Thứ Hai, 25 tháng 4, 2022

TÂM TỪ BI VÀ TUỆ TỪ BI

Tâm từ bi và tuệ từ bi là hai phạm trù khác nhau. Tâm từ bi là tâm chúng sanh, là tâm động, có nhân, có ngã, có ái. Tuệ từ bị là tâm bất động, không nhân, không ngã, không ái, được soi sáng bằng tuệ hiểu biết tốt xấu, nên và không nên làm, điều hại và điều ích lợi của thế gian biến dịch trong luân hồi.
Tâm từ bi có thể xuất hiện và vô lượng ở bậc hữu học nhưng không có mặt ở bậc vô học Alahan và chư Phật. Tuệ từ bi có thể có mặt ở bậc hữu học, nhưng nó là một đặc điểm không thể vắng mặt và là vô lượng ở bậc vô học.
Thông thường, bậc hữu học được khuyến khích tu tập mở rộng tâm từ bi biến mãn vô lượng để tâm hân hoan, hỷ, khinh an, lạc, nhất tâm của họ được phát triển, đồng thời có được nhiều phước báu thế gian và không làm hại nhưng làm lợi ích cho muôn loài chúng sinh, trên bước đường tu. Sự không làm hại mình, hại người, hại cả hai khi có tuệ đi cùng để soi sáng, quyết trạch. Nếu tuệ yếu thì sự hành từ bi của bậc hữu học thường xảy ra những hậu quả tai hại cho mình, cho người hoặc cho cả hai, và không bình đẳng.
Bậc vô học là bậc thành tựu tâm bất động, không có sự chi phối bởi ái của tâm từ bi, nhưng hành động của các ngài tỏa ra sự từ bi vô lượng, không phải các ngài động tâm (ái) vì chúng sinh, mà là các ngài chỉ đơn giản là làm những việc nên làm để đem lại sự an lạc và lợi ích cho chúng sinh trong cái thế tục. Đó gọi là tuệ từ bi. Đặc tướng của các ngài là sự hành từ bi luôn trong bình đẳng nhưng không có hại theo sau, hoặc nếu có trong trường hợp cán cân phải xảy ra thì lợi nhiều hơn hại.
Một hành giả nếu bị tâm từ bi chi phối, không thể thành tựu tứ thiền huống là có thể thành tựu tâm bất động giải thoát.
Vì vậy, khi còn là bậc hữu học, chúng ta cần học tập và nuôi dưỡng tuệ từ bi. Mọi sự hành từ bi cần phải được tuệ soi sáng để đạt đến sự bình đẳng không thiên lệch, không ngăn ngại, đem lại lợi ích và sự an lạc thật sự mà không tiềm ẩn những điều có hại sẽ xảy ra do ái thúc đẩy và si che khuất.
(Sư Quang Vô Sắc)

Không có nhận xét nào: