Thứ Hai, 16 tháng 2, 2015

NHỮNG CÂU HỎI VỀ TÂM LINH

"Chúng ta là ai? Chúng ta từ đâu đến? Chúng ta đi về đâu?" - đó là những câu hỏi lớn của nhân loại và cũng là chủ đề tên một bức tranh nổi tiếng của họa sĩ Pháp Gauguin cuối thế kỷ 19. Không phải ai cũng đặt cho mình câu hỏi lớn này. Khi người ta còn trẻ vì mãi lo toan miếng cơm manh áo, danh vọng và tiền tài..., đến lúc mãn chiều xế bóng, rồi bệnh tật và tuổi già, khiến con người nghĩ đến đời sống tâm linh. Vì thế, dân gian có câu: "trẻ vui nhà già đến chùa". Ngày nay, tuổi trẻ lo "mưu sinh" quên "mưu tử".

A. Theo quan niệm Phật giáo:

1. Linh hồn có hay không?

Phật giáo cho là khi chết thân và tâm tan rã, nhưng còn lại Thần Thức (tức là linh hồn), nó không trường cửu và không bất biến. Mỗi người mang một nghiệp khác nhau để đi vào kiếp sống mới...

2. Nghiệp là gì?

Theo luật Nhân Quả của Vũ Trụ, chúng ta là Nhân (ý nghĩ, lời nói, hành động) gây ra Quả khi đủ điều kiện hội tụ (đủ duyên). Đó là Nghiệp của mỗi người. Nghiệp lành, Nghiệp dữ hay trung hòa quyết định kiếp sau.

3. Sướng khổ trong kiếp này do cái gì tạo nên?

Do Nghiệp các kiếp trước cộng lại. Có người xấu mà hưởng sung sướng là do Nghiệp lành các kiếp trước còn sót lại. Có người tốt mà khổ sở cũng do Nghiệp dữ cũ còn lại.

4. Số Mệnh là gì?

Số mệnh là do cái Nghiệp tự mình tạo ra. Ở ngay kiếp này, mình có thể chuyển Nghiệp: tạo ra Nghiệp lành để giảm nhẹ Nghiệp xấu của mình...

5. Tái sinh về đâu?

Tùy theo Nghiệp của mình, có thể tái sinh vào một trong sáu cảnh giới: Địa ngục, Quỷ đói, Súc sinh, A tu la (thần), Chúng sinh, Trời. Tu tới bậc thánh thì không tái sinh nữa.

6. Vũ trụ là gì?

Theo Phật học, Vũ trụ không có khởi đầu và không có kết thúc (Vô thủy vô chung); Vũ trụ là vô hạn (không có giới hạn).

B. Theo khoa học:

Vũ trụ xuất phát từ một vụ nổ gọi là BIG BANG, từ một phân tử nhỏ hơn một đầu kim chứa một khối lượng/năng lượng vô cùng lớn! Trong đó xuất hiện rất nhiều vật chất li ti nhỏ trong một thời gian là một phần triệu giây đồng hồ và có nhiệt độ 10 ngàn triệu triệu độ. Sau tiếng nổ, nhiệt độ hạ dần. Do tác động của lực căn bản của vũ trụ, hình thành các nguyên tử, rồi các phân tử, tạo thành các tinh thể trên trời. Tình trạng này kéo dài nhiều triệu năm trước khi hấp lực (force of gravity) khiến các thành tố vật chất chất trong vũ trụ biến chất và quy tụ thành các thiên hà (galaxies). Có hàng triệu thiên hà trong đó có dãy Ngân Hà chúng ta chỉ là một (loại trung bình, hình dĩa, quay chậm, có nhiều tỉ ngôi sao).

Tất cả các đơn vị (sao, nhóm sao, thiên hà, nhóm thiên hà) đều chuyển động theo một trật tự đơn giản: đơn vị có khối lượng nhỏ quay chung quanh đơn vị lớn hơn (như trái đất quay xung quanh mặt trời). Quá trình sinh hóa các vì sao cứ tiếp diễn: mặt trời (cũng là sao), đốt nhiên liệu nội tại tương đối chậm, có thể tồn tại chiếu sáng khoảng 9 tỉ năm. Khi mặt trời tắt thì tất cả các nền văn minh và những vui sướng khổ đau của loài người cũng chấm dứt! Chúng ta và vạn vật đều là "đồng nhất thể" (phương Đông) và là cát bụi sẽ "trở về cát bụi" (Kinh thánh).

Các thiên hà, thiên thể bành trướng đến một mức nào đó rồi bị hấp lực của tổng thể ép mãi co lại trở thành nhỏ như đầu kim với khối lượng nặng vô cùng tận (đó là BIG CRUNCH). SAU ĐÓ LẠI CÓ TIẾNG NỔ BIG BANG, vũ trụ lại bành trướng. Quá trình bành trướng rồi co lại, bành trướng... "vô thủy vô chung".

Tạm kết thúc bài này, chúng ta hãy đọc bài thơ: 

TA LÀ AI? AI LÀ TA?
Ta là ai? biết hỏi ai đây nhỉ?
Khi chào đời thì ai đã là Ta?
Kể từ khi Ta được Mẹ sinh ra,
Là biết khổ, biết yêu và biết hận .

Từ thủa bé trong hàn vi lận đận ;
Ta đã đi, đi tìm lại chính Ta,
Nhưng tìm mãi, tìm mãi vẫn không ra,
Ta là ai ? hay ai là Ta nhỉ?

Thân xác này vốn từ đâu mà có?
Linh hồn này liệu có trước khi sinh?
Ngày thì Ta tắm bằng nắng bình minh,
Khi đêm đến nuốt muôn vàn tinh tú.

Trải bao phen ngất ngây hay cực khổ,
Tim xốn sang chẳng làm chủ được mình,
Lửa Tam muội như ngàn vạn hùng binh,
Thiêu gân, cốt dồn ta vào địa ngục.

Ở trong ta đủ thất tình, lục dục,
Vốn sinh ra nó đã có sẵn rồi,
Áp chế nó hay bỏ mặc buông xuôi?
Thuận theo nó hay nó theo ta nhỉ?

Nó là ta hay ta là chính nó?
Có hay không nó - ta hay cả hai?
Nếu là không sao ta có hình hài?
Nếu là có thì đâu ra mà có?

Ta cũng muốn trở về thời trẻ nhỏ;
Thoạt lúc buồn, rồi sẽ lại thành vui,
Chẳng bao giờ lòng thổn thức ngậm ngùi,
Hay thù hận dâng tràn trên khoé mắt.

Như con ong cần cù đi kiếm mật,
Ta hàng ngày đi tìm kiếm chính ta,
Rồi một ngày thiên quan đã mở ra,
Ta với Đạo đã hoà vào làm một.

Ta là Đạo, mà cũng không là Đạo,
Đạo là ta, mà cũng chẳng là ta,
Ta với Đạo vốn cùng gốc sinh ra,
Là hư ảo, cũng chẳng là hư ảo.

Ta có trước ? hay là Đạo có trước?
Có ta không ? hay là có Đạo không?
Ta nói có, rồi ta lại bảo không,
Chẳng phải thật, mà cũng không là dối.

Ta hiện hữu, mà cũng không hiện hữu,
Ta là ta, mà cũng chẳng phải ta,
Ta chẳng mất mà cũng chẳng sinh ra,
Ta đắc Ngộ mà cũng không đắc Ngộ.

(Nguồn bài thơ: http://blog.yume.vn/)

Hoàng Lạc
Ảnh: Internet

Không có nhận xét nào: