Về pháp sám hối, đức Quang Vô Sắc dạy rằng: Sám hối có nghĩa là tự kiểm điểm lỗi lầm, chấp nhận lỗi lầm là lỗi lầm, không cố ý che dấu lỗi lầm, biết hổ thẹn và biết ghê tởm với các lỗi lầm, tự nhắc mình luôn sống tốt hơn theo lời Phật dạy để cho những lỗi lầm như vậy và những lỗi lầm khác không xảy ra nữa.
Song song với việc làm cho tự thân như vậy, thì mình biết thành tâm xin người bị hại và những chúng sinh có liên quan cảm thông tha thứ vì sự si mê của mình, biết tự nhắc mình luôn sống tốt với người ấy, mọi người xung quanh và cả thảy chúng sinh.
Như vậy sự sáng suốt, sự hiểu biết, sự cảm thông, sự thương yêu, sự hành thân khẩu ý thiện lành sẽ tăng trưởng. Nhờ đó mà những lỗi lầm khó có nhân duyên để sanh khởi nơi mình, sự hiềm hận nơi người được thuyên giảm. Như vậy là sám hối đúng như pháp.
Ngoài ra, ở trong nhà Phật, pháp sám hối còn có một trợ duyên khác, đó là người phạm lỗi đối trước đức Phật hiện tiền (đức Phật sống đang ở trước mặt), hoặc đối trước Tăng bảo hiện tiền, mà tự phát lồ sám hối, và xin đức Phật hoặc Tăng bảo chấp nhận lỗi lầm của mình là lỗi lầm. Khi đức Phật hiện tiền hoặc Tăng bảo mở lời chấp nhập lỗi lầm của mình là lỗi lầm, có nghĩa là vì biết mình đã thành tâm sám hối đúng như pháp. Khi có sự chấp nhận như vậy từ đức Phật hoặc Tăng bảo, người phạm lỗi sẽ được lòng hổ thẹn và lòng ghê sợ lỗi lầm thúc đẩy nên không dám tái phạm, lại nỗ lực thực hành pháp sám hối, làm cho các lỗi lầm khó có nhân duyên sanh khởi.
Đồng thời, do uy tín của đức Phật hiện tiền hoặc Tăng bảo, phần lớn các sinh linh khuất mặt, chư Thiên và những người xung quanh sẽ vì đó mà tâm được buông xả các dính mắc do lỗi lầm của mình. Như vậy là sám hối đúng như pháp.
Sư Quang Vô Sắc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét