Thứ Ba, 20 tháng 2, 2024

DẤU ẤN CỦA TIẾNG VIỆT TRÊN ĐẤT TRUNG HOA

Các sinh viên Khoa Ngữ văn Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) vào những năm 90 của thế kỷ 20, đều được học khá kỷ hai giáo trình: Kinh Thi và Tìm Về Bản Sắc Văn Hóa Việt Nam (tác giả Trần Ngọc Thêm). Cả hai giáo trình đều cho rằng Kinh Thi là của người Việt cũng như Kinh Dịch và học thuyết âm dương ngũ hành là của tộc Việt. Sau này, tiếp nhận nhiều nguồn tài liệu khả tín, chúng tôi tin rằng đây là sự thật; chí ít, thì cũng thuộc linh hồn Việt mà truyện cổ tích "Hồn Trương Ba da Hàng Thịt" là một dẫn dụ.
1. Tên Việt
Đất nước Trung Hoa có 22 tỉnh. Chỉ có 8 tỉnh được gọi tên theo cú pháp tiếng Hán là: Cam Túc, Hắc Long Giang, Phúc Kiến, An Huy, Thanh Hải, Cát Lâm, Chiết Giang, Quý Châu. Còn 13 tỉnh chiếm số đông lại được đặt tên theo cú pháp tiếng Việt: Hà Bắc, Hà Nam, Hồ Bắc, Hồ Nam, Sơn Đông, Sơn Tây, Thiểm Tây, Vân Nam, Quảng Đông, Giang Tây, Giang Tô, Hải Nam, Liêu Ninh. Riêng tỉnh Tứ Xuyên không kể vì tên đặt với từ số lượng đứng trước thì dân tộc nào cũng có. Ngoài ra, còn có thành phố (trực thuộc trung ương) Thượng Hải và Khu Tự Trị của dân tộc Choang Quảng Tây cũng đặt tên theo cách nói của người Việt. 
2. Cú pháp
Với những từ chỉ địa điểm, người Hán thường đặt từ này trước danh từ. Chẳng hạn như danh từ kinh (đô) thì kinh ở về mạn bắc, họ gọi là Bắc Kinh, kinh ở mạn nam, họ gọi là Nam Kinh. Tuy nhiên danh từ Sơn (núi) ở về phía đông núi theo quy định phải mang tên là Đông Sơn, ở về phía tây phải mang tên là Tây Sơn, nhưng người Hán không làm đúng theo cú pháp của họ khi đặt tên cho các khu vực này (ở hai bên Thái Hành Sơn, dãy núi chạy qua ba tỉnh Sơn Tây, Hà Bắc, Hà Nam). Vùng bên đông Thái Hành Sơn được gọi là Sơn Đông, vùng bên Tây Thái Hành Sơn được gọi là Sơn Tây theo cú pháp Việt. Cũng vậy, hai tỉnh Hà Bắc, Hà Nam lấy Hoàng Hà (con sông lớn thứ hai của Trung Quốc đứng sau sông Dương Tử) làm chuẩn dựa vào đó để gọi tên. Hà Bắc tỉnh ở phía bắc Hoàng Hà, Hà Nam là tỉnh ở phía nam Hoàng Hà. Đây cũng là cách gọi tên theo cú pháp tiếng Việt thay vì theo cú pháp tiếng Hán phải là Bắc Hà, Nam Hà. Lại nữa, Hồ Động Đình là một trong hai hồ lớn nhất của Trung Quốc nằm ở phía đông bắc tỉnh Hồ Nam. Theo truyền thuyết bờ cõi nước Văn Lang phía Bắc lên đến Hồ Động Đình. Nếu lấy Hồ Động Đình làm trung tâm thì tỉnh ở phía bắc hồ thay vì theo cú pháp tiếng Hán là Bắc Hồ thì lại gọi là Hồ Bắc; tỉnh ở phía nam hồ thay vì theo cú pháp tiếng Hán là Nam Hồ thì lại gọi là Hồ Nam. Cả hai đều gọi theo lối Việt.
Trong tiếng Hán, con sông lớn ở miền Bắc họ gọi là hà như Hoàng Hà, Đại Vận Hà nhưng ở miền Nam thường gọi là giang như Dương Tử Giang (Trường giang). Lấy giang làm chuẩn, thành phố ở hướng nào thì gọi tên theo hướng đó như Giang Đông, Giang Nam, Giang Bắc, Giang Tây (phía tây Giang Nam) cũng gọi theo lối Việt.
Cũng cách nói theo cú pháp Việt, lấy sông Hoài làm ranh giới, Trung Hoa được chia thành hai miền, về phía bắc sông Hoài gọi là Hoa bắc, về phía nam sông Hoài gọi là Hoa Nam. Tại giao giới của các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Hồ Nam, Giang Tây có năm rặng núi: Việt Thành Lĩnh, Đô Bàng Lĩnh, Manh Chữ Lĩnh, Kỵ Điền Lĩnh, Đại Dữu Lĩnh gọi chung là Ngũ Lĩnh. Địa khu từ Ngũ Lĩnh sơn mạch trở về nam gọi là Lĩnh Nam gồm địa phận của Quảng Đông và Quảng Tây. Đó cũng là cách nói theo cú pháp Việt.
3. Dấu ấn của tiếng Việt
Không chỉ những vùng rộng lớn mà cho đến những vùng hẹp hơn, nhỏ hơn cũng đều mang dấu ấn tiếng Việt. Không chỉ những địa danh cũ, có từ lâu đời mà ngay đến cả những địa danh mới đặt cũng tuân theo ngữ pháp Việt, chứng tỏ ngôn ngữ Việt đã ăn sâu tận gốc rễ người Hoa. Ví như các vùng miền sau đây: Sơn Đông, thành phố Tế Nam có các quận Thị Trung, Thị Nam, Thị Bắc; Thiểm Tây có thành phố Vi Nam; Hán Trung có hai huyện Lạc Nam và Thương Nam thuộc thành phố Thương Lạc; Liêu Ninh một tỉnh ở Đông Bắc Trung Quốc có Liêu Tây và Liêu Đông. 
Quý Châu có châu tự trị Kiềm Nam của dân tộc Bố Y và dân tộc Miêu. Địa khu Đồng Nhân có huyện Tư Nam. Địa Khu Tất Tiết có huyện Kiềm Tây. Vân Nam, Châu tự trị dân tộc Choang, dân tộc Miêu Văn Sơn có huyện Khâu Bắc. Châu tự trị dân tộc Cáp Nê, Di Hồng Hà có huyện Lô Tây. Trùng Khánh có Khu Ba Nam, Du Bắc, Giang Bắc, Đồng Nam. Hải Nam có huyện tự trị dân tộc Lê Lạc Đông...
Cả đến Nội Mông Cổ vẫn có tên đặt theo lối Việt: thành phố Ô Hải có quận Hải Nam, thành phố Xích Phong có huyện Lâm Tây, thành phố Thẩm Dương có quận Thiết Tây, thành phố An Sơn có quận Thiết Đông, Thiết Tây. Ngoài ra, Đài Loan còn có Đài Bắc, Đài Trung, Đài Nam, Đài Đông.
Xem ra, thì khắp mọi miền trên đất Trung Hoa, từ khu vực trung tâm cho đến tận miền biên viễn, từ Sơn, Lĩnh cho đến Hải, Hà, Hồ, Giang mọi nơi, mọi chốn đều in đậm dấu ấn ngôn ngữ Việt. 
4. Lịch sử 
Tộc Việt từ vùng Đông Nam Á sau kỳ băng hà, tiến vượt lên phương Bắc và đã khai thác đất Trung Hoa từ rất lâu trước khi giống dân Mông Cổ phương Bắc tràn xuống hòa huyết với họ tạo thành giống dân Hoa Hạ. Người Hoa có máu du mục rất thiện chiến, bằng võ lực đẩy dân Bách Việt dần xuống lại phía Nam, lần lượt đồng hóa họ, chỉ có giống dân Lạc Việt kiên cường lui về đất cũ cùng với dân bản địa củng cố và xây dựng nước Văn Lang chặn đứng được thảm họa bành trướng của phương Bắc tồn tại cho đến ngày nay.
Người Hoa không những chiếm đất đai của người Bách Việt, đồng hóa họ mà còn đoạt luôn những tài sản tinh thần của người Việt. Tần Thủy Hoàng đốt tất cả sách vở của dân Việt để phi tang may mà còn sót lại Kinh Dịch, Kinh Thi để làm bằng. Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Hoa thu tất cả về một mối Hoa Hạ, rồi lại điển chế chữ viết của người Bách Việt biến thành của người Hoa. 
5. Kết
Nhiều người đặt câu hỏi tại sao người Việt văn minh, văn hiến thế mà không có chữ viết? Xin thưa: đó là chữ mà ngày nay người ta gọi là chữ Hình Vuông, chính là biến tướng của chữ tượng hình mà dân Bách Việt đã khai sáng. Đó là nỗi oan khiên của kẻ yếu chỉ biết đứng nhìn kẻ mạnh sử dụng tài sản của mình làm tài sản của họ một cách thản nhiên như lấy ra từ trong túi áo. 
Sự thực lịch sử đến bao giờ mới được thừa nhận khi con người vẫn còn si mê với bao điều dối trá.
(Hoàng Lạc)
Ảnh: Internet

Không có nhận xét nào: