Kinh Tăng Chi, Đức Phật khẳng định năm điều này khởi lên thật khó trừ khử.
- Tham khởi lên.
- Sân khởi lên.
- Si khởi lên.
- Ham nói khởi lên.
Với lời dạy này của Đức Thế Tôn, chúng ta nghiêm túc mà thừa nhận rằng, khi năm điều này khởi lên thật khó trừ khử. Thừa nhận để làm gì? Để biết rằng, khi 5 điều này khởi lên, không phải muốn trừ khử thì nó liền bị trừ khử. Không phải muốn là được. Nghĩa là chúng được trừ khử, không chỉ dừng lại ở điều ta muốn, mà chúng ta cần phải tu tập, và sự tu tập nhất định phải có phương pháp.
Không có phương pháp, liệu pháp, như là liệu pháp điều trị bệnh, thì bệnh thật khó mà thuyên giảm. Điều này, tôi muốn nói gì với các bạn? Chính là chúng ta đừng ảo tưởng chỉ ở cái muốn của mình mà trừ khử được chúng.
Hãy quay lại với thực tế của tâm mình hiện như thế nào, điều ta muốn ấy có đặng chưa, hay chỉ là lý mà thôi. Chúng ta lấy lý làm chỗ thể nhập, làm mục đích, làm bờ bên kia, nhưng chúng ta không phải tu trên cái lý, mà là chúng ta tu trên sự. Bởi vì chính chúng ta là sự, là quyến thuộc của sự, thừa tự của sự.
Đức Phật khác với mọi chúng ta ở chỗ, Ngài dạy chúng ta phương pháp tu tập trên sự để thể nhập lý, cho chúng ta biết lý để đến chứ không phải làm chỗ tu tập.
Ví như thiện và ác, với chân như bổn tánh, tất cả pháp đều là Không, chẳng có chỗ đặng thiện hay ác. Nhưng khi tu tập, lại lấy thiện làm mảnh đất tâm, lấy giới làm chỗ an trú cho mọi công đức.
Một bác sĩ giỏi sẽ đưa ra liệu pháp đúng để điều trị cho bệnh nhân. Một bệnh nhân biết trân quý mạng sống phải thực hiện theo đúng liệu pháp, không có sự việc muốn hết bệnh là hết bệnh, mà bản thân không thực hiện theo liệu pháp của bác sĩ giỏi. Người không thực hiện theo liệu pháp do bác sĩ giỏi đưa ra, lại muốn mình hết bệnh, thật là một bệnh nhân bị tâm thần mới nghĩ như thế.
Cũng vậy, chúng ta còn nhiều dính mắc và vô minh, chúng ta phải thực hành các liệu pháp mà Đức Phật đã dạy để đoạn trừ các dính mắc và vô minh. Không làm như vậy, lại chỉ muốn mau chóng thành tựu minh và giải thoát, quả thật là điên đảo mộng tưởng, chẳng xét tâm hiện tiền.
Sư Quang Vô Sắc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét