.8. Văn bản Truyện Kiều (Đào Duy Anh, 1974) và Truyện Kiều (Đào Duy Anh và những người khác, 1979).
GS. Đào Duy Anh hoàn thành Từ điển Truyện Kiều từ năm 1965 nhưng mãi tới năm 1974 mới được xuất bản. Phần văn bản Truyện Kiều do ông soạn hẳn phải được ông lấy làm văn bản gốc cho việc biên soạn cuốn từ điển đó. Ông chủ trương “gắng tìm ra lời văn gọi là có khả năng gần nhất nguyên văn của Nguyễn Du” [20; 8] và “đối chiếu những chỗ dị đồng của các bản mà nhận định chữ nào là chính xác nhất” [20; 12]. Đây là một hướng đi có phần khác với các nhà biên khảo cùng thời. Trong khuôn khổ lời đầu sách của một cuốn từ điển, phần giới thuyết về hiệu đính Truyện Kiều của ông quá vắn tắt. Sau khi liệt kê một số văn bản, GS. Đào Duy Anh chỉ viết ngắn gọn về sự lựa chọn văn bản cơ sở cho việc quốc ngữ hoá như sau: “Đại khái chúng tôi căn cứ vào những bản xưa nhất là bản chữ nôm Liễu Văn đường và bản quốc ngữ Trương Vĩnh Ký, mà cũng tham dụng các bản khác”.
Tới năm 1979, khi cuốn Truyện Kiều (văn bản cơ sở: Đào Duy Anh, tham gia hiệu đính: Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Nguyễn Công Hoan, Hoài Thanh, Tuấn Đô) được xuất bản, ông mới có dịp nói rõ hơn về nguyên tắc hiệu đính của mình. Ông chủ trương dùng các văn bản có độ tin cậy cao là bản Liễu Văn đường 1871, bản Thịnh Mỹ đường 1879, Quan Văn đường 1879, bản Trương Vĩnh Ký 1875… làm cơ sở “để tìm được một văn bản Truyện Kiều, nếu không có thể là đúng với nguyên bản của Nguyễn Du thì cũng phải là không xa lắm đối với nguyên bản” [11; 26-27]. Có thể thấy, việc “tham dụng các bản khác” mà ông đã nêu ra trước đây chắc cũng ở một phạm vi rất hạn chế.
Dựa vào các bản nôm xưa và các bản phiên âm xưa, đặc biệt là bản Liễu Văn đường 1871 và bản Trương Vĩnh Ký 1875, rồi đối chiếu những điểm dị đồng với các bản nôm khác để tiến hành khảo đính là một hướng đi khác với các nhà biên khảo lúc bấy giờ. Trong bản Đào Duy Anh, chúng ta có thể bắt gặp một số chữ “độc hữu” ở các bản Trương Vĩnh Ký, bản Nordemann bị quên lãng gần một thế kỷ qua nay được tuyển dụng lại. Tuy nhiên, trong một số trường hợp cá biệt, ông vẫn sử dụng “những từ đã được thông dụng trong nhân dân do ảnh hưởng của các bản Kiều quốc ngữ, nhất là bản của Bùi Kỷ - Trần Trọng Kim”. Chẳng hạn ở câu 6, ông lý giải: “các bản nôm đều chép “Trời xanh quen với má hồng đánh ghen”, thế mà chúng tôi để “quen thói” là vì nhiều bản quốc ngữ chép như thế đã khiến nhân dân thuộc lòng” [11; 23]. Trong bản Kiều này cũng xuất hiện 14 chữ mới ở các câu: 112, 250, 446, 560, 696, 748, 768, 1251, 1323, 1363, 1596, 1949, 2022, 2448.
112. Một điều là một vặn (vận) vào khó nghe
113. Bụihồng dứt (liệu)nẻo đi về chiêm bao.
114. Đài sen nối sáp lò (song) đào thêm hương
560. Vầng đông đâu (trông) đã đứng ngay nóc nhà
696. Áo dầm giọt tủi, tóc se mái (mối) sầu
748. Tưới (Rưới) xin giọt lệ cho người thác oan
768. Thôi thì việc (nỗi) ấy sau này đã em.
1251. Nỗi (Ôm) lòng đòi đoạn xa gần
1323. Nàng càng ủ dột nét hoa (thu ba)
1363. Đường xa chớ nghĩ (ngại) Ngô Lào
1596. Một màu quan tái bốn (mấy) mùa gió trăng
1949. Vì ta nên (cho) lụy đến người
2022. Tay không chưa dễ kiếm (tìm) vành ấm no
2448. Kém (Thiếu) gì cô quả kém (thiếu) gì bá vương
Trong khi chưa phát hiện được những văn bản cổ hơn để giải thích được nguồn gốc của chúng thì có thể coi những chữ này là sản phẩm của việc nhuận sắc Truyện Kiều. Ít nhiều chấp nhận những từ ngữ bị sửa chữa nhưng đã “ăn sâu vào tâm não người đọc”, bản Đào Duy Anh có nét tương đồng với các bản Kiều quốc ngữ khác. Dẫu chưa thật triệt để trong việc khôi phục một văn bản gần với nguyên tác song bằng việc lựa chọn và thao tác trên các bản Kiều cổ một cách nghiêm túc và cẩn trọng, GS. Đào Duy Anh đã tạo ra một trong số không nhiều bản Kiều quốc ngữ đáng tin cậy. Từ khi được xuất bản, nó thường được các nhà nghiên cứu sử dụng và gần đây, được coi là bản Kiều quốc ngữ tiêu biểu để đối chứng với các bản nôm cổ trong việc nghiên cứu văn bản Truyện Kiều.
Mấy năm sau, với nỗ lực đi tìm “một bản Kiều thật đúng, tất nhiên không thể là nguyên bản của Nguyễn Du, nhưng ít nhất trong tình hình văn bản hiện có cũng phải gần nhất về nội dung Truyện Kiều, về phong cách, về nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ của Nguyễn Du” [11; 7], Nhà xuất bản Văn học đã dựa vào bản Truyện Kiều Đào Duy Anh rồi mời một số nhà văn, nhà thơ nổi tiếng - theo Nhà xuất bản, là “một tập thể đáng tin cậy” - tham gia hiệu đính. Việc làm này cho thấy tuy được đánh giá cao so với các bản quốc ngữ khác song bản Đào Duy Anh vẫn còn những điểm chưa thật sự thuyết phục được độc giả đương thời. Cách hiệu đính theo kiểu tập thể cũng thể hiện khá rõ xu hướng chấp nhận việc sửa chữa, nhuận sắc Truyện Kiều ở thời điểm đó. Quá trình làm việc này đã điều chỉnh được 215 chữ trong văn bản cơ sở của Đào Duy Anh, trong đó, một số chữ độc hữu của bản Kiều Oánh Mậu cũng được khôi phục lại:
357. Sẵn tay khăn gấm quạt quỳ
442. Vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa
636. Nhìn hoa bóng thẹn, trông gương mặt dày
1181. Đem người đẩy xuống giếng khơi
1851. Nàng đà choáng váng tê mê, vv…
Trong bản Kiều này lại có thêm 12 chữ mới so với các bản Kiều quốc ngữ khác, chẳng hạn như:
730. Hiếu tình khôn dễ (lẽ) hai bề vẹn hai
1119. Đêm thâu (thu) khắc vợi canh tàn
1518. Chén mừng xin đợi ngày rày (này) năm sau
1581. Có khi vui miệng (chuyện) mua cười
1660. Lâm Tri chàng phải liệu (cũng phải tính) mà thần hôn
1826. Thôi thôi đã mắc vào (ta đã mắc) tay ai rồi
2093. Mụ càng khua giục (xua đuổi / xoi dói) cho liền
Nếu so sánh, có thể thấy những câu chữ nêu trên không hay hơn các câu chữ đã có, nếu không muốn nói là kém hơn. Nhiều khả năng đó là kết quả của việc tiếp thu nhuận sắc trong các bản Kiều quốc ngữ trước đó. Dường như các nhà văn, nhà thơ được mời tham gia hiệu đính Truyện Kiều không nhặt chúng ra từ các bản nôm. Vì thế, có lẽ bản Kiều này cũng tương đối đặc biệt, nó là sự tổng hợp câu chữ của nhiều bản quốc ngữ được in ra trước đây.
Nhìn chung, lần hiệu đính này, tuy “có những tìm tòi, suy nghĩ rất phong phú, rất quý giá” của những người tham gia, mà bài Chung quanh từ ngữ Truyện Kiều của Xuân Diệu được chọn đăng là một ví dụ, song sự cân nhắc, chọn lựa từ các ý kiến khác nhau ấy vẫn chưa mang lại kết quả mong muốn. Bản Kiều này vẫn không vượt qua được văn bản cơ sở của Đào Duy Anh để trở thành “một quyển Truyện Kiều thật tốt trong tủ sách” như mong muốn ban đầu của những người chủ chương hiệu đính. Kết cuộc, chính nó vẫn thuộc về nhóm “mấy bản Kiều được xuất bản trong thời gian vừa qua, tuy đã có công phu hơn nhiều về khảo chứng và hiệu đính, nhưng vẫn có một số điểm sửa đổi về chữ, về câu mà bạn đọc chưa chấp nhận” như đánh giá của chính Nhà xuất bản Văn học trước khi tiến hành công việc đó. Một sự đánh giá đủ sức thuyết phục để làm cơ sở và động lực khiến các nhà biên khảo sau này tiếp tục bắt tay vào công việc quốc ngữ hoá Truyện Kiều, một công việc “tưởng như đơn giản, nhưng có đi sâu vào mới thấy nảy lên nhiều vấn đề” [11; 5].
Thực tế quá trình quốc ngữ hoá Truyện Kiều, nhất là ở trường hợp hai bản Kiều trên cho thấy, việc lựa câu chọn chữ mới chỉ tạo ra được các bản Kiều khác nhau chứ chưa tạo ra một bản Kiều nào đủ sức thuyết phục. Nó bị quy định trước hết bởi mục đích, nguyên tắc hiệu đính; sự lựa chọn văn bản cơ sở và mỹ cảm văn học của mỗi nhà biên khảo trong việc lựa câu, chọn chữ. Những năm sau này, khi công phu về khảo chứng và hiệu đính dường như kém đi và điều đáng nói hơn cả là, phương pháp làm việc không có những thay đổi mang tính đột phá, tuy các nhà biên khảo vẫn tiếp tục nối dài quá trình quốc ngữ hoá song các bản Kiều quốc ngữ không để lại ấn tượng cho độc giả. Cho tới nay, việc quốc ngữ hoá Truyện Kiều vẫn còn để ngỏ những vấn đề chưa được giải quyết thoả đáng.
Chương 3
MỘT SỐ VẤN ĐỀ QUA VIỆC
QUỐC NGỮ HOÁ TRUYỆN KIỀU
QUỐC NGỮ HOÁ TRUYỆN KIỀU
3.1. Việc định danh tác phẩm
Nguyễn Du đặt tên cho tác phẩm của mình là Đoạn trường tân thanh (Tiếng mới đứt ruột). Nhưng cái tên “khai sinh” này rất ít được sử dụng. Lâu nay, hầu hết độc giả trong và ngoài nước đều đã quen thuộc với cái nhan đề Truyện Kiều, kết quả sau cùng của cả chục lần đổi tên cho kiệt tác của Nguyễn Du. Khi được phiên chuyển sang chữ quốc ngữ, các tác phẩm Hán -nôm khác đều được giữ nguyên tên gọi ban đầu. Trong tương quan đó, việc đổi tên tác phẩm có lẽ là một ngoại lệ đáng được tìm hiểu.
Từ bản khắc ván năm 1866 của Liễu Văn đường tàng bản, Đoạn trường tân thanh đã bị thay thế bằng một cái tên đậm chất “ăn theo” là Kim Vân Kiều tân truyện. Cái tên này sẽ còn được dùng cho hầu hết các bản nôm về sau, ngoại trừ bản chép tay ở Huế và bản Kiều Oánh Mậu 1902. Trong Mười điều lệ ngôn Đoạn trường tân thanh, Kiều Oánh Mậu viết: “Truyện này nguyên tên là Kim Vân Kiều là nhân theo bản của Trung Quốc. Nay bản kinh gọi là Đoạn trường tân thanh, suy xét ý nghĩa, gọi tên ấy rất thoả đáng, nay cứ để nguyên”[13].
Thực ra, nguyên tên của truyện không phải là Kim Vân Kiều để bản kinh “gọi là Đoạn trường tân thanh”. Hơn hai chục năm sau, Bùi Kỷ - Trần Trọng Kim “đính chính” như sau: “Truyện Thuý Kiều này nguyên lúc đầu tác giả nhan là Đoạn trường tân thanh. Sau nghe đâu ông Phạm Quý Thích đổi lại là Kim Vân Kiều tân truyện” [4; viii]. Ý kiến trên của hai ông được nhiều nhà biên khảo sau này như Nguyễn Văn Hoàn, Nguyễn Thạch Giang, Đào Duy Anh, Nguyễn Quảng Tuân… tán đồng. Song gần đây, Đào Thái Tôn đã chứng minh rằng Phạm Quý Thích không đổi tên tác phẩm của Nguyễn Du một cách khá thuyết phục và cho rằng: “Cái việc đổi tên sách này… là do các ông chủ nhà in sách, các ông buôn sách” [21; 29], theo sự hình dung như sau: “Khi đã có văn bản trong tay rồi, các ông chủ kinh doanh mới tính: người bình dân vẫn gọi là Truyện Kim Vân Kiều hay Kiều; bây giờ nếu để cái tên sách thâm thuý do cụ Nguyễn Du đặt (Đoạn trường tân thanh) thì e có khi lỗ vốn, vì “dân” có mấy ai gọi là Đoạn trường tân thanh. Thế là họ đổi tên đi” [21; 31].
Lẽ ra, việc Đoạn trường tân thanh bị đổi thành Kim Vân Kiều tân truyện không cần thiết phải dẫn dài dòng đến như vậy nếu như qua những ý kiến khác nhau của các nhà biên khảo, nó không gợi lên một giả định về sự truyền bản của Truyện Kiều. Chúng tôi xin được trình bày như sau:
Theo hình dung của Đào Thái Tôn, văn bản trong tay các ông chủ nhà in có nhan đề là Đoạn trường tân thanh, chỉ có người bình dân mới gọi một cách nôm na là Kim Vân Kiều hay Kiều. Nhưng trong thực tế dường như không phải vậy. Ngay từ năm 1830, trong bài Tựa Kim Vân Kiều án, Nguyễn Văn Thắng đã nói đến “Kim Vân Kiều quốc ngữ truyện”. Năm 1843, trong bài tựa cho Hoa tiên, Cao Bá Quát cũng viết: “Kim Vân Kiều là tiếng nói hiểu đời, Hoa tiên là tiếng nói răn đời”. Theo chúng tôi, rất khó hình dung việc hai ông Nguyễn Văn Thắng và Cao Bá Quát đã đọc bản nôm có tên Đoạn trường tân thanh rồi lại viết là Kim Vân Kiều theo cách người bình dân vẫn gọi. Khả năng lớn hơn cả là các ông đã đọc tác phẩm của Nguyễn Du với cái tên Kim Vân Kiều được một người hiếu sự “nhuận sắc” từ khá sớm. Các bản chép tay về sau hẳn dựa theo loại bản này và các ông buôn sách cũng chẳng cần phải tính toán nhiều, họ chỉ làm cái việc có sao in vậy. Nhưng văn bản cơ sở cho các bản chép tay ở Huế có lẽ lại là một bản khác, tức là bản có nhan đề chính xác là Đoạn trường tân thanh. Xác suất Kim Vân Kiều tân truyện được “phục nguyên” thành Đoạn trường tân thanh là rất thấp. Nhưng có lẽ, bản này xuất hiện ở Huế cũng khá muộn, bởi ngay cả sách Đại Nam liệt truyện chính biên, được soạn sau khi Nguyễn Du mất đến 30 năm, cũng chép rằng: “Ông giỏi quốc âm. Đi sứ Tàu về thì có Bắc hành thi tập vàThuý Kiều truyện hành thế”. Có lẽ, câu chuyện về “một bản thảo Truyện Kiều, với những chỗ xoá chữ này, thay chữ kia” nằm trong số di cảo của Nguyễn Du lấy ở hoàng cung rồi bị thất lạc trong ngày đầu kháng chiến chống Pháp có thể chỉ là truyền thuyết. Vì nếu có thực, chắc các sử thần nhà Nguyễn sẽ không phải căn cứ vào khẩu truyền để chép tên sách của Nguyễn Du là Thuý Kiều truyện vào quốc sử.
Xin trở lại với việc định danh tác phẩm. Các bản nôm được khắc ván in trong thế kỷ XIX chỉ có nhan đề làKim Vân Kiều tân truyện. Tên gọi đó vẫn được giữ nguyên trong ba bản quốc ngữ giai đoạn này. Việc Trương Vĩnh Ký chuyển thành Poème Kim Vân Kiều truyện có thể coi là khác biệt nhỏ, tương tự như Kim Vân Kiều tân tập, Kim Vân Kiều quảng tập truyện ở các bản nôm sau này. Các bản có nhan đề Đoạn trường tân thanh được các quan và công tử chép tay ở Huế, do tính chất riêng tư của nó, hẳn không đến được tay các nhà biên khảo hồi đó. Nhưng ngay cả khi bản Kiều Oánh Mậu được khắc in, cái tên Đoạn trường tân thanh rất có ý nghĩa ấy cũng không được các nhà biên khảo sau ông sử dụng. Những năm đầu thế kỷ XX, Nguyễn Văn Vĩnh, Bùi Khánh Diễn, Nguyễn Ngọc Xuân… vẫn dùng cái tên Kim Vân Kiều đã được đại chúng hoá như các bản nôm và quốc ngữ trước đó.
Việc “nhuận sắc” tên tác phẩm một cách rõ rệt nhất khởi đầu từ Phạm Kim Chi với Kim Tuý tình từ in ở Sài Gòn năm 1917. Sau này, có lẽ để “đính chính” cái tên đó, Phúc An đã đặt tên Kim Kiều tình tự cho bản quốc ngữ in năm 1929 ở Hà Nội. Cách đổi tên mang đậm chất chủ quan của hai nhà biên khảo trên trở thành trường hợp “độc hữu”, không được ai theo. Cái tên bình dân Thuý Kiều truyện có sức sống lâu bền và được phổ biến rộng rãi hơn. Từng được ghi vào Liệt truyện rồi xuất hiện trong các bài tựa, bài phê bình; cuối cùng, nó đã chinh phục được các nhà biên khảo. Mặc dầu có dùng bản Kiều Oánh Mậu để “hiệu đính”, Bùi Kỷ - Trần Trọng Kim vẫn quyết định: “chi bằng ta cứ theo thói thường mà nhan là Truyện Thuý Kiều, rồi ở dưới đề thêm tên cũ “Đoạn trường tân thanh”, gọi là để tỏ cái ý tồn cổ”. Ảnh hưởng của “thói thường” được phổ biến qua bản Bùi Kỷ - Trần Trọng Kim quả là lớn. Sau hai ông, các nhà biên khảo noi theo một cách khá thoải mái trong việc định danh tác phẩm: Kiều truyện dẫn giải (Hồ Đắc Hàm), Dẫn giải truyện Kim Vân Kiều (Huyền Mặc đạo nhân), Truyện Kiều(Nguyễn Can Mộng), Vương Thuý Kiều chú giải tân truyện (Tản Đà), Truyện Kiều chú giải (Lê Văn Hoè), Kim Vân Kiều đại toàn chú thích dẫn giải đính chính (Ưng Dự)… Dần dần, cái nhan đề Truyện Kiều trở nên thông dụng nhất, dẫu đôi khi nó vẫn khiến các nhà biên khảo phân vân: “cái tên gọi “Truyện Kiều” có thể còn phần nào chưa thực hợp lý, nhưng vì cái tên đó đã được phổ biến hết sức rộng rãi và quen thuộc với đông đảo nhân dân, nên ở đây chúng tôi cũng vẫn dùng cái tên gọi tắt mà kiệt tác của Nguyễn Du đã vinh dự được nhân dân đặt cho là Truyện Kiều” [9; vii]. Cảm nhận về sự “chưa thực hợp lý” là chính xác nhưng theo tôi, nếu đã “chưa thực hợp lý” thì cũng khó có thể nói là “vinh dự”. Việc đổi tên ấy được ít mà mất nhiều. Được một “nhãn hiệu” bình dân để truyền bá rộng rãi hơn song có lẽ lại mất đi chiếc chìa khoá “giúp ta mở thêm cánh cửa vào thế giới nghệ thuật của Nguyễn Du”, theo cách nói của GS. Nguyễn Đăng Na.
Mặc dù dựa theo Kim Vân Kiều truyện để xây dựng tác phẩm của mình song có lẽ, Nguyễn Du không chủ trương viết truyện, đúng hơn là ông không chỉ chủ trương viết lại truyện của Thanh Tâm tài nhân bằng quốc âm. Khi đọc Đoạn trường tân thanh, các nhà nho cùng thời với Nguyễn Du cảm nhận ngay được điều này. Nó tạo cảm hứng để Phạm Quý Thích viết:
“Đoạn trường mộng tỉnh căn duyên liễu
Bạc mệnh cầm chung oán hận trường
Nhất phiến tài tình thiên cổ luỵ
Tân thanh đáo để vị thuỳ thương”
(Thính Đoạn trường tân thanh hữu cảm)
Đề tựa cho tập Đoạn trường tân thanh, Tiên Phong Mộng Liên Đường chủ nhân cũng viết: “Cái lục phong tình thì vẫn là cái lục cũ, mà cái tiếng đoạn trường thì lại là cái tiếng mới vậy” (Lục tắc cựu nhi đoạn trường chi thanh tắc tân dã).
Sau này, GS. Trần Đình Hượu nói một cách rõ ràng hơn: “Nguyễn Du đã chọn Kim Vân Kiều để diễn nôm tức là có tìm được ở trong đó cái mà ông muốn tìm. Nguyễn Du lại thay đổi tên tác phẩm một cách đặc biệt có ý nghĩa: Đoạn trường tân thanh. Đoạn trường chính là nội dung hấp dẫn nhà thơ và tân thanh thì rõ ràng không phải là nguyên ý của Kim Vân Kiều truyện nữa” [33; 464]. Nguyên truyện của Thanh Tâm tài nhân chỉ kể một “câu truyện tốt đẹp truyền đến bất hủ” nhưng với tâm trạng: “Cổ kim hận sự thiên nan vấn/ Phong vận kỳ oan ngã tự cư”, Nguyễn Du đã tìm thấy ở đó cái số kiếp chung của những người sắc tài mà mệnh bạc. Không chỉ nhằm mô tả cuộc đời chìm nổi, “đoạn trường” 15 năm lưu lạc của Thuý Kiều, ông muốn dùng “tân thanh” để bộc lộ niềm cảm thương, đau xót cho những kiếp người “tài tình chi lắm cho trời đất ghen” trong cái “cõi người ta” này.
Khi Đoạn truờng tân thanh bị đổi thành Kim Vân Kiều tân truyện rồi Truyện Kiều, cách cảm nhận, đánh giá về Nguyễn Du cũng bắt đầu và dần dà có sự đổi khác. Đành rằng việc tiếp nhận tác phẩm của Nguyễn Du ở mỗi thời và mỗi người là không thể giống nhau. Nó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như quan niệm và trình độ thẩm mỹ, phương pháp tiếp cận, bối cảnh văn hoá – xã hội đương thời… Lịch sử nghiên cứu Truyện Kiều hơn một thế kỷ qua cho thấy khá rõ điều đó. Chúng tôi cho rằng việc đổi tên tác phẩm của Nguyễn Du cũng ít nhiều ảnh hưởng đến quá trình tiếp nhận ấy. Bỏ mất hoặc xem nhẹ phần “tân thanh” rồi xem đó là một “truyện” sẽ làm sai lệch định hướng tiếp cận tác phẩm của ông.
Nhưng vì sao tác phẩm của Nguyễn Du lại liên tục bị đổi tên, một hiện tượng không hề xảy ra với các tác phẩm khác. Chắc không phải vì cái tên Đoạn trường tân thanh quá thâm thuý, khó hiểu. Hàng loạt các tác phẩm Hán - nôm khác như: Truyền kỳ mạn lục, Vũ trung tuỳ bút, Cung oán ngâm khúc, Sơ kính tân trang, Ai tư vãn… cũng “khó hiểu, thâm thuý” không kém nhưng đâu có bị đổi tên. Việc này cũng không phải vì mục đích thương mại bởi cả tên Kim Vân Kiều và Thuý Kiều truyện đều xuất hiện trước khi có bản khắc ván. Điều này hẳn phải do nguyên nhân khác.
Trong nửa cuối thế kỷ XVIII, thể loại truyện nôm, gồm truyện nôm bác học và truyện nôm bình dân phát triển mạnh mẽ. Các truyện nôm bác học thường vay mượn đề tài, cốt truyện từ các tác phẩm của văn học Trung Quốc. Và thông thường, tên nguyên truyện cũng được các tác giả truyện nôm bảo lưu: Hoa tiên, Nhị độ mai, Tây sương, Ngọc Kiều Lê… Trong bối cảnh đó, việc Nguyễn Du đặt tên cho tác phẩm của mình là Đoạn trường tân thanh có thể xem là một ngoại lệ. Như thế, khả năng có nhà nho “hiếu sự” nào đó sửa lại thành Kim Vân Kiều tân truyện là rất lớn. Cái tên mới này dở hơn, tất nhiên, nhưng lại dễ được đa số chấp nhận, chắc cũng vì một lẽ tất nhiên, nó phù hợp với thông lệ. Tiên Phong Mộng Liên Đường chủ nhân thấy “gọi tên là Đoạn trường tân thanh cũng phải”, song những người như ông hẳn không nhiều. Cái tên Kim Vân Kiều trở nên thông dụng trên các bản nôm chắc cũng vì thế.
Sau khi ra đời, tác phẩm của Nguyễn Du nhanh chóng lan truyền trong dân gian. So với các truyện nôm bác học khác, đó dường như cũng là một ngoại lệ. Không chỉ đọc Kiều, người ta còn bình Kiều, vịnh Kiều, lẩy Kiều, đố Kiều, bói Kiều… nữa. Truyện Kiều ngày càng trở nên gắn bó và gần gũi với nhân dân. Nhưng đối với những người dân lúc đó, thường là mù chữ, những cái tên như Đoạn trường tân thanh hay Kim Vân Kiều tân truyện đều là khó hiểu và xa lạ. Vì thế, theo một thông lệ của truyện nôm bình dân, lấy tên nhân vật chính để đặt tên cho tác phẩm, họ gọi là Truyện Thuý Kiều. Một cái tên “cùng hệ” với những Thạch Sanh, Tấm Cám, Phạm Tải - Ngọc Hoa, Tống Trân - Cúc Hoa… vốn thân thuộc với người dân.
Như vậy, có thể thấy, việc đổi tên tác phẩm của Nguyễn Du từ Đoạn trường tân thanh thành Kim Vân Kiều tân truyện và Truyện Thuý Kiều cũng có sự “hợp lý” nhất định. Đó là sự điều chỉnh cái ngoại lệ vào hệ thống theo cảm thức “xấu đều hơn tốt lỏi” đậm chất dân tộc. Các nhà biên khảo sau này đã kế thừa và phát huy điều đó.
Từ năm 1925 trở đi, việc định danh tác phẩm của Nguyễn Du theo kiểu bình dân chiếm ưu thế gần như tuyệt đối. Có thể nói, đây cũng là một biểu hiện của xu hướng đại chúng hoá Truyện Kiều. Trong vài chục năm trở lại đây, Truyện Kiều trở thành cái tên thông dụng hơn cả. Nó “nôm na” hơn cả những tên truyện nôm bình dân như Thạch Sanh, Tấm Cám, Từ Thức, Phương Hoa… Định danh một tác phẩm bậc nhất của văn học dân tộc bằng một cái tên như vậy, sự lựa chọn của các nhà biên khảo quả là không hợp lý.
3.2. Phiên nôm
Nguyễn Du viết Đoạn trường tân thanh bằng chữ nôm, là loại chữ “quốc ngữ” của nước ta trong suốt thời trung đại. Với ưu thế ký âm được ngôn ngữ nói, ngôn ngữ hàng ngày trong đời sống, chữ nôm đã được nhiều tác giả sử dụng để viết ra những tác phẩm mang bản sắc dân tộc. Trong hoàn cảnh chữ Hán và văn chương cử tử giữ địa vị độc tôn, vẫn có những tác giả như Hồ Xuân Hương, Bà huyện Thanh Quan, Nguyễn Công Trứ, Trần Tế Xương… để lại tên tuổi của mình trong lịch sử văn học hầu như chỉ bằng các sáng tác bằng chữ nôm. Mặc dù vậy, chữ nôm chưa bao giờ được coi là văn tự chính thức của quốc gia. Do dựa vào chữ Hán để tạo chữ, đồng thời, lại không hề được “điển chế” và giảng dạy chính thức; chữ nôm bộc lộ khá nhiều nhược điểm. Do không được đào tạo về Hán - nôm, chúng tôi xin dẫn ý kiến của một số nhà nghiên cứu, biên khảo về những khó khăn, phức tạp của việc đọc nôm, phiên nôm:
“Vì các khuyết điểm ấy, nên muốn đọc một bài văn viết bằng chữ nôm, nhiều khi phải xem cả toàn thiên hoặc cả câu mà đoán; tuy vậy, cũng có khi không được chắc chắn lắm” [18; 17].
“ Có thể nói là người đọc chữ nôm, cứ phải vừa đọc, lại vừa đoán. Người ta thường nói: “đoán chữ nôm”. Người đoán chữ nôm phải có học thức ngang với người viết, thậm chí phải cùng quê, cùng quán và am hiểu phong cách của người viết thì việc đoán đó mới đỡ lầm lẫn” [9; xvii].
“Về những chữ… theo cách giả tá thứ tư, tức là phải đọc chệch đi so với âm Hán - Việt. Muốn đọc chệch đó cho đúng thì phải dựa theo những nguyên tắc chuyển âm…, lại xem cách đọc chệch ấy có thích hợp với nghĩa cả câu hay không” [19; 137].
“Trong chữ nôm, một cách ghi có thể đọc thành nhiều âm, một âm lại có thể có nhiều cách viết, nên khi đọc nôm có trường hợp một chữ nôm đọc được 19, 20 âm, và những trường hợp một âm ghi 25, 27 cách! (xin xem Bảng tra chữ nôm sau thế kỷ 17, 1994). Ngay đầu Truyện Kiều cũng một chữ mà ở câu 57, bản Liễu Văn đường 1871 đọc ĐẤT:
Sờ sờ nấm đất bên đường
Còn ở câu 104 lại phải đọc ĐỨT
Sầu tuôn đứt nối, châu sa vắn dài” [28; 47].
Chỉ bằng vào ngần ấy cũng có thể thấy được cái thiên nan vạn nan của việc phiên nôm. Hẳn các nhà biên khảo đã phải lao tâm khổ tứ để có được những bản Kiều với dung mạo như ta thấy hiện nay. Song cũng cần lưu ý rằng ngoại trừ Trương Vĩnh Ký, họ đều ít nhiều được thừa hưởng thành quả của những người đi trước. Như đã trình bày ở phần trên, những bản Kiều sau này đều có những dấu ấn khá rõ ràng của một hoặc vài bản Kiều quốc ngữ in trước. Điều này làm giảm bớt sự lầm lẫn trong việc “vừa đọc lại vừa đoán” chữ nôm và như vậy, tất sẽ làm tăng sự thống nhất về câu chữ trong các bản Kiều quốc ngữ. Tuy nhiên, việc thừa kế cũng có mặt trái của nó. Nếu có chữ bị phiên sai nhưng đọc vẫn thấy “chạy nghĩa”, nó cũng nghiễm nhiên được “thống nhất” ở các văn bản. Từ một nhận xét của GS. Hoàng Xuân Hãn: “Một thí dụ rất lớn mà người ta rất lầm là chữ TREO với chữ GIEO”, Đào Thái Tôn đã lập bảng thống kê về cách viết của 14 chữ GIEO và 9 chữ TREO trong Truyện Kiềuđể khẳng định rằng, theo phong cách văn tự tác giả, phải đọc là chữ TREO. Ông cũng thấy rằng: “đúng là từ Trương Vĩnh Ký (1875), Des Michels (1884), Bùi Kỷ - Trần Trọng Kim (1925), Bùi Khánh Diễn (1926) đến Nguyễn Văn Hoàn (1965), Nguyễn Thạch Giang (1972)… và những người đi sau các ông đều cho in câu 176 là “Giọt sương GIEO nặng cành xuân la đà”! Có thống kê như thế mới càng thấy cụ Hoàng Xuân Hãn quả là bậc thầy trong việc đọc nôm” [22; 23-24].
Kết quả có được từ một bảng thống kê công phu như thế là rất thuyết phục, song chúng tôi không cho rằng việc lầm chữ treo với chữ gieo là do “họ (những người có Tây học) lại không biết đọc nôm lắm nữa” như cụ Hoàng Xuân Hãn nghĩ. Có lẽ đó chỉ là hệ quả của việc kế thừa các bản quốc ngữ có trước nhưng không quay trở lại các bản nôm để kiểm tra mà thôi. Bởi cũng chữ này ở 8 câu còn lại (210, 398, 467, 930, 1228, 1722, 2769, 2939), các nhà biên khảo đều đọc là treo chứ không đọc là gieo.
Do “chữ nôm là một thứ chữ ghi âm không được chính xác lắm” (Đào Duy Anh) nên không phải lúc nào các nhà biên khảo cũng nhất trí với nhau. Về điểm này, GS. Nguyễn Tài Cẩn cho thí dụ:
“ … đứng trước một chữ nôm các bản khắc như nhau có thể có người đọc theo âm Hán Việt, có người đọc theo âm cổ Hán Việt, có người đọc theo âm, có người đọc theo nghĩa, v.v. mà về nội dung không có gì khác nhau một cách cơ bản lắm. So sánh:
- TIẾC LỤC THAM HỒNG với TÍCH LỤC THAM HỒNG ở câu 90
- MÂY TẦN KHOÁ KÍN với MÂY TẦN TOẢ KÍN ở câu 249” [28; 93].
Những trường hợp như tích lục/ tiếc lục hoặc khoá kín/ toả kín có lẽ không khó giải quyết. Việc chuyển chữ nôm sang chữ quốc ngữ cho người thời nay đọc là chuyện khác hẳn với việc tái lập cách phát âm cổ như nó vốn được phản ánh trong văn bản gốc. GS. Nguyễn Tài Cẩn đề xuất “đọc các văn bản nôm nhất định phải đọc theo âm hiện đại”. Theo đó, chọn “tiếc lục” và “khoá kín” là hợp lý.
Song đôi khi, ở một số trường hợp tương tự lại xảy ra những cuộc tranh luận khá gay gắt và nhiều khi vượt qua phạm vi học thuật giữa các nhà Kiều học. Thuộc loại này, có thể dẫn những tranh cãi xung quanh cách đọc “thuần vược” hay “thuần hức” trong câu 1593 “Non quê thuần vược bén mùi” làm thí dụ.
Tiếp đó, GS. Nguyễn Tài Cẩn dẫn ra một trường hợp khác:
“Lại có trường hợp cùng một chữ nôm mà có 2, 3 cách đọc khác nhau với nghĩa khác nhau, ví dụ ở câu 92:
Sẵn đây ta … một vài nén hương
cụ Hoàng Xuân Hãn đọc là TA CẮM, bản Bùi Kỷ - Trần Trọng Kim lại đọc là TA KIẾM.
Những trường hợp như trên, mới xem qua ở bản quốc ngữ, rất dễ nghĩ đến những dị bản khác nhau, cần phải “khảo dị”, nhưng kỳ thực đó là những sự khác nhau chỉ mới nảy ra về sau ở các bản Kiều hiện đại; còn ở các bản nôm thế kỷ 19 thì tình hình lại có thể khác: chữ nôm vẫn viết thống nhất! Không có vấn đề khảo dị” [28; 93].
Đây là một trường hợp nan giải. Tuy “chữ nôm vẫn viết thống nhất” và không cần phải khảo dị song khi phiên chuyển sang chữ quốc ngữ, nó vẫn buộc các nhà biên khảo phải có một lựa chọn. Chỉ bằng vào cách đọc nôm thì khó có đáp án thỏa đáng cho tình thế 50/50 này. Nó cần phải có biện pháp hỗ trợ khác.
Đào Thái Tôn biện luận: “ Chúng tôi đọc KIẾM: trên đường tảo mộ về thì dù có hương, Kiều cũng đã đốt hết rồi; nên khi ngẫu nhiên gặp mộ Đạm Tiên, Kiều phải: “ KIẾM một vài nén hương gọi là gặp gỡ giữa đường thôi; chứ có dự chuẩn bị gì trước đâu! Chữ “gọi là” thật hay: Trong Truyện Kiều, các câu có chữ “gọi là” đều mang ý nghĩa đáng lẽ phải trịnh trọng hơn, nhưng hãy gọi là như vậy để… GỌI LÀ ở câu này để tỏ lòng thương cảm. “Sẵn đây ta kiếm một vài nén hương”, thì “sẵn đây” tức là nhân dịp - (sẵn dịp qua đây), chứ không phải đã sẵn có hương mang theo đây.” [22; 456].
Những lý lẽ trên kể cũng khá logic, đi tảo mộ về, có lẽ Thuý Kiều không có sẵn hương mang theo thật. Song chắc nàng không phải đi kiếm (mà biết kiếm ở đâu được – trong So sánh các dị bản Truyện Kiều, Lê Quế giả định rằng Kiều kiếm những nén hương cháy dở ở các ngôi mộ xung quanh ?!), bởi đơn giản là tác giả sẽ “cấp phát” ngay cho nàng. Sau này ta còn thấy Nguyễn Du luôn sẵn sàng bố trí đạo cụ cho các nhân vật của mình: “Hiên sau treo sẵn cầm trăng”, “Trên yên sẵn có con dao”,… Thậm chí, khi Khuyển Ưng đi bắt Kiều, ông còn hào phóng cấp cho bầy côn quang ấy hẳn một xác chết: “Sẵn thây vô chủ bên sông/ Đem vào để đó lộn sòng ai hay” mà không hề tính toán. Vậy thiết tưởng, cũng không thể quá chi ly về việc Kiều không có hương mang theo rồi buộc nàng phải đi kiếm. Theo chúng tôi, câu 92 ấy nên đọc là: “Sẵn đây ta cắm một vài nén hương”.
Một trường hợp khác có những chữ nôm hóc hiểm mà các nhà biên khảo giải mã chưa hoặc chưa thật thoả đáng. Chẳng hạn câu:
Mụ càng xua đuổi cho liền
Lấy lời hung hiểm ép duyên Châu Trần
Hai chữ thứ 3 và thứ 4 trong câu lục trước đây vẫn được các nhà biên khảo phiên thành xua đuổi hoặckhua giục. Nhưng xem ra, cách đọc ấy khó có thể làm sáng nghĩa câu thơ về thái độ của Bạc bà với Thuý Kiều lúc ấy. Mụ đang “Mừng thầm được mối bán buôn có lời” thì hà cớ gì lại “xua đuổi” nàng. Nghi vấn về điều đó GS. Nguyễn Tài Cẩn đề xuất một cách đọc rất thuyết phục như sau:
“ Hiện nay XOI BÓI (= SOI MÓI) đã hơi khác nghĩa GIỞ GIÓI (= DỞ DÓI). Theo TĐTV:
- XOI BÓI (= SOI MÓI) = chú ý tìm moi móc những sai sót, kể cả sai sót nhỏ nhất của người khác, với dụng ý xấu.
- GIỞ GIÓI (= DỞ DÓI) = bày vẽ thêm chuyện, gây phiền phức, rắc rối.
Nhưng trước đây thì có thể nói hai bên hoàn toàn đồng nghĩa, ví dụ từ điển KTTĐ định nghĩa XOI BÓI là “bới tìm”, định nghĩa DỞ DÓI là “bới móc ra”. Vì XOI BÓI = DỞ DÓI như vậy nên mới hình thành thêm lối nói XOI DÓI.
Ở câu 2039 hiện nay chúng ta thường thấy:
Mụ càng xua đuổi cho liền
Nhưng XUA ĐUỔI là hai chữ mới thay vào sau; trước kia đó là hai chữ XOI DÓI: ở bản DMT 1872 cũng như ở hai bản D/1871, C/1879.
Căn cứ vào 4 câu 2095, 2096, 2097, 2098 sau đó thì đúng là Bạc bà XOI DÓI hơn là XUA ĐUỔI. Ngay câu cuối cùng - câu “Còn ai dám chứa vào nhà nữa đây” cũng là câu bới móc, XOI DÓI cái tình thế khó khăn của Thuý Kiều để ép duyên Châu Trần, chứ không phải là câu XUA ĐUỔI!” [27; 40-41].
Song đó không phải là trường hợp duy nhất. Gần đây, các nhà nghiên cứu đã đề nghị những cách giải mã mới cho nhiều chữ nôm khác nữa. Xin đơn cử: GS. Nguyễn Tài Cẩn còn đọc “lướt sướt” thay cho “lướt mướt/ lướt thướt” trong câu 2707: “Trên mui lướt sướt áo là”, đọc “ngâm” thay cho “ngậm” trong câu 1939: “Những là ngâm thở giột than”; Đào Thái Tôn đề nghị đọc “hôi” thay cho “khơi/ vùi” trong câu: “Phật tiền thảm lấp sầu hôi”, đọc “ý” thay cho “ấy”trong câu: “Có hai đường ý muốn sao mặc mình”; Đặng Quang Vinh đọc câu 14 là: “Vương Quan là trự (chữ) nối dòng nho gia”… Mỗi người đều có những kiến giải khá cặn kẽ về từng trường hợp nên khó có thể dẫn hết ra đây. Chúng tôi nghĩ rằng đó là những đóng góp rất đáng ghi nhận để phục vụ cho việc quốc ngữ hoá Truyện Kiều trong thời gian tới.
Khi phiên nôm, các nhà biên khảo còn gặp phải khá nhiều chữ bị chép hoặc khắc sai trong các bản Kiều nôm cổ. Chữ nôm là loại chữ phức tạp và không được quy chuẩn hoá. “Tam sao thất bản”, chỉ cần người chép “múa bút trong một lúc, nhỡ không kịp kiểm tra lại” là câu chữ đã bị sai lệch rồi. Trong thực tế, trước khi được khắc in, Truyện Kiều đã được sao đi chép lại khá nhiều lần, sai sót là điều không tránh khỏi. Trình độ của thợ khắc ván thường thấp, nên các bản in có thêm khá nhiều các chữ bị khắc sai, khắc thiếu nét, khắc ngược, khắc nhầm thành chữ khác hoặc bỏ trống không khắc. Tiêu biểu cho loại này là các bản do Duy Minh Thị cho khắc in tại Phật Sơn (Trung Quốc). Với “chữ in sai cực nhiều và in với phong cách lạ cũng rất nhiều”, nó đã làm nản lòng tất cả các nhà biên khảo trong thế kỷ XX [14]. Các bản phường ít sai sót hơn, chẳng hạn trong bản Liễu Văn Đường 1871 chỉ có khoảng 500 lỗi như vậy. (Trong các bản Kiều nôm hiện sưu tầm được, bản Kiều Oánh Mậu được khắc tinh tế và đẹp nhất, chữ nôm viết có quy cách và lề lối phân minh. Có lẽ cũng vì thế mà bản này thu hút được sự chú ý của nhiều nhà biên khảo). Tuy nhiên, những lỗi thuộc loại này rất dễ nhận thấy bởi nó thường làm cho câu thơ trở nên vô nghĩa, thất luật hoặc sai vần. Trong bản Liễu Văn đường 1871 có những câu như sau:
290. Dưới đào sai có bóng người thướt tha
408. Phúc nào đổi thì giá này cho ngang
626. Hỏi quê, rằng “Huyện Lâm Thanh cũng tắc”
854. Thân ngàn vàng để cái danh má hồng
1778. Trúc tơ hỏi khúc, nghề chơi hỏi các
2629. Từrằng:Công hậu đãi ta
2418. Tạ từ thoắt đã rời tuy cõi ngoài
Gặp những trường hợp đó, các nhà biên khảo thường căn cứ vào văn cảnh, căn cứ tự dạng chữ hoặc tham khảo các bản khác để hiệu đính lại cho đúng. Là người đầu tiên phiên chuyển Truyện Kiều sang quốc ngữ, dường như Trương Vĩnh Ký ít chú trọng đến việc này, đúng như Nguyễn Văn Hoàn đã nhận xét: “hầu như Trương Vĩnh Ký chỉ làm công việc cố gắng phiên âm lại cho đúng một bản nôm nào đó mà thôi, chứ không tự đặt cho mình nhiệm vụ tra cứu, khảo dị và hiệu đính lại những chữ sai, hoặc nếu hiệu đính lại văn bản thì cũng chỉ làm trong một phạm vi nhỏ hẹp, có thể nói là không đáng kể lắm” [9; LI]. Vì vậy, ta có thể gặp trong bản Trương Vĩnh Ký 1875 khá nhiều những câu “lạ lẫm” như:
116. Thác là thấy phách, còn là tinh anh
912. Bạc phau cầu giá, chơn dầm ngàn mây
1352. Giấumùi lại tội bằng ba lửa hừng
1711. Đếnbến lên trước thính đường
2030. Tiếng gà đêm cỏ dấu giày cầu sương
3251. Thẹnhờn cũng tại lòng ta , vv…
Lý giải về những chữ sai trong bản Trương Vĩnh Ký như vậy tỏ ra hợp lý và có sức thuyết phục hơn nhiều so với việc khẳng định ông đã “phiên âm sai”, “không khéo chọn chữ thích hợp”.
Việc chấp nhận phiên chuyển những câu chữ thuộc loại đó chính là một hạn chế hiển nhiên của Trương Vĩnh Ký bởi lẽ đơn giản, chúng hoàn toàn không phải là những câu chữ của Nguyễn Du.
Là một học giả phương Tây, Nordemann là người đầu tiên có ý thức hiệu đính Truyện Kiều. Bản Kiều quốc ngữ của ông thể hiện khá rõ điều đó. Tuy nhiên, vẫn có thể bắt gặp đây đó một vài câu chữ còn bị bỏ sót như:
2663. Vậy nên những tính thong dong
2830. Lâm Tri mấy độ đi về dặm khơi
Các bản Kiều thế kỷ XIX đều chép câu 2830 như trên, đến bản Kiều Oánh Mậu 1902 mới đính ngoa thành Lâm Thanh. Đính ngoa đúng, vì gia đình Kiều vẫn đi tìm Kiều chỉ biết đi tìm theo cái địa chỉ sai do Mã Giám Sinh để lại (Hỏi quê: “Rằng huyện Lâm Thanh cũng gần”). Nguyên truyện của Thanh Tâm tài nhân viết: “mướn người lính trạm tới Lâm Thanh dò tin tức”.
Có thể nói, việc khôi phục lại các chữ nôm bị in sai, khắc lầm về cơ bản được giải quyết từ đầu thế kỷ XX. Các bản Kiều quốc ngữ sau này đã không còn những lỗi làm mất nghĩa, mất vần như vậy nữa. Về mặt này, các bản quốc ngữ có chất lượng cao hơn hẳn so với các bản Kiều nôm được dùng làm cơ sở để khảo đính.
Tuy nhiên, vẫn còn một loại sai lệch về tự dạng dường như chưa được các nhà biên khảo đính ngoa một cách triệt để. Đó là những chữ kỵ huý. Khác với những chữ bị khắc sai do sơ xuất, nhầm lẫn ngoài ý muốn nêu trên; kỵ huý là do người chép, người khắc chữ chủ động tiến hành. Ở điểm này, kỵ huý có vẻ gần với nhuận sắc. Nhưng trong khi nhuận sắc là để làm cho hợp lý hơn, hay hơn (tất nhiên là theo chủ quan của người làm việc này) thì kỵ huý chỉ nhằm mục đích làm sao cho hợp lệ và hệ quả, thường là dở hơn. Thí dụ: Để tuân thủ lệnh kỵ huý đời Gia Long, chữ LAN phải đổi thành chữ HƯƠNG nên câu: “So vào với thiếp Lan Đình nào thua” đã bị đổi thành “So vào với thiếp Hương Đình nào thua”.
Thực ra, số chữ kỵ huý trong các bản Kiều nôm không nhiều. Hai bản kỵ huý triệt để nhất, bản Duy Minh Thị kỵ huý đời Gia Long và các bản chép tay ở Huế kỵ huý đời Tự Đức, trên thực tế không có ảnh hưởng trực tiếp đến các bản Kiều quốc ngữ thế kỷ XX. Tuy vậy, một số chữ bị thay đổi do kỵ huý vẫn “lọt lưới” và trở nên khá thông dụng trong nhiều bản Kiều quốc ngữ. Có thể thống kê được các câu bị làm sai lệch do kỵ huý như sau:
- Do kỵ huý chữ GIỐNG/ CHỦNG:
243. Cho hay là thói hữu tình (các bản A/ B/ E/ H/ J1)
258. Làm chi đem thói khuynh thành trêu ngươi (bản C)
2066. Khen rằng khéo hệt của nhà Hoạn nương (bản C)
2097. Khéo oan gia, của phá gia (tất cả các bản)
- Do kỵ huý chữ LAN/ LÀN:
25. Gương thu thuỷ, vít xuân sơn (bản A)
375. Nhà hương thanh vắng một mình (bản A)
261. Một đàng cỏ mọc xanh rì (bản A)
Một dòng cỏ mọc xanh rì (bản B)
Một vùng cỏ mọc xanh rì (các bản còn lại)
- Do kỵ huý chữ HOÀN:
354. Giở kim thoa với khăn hồng trao tay (từ bản C trở về sau)
- Do kỵ huý chữ THÌ:
410. Chẳng sân ngọc bội cũng phường kim môn (các bản A/ D/ E/ G/ H/ J1/ J2)
508. Những con người ấy ai cầu làm chi (bản L)
830. Cũng đà vừa vốn còn sau là lời (bản G)
952. Lạy rồi sang lạy cậu mày bên kia (từ bản C trở về sau)
1018. Túc nhân âu cũng có trời ở trong (từ bản C trở về sau)
1306. Máu tham hễ thấy hơi đồng là mê (bản J1)
1360. Tính sao cho trọn mọi đường xin vâng (bản D/ J1)
2231. Nàng từ chiếc bóng song mai (bản I/ J1)
3158. Yêu nhau thôi lại bằng mười hại nhau (bản A)
3229. Đến nơi đóng cửa gài then (tất cả các bản)
Nhưng những chữ bị biến đối tự dạng do kỵ huý trong Truyện Kiều không chỉ có vậy. Vẫn còn phải tìm thêm những dấu vết kỵ huý thời Thiệu Trị, Minh Mạng nữa. Gần đây, các nhà nghiên cứu còn tìm được những vết tích kỵ huý thời Lê - Trịnh trong hệ thống các bản Liễu Văn đường [16].
Trước đây, các nhà biên khảo chưa đề ra nhiệm vụ đính ngoa các chữ kỵ huý. Gặp những trường hợp này, họ chỉ dùng khả năng cảm thụ văn học để lựa chọn câu chữ. Vì thế, những trường hợp bị đổi thành những chữ kém hơn như:
- Đồ tế nhuyễn, của riêng tay
- So vào với thiếp Hương Đình nào thua
không được nhà biên khảo nào chấp nhận. Nhưng chỉ dùng một công cụ đó là chưa đủ. Hy vọng rằng những nghiên cứu sâu hơn về chữ huý sẽ góp phần phục nguyên thêm các câu chữ khác của Nguyễn Du.
Khi phiên chuyển Truyện Kiều sang chữ quốc ngữ, các nhà biên khảo còn phải làm việc chấm phẩy câu văn, phân chia các đoạn văn… Bản nôm thì không như vậy. Cách chấm câu trong các bản quốc ngữ cũng chưa được thống nhất. Có người chấm câu khá đơn giản. Có người lại rất dụng công trong việc này, chẳng hạn như các câu sau:
Nầy nầy! sự đã quả nhiên!
Thôi! Đà cướp của chồng min đi rồi! (bản Des Michels)
Trong, như tiếng hạc bay qua;
Đục, như nước suối mới sa nửa vời. (bản Tản Đà)
Dở dang, nào có hay gì?
Đã tu, tu trót, qua thì, thì thôi! (bản Nguyễn Văn Hoàn)…
Tương tự như vậy là việc phân chia các đoạn văn. Bùi Kỷ - Trần Trọng Kim chia Truyện Kiều thành 12 đoạn, Nguyễn Thạch Giang chia thành 8 đoạn nhưng Nordemann lại chia thành 62 đoạn, Hồ Đắc Hàm thậm chí còn chia thành 232 đoạn. Trong khi đó, một số nhà biên khảo khác không chia đoạn. Tản Đà nói rất rõ về chủ trương của mình: “Bản truyện này cứ theo nguyên văn in luôn suốt từ đầu đến hết, như các bản chữ nôm; mà không có phân ra từng đoạn như các bản quốc ngữ khác, là lấy rằng trong văn chương của tác giả phần nhiều những câu chuyển tiếp rất tài tình, nếu ngắt đoạn mà in, thời những câu ấy để theo đoạn trước hay để xuống đoạn sau, đều là mất cả cái hay của tác giả” [6; 94].
Chúng tôi tán thành cách xử lý của thi sĩ Tản Đà.
3.3. Nhuận sắc
Sự xô lệch câu chữ của văn bản Truyện Kiều tựu trung lại bao gồm mấy nguyên nhân sau: do nhuận sắc, do phải theo lệnh kỵ huý của triều đình, do nhầm lẫn trong việc sao chép, khắc ván, in ấn. Muốn khôi phục “bản lai diện mục” cho kiệt tác của Nguyễn Du, người ta buộc phải làm công việc đính ngoa. Khi phiên chuyển Truyện Kiều sang quốc ngữ, các nhà biên khảo đã xử lý hầu hết những lầm lẫn về tự dạng trong các bản nôm cổ. Việc đính ngoa các dị biệt do kỵ huý cũng đã được tiến hành. Với những kết quả nghiên cứu về chữ huý thời gian gần đây, chắc vấn đề này sẽ được giải quyết triệt để hơn. Trong hành trình đi tìm nguyên lời Nguyễn Du, những câu chữ bị xô lệch do nhuận sắc mới chính là bài toán phức tạp hơn cả.
Nhuận sắc dường như đã trở thành một thông lệ trong văn học trung đại Việt Nam. Điều này có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Trước hết do quan niệm về tác giả, tác phẩm văn chương trước kia khác với ngày nay, cộng với việc không quá chú trọng đến nguyên tác nên người ta cứ theo ý mình mà chữa đi chữa lại, làm sai lệch tác phẩm. Thêm vào đó, việc hầu hết tác phẩm chỉ được truyền bá bằng cách chép tay cũng tạo điều kiện cho việc nhuận sắc phát triển và ngày càng trở nên khó nhận biết. Bởi những người nhuận sắc thường là hay chữ, nhiều khi chữa rất khéo và trong một số trường hợp, có lẽ còn hay hơn cả nguyên tác. Những bản được khắc in sau này, thường là muộn hơn thời điểm ra đời khá nhiều, cũng hầu như chỉ theo đúng một bản chép tay nào đó chứ không phải theo nguyên bản của tác giả. Vì thế, độ tin cậy của chúng cũng chỉ tương đương với các bản chép tay khác.
Trong số các tác phẩm văn học quá khứ, các tác phẩm viết bằng chữ nôm thường bị nhuận sắc nhiều hơn các tác phẩm viết bằng chữ Hán, chắc hẳn là do tính phi chính thống của loại văn tự cũng như các tác phẩm được viết bằng loại văn tự này.
Như vậy, việc một tác phẩm được viết bằng chữ nôm và được phổ biến rất rộng rãi như Truyện Kiều bị chữa đi chữa lại là điều dễ hiểu. Chỉ khảo sát 9 bản Kiều trong thế kỷ XIX, GS. Nguyễn Tài Cẩn đã thống kê được 1.962 trường hợp khác biệt về câu chữ. Phần lớn trong đó là do nhuận sắc. Nếu đối chiếu, so sánh tất cả các bản Kiều hiện có, con số đó chắc chắn sẽ lớn hơn rất nhiều. Điều này khiến cho tình hình văn bản Truyện Kiều trở nên phức tạp, khiến các nhà nghiên cứu và biên khảo phải phân loại thành bản kinh, bản phường hoặc các bản miền Bắc, các bản ở Huế, các bản Nam bộ…
Trong quá trình quốc ngữ hoá Truyện Kiều, ngoại trừ Trương Vĩnh Ký, những người sau chủ yếu dựa trên các bản phường để phiên khảo. Các bản Kiều quốc ngữ đều có 3.254 câu thơ lục bát, đúng bằng số câu của các bản phường. Những câu bị nhuận sắc hoàn toàn trong các bản chép tay ở Huế, bản Duy Minh Thị 1872, bản Kiều Oánh Mậu 1902… đều bị gạt bỏ. Mặc dầu chọn Đoạn trường tân thanh 1902 làm bản trục, Nguyễn Thạch Giang cũng không đưa những câu do Kiều Oánh Mậu chữa vào bản Kiều quốc ngữ của mình. Ở điểm này, chúng ta thấy có sự thống nhất của các nhà biên khảo. Đây hẳn là do mỹ cảm về văn chương. Mà quả thật, cũng khó có thể chấp nhận những câu như: “Luýnh quýnh cua lột bò sàng/ Sợ đây thương đó hai đàng chưa xong” hay “Thương ôi mảnh sắt vào lò/ …” là câu chữ của Nguyễn Du. Hay so với “Có người tướng sĩ đoán ngay một lời”, câu “Cứ trong tướng pháp lắm thầy chê bai” vừa non lại vừa kém logic, thầy thường “đoán” chứ không chê bai, và ở một thời điểm “từ năm hãy thơ ngây” thì “có thầy” hợp lý hơn “lắm thầy”. Chữa thơ của Nguyễn Du không phải dễ. Những câu thơ được “nhuận sắc” khá vụng như vậy trong thực tế đã bị loại bỏ để vãn hồi một trật tự tương đối cho Truyện Kiều.
Nhưng thực tế, trong Truyện Kiều vẫn còn trên dưới 1000 trường hợp bị “nhuận sắc” về mặt từ ngữ chưa được xử lý một cách thoả đáng. Tuy GS. Nguyễn Tài Cẩn có phỏng đoán về “sự tự nhuận sắc của bản thân tác giả” song công bằng mà nói, hầu hết những dị biệt về câu chữ đều do người đời sau tự ý chữa đi chữa lại. Đối với những trường hợp này, các nhà biên khảo cũng có quan điểm khác nhau. Bùi Kỷ, Trần Trọng Kim, Đào Duy Anh chủ trương tìm ra lời văn có khả năng gần với nguyên văn của Nguyễn Du. Nguyễn Văn Hoàn, Nguyễn Thạch Giang… lại có xu hướng chấp nhận những “nhuận sắc hợp lý” đã quen thuộc với quần chúng nhân dân. Quan niệm khác nhau chắc chắn sẽ dẫn tới cách xử lý khác nhau. Nhưng điều đáng chú ý là hai xu hướng trên vẫn có sự giao thoa. Ở một số trường hợp cá biệt, GS. Đào Duy Anh cũng chủ trương “cứ theo từ thông dụng mà nhân dân đã quen” và dẫn giải: “các bản nôm đều chép: “Trời xanh quen với má hồng đánh ghen”, thế mà chúng tôi để “quen thói” là vì nhiều bản quốc ngữ chép như thế đã khiến nhân dân thuộc lòng” [11; 27]. Như vậy, dù ở mức độ nhiều ít khác nhau, các nhà biên khảo đều đưa những “nhuận sắc hợp lý” như vậy vào các bản Kiều quốc ngữ của mình. Cũng nhờ tiêu chí hợp lý, thông dụng nên khá nhiều trường hợp dị biệt được coi là “không hợp lý” ở các bản nôm đã bị loại bỏ. Nói cách khác, các nhà biên khảo đã thống nhất được với nhau ở 500 - 600 trường hợp cần khảo dị. Đây chính là một đóng góp vào việc ổn định văn bản Truyện Kiều. Có lẽ vì thế mà khi đề cập tới vấn đề văn bản, Trịnh Bá Đĩnh cho rằng: “sự sai biệt giữa các bản không lớn, chủ yếu khác nhau ở một số chữ phiên âm, một số cách hiểu nghĩa của từ” [40; 12]. Sự sai biệt giữa các bản Kiều quốc ngữ quả thật không lớn bằng sự sai biệt giữa các bản Kiều thế kỷ XIX nhưng nhận xét như vậy vẫn có vẻ hơi lạc quan và cũng chưa thật đúng với vấn đề. Cái khác biệt chủ yếu vẫn là ở việc nhuận sắc. Trong 10 bản Kiều quốc ngữ mà chúng tôi đã khảo sát vẫn còn hơn 1000 trường hợp khác biệt về từ ngữ với nhiều dị bản khác nhau - một con số không hề nhỏ. Điều đáng chú ý là các nhà biên khảo vẫn tiếp tục đưa chữ mới vào các bản Kiều quốc ngữ. So với phần “những gì còn lại của cụ Nguyễn Du” do GS. Nguyễn Tài Cẩn công bố, chỉ trong 10 bản Kiều được khảo sát đã có thêm 316 chữ mới. Số lượng cụ thể ở một số bản đã được giới thiệu ở chương 2. Như vậy, có thể thấy, việc nhuận sắc Truyện Kiều vẫn được tiếp tục trong thế kỷ XX, tuy mức độ có thấp hơn trước nhiều. Dĩ nhiên, những chữ mới trong mỗi bản Kiều quốc ngữ không nhất thiết phải là sản phẩm “nhuận sắc” của chính nhà biên khảo. Trong một số trường hợp, có lẽ họ chỉ tiếp thu những “nhuận sắc hợp lý” trong các bản Kiều nôm và quốc ngữ sau này. Nếu thống kê được tất cả các bản Kiều hiện có, chúng ta sẽ thấy những chỗ bị nhuận sắc trong thế kỷ XX không chỉ dừng ở đó. Bởi ở các bản Kiều khác còn có khá nhiều câu chữ lạ lẫm như:
32. Nghề riêng ăn đứt hồ cầm Ngải Trương(Ng. Xuân Chữ)
77. Sắm sanh nếp tử xe trâu(Vũ Văn Kính)
96. Sụp ngồi vái gấp trước mồ bước ra (Lê Quế)
352. Một lời vâng tạc đá vàng năm trong (Bùi Khánh Diễn)
558. Này ai đan láp dệt thàm bỗng dưng (Lê Quế)
2699. Thuê năm ngư phủ, hai ngày(Bùi Thiết)
2131. Một nhà dọn dẹp lanh chanh (Lê Quế)
Có thể nói, nhuận sắc là một vấn đề còn tồn tại trong quá trình quốc ngữ hoá Truyện Kiều. Trước hết, đó là do các nhà biên khảo đều ít nhiều chấp nhận sự nhuận sắc và ở một mức độ nào đó, còn tiếp tục nhuận sắc thêm nữa. Việc áp dụng tiêu chí hợp lý, thông dụng đã góp phần ổn định một số câu chữ Truyện Kiều nhưng phải thừa nhận rằng, đó là những tiêu chí mang nhiều yếu tố cảm tính và rất thiếu tính cụ thể. Chính vì thế mà trong các bản Kiều quốc ngữ vẫn còn rất nhiều dị bản khác nhau. Thêm nữa, việc mỗi nhà biên khảo chỉ sử dụng một số bản Kiều nhất định cho việc phiên chuyển cũng tạo ra những giới hạn nhất định. Do không có đầy đủ tư liệu, khả năng lựa chọn, xử lý những trường hợp cụ thể cũng sẽ bị hạn chế khá nhiều. Một yếu tố cũng cần tính đến là thực trạng: “người sau chưa thật vừa lòng với người trước trong việc hiệu đính, trong việc xử lý dị đồng giữa các bản Kiều khác nhau” như PGS. Nguyễn Thạch Giang đã nhận xét. Một điều đáng quan ngại là xu hướng này gần đây khá phát triển. Các văn bản Truyện Kiều do các nhà biên khảo như Vũ Văn Kính, Bùi Thiết, Lê Quế… công bố là những thí dụ khá tiêu biểu. Mỗi người một vẻ: Vũ Văn Kính muốn tìm nguyên tác Truyện Kiều theo thuyết cơ cấu, Bùi Thiết dựa trên cách đọc âm cổ, Lê Quế căn cứ vào tiêu chí logic, họ tạo ra nhiều câu chữ khá lạ trong khi tiến hành quốc ngữ hoá Truyện Kiều Cũng may là những “tìm tòi” đó hầu như không có ảnh hưởng đến việc tiếp nhận và nghiên cứu Truyện Kiều. Chúng gần như chỉ được trích dẫn trong các ý kiến trao đổi, phản bác với những người đã tạo ra những câu chữ đó. PGS. Nguyễn Thạch Giang đã từng viết: “Nhu cầu của quần chúng không phải chỉ biểu hiện ở chỗ có một bản Kiều mà có một bản Kiều như ý muốn của họ, một bản Kiều là của mình, y như mình hiểu. Điều đáng chú ý là ở chỗ đó” [10; 108]. Nếu chỉ có vậy thì khó có thể tán đồng ý kiến của ông. Nhưng nếu ta thay từ “quần chúng” bằng từ “mỗi nhà biên khảo” thì khó mà bác bỏ ý kiến đó. Thực tế của quá trình quốc ngữ hoá Truyện Kiều cho thấy nó hoàn toàn đúng đắn. Rốt cuộc, cái thực trạng “có người lại tự ý mình đem chữa đi, chữa lại, thành ra ngày càng sai lầm nhiều thêm ra” đã được Bùi Kỷ - Trần Trọng Kim nêu ra cách đây hơn tám mươi năm vẫn chưa khắc phục được bao nhiêu mà xem ra lại bắt đầu có phần tăng thêm. Chưa giải quyết được vấn đề nhuận sắc thì tình trạng văn bản Truyện Kiều vẫn còn “ngổn ngang trăm mối”. Để có được một bản Kiều “gần được như nguyên văn”, điều chắc chắn là phải có cách giải quyết vấn đề nhuận sắc theo một cách khác trên cơ sở kế thừa những thành quả của các nhà biên khảo đi trước.
3.4. Chú giải
Trong việc quốc ngữ hoá các tác phẩm nôm, chú giải gần như là một thao tác buộc phải có. Được viết theo thi pháp của văn học trung đại, những tác phẩm này thường chứa đầy những hình ảnh, từ ngữ mang tính ước lệ, tượng trưng và hàng loạt các điển tích, điển cố rút từ nguồn văn liệu phong phú của Trung Hoa. Những điều có vẻ hiển nhiên với các nho sĩ, trí thức thời trước bỗng trở nên xa lạ với đa số độc giả chữ quốc ngữ. Không có một vốn Hán học cần thiết, họ khó mà hiểu được tác giả viết gì với những từ ngữ hoa mỹ, bóng bẩy và có phần khuôn sáo như hồng điệp, xích thằng, sân bội ngọc, phường kim môn, tao khang, cát luỹ, băng tuyết, phỉ phong, thỏ bạc, ác vàng, trần cấu, bố kinh… Vì vậy, các nhà biên khảo nhất thiết phải chú giải để độc giả có thể tiếp nhận tác phẩm mà không gặp nhiều khó khăn. Và điều cốt yếu là phải chú giải được các từ cổ, các điển tích, điển cố trong tác phẩm. Việc chú giải Truyện Kiều cũng không nằm ngoài thông lệ đó. Tuy nhiên, do được viết bởi một bậc thầy về nghệ thuật sử dụng ngôn từ, Truyện Kiều có một vị trí rất đặc biệt. Bằng sự kết hợp nhuần nhuyễn, uyển chuyển ngôn ngữ văn học dân gian với ngôn ngữ văn học bác học, khúc “Nam âm tuyệt xướng” này đã chinh phục được mọi tầng lớp nhân dân, từ người thất học tới các văn nhân, trí thức. Các nhà biên khảo cũng đua nhau chú giải Truyện Kiều. Điều này tạo ra sự phong phú , đa dạng hơn hẳn so với việc chú giải các tác phẩm khác và khiến ta có thể nói tới một quá trình chú giải Truyện Kiều.
Thực ra, việc chú giải Truyện Kiều đã được tiến hành ngay từ một số bản nôm chép tay ở Huế và sau này, ở bản Đoạn trường tân thanh (1902) của Kiều Oánh Mậu. Chú giải cho các bản Kiều nôm nhằm vào lớp độc giả khác và có tiêu chí khác với chú giải cho các bản Kiều quốc ngữ. Song nó vẫn hỗ trợ rất lớn cho các nhà biên khảo sau này.
Trương Vĩnh Ký là người đầu tiên chú giải cho bản Kiều quốc ngữ. Phần chú giải cũng cho ta thấy phần nào cách hiểu Truyện Kiều vào thời điểm đó. Ông chú khá đơn giản, sơ sài, có lúc chú mà như không chú. Ví dụ: “Trên Bộc trong dâu” được chú là “Trên Bộc - Bộc thượng (sông Bộc). Trong dâu – Tang trung (bãi dâu). Dâu đọc là giâu ”, “Châu Trần” được chú là “họ Châu với họ Trần”, “núi giả” được chú là “non bộ đất”, vv. Trong “Chữ nghĩa Truyện Kiều”, Nguyễn Quảng Tuân dẫn ra 32 trường hợp Trương Vĩnh Ký chú giải không chính xác, có chỗ do dẫn điển sai hoặc giảng điển không được rõ, có chỗ do ông “cưỡng giải” theo những câu bị phiên sai vì không được đính ngoa. Thuộc về trường hợp sau, ta có thể gặp những lời chú khá lạ: vì phiên câu 912 là “Bạc phau cầu giá, chơn dầm ngàn mây” nên ông chú: “Lội giá đạp tuyết trắng phau phau - Đi xa xuôi”. Tương tự, vì đã phiên câu 1310 là “Than hương nung bức trướng hồng rạch hoa”, ông chú: “Bỏ than hương xông, ngồi mà thêu”, vv. Có như vậy mới biết chú giải Truyện Kiều là việc không hề đơn giản, nhất là lại ở vị trí của người mở đường. Những nhược điểm trong cách chú giải của Trương Vĩnh Ký sẽ được các nhà biên khảo lớp sau khắc phục.
Bản Kiều quốc ngữ của Nordemann không có phần chú giải. Ông chỉ đánh dấu hoa thị (*) ở những chỗ “nói bóng có sự tích” và giao hẹn sẽ “đặt thành tự vị, sẽ in về sau, ai muốn biết thì tra ở đấy”. Không rõ rồi ông có làm việc này không nhưng bằng vào những chỗ đánh dấu, có thể thấy Nordemann cũng không mấy chú trọng đến việc chú giải Truyện Kiều. Có lẽ vào thời điểm này, nền cựu học vẫn chưa bị suy lắm, nên có lẽ theo ông, làm như vậy là đủ chăng?
Cho tới tận những năm 1920, theo Bùi Kỷ - Trần Trọng Kim, việc chú giải Truyện Kiều “cũng không được kỹ càng lắm”. Vì thế, hai ông “hết sức tìm tòi đủ các điển tích mà giải thích cho rõ ràng, để ai xem cũng hiểu, không phải ngờ gì nữa”. Bùi Kỷ - Trần Trọng Kim làm chú giải khá công phu, kỹ lưỡng. Bản Kiều quốc ngữ của hai ông được phổ biến rất rộng rãi, in đi in lại nhiều lần, hẳn cũng có phần đóng góp đáng kể của việc chú giải cẩn trọng đó. Cách chú giải của hai ông cũng tạo ra lề lối cho việc chú giải của các nhà biên khảo sau này.
Nhưng một số nhà biên khảo không chỉ dừng ở việc chú giải từ ngữ, điển cố mà còn mở rộng phạm vi chú giải bằng việc bình luận câu chữ. Hồ Đắc Hàm “giải nghĩa về cách làm văn”, Tản Đà giảng giải “cốt để tỏ thấy các cái hay, cái khéo trong văn chương, cho được rõ chỗ tinh thần của tác giả; mà nếu có những chỗ hồ nghi về văn lý, cũng xin chỉ rõ những chỗ hồ nghi ấy, mong để độc giả cùng nhận coi”, Lê Văn Hoè đưa ra chín nội dung chú giải, đáng chú ý là: “chú giải ý nghĩa từng câu, vạch những chữ tác giả dùng sai, sửa những lời chú sai lầm của các bản trước, nêu những chỗ hay dở trong văn lý, phê bình lướt qua nhân vật trong truyện về mặt luân lý”. Những nhà biên khảo kể trên đều rất tâm đắc và bỏ nhiều công sức cho việc này. Không phải ngẫu nhiên mà họ cùng nhất loạt đổi tên cho tác phẩm thành Kiều truyện dẫn giải, Vương Thuý Kiều chú giải tân truyện, Truyện Kiều chú giải. Tuy nhiên, đây là việc mang đậm dấu ấn chủ quan của mỗi nhà biên khảo nên tuy có nhiều chỗ bình luận, bắt bẻ đúng song cũng không ít chỗ chưa được thoả đáng. Thành công và đặc sắc hơn cả là những chú giải của Tản Đà, một thi sĩ tài hoa của văn học Việt Nam. Ông thẩm văn tinh tế nên những bình luận về văn lý có thể gợi ý cho những nhà nghiên cứu Truyện Kiều.
Xu hướng chú giải như trên không kéo dài. Từ 1965 trở đi, các nhà biên khảo như Nguyễn Văn Hoàn, Nguyễn Thạch Giang lại làm theo kiểu của Bùi Kỷ - Trần Trọng Kim và có phần chi tiết, tỉ mỉ hơn. Mặc dù Nguyễn Thạch Giang dành ra hơn hai chục trang để nói về nguyên tắc chú thích Truyện Kiều và đặt ra mục tiêu rất lớn nhưng thực ra, phần chú giải của ông cũng không vượt được những người đi trước là bao. Có chăng là ông dẫn điển cặn kẽ hơn. Nhưng quá lệ thuộc vào điển cố, đôi lúc ông cũng đưa ra lời chú giải thiếu sức thuyết phục. Chẳng hạn, với câu 2174: “Gươm đàn nửa gánh non sông một chèo”, ông chú: “Đàn: một loại cung bắn đạn tròn đi rất xa”. Do quá lệ thuộc vào câu thơ “Bán kiên cung kiếm bằng thiên túng/ Nhất trạo giang sơn tận địa duy” (Chỉ nửa vai cung kiếm mà tung hoành khắp cả gầm trời, chỉ một mái chèo mà đi khắp cả non sông) mà Kiều Oánh Mậu đã dẫn để chú cho câu thơ trên nên ông ép cho “đàn” phải là “một loại cung” và cưỡng giải như vậy. Học giả Đào Duy Anh cho rằng khi dụng điển, Nguyễn Du đã sửa “cung kiếm” thành “cầm kiếm”. Điều này hợp lý hơn bởi “cầm kiếm” cũng được sử dụng khá thông dụng trong văn chương cổ và cũng thích hợp với một Từ Hải “râu hùm, hàm én, mày ngài”.
Năm 1974, học giả Đào Duy Anh cho công bố cuốn Từ điển Truyện Kiều “nhằm đánh dấu bước tiến bộ vượt bậc ấy trong lịch sử của ngôn ngữ và của văn học” [20; 7]. Tất nhiên, mục đích mà cuốn từ điển này nhằm tới là cao hơn nhiều so với việc chú giải đơn thuần. Song bằng vào việc giảng nghĩa “tất cả những từ, thành ngữ và từ tổ được Nguyễn Du dùng trong Truyện Kiều” nên xét về mặt nào đó, có thể coi đây là một cách chú giảiTruyện Kiều công phu và đầy đủ nhất. Đây là một hiện tượng độc đáo trong việc chú giải các tác phẩm văn học trung đại nói chung và Truyện Kiều nói riêng.
Có thể thấy, việc chú giải Truyện Kiều trong vòng một thế kỷ là một quá trình phát triển với những sắc thái khác nhau. Điều này, trước hết phải tính là một điểm mạnh. Nó cho phép độc giả có thể tiếp cận câu chữ của tác phẩm từ nhiều góc độ và thêm hiểu, thêm yêu Truyện Kiều. Tuy nhiên, ngay bản thân việc chú giải cũng làm nảy sinh những vấn đề nhất định. Do chưa có sự thống nhất về tiêu chí nên trong khá nhiều trường hợp, những chú giải của các nhà biên khảo lại khác nhau khá xa. Thực tế việc trao đổi, thảo luận về chữ nghĩa Truyện Kiềutrong hàng chục năm qua cho thấy rõ điều đó. Về các chú giải gắn liền với khả năng lựa chọn dị bản câu chữTruyện Kiều như: “Ngựa xe như nước, áo quần như nêm”/ “Ngựa xe như nước áo quần như nen”, hay “Tháng tròn như gửi cung mây”/ “Nằm tròn như cuội cung mây”/ “Vuông tròn nhờ cậy cung mây”, vv… chắc chắn sẽ dẫn tới cách hiểu khác nhau. Nhưng ngay cả những câu chữ đã ổn định, cách hiểu, cách chú vẫn thiếu sự thống nhất. Việc chú những câu như: “Trăm năm trong cõi người ta”, “Râu hùm hàm én mày ngài”, “Gươm đàn nửa gánh non sông một chèo”… chỉ là một vài thí dụ. Nếu có điều kiện tập hợp, so sánh từng chú giải cụ thể trong các bản Kiều quốc ngữ cũng như các ý kiến thảo luận về chữ nghĩa, chúng ta sẽ thấy những dị biệt của việc chú giải cũng phức tạp không kém gì vấn đề xô lệch câu chữ trong Truyện Kiều. Tìm “nguyên lời” của Nguyễn Du đã khó mà xem ra, hiểu được “nguyên ý” của Nguyễn Du cũng không mấy dễ dàng. Và lẽ đương nhiên là nếu chọn sai lời thì chắc chắn sẽ hiểu sai ý. Ví dụ, khi Thúc Sinh lén ra Quan Âm các để gặp gỡ Thuý Kiều, các bản Kiều nôm thế kỷ XIX đều chép lời đoan quyết của chàng ta là: “Quản chi trên các dưới duyềnh/ Cũng toan sống thác với tình cho xong”. Nhưng từ bản Trương Vĩnh Ký 1875 đến bản Kiều Oánh Mậu rồi các bản quốc ngữ sau này đều để câu này là: “Quản chi lên thác xuống ghềnh” và hầu như không có chú giải. Điển “trên các dưới duyềnh” chỉ được các nhà nghiên cứu văn bản nôm cổ nêu ra trong thời gian gần đây và cũng đã gây ra một cuộc tranh luận khá sôi nổi.
Như vậy, tuy đã đạt được những kết quả khá khả quan song việc chú giải Truyện Kiều vẫn còn là việc phải tiếp tục được làm trong thời gian tới, trong mối tương tác khá chặt chẽ với việc khôi phục văn bản và nghiên cứuTruyện Kiều.
3.5. Hành trình khôi phục nguyên tác Truyện Kiều
Nguyên bản “Đoạn trường tân thanh” của Nguyễn Du đã thất lạc từ lâu. Người xưa cũng không hề chú ý đến việc bảo tồn nguyên tác. Nguyễn Hữu Lập “Tin chắc quyển truyện quốc âm là một tuyệt tác tuy còn có những chỗ chưa được nhuần nhã, cần phải luyện đạt lại đôi chữ, tôi thấy mình tài hèn cũng xin cố gắng san cải lại” [14; 46]. Kiều Oánh Mậu cũng thấy: “Còn những chỗ sai lạc không thông, thì đã tham đính tra cứu rất kỹ, nhân vần đổi hẳn đi để cho phù hợp với văn lý” [17]. Hậu quả là các bản Kiều nôm ít nhiều đều bị làm sai lệch với nguyên tác một cách có chủ ý.
Việc chú trọng tới nguyên tác chỉ xuất hiện với quá trình quốc ngữ hoá Truyện Kiều, đúng hơn là ở giai đoạn tương đối thành thục của nó, khi ý thức về tiếng Việt và văn chương Việt đã cao, quan niệm văn chương đã thay đổi và vị trí xứng đáng của Truyện Kiều đã được xác lập. Vào những năm đầu thể kỷ XX, nhận thấy các bản Kiều được in có nhiều lầm lẫn nên Bùi Kỷ - Trần Trọng Kim đã nỗ lực khôi phục một bản Kiều “gần được như nguyên văn”. Chúng tôi cho rằng đó là nguyên nhân chủ yếu khiến cho bản Truyện Thuý Kiều của hai ông được phổ biến rộng rãi trong nhân dân. Vì thế, chúng tôi thấy khó có thể tán đồng sự đánh giá khá lòng vòng của PGS. Nguyễn Thạch Giang: “Những bản Kiều sở dĩ được phổ biến rộng rãi trong nhân dân chủ yếu là vì chúng đã biết tiếp thu những chỗ “nhuận sắc” hợp lý của quần chúng, và cũng vì vậy mà chúng mang tính chất phổ biến và hợp lý cao” [10; 121].
Nhân đây, xin bổ sung thêm một đoạn hồi ức của PGS. Nguyễn Văn Hoàn:
“Do mức độ giá trị của các bản Kiều sưu tầm được trên đây, chúng tôi đã đề ra hai tiêu chuẩn chính để hiệu đính văn bản Truyện Kiều:
- Có khả năng gần với nguyên tác của Nguyễn Du.
- Tương đối “hợp lý”, xét về phương diện vần điệu và văn cảnh của đoạn văn đó.
Một bạn đọc đã viết thư góp ý: “Cái tiêu chuẩn hợp lý chúng tôi thấy chưa hợp lý”.
Hồi đó tôi cũng có gặp Giáo sư Si-sin, Trưởng đoàn chuyên gia Liên Xô công tác tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội, để hỏi ý kiến về vấn đề này. Tôi đặt vấn đề: giả thiết tìm lại được nguyên tác của Nguyễn Du nhưng lời văn cổ hơn và không hay bằng văn bản hiện đang lưu hành, thì nên xử lý thế nào? Ông đã nắm chặt bàn tay hộ pháp, đấm nhẹ mặt bàn, nhìn thẳng vào mắt tôi và nói: “Nguyên tác là vàng!” [18].
Tới những năm 1960, vấn đề khôi phục nguyên tác Truyện Kiều được đặt ra một cách cấp thiết hơn. PGS. Nguyễn Văn Hoàn đã viết bài: Cần có một bản Kiều quốc ngữ tương đối đúng với nguyên tác đăng trên Tập sanNghiên cứu văn học số tháng 6 năm 1960 và nhận được nhiều ý kiến đóng góp và cả sách, tư liệu quý gửi tặng. Tuy nhiên, sau khi khảo sát đánh giá các văn bản thu thập được, ông lại chủ trương: “việc tra cứu và khôi phục lại nguyên tác Truyện Kiều phải được xem là một công việc nghiên cứu lâu dài. Nhưng trong lúc chuẩn bị một công trình nhiên cứu như thế, trước mắt, chúng ta vẫn cần sơ bộ hiệu đính lại văn bản Truyện Kiều để đáp ứng yêu cầu khách quan của xã hội đương đòi hỏi” [9; 66]. Ít lâu sau, PGS. Nguyễn Thạch Giang cũng hiệu đínhTruyện Kiều theo quan điểm và phương pháp tương tự, có khác chăng là ông đặc biệt đề cao quan điểm quần chúng. Và như đã nói, mặc dù “lập ngôn” như vậy nhưng trên thực tế những “nhuận sắc hợp lý của quần chúng” rất ít xuất hiện trong bản Kiều quốc ngữ của ông. Những câu chữ được ông lựa chọn đều đã từng xuất hiện trong văn bản của các nhà biên khảo đi trước. Bản Nguyễn Thạch Giang chỉ “đóng góp” 9 chữ mới vào kho từ ngữ Truyện Kiều - một con số rất nhỏ so với các bản Kiều mà chúng tôi khảo sát. Song do phải đáp ứng “yêu cầu thực tế” nên việc “khôi phục lại diện mạo thực của văn bản” cũng bị ông gác lại. Nói cách khác, hành trình khôi phục nguyên tác Truyện Kiều tạm thời bị gián đoạn.
Chủ trương “không thảo luận và không bài bác những chủ trương hiệu đính của người khác”, GS. Đào Duy Anh đi tìm “một văn bản có thể xem là không xa lắm với nguyên bản”. Căn cứ chủ yếu của ông là bản Liễu Văn đường 1871 và bản Trương Vĩnh Ký 1875. Ngoài hai bản trên ông cũng tham dụng những bản khác và trong trường hợp cá biệt, vẫn “cứ theo từ thông dụng mà nhân dân đã quen”. Chắc chắn là những “từ thông dụng” ấy khó có thể tương đồng với “lời văn gọi là có khả năng gần nhất nguyên văn của Nguyễn Du” mà ông gắng tìm. Chắc ông cũng hiểu rất rõ điều đó song đôi lúc vẫn phải nhượng bộ ít nhiều cho quan điểm quần chúng rất thịnh hành thời bấy giờ. Đi theo hướng khôi phục nguyên tác, văn bản Truyện Kiều của Đào Duy Anh được các nhà nghiên cứu và độc giả đánh giá là một trong số không nhiều các bản Kiều quốc ngữ đáng tin cậy nhất.
Dù ít nhiều khác nhau trong quan niệm và cách thức khôi phục nguyên tác Truyện Kiều, và do đó, tạo ra sự khác nhau về độ tin cậy của văn bản, các nhà biên khảo đều theo phương pháp hiệu đính chứ chưa đặt ra mục tiêu nghiên cứu văn bản học. Về cách làm này, Đào Thái Tôn nhận xét khá chính xác như sau: “…các ông đều chọn lấy dăm ba bản Kiều nôm và quốc ngữ làm những bản chính trong việc hiệu đính […]. Sau khi xác định những bản chính như thế, các ông cân nhắc, lấy chữ này ở bản này, chữ kia ở bản khác để đưa ra bản Truyện Kiều đã được hiệu đính của riêng mình […]. Nhưng, cách làm như thế đã không ngừng sinh ra các dị bảnTruyện Kiều. Người ta thường phải gọi, chẳng hạn, bản Bùi Kỷ - Trần Trọng Kim, bản Hồ Đắc Hàm, bản Tản Đà, bản Lê Văn Hoè, bản Bùi Khánh Diễn, bản Nguyễn Văn Hoàn, bản Nguyễn Thạch Giang, bản Đào Duy Anh… là vì thế” [21; 142].
Các bản Kiều quốc ngữ tiếp tục ra đời nhưng dường như vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của độc giả. Các cuộc thảo luận, tranh luận về chữ nghĩa Truyện Kiều vẫn tiếp tục. Điều đó cho thấy phần nào nhu cầu của giới nghiên cứu và độc giả đối với việc khôi phục những câu chữ đã được chính Nguyễn Du sử dụng. Trong bối cảnh ấy, bài Học giả Hoàng Xuân Hãn nói về Truyện Kiều có tiếng vang rất lớn. Qua đó, chúng ta được biết rằng từ những năm 1940. GS. Hoàng Xuân Hãn đã bỏ công sưu tầm và thuê chép lại những bản Kiều nôm xưa nhất để làm cơ sở cho việc “tái lập phần lớn văn bản Kiều đời xưa, có thể nói là nguyên lời Nguyễn Du, chứ không phải là nguyên bản bởi vì nguyên bản không tìm ra được nữa” [19]. Để làm được điều này, GS. Hoàng Xuân Hãn dùng một phương pháp nghiên cứu văn bản học nghiêm cẩn và tuyệt đối không chấp nhận những chỗ “nhuận sắc”, dù là được chữa hay chữa khéo ra sao. Ông dùng tám bản Kiều đời Tự Đức, là những bản xưa nhất, rồi “so sánh từng chữ một” để làm bản Kiều tầm nguyên. Công việc đã kéo dài khoảng 50 năm song đáng tiếc là ông vẫn chưa kịp hoàn thành cuốn Kiều tầm nguyên như dự định. Bài phỏng vấn đó đã mở ra một hướng nghiên cứu mới về việc khôi phục nguyên tác Truyện Kiều. Một cuộc tranh luận xung quanh bài trả lời phỏng vấn đã diễn ra khá sôi nổi trên báo chí và cũng từ đó, làm phát lộ nhiều vấn đề về câu chữ và văn bản Truyện Kiều. Giờ đây, các nhà biên khảo đã đặc biệt chú ý đến việc tìm tòi và giới thiệu các bản Kiều nôm cổ: bản Liễu Văn Đường 1866, bản Liễu Văn Đường 1871, bản Lâm Noạ Phu 1870, bản Duy Minh Thị 1872, bản Thịnh Mỹ Đường 1879, bản Kiều Oánh Mậu 1902, vv. Các bản này đều được in bằng hai thứ chữ nôm - quốc ngữ như là những tư liệu cho việc nghiên cứu văn bản Truyện Kiều. Đáng chú ý nhất là các cuốn: Tư liệu Truyện Kiều - bản Duy Minh Thị 1872 (Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2002), Tư liệu Truyện Kiều - từ bản Duy Minh Thị đến bản Kiều Oánh Mậu (Nxb Văn học và Trung tâm nghiên cứu quốc học, 2004) của GS. Nguyễn Tài Cẩn và Nghiên cứu văn bản Truyện Kiều - bản Liễu Văn Đường 1871 (Nxb Khoa học xã hội, 2006) của PGS.TS. Đào Thái Tôn. Đây là những cuốn được biên soạn theo phương pháp được gợi ý từ bài trả lời phỏng vấn của GS. Hoàng Xuân Hãn. Đọc trực tiếp những công trình đó mới thấy được sự công phu, nhọc nhằn trong việc đi tìm “nguyên lời Nguyễn Du”, từ việc tìm hiểu, khảo sát văn bản đến “chú thích từ ngữ, trao đổi về chữ nghĩa” để “thử tìm cách phục nguyên lại một văn bản gắng gần với nguyên tác nhất”. Tuy nhiên, đây mới chỉ là những kết quả ban đầu của một hướng đi mới. Các nhà nghiên cứu vẫn chỉ coi đó là những tư liệu trong việc “tầm nguyên Truyện Kiều” bởi “bản 1871 và cả những bản Kiều trong đời Tự Đức nói chung, dù có cơ gần nguyên tác hơn, vẫn chưa đủ để cho ta đi tìm nguyên tác Truyện Kiều dù các văn bản đó vẫn là những khối quặng ít tạp chất so với các văn bản sau đó. Nhưng hệ thống văn bản này có thể giúp ta làm được một việc hữu ích là kiểm tra hàng trăm chữ mới đã đưa vào văn bản từ sau đời Tự Đức, nhất là từ sau năm 1902 để nghiên cứu mà thanh lọc chúng”[21; 124]. Một sự đánh giá như vậy là thoả đáng. Xuất phát từ các bản nôm đã có sai lệch do “nhuận sắc” nên dù đã đính ngoa, các bản quốc ngữ này vẫn rất khác nhau. Hiểu rõ điều đó, các nhà nghiên cứu muốn “lấy kết quả của bên này soi rọi cho kết quả của bên kia”, và rộng hơn là soi rọi cho việc khảo sát những bản Kiều khác.
Chính vì thế, GS. Nguyễn Tài Cẩn mới đề xuất: “Theo ý chúng tôi, trước mắt có hai hướng cần nỗ lực: - Thứ nhất là phải gắng nỗ lực hiện đại hoá phương pháp nghiên cứu, tiếp thu cho được các thành tựu quốc tế về các ngành có liên quan: văn bản, thi pháp học, vv. Và thứ hai là phải tiến hành điều tra cơ bản về tất cả các bản Kiều đã có; có đủ tư liệu trong tay thì rồi muốn làm gì mới có thể làm được” [28; 15].
Và một khi đã có một định hướng khôi phục nguyên tác, một phương pháp nghiên cứu hiện đại và một cơ sở dữ liệu phong phú đã được xử lý (tất nhiên trong đó có cả những thành tựu của quá trình quốc ngữ hoá hơn một thế kỷ qua), chúng ta hoàn toàn có quyền tin rằng việc quốc ngữ hoá Truyện Kiều sẽ có bước phát triển mới.
KẾT LUẬN
Truyện Kiều là một kiệt tác của văn học Việt Nam và văn học thế giới. Không những thế, nó còn nằm trong số không nhiều những tác phẩm có ảnh hưởng sâu rộng và lâu bền với đời sống văn hoá tinh thần và sự phát triển văn học của cả một dân tộc. Tầm ảnh hưởng ấy từng được một số nhà nghiên cứu so sánh với Odyséecủa Homère hay Thần khúc của Dante. Ở Việt Nam , Truyện Kiều là cuốn sách “trên từ các bậc văn nhân thi sĩ, dưới đến các kẻ thường dân phụ nhũ, ai cũng thích đọc, thích ngâm và thuộc được ít nhiều” [18; 232]. Ảnh hưởng của Truyện Kiều lớn tới mức tạo ra một văn hoá Kiều trong đời sống xã hội với nhiều hình thức đặc sắc như: bình Kiều, vịnh Kiều, tập Kiều, lẩy Kiều, đố Kiều, bói Kiều… Việc bình luận, khảo đính, chú giải, phê bình, nghiên cứu Truyện Kiều cũng diễn ra vô cùng sôi nổi. Số bài viết, công trình nghiên cứu về Truyện Kiều ở trong nước và cả ở nước ngoài trong gần hai thế kỷ qua nhiều tới mức khó có thể thống kê hết. Sự phong phú, đa dạng ấy cho phép chúng ta hình dung tới một ngành Kiều học. Truyện Kiều cũng đã được dịch ra hàng chục thứ tiếng trên thế giới, mà chỉ riêng tiếng Pháp đã có hơn mười bản dịch. Trong bối cảnh đó, việc có một văn bản Truyện Kiều đáng tin cậy là một nhu cầu có thực và vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện nay vẫn chưa có một bản Kiều nào đáp ứng được yêu cầu đó.
Việc phổ biến, truyền bá rộng rãi Truyện Kiều trước đây, nhất là dưới các hình thức thô sơ như chép tay và khắc ván, đã khiến cho câu chữ Truyện Kiều bị xô lệch. Coi Truyện Kiều là một thú chơi: “Làm trai biết đánh tổ tôm/ Uống chè Mạn Hảo ngâm nôm Thuý Kiều”, người xưa hẳn không quan tâm tới việc bảo tồn nguyên tác mà ngược lại, còn chủ động sửa chữa, nhuận sắc lại theo ý mình. Ngoài ra, còn có những sai lệch ngoài ý muốn trong quá trình sao chép, khắc ván hoặc do phải kỵ huý theo lệnh của nhà nước phong kiến, Thực trạng các bản Kiều nôm thế kỷ XIX cho thấy rõ điều đó. Và cứ theo quan niệm văn học truyền thống, Truyện Kiều vẫn tiếp tục bị nhuận sắc. Bản Kim Vân Kiều quảng tập truyện của Thiên Khẩu Thuỷ khắc in năm 1914 là một ví dụ.
Phải thừa nhận rằng những bản nôm như vậy đã tạo ra một tiền đề khá bất lợi cho việc quốc ngữ hoáTruyện Kiều, nhất là khi muốn có được một bản Kiều gần với nguyên tác. Đó cũng là nguyên nhân chính khiến việc quốc ngữ hoá Truyện Kiều biến thành một quá trình kéo dài hơn một thế kỷ với hàng chục văn bản khác nhau, góp phần tạo thêm một hiện tượng độc đáo, có người gọi là “kỷ lục”, trong việc phổ biến Truyện Kiều. Một quá trình như vậy cho thấy sức hấp dẫn lớn lao của Truyện Kiều và cũng là một chỉ báo đáng tin cậy về nhu cầu tiếp nhận Truyện Kiều của đông đảo độc giả. Đồng thời, nó cũng nói lên nỗ lực không ngừng của các nhà biên khảo thuộc nhiều thế hệ. Mỗi người đều đưa ra cách lựa câu chọn chữ theo quan điểm của mình với mong muốn tạo ra được một bản Kiều ưng ý nhất. Việc kế thừa thành quả của những người đi trước cũng được chú trọng. Có lẽ vì thế mà nhìn chung, các bản Kiều quốc ngữ đã tạo thành một hệ văn bản tương đối đồng nhất. Điều này tạo ra những thuận lợi nhất định cho việc phổ biến, tiếp nhận và nghiên cứu Truyện Kiều trong thế kỷ XX.
Tuy vậy, giữa các bản Kiều quốc ngữ vẫn còn nhiều dị bản về mặt từ ngữ. Đây là kết quả tất nhiên của việc lựa chọn các văn bản khác nhau, lựa chọn câu chữ theo các tiêu chí khác nhau. Nguyên nhân chủ yếu là do cách thức xử lý những câu chữ đã bị biến đổi qua nhiều lần nhuận sắc, nhất là việc chấp nhận những “nhuận sắc hợp lý” của hầu hết các nhà biên khảo. Bên cạnh những dị bản trong các bản Kiều nôm thế kỷ XIX, các nhà biên khảo còn đưa thêm hàng trăm chữ mới vào kho từ ngữ Truyện Kiều. Cách làm này không ngừng tạo ra các dị bản Kiều khác nhau và ngày càng có thêm những câu chữ chắc chắn không phải nguyên tác. Cùng với việc thay đổi tên gọi của tác phẩm và dùng các từ ngữ địa phương (bản Trương Vĩnh Ký 1875, bản Hồ Đắc Hàm 1929), việc chấp nhận nhuận sắc này mang đậm dấu ấn của nỗ lực đại chúng hoá Truyện Kiều. Nó cũng phản ánh sự thiếu triệt để trong việc khôi phục nguyên tác của quá trình quốc ngữ hoá Truyện Kiều trong suốt hơn một thế kỷ qua. Phương pháp hiệu đính trên cơ sở chấp nhận những nhuận sắc như vậy chắc sẽ không thể tạo ra một văn bản Truyện Kiều đáng tin cậy.
Trong thời gian gần đây, phương pháp đính ngoa các bản Kiều nôm cổ nhằm đi tìm “nguyên lời Nguyễn Du” do GS. Hoàng Xuân Hãn gợi ý đã thu hút khá nhiều nhà nghiên cứu. Phương pháp này hứa hẹn sẽ đem lại những điều mới mẻ cho việc quốc ngữ hoá Truyện Kiều trong thời gian tới. Điểm lại tình hình văn bản Truyện Kiều, Đào Thái Tôn viết: “Vì thế chúng tôi không sợ sai lầm khi nói rằng: tất cả các bản Kiều quốc ngữ trong thế kỷ XX là những bản đã bị sửa chữa” [22; 10]. Theo chúng tôi, nhận xét đó đúng nhưng chưa đủ. Bởi tất cả những bản Kiều nôm cổ trong thời Tự Đức cũng là những bản đã bị sửa chữa, thậm chí, nhiều lúc còn bị sửa chữa khá tuỳ tiện. Quá trình quốc ngữ hoá Truyện Kiều đã khởi đầu từ một xuất phát điểm không mấy thuận lợi như thế. Vì vậy, những thành công và hạn chế của quá trình này, nếu được phân tích thấu đáo và áp dụng hợp lý, sẽ có những đóng góp tích cực cho việc khôi phục một bản Đoạn trường tân thanh được gần như nguyên tác.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
I. VĂN BẢN TRUYỆN KIỀU
1. Poème Kim Vân Kiều truyện, transcrite pour la première fois en quốc ngữ… par P.J.B. Trương Vĩnh Ký, Bản in Nhà nước, Sài Gòn, 1875.
2. Kim Vân Kiều tân chuyện, transcrite et publiée par Edmond Nordemann, deuxième édition, Imp. Alfred Nordemann, Huế, 1900.
3. Kim Vân Kiều tân truyện, transcrite et publiée par Edmond Nordemann, quatrième édition, Imp. Mạc Đình Tư, Hà Nội, 1911.
4. Truyện Thuý Kiều (Đoạn trường tân thanh), Bùi Kỷ - Trần Trọng Kim hiệu khảo, Vĩnh Long thư quán, Hà Nội, 1925.
5. Kiều truyện dẫn giải, Hồ Đắc Hàm, Imp. Đắc lập, Huế, 1929.
6. Vương Thuý Kiều chú giải tân truyện, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu chú giải, Nxb Thanh niên tái bản, H. 2004.
7. Truyện Kiều chú giải, Vân Hạc Lê Văn Hoè chú giải, hiệu đính, bình luận, Tủ sách Quốc học, Quốc học thư xã, Hà Nội, 1953.
8. Truyện Kiều, Bùi Kỷ lược khảo, lược chú, Nxb Phổ thông, Hà Nội, 1958.
9. Truyện Kiều (Đoạn trường tân thanh); Nguyễn Văn Hoàn, Nguyễn Sỹ Lâm, Nguyễn Đức Vân hiệu đính và chú thích, Nxb Văn học, Hà Nội, 1965.
10. Truyện Kiều, Nguyễn Thạch Giang khảo đính và chú thích (tái bản có bổ sung và sửa chữa), Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1976.
11. Truyện Kiều; văn bản cơ sở và chú giải: Đào Duy Anh, tham gia hiệu đính: Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Nguyễn Công Hoan, Hoài Thanh, Tuấn Đô; Nxb Văn học, Hà Nội, 1979.
12. Tìm nguyên tác Truyện Kiều, Vũ Văn Kính hiệu khảo, Nxb Văn nghệ TP Hồ Chí Minh và Trung tâm nghiên cứu Quốc học, 1998.
13. Đoạn trường tân thanh (Truyện Kiều đối chiếu nôm - quốc ngữ), Thế Anh phiên âm và khảo dị, Nxb Văn học, Hà Nội, 1999.
14. Truyện Kiều, bản kinh đời Tự Đức, Nguyễn Quảng Tuân phiên âm và khảo dị, Nxb Văn học và Trung tâm nghiên cứu Quốc học, Hà Nội, 2003.
15.Truyện Kiều, bản nôm cổ nhất 1866 mới phát hiện, Nguyễn Quảng Tuân phiên âm, khảo dị và chú giải, Nxb Văn học và Trung tâm nghiên cứu quốc học, Hà Nội, 2004.
16. Truyện Kiều - bản nôm cổ nhất khắc in năm 1866, Nguyễn Khắc Bảo - Nguyễn Trí Sơn phiên âm và khảo đính 10 bản Kiều nôm cổ, Nxb Nghệ An, 2004.
17. Truyện Kiều, bản nôm Tự Đức thứ 19 - Liễu Văn đường - 1866, Thế Anh phiên âm và khảo đính, Nxb Đà Nẵng, 2005.
II. TÀI LIỆU CHUYÊN KHẢO
18. Dương Quảng Hàm - Việt Nam văn học sử yếu, Trung tâm học liệu, in lần thứ 10, Sài Gòn, không ghi năm xuất bản.
19. Đào Duy Anh - Chữ nôm, nguồn gốc - cấu tạo - diễn biến, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1975.
20. Đào Duy Anh - Từ điển Truyện Kiều, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1974.
21. Đào Thái Tôn - Văn bản Truyện Kiều, nghiên cứu và thảo luận, in lần thứ hai, Sở VHTT Hà Tĩnh và Trung tâm Văn hoá ngôn ngữ Đông Tây, 2003.
22. Đào Thái Tôn - Nghiên cứu văn bản Truyện Kiều (bản Liễu Văn đường 1871), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2006.
23. Lê Quế - So sánh dị bản Truyện Kiều, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội, 2006.
24. Lê Thanh - Nghiên cứu và phê bình văn học, Lại Nguyên Ân sưu tầm và biên soạn, Nxb Hội nhà văn và Trung tâm văn hoá ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội, 2002.
25. Nguyễn Lộc - Văn học Việt Nam (nửa cuối thế kỷ XVIII - hết thế kỷ XIX), tái bản lần thứ tư, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2001.
26. Nguyễn Quảng Tuân - Chữ nghĩa Truyện Kiều, in lần thứ ba, Nxb Văn học, Hà Nội, 2004.
27. Nguyễn Tài Cẩn - Tư liệu Truyện Kiều, bản Duy Minh Thị 1872, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2002.
28. Nguyễn Tài Cẩn - Tư liệu Truyện Kiều, từ bản Duy Minh Thị đến bản Kiều Oánh Mậu, Nxb Văn học và Trung tâm nghiên cứu quốc học, Hà Nội, 2004.
29. Nhất Hạnh - Thả một bè lau (Truyện Kiều dưới cái nhìn thiền quán), Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2005.
30. Phạm Đan Quế - Truyện Kiều đối chiếu, Nxb. Hà Nội, 1991
31. Phạm Quỳnh - Thượng Chi văn tập, Nxb. Văn học, H. 2006.
32. Phan Cự Đệ, Trần Đình Hượu, Nguyễn Trác, Nguyễn Hoành Khung, Lê Chí Dũng, Hà Văn Đức - Văn học Việt Nam (1930 - 1945), tái bản lần thứ chín, Nxb Giáo dục, H. 2006.
33. Trần Đình Hượu - Nho giáo và văn học Việt Nam trung cận đại, Nxb Văn hoá thông tin, H. 1995.
34. Trần Đình Sử - Thi pháp Truyện Kiều, tái bản lần thứ nhất, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2003.
35. Trần Đình Sử - Thi pháp văn học trung đại Việt Nam , Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2005.
36. Trần Ích Nguyên (Phạm Tú Châu dịch) - Nghiên cứu câu chuyện Vương Thuý Kiều, Nxb Lao động và Trung tâm Văn hoá ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội, 2004.
37. Trần Ngọc Vương - Loại hình học tác giả văn học: Nhà nho tài tử và văn học Việt Nam , Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1995.
38. Trần Ngọc Vương - Văn học Việt Nam dòng riêng giữa nguồn chung, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 1999.
39. Trần Nho Thìn - Văn học trung đại Việt Nam dưới góc nhìn văn hoá, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2003
40. Trịnh Bá Đĩnh, với sự cộng tác của Nguyễn Hữu Sơn - Vũ Thanh (tuyển chọn và giới thiệu) - Nguyễn Du, về tác gia và tác phẩm, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1998.
41. Viện Văn học - Kỷ niệm 200 năm năm sinh Nguyễn Du (1765 - 1965), in lần thứ hai, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1971.
42. Websites:
ww.nomfoundation.org/Conf2004 (Hội nghị chữ nôm quốc tế 2004)
www.nomfoundation.org/Conf2006 (Hội nghị quốc tế về chữ nôm 2006)
www.vnn.vn (Vietnamnet)
www.vnu.edu.vn (Đại học Quốc gia Hà Nội)
[3] Khảo sát 1.100 câu thơ, Đào Thái Tôn thống kê được số chữ mới xuất hiện trong hệ văn bản Thăng Long là 137, trong hệ văn bản Huế là 857. Nếu coi “857 là 100% thì, toàn bộ hệ bản Thăng Long chỉ xô lệch 137/875 = 15,986 %”- [21; 99].
[9] Cho tới trước 1965, ngoại trừ Phạm Kim Chi cho biết đã dựa vào “bổn chánh Kim Tuý tình từ”, các nhà biên khảo không đưa ra danh mục các bản Kiều đã được dùng cho việc hiệu đính Truyện Kiều.
“Quan phủ xem xong khúc hát trên, tỏ vẻ tươi cười bảo rằng: Bài này so với khúc cũ còn hay hơn nhiều. Thực là giai nhân sánh với quân tử, cho phép vĩnh viễn kết làm vợ chồng, rồi sai tả hữu tháo gông cho nàng và gọi Thúc ông vào dạy rằng: Nhà ông kén được con dâu tốt như thế thực khó lắm đấy. Nếu sợ mếch lòng dâu gia thì đừng đưa chúng về quê nữa thế là êm chuyện.
Còn việc cha con đem nhau đến đây, thì ông cũng nên lấy tình bao dong cho chúng, sao cho xứng đáng là người cha chồng, đừng nên bới dở gì nữa. Thúc ông nín lặng không nói năng gì” (cuối hồi 12)
Và: “Nhắc lại Thúc ông thấy quan phủ xử cho Thuý Kiều được cùng Thúc sinh vĩnh viễn kết làm phu phụ, không làm cách nào được nữa, nên khi về nhà đành phải theo lời quan phủ, giấu kín việc đó không cho gia nhân biết một mảy may” (hồi 13).
Dẫn theo [30; 262-267].
[11] Danh sách các bản Kiều Nôm và quốc ngữ đã xuất bản liệt kê 23 bản nôm, song chúng tôi không tính đến hai bản do Phạm Quý Thích khắc in ở Hà Nội (bản phường) và do Tự Đức sửa chữa rồi cho khắc in ở Huế (bản kinh) mà nhóm nghiên cứu chỉ ghi lại theo lời truyền.
[14] “Để có thể hình dung được về chất lượng của chữ nôm trong bản này, chỉ so sánh thử 16 câu cuối cùng trong hai bản 1871 và 1872 là đủ thấy: 16 câu có 112 chữ, thì trong đó bản 1872 đã có 25 trường hợp khắc không chuẩn như ở bản 1871: 25 trên 112, rõ ràng là một tỷ lệ khá cao” [27; 17].
[16] Nguyễn Tài Cẩn - Đào Thái Tôn, Sự đóng góp của bản Liễu Văn Đường trong việc tìm ra niên đại Truyện Kiều, Tạp chí Hán Nôm, số 4 năm 2004.
donthu.org
Theo Văn hóa Nghệ An
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét