Chủ Nhật, 14 tháng 4, 2019

LÀNG CỔ TRUNG KIÊN

Làng Trung Kiên hay còn gọi là làng Hoàng Lao, xưa nữa là làng Kẻ Lau (1) là một trong 3 làng cổ xưa của xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Nghi Thiết là xã bán đảo diện tích không rộng chỉ 6,06 km²; dân số 6.288 người, mật độ 873 người/km² (thống kê năm 2013). Nghề chính của làng là đóng thuyền, làm mộc gia dụng và đánh bắt hải sản. Làng nằm ở bờ Bắc tả ngạn sông Cấm; trước mặt là sông, sau lưng là cánh đồng lúa; phía Bắc sau cánh đồng lúa là biển cả.

Bản đồ huyện Nghi Lộc - nguồn: Internet

Từ núi Mộ Dạ, nơi có Đền Cuông (thờ Thục An Dương Vương) đến các triền núi của bờ biển Nghi Lộc dài khoảng 7km: qua núi Lữ, núi Khăn, núi Dẻ, Núi Đụn, núi Cánh Phượng, núi Trọc cuối cùng là núi Đầu Rồng Xã Nghi Thiết. Phía trong làng Trung Kiên còn có núi Chùa. Tất cả các ngọn núi này có điều lạ là đều quay đầu ra biển. Đầu Rồng cũng lại là ngọn núi cuối cùng của sông Cấm. Bờ Nam cửa sông Cấm là Cảng Cửa Lò. Phía ngoài cửa sông Cấm có Cồn Khả (một bãi cồn) che chắn làng. Từ đời Lý đến đời Trần, nơi đây là căn cứ thủy quân bậc nhất của cả nước có tên là Cửa Xá (hay còn gọi Cửa Thả).
Khi Thục An Dương Vương thua trận, bước cùng trận mạc, Vua đã tuẫn tiết ở núi Mộ Dạ. Những lưu dân cùng với dòng người chiến trận lần theo các sườn núi dọc biển, đi hết đường cùng, họ dừng lại cư ngụ tại eo núi Cánh Phượng. Ở đây cây cối um tùm được chở che bởi 3 dãy núi hình vòng cung, phía ngoài cùng là biển cả dập dờn sóng vỗ với những bãi đá, bãi cát tự nhiên vô cùng đẹp. Một địa thế kín đáo cho việc mai danh ẩn tích và cũng là một vùng rất thuận lợi cho mưu sinh. Họ đã khai phá cải tạo thung lũng này thành một cánh đồng màu mỡ tuy không rộng nhưng vẫn đủ cho họ sinh sống với nghề trồng lúa nước và đánh bắt hải sản. Thời gian trôi qua, dòng người thiên lý về đây ngày một đông và hình thành nên một cộng đồng dân cư đông đúc. Làng được khai sinh có tên là làng Đông Vang.


Bãi Hoang - một trong những bãi biển đẹp và hoang sơ nhất của Làng Trung Kiên 

Theo thời gian, dân cư ngày một đông hơn. Phạm vi thung lũng trên không còn đủ mưu sinh. Họ chuyển dần sang phía bên kia núi Cánh Phượng, tiếp tục khai phá thung lũng lớn hơn. Sự lao động cật lực của cộng đồng cư dân này tạo nên một cánh đồng lúa màu mỡ. Dân cư nơi này lập nên làng mới - làng Đông Ngàn và cánh đồng lúa nước Đông Ngàn. Cánh đồng nằm bên cồn Lau Sậy.
Chưa thỏa mãn với vùng đất mới, họ lại tiếp tục chuyển sang cồn Lau Sậy khai phá, lập thêm một vùng đất rộng lớn, trù phú hơn bên bờ sông Cấm và làng mới nữa được hình thành - làng Kẻ Lau (Trung Kiên). Đây là một vùng đất trên bến dưới thuyền giao lưu thuận lợi và sầm uất nhất.

Chùa Phổ Nghiêm đã qua trùng tu 

Đình thờ Thành Hoàng làng Trung Kiên 

Vào thời Lý - Trần, vùng đất này từng là khu căn cứ quân sự để Triều đình chống giặc phương Bắc. Nơi đây là kho tàng để tập trung vũ khí và quân lương. Hiện giờ còn núi mang tên Làng Kho. Những năm 1279 - 1293, Vua Trần Nhân Tông chủ trương chiêu mộ dân về đây đóng tàu chiến, tiếp ứng quân lương và vũ khí phục vụ chiến trường. Sau chiến thắng giặc Nguyên lần 3, đất nước thanh bình. Chiến công hiển hách này có sự đóng góp không nhỏ của cư dân ba làng. Vua Trần sắc phong công trạng cho ba làng Đông Vang, Đông Ngàn, Kẻ Lau (Trung Kiên). 
Làng Trung Kiên có 2 ngọn núi chắn: phía trong (đầu làng) núi Mái Chùa và phía biển núi Đầu Rồng. Núi Mái Chùa có hình bốn mái. Thiên nhiên đã tạo sinh nơi đây 1 tượng đá tự nhiên có hình người phụ nữ đang ngồi tụng kinh niệm phật, một tay vòng ngang bụng, một tay đặt nghiêng các đầu ngón dưới cằm. Người xưa đã lập chùa thờ. Đó là tượng Phật Bà Quan Âm còn tồn tại cho đến bây giờ. Tượng và Văn bia của Chùa được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Núi Đầu Rồng là một ngọn núi uốn cong, đầu nằm ngoài biển canh chừng sóng to, gió lớn bảo vệ Làng. Đầu núi là hình đầu rồng; ở đây có giếng nước ngọt quanh năm không bao giờ cạn, nước trong tinh khiết. Tương truyền rằng, vào một buổi trưa hè trên trời có một đám mây trắng phau bay là xuống giếng một hồi rồi biến mất, nên người xưa cho rằng đây là nơi tắm mát của các nàng tiên và đặt tên là giếng Thủy Tiên.
Làng Trung Kiên còn có cụm di tích đình, đền, chùa đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia theo quyết định số 1266/QĐ-BVHTT ngày 22 tháng 9 năm 1992 của Bộ Văn hoá Thông tin gồm:
- Đền thờ Tứ vị Thánh nương;
- Đình làng Hoàng Lao (Trung Kiên): Thờ Thành Hoàng;
- Chùa Phổ Nghiêm có từ năm 1657 là một ngôi chùa cổ kiểu 8 mái, được trùng tu vào triều Tự Bích năm Giáp Dần; 
- 1 tượng đá Thiên tạo (đã nói ở trên);
- Văn bia 4 mặt có nhiều nội dung khá phong phú trong đó mặt phía Tây nói về quan Hậu thần.
Quần thể di tích lịch sử làng Trung Kiên còn có Đền Cửa biển thờ Thần Hoàng Tá Thốn (vị tướng đời Trần) và giếng nước làng thời xa xưa, nước luôn mát trong lành. Làng có câu ca:
“Nước giếng Chùa vừa trong vừa mát
Đường Kẻ Lau đất cát dễ đi
Em về yên chốn Thẩm Khuê
Trai anh đi làm thợ
Gái nữ nhi em tơ tằm”.
Làng Trung Kiên cổ xưa có phong cảnh hữu tình, cảnh quan huyền diệu với cây đa, giếng nước đầu đình cùng điệu hò bên sông,... Một thời kì dài do bom đạn chiến tranh cày xới, nguyên mẫu làng cổ không còn nữa. Những năm đầu hoà bình, chúng ta chưa quan tâm bảo vệ, giữ gìn mà còn phá hỏng các di chỉ văn hoá của Làng. Tên làng Trung Kiên giờ cũng không còn lưu dấu trong danh bạ của Quốc gia.

Bia đá của Làng Trung Kiên 

Thiên nhiên đã ban tặng bờ biển xã Nghi Thiết nói chung Làng Trung Kiên nói riêng có 8 đầu núi nhô ra biển, xen kẽ những bãi cát trắng mịn thoai thoải với những hàng phi lao xanh mát, những bãi tắm yên bình, trong lành. Dải bờ biển dài 3 cây số có nhiều đặc hải sản quý. Mặc dù chưa được Nhà nước và các công ty đầu tư khai thác, nhưng từ lâu đã có nhiều du khách đến tham quan. 

Sông Cấm địa phận làng Trung Kiên 
Giếng nước làng Trung Kiên 
Đền Cửa thờ Thần Hoàng Tá Thốn 
Đền thờ quan Hậu thần 

Làng Trung Kiên đã, đang và sẽ là địa điểm kho tàng lưu trữ, chuyển giao, phục vụ chiến trường khi có giặc ngoại xâm; là địa điểm nghỉ dưỡng và tham quan du lịch về văn hoá trong tương lai nếu biết quy hoạch và xây dựng.
Làng xã là tế bào hình thành nên đất nước Việt. Văn hoá làng xã đóng góp rất lớn vào lịch sử phát triển của quốc gia nếu chúng ta biết trân trọng nâng niu, gìn giữ, phục hồi và bồi đắp nó.

Chú thích:
1. Năm 1696 đời vua Lê Dụ Tông niên hiệu Chính Hoàng thứ 17, Làng vẫn là xã Hoàng Lao thuộc huyện Hưng Nguyên, phủ Anh Đô. Đến triều Lê Trung Hưng có lẽ nhờ vào lòng dũng cảm và kiên cường chống giặc nên được đổi tên là làng Trung Kiên. Sau 1945 làng nằm trong xã Đông Hải và đến năm 1959, làng thành lập Hợp tác xã Đóng tàu thuyền lấy tên Trung Kiên. 
Trung Kiên, ngày 25 tháng 7 năm 2016
Chỉnh sửa ngày 25 tháng 12 năm 2017 
Bài và ảnh: Hoàng Lạc
Nguồn: http://hoangvanlac31.blogspot.com/
Tài liệu tham khảo:
- Các văn bản lưu trữ của văn hoá xã;
- Các tài liệu của gia phả Họ Hoàng.
- Lịch sử cổ - trung - cận đại Việt Nam (Giáo trình Trường Đại học Tổng hợp TP. HCM)
- Lịch sử văn học Việt Nam cổ - trung - cận đại (Giáo trình Trường Đại học Tổng hợp TP. HCM)

Không có nhận xét nào: