- Bạch đức Quang Vô Sắc! Con Quả Thiện xin thỉnh hỏi về pháp công phu nhập môn dành cho người tu nhất tâm ạ.
Nếu trong lúc đếm hơi thở từ 01 đến 500, con ngồi duỗi chân có được hay không ạ, hay bắt buộc phải ngồi kiết già hoặc bán già, thưa đức Quang Vô Sắc? Bởi vì vào buổi sáng con đã ngồi kiết già để trì 52 biến chú Đại bi, tiếp sau đó, con lại ngồi bán già để tu tập pháp đếm hơi thở, thì con thấy bị tê chân quá ạ!
Bạch đức Quang Vô Sắc, ba thời công phu khác nhau, được hiểu như thế nào ạ? Sáng, chiều, tối, hay có thể thực hành hai thời vào buổi sáng cách nhau khoảng một tiếng đồng hồ và một thời vào buổi chiều hoặc tối, như vậy có được hay không ạ?
- Quý Con thương kính! Ngồi kiết già, ngồi bán già, ngồi xếp bằng là các tư thế an ổn, vững vàng, thân thể buông lỏng tự nhiên, khí huyết điều hòa, nhờ vậy mà thân thể có thể được an tịnh lâu dài, không trạo cử về thân, góp phần ngăn ngừa sân hận, trạo cử - hối quá, hôn trầm - thụy miên. Trong đó, ngồi kiết già là tư thế ưu việt khi tu tập tâm định. Các tư thế khác như đi, đứng, ngồi duỗi chân, các tư thế ngồi khác và nằm, là những tư thế không thuận lợi để thân duy trì một tư thế được lâu dài, do vậy tâm bị chi phối bởi vì phải thay đổi tư thế.
Người tu tập hộ trì sáu căn, chú tâm tỉnh giác, chánh niệm tỉnh giác, chánh niệm bốn xứ hay các loại thiền định như niệm Phật, trì chú, chánh định bốn thiền, bốn định vô sắc... có thể sử dụng bất cứ tư thế nào, đi, đứng, ngồi, nằm, để tu tập nâng cao năng lực chánh niệm, tỉnh giác, gột rửa tâm, hộ trì tâm, định tĩnh, minh sát.
Tùy thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh, tình trạng của thân, trong sự kham nhẫn, tinh tấn mà chọn lựa tư thế thích hợp nhất đối với tình trạng đó.
Sẽ không có quy định cứng nhắc nào về tư thế tu tập. Tuy nhiên, khi tu tập thiền định, trong khi tâm chưa thành tựu niệm giác chi và định giác chi, để có thể phát triển đến nhất tâm và hơn thế nữa, tu tập với tư thế ngồi kiết già, bán già và xếp bằng là các tư thế được khuyến khích hơn hết.
Vì vậy, quý Con hãy thực hành với tư thế mà quý Con cho là thích hợp với chính mình với tinh thần tin tấn và kham nhẫn.
Ở đây, Thầy không có quy ước về sự phân chia các thời công phu và thời lượng thực tập của một thời công phu. Vì vậy, quý con hãy phân chia thời công phu và thời lượng của một thời công phu, mà đối với quý Con cho là thích hợp với chính mình với tinh thần tin tấn và kham nhẫn.
Khi nói rằng, "với ba thời công phu khác nhau, liên tiếp đều thành tựu pháp đếm được năm trăm hơi thở vào ra", nghĩa là với ba thời công phu liên tiếp, kế nhau mà nó không có quy ước khoảng thời gian giữa hai thời kế nhau, đều thành tựu một cách viên mãn pháp đếm được năm trăm hơi thở vào ra.
️Thầy hồi hướng tất cả công đức của Thầy cho quý Con và thân quyến của quý Con. Nguyện chúc cho quý Con và thân quyến của quý Con luôn được bình an, luôn được hạnh phúc, an lạc, luôn thuận duyên trên mọi sự lành, luôn tín tâm, tinh tấn, tăng trưởng thành tựu các công đức, sớm thành tựu và an trú nhất tâm tùy theo ý của mình, sớm trọn thành Phật Đạo.
(Sư Quang Vô sắc)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét