Thứ Tư, 12 tháng 1, 2022

Ăn chay theo tinh thần giáo huấn của đức Phật.

Về việc thọ dụng thức ăn của hàng xuất gia, trong giáo huấn có 3 nội dung lấy làm quy ước.
- Một là tự mình không sát sanh, không làm tổn hại, đau đớn thân mạng của các hữu tình từ suy nghĩ cho đến hành động; không khuyến khích, không tán thán, không tạo điều kiện, không bảo, không bắt kẻ khác (gọi chung cho các hữu tình và người khác) sát sanh, làm tổn hại, làm đau đớn thân mạng của các hữu tình.
- Hai là không nhận thịt sống.
- Ba là được (*) thọ dụng món ăn cá thịt với 3 điều kiện không thấy con vật bị giết để làm thịt cho mình ăn (và cho những người khác), không nghe rằng con vật ấy bị giết để làm thịt cho mình ăn (và cho những người khác), với tư duy quán xét kỹ càng không có nghi ngờ nào cho biết rằng con vật ấy bị giết để làm thịt cho mình ăn (và cho những người khác). Đây là giáo giới được gọi là tam tịnh nhục.
Với 3 giáo huấn này, đã xác định rõ ràng, không có bất kỳ khuất tất nào, đạo Phật tôn trọng mọi sinh mạng của chúng sinh, từ bi biến mãn đến tất cả các loài hữu tình, tránh xa sự sát hại, làm đau thân mạng chúng sanh dù gián tiếp hay trực tiếp.
---
(*). "Được" ở đây đã thể hiện hai ý nghĩa rõ rệt.
Trùm khắp loại trừ "được" đều là không được. Vì "không được" trùm khắp, do hoàn cảnh bất cập, nên có thêm "được" bằng điều kiện tam tịnh nhục làm giới hạn cho "cái được". Ngoài điều kiện tam tịnh nhục thì là không được. "Được" ở đây là sự điều chỉnh một phạm vi nhỏ trong cái "không được" không giới hạn.
Trong điều kiện không có bất cập xảy ra thì nên không ăn cá thịt.
Đây chính là tinh thần ăn chay của đạo Phật.
---
Giới cấm thủ.
Khi thực hành theo giáo huấn của đức Phật không nên để rơi vào giới cấm thủ, tức là kiên cố giới cấm cho cả trường hợp tự mình làm hại mình một cách nghiêm trọng.
Ví như, do ta đã tạo nghiệp nên chính nghiệp đã tạo dẫn dắt ta thọ sanh làm người. Làm người, vừa là ưu vừa là nhược hình thành từ nghiệp mà ta đã tạo. Tức là, ta PHẢI thừa tự, chấp nhận cả cái nhược. Một ví dụ điển hình của nhiều cái nhược là đa số thân người tại niên kỷ này không thích hợp thức ăn sống, dễ bị bệnh do ăn thức ăn sống. Do đó mà ta ăn thức ăn được nấu chín. Do phải ăn thức ăn được nấu chín nên đã làm chết rất nhiều hữu tình nhỏ bé sống trong nước hay sống nương các sinh vật khác. Nghĩa là ta đã sát hại mạng sống của chúng sanh. Nếu vì như vậy mà ta không ăn thức ăn nấu chín, ta ăn thức ăn sống thì sự việc này có thể làm ta bị bệnh nặng và chết sớm. Đây gọi là giới cấm thủ, kiên cố giới cấm cho cả trường hợp tự làm hại mình một cách nghiêm trọng. Tuy nhiên ta không nên rơi vào giới cấm thủ như vậy. Nhưng ta phải hiểu rõ một điều do ta đã sát hại chúng sanh do ăn thức ăn chín, chính ta sẽ thừa tự nghiệp sát mà ta đã tạo này. Đây gọi là nhược điểm thân người. Mà nhược điểm này, ta phải hiểu rằng cũng chính do ta đã tạo nghiệp từ trước (nên ta mới thọ thân có nhược điểm như vậy).
Hiểu biết để tránh né tạo nghiệp bất thiện một cách tối đa có thể.
Sư Quang Vô Sắc

Không có nhận xét nào: