Thứ Ba, 16 tháng 11, 2021

QUẢ DỊ THỤC.

Hiểu cho đúng luật nhân quả không sai chạy là như thế nào? Như thế nào là ta có thể thay đổi vận mệnh, gọi là đức nhân thắng số? Như thế nào là tự mình thừa tự nghiệp do mình tạo? Việc cầu xin bất khả đắc và khả đắc.
Tội có 3 nhóm.
(Ở đây không bàn đến quả do quy ước của cộng đồng như luật pháp,...)
1. Tội ngũ nghịch (5 tội vô gián): nghiệp này không thể chuyển đổi bởi bất cứ nghiệp lành nào khác. Quả dị thục chính là quả của chính tội ngũ nghịch. Quả này là đọa địa ngục sau khi thân hoại mạng chung, không có phương pháp tránh nạn, không thể cứu chữa, cầu xin bất khả đắc.
2. Tội mà mình gây ra đối với kẻ khác, tức là kẻ khác thù ghét, hiềm hận về mình, gọi là oan tại chỗ kẻ khác, trái trổ ra tại chỗ mình:
Nghiệp này có thể thay đổi mà không thọ lãnh quả trực tiếp bởi nghiệp này nếu nghiệp này chưa trổ quả, thay vào đó sẽ thọ lãnh quả bởi nghiệp thiện được tạo ra sau đó. Nghiệp thiện đây là gì? Nghiệp thiện này là kết quả của thân khẩu ý của mình mà nó làm cho những kẻ thù ghét, hiềm hận kia giảm bớt hoặc không còn thù ghét, hiềm hận. Nghiệp bị thù ghét, hiềm hận ban đầu không còn tồn tại, nó đã chuyển đổi thành nghiệp ít bị thù ghét, hiềm hận hoặc không còn bị thù ghét, hiềm hận. Nếu nghiệp mới này đủ nhân duyên trổ quả thì ta thọ lãnh quả theo nghiệp như vậy. Quả dị thục, ở đây, được nói đến là như vậy. Nếu nghiệp mới này chưa trổ quả, ta lại có thể tiếp tục chuyển được nghiệp này thành nghiệp tốt hơn như được thương yêu, che chở,... Quả sẽ được nhận là theo nghiệp mới này. Quả dị thục, ở đây, được nói đến là như vậy. v.v.
Nghiệp này cũng có thể không chuyển đổi được, vì nó còn phụ thuộc kẻ kia như thế nào. Ví như ta đã cố gắng sửa chữa lỗi lầm, sống thiện lành, bù đắp cho kẻ bị ta làm tổn hại,... nhưng sự hiềm hận, oán ghét của kẻ kia không giảm.
Nghiệp này có thể tránh nạn. Như thế nào là tránh nạn? Ví như ta tu thiện lành được thác sanh cõi chư Thiên trước khi nghiệp đủ nhân duyên trổ quả, trong khi những kẻ đang hiềm hận, oán ghét ta ở cõi khác mà không tiếp cận được cõi ta đang trú xứ. Nếu các đời sau gặp nhau thì có thể xảy ra một trong hai trường hợp đã nói vừa rồi, tức là có thể chuyển đổi được và có thể không chuyển đổi được. Nếu không gặp nhau cho đến khi ta đã nhập Niết bàn thì sự tránh này là hoàn toàn. Tránh nạn, ở đây, được nói đến là như vậy. Ví như do nhân lành nào đó của ta mà nhân lành ấy làm cho những ai có đủ điều kiện và phát tâm giúp đỡ, che chở ta tạm tránh được sự tạo tác của những kẻ hiềm hận, oán ghét trong một thời gian có thể ngắn hoặc dài. Sự việc này là sự tránh nạn tạm thời và hết thời gian được che chở, giúp đỡ này, có thể xảy ra một trong hai trường hợp vừa nói, tức là có thể chuyển đổi được và có thể không chuyển đổi được. Nếu như vị có đủ điều kiện kia có khả năng thuyết phục, điều ngự, làm cho những kẻ hiềm hận, oán ghét kia chuyển hóa, đoạn trừ tâm hiềm hận, oán ghét ta thì ta không còn phải thọ lãnh quả của nghiệp mà ta đã tạo tác nơi kẻ khác. Ở đây, tránh nạn, được nói đến là như vậy, và quả dị thục, được nói đến là như vậy.
Cầu xin bất khả đắc và cầu xin khả đắc. Như thế nào là cầu xin bất khả đắc. Sau khi nghiệp này được tạo tác, ta có thể chân thành cầu xin những kẻ thù ghét hiềm hận tha thứ cùng với sự ăn năn sám hối và hứa hẹn làm các sự thiện lành nhưng không được tha thứ. Hoặc ta có thể chân thành cầu xin các vị khác giúp đỡ, che chở cho ta tránh nạn như đã được nói đến, hoặc thuyết phục, điều ngự những kẻ thù ghét, hiềm hận như đã được nói đến, cùng với sự ăn năn sám hối và hứa hẹn làm các sự thiện lành nhưng các vị ấy không có khả năng giúp đỡ, che chở, thuyết phục, điều ngự. Ở đây, cầu xin bất khả đắc được nói đến là như vậy. Và như thế nào là cầu xin khả đắc, cầu xin như đã được nói vừa rồi, nhưng được tha thứ, hoặc được vị có đủ khả năng giúp đỡ, che chở, thuyết phục, điều ngự. Ở đây, cầu xin khả đắc được nói đến là như vậy.
Nghiệp này có thể không trổ quả. Ngoài trường hợp có thể chuyển đổi nghiệp và trường hợp tránh nạn có thể đưa đến không trổ quả như đã được nói đến thì nghiệp này có thể không trổ quả. Như thế nào là nghiệp này có thể không trổ quả? Ở đây, nghiệp sau khi được ta tạo tác này, do nhân mọi kẻ khác không sanh tâm thù ghét, hiềm hận, hoặc nhân nơi những kẻ thù ghét, hiềm hận đã đoạn trừ tâm thù ghét, hiềm hận này. Do nhân ấy, nghiệp này không trổ quả.
3. Tội nơi tâm trí mình: như tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến,...
Nghiệp này có thể tự mình chuyển đổi thay thế bởi nghiệp mới được tác thành dù quả của nghiệp trước đã trổ quả hay chưa trổ quả. Sự kiện trổ quả của nghiệp này không tự nhiên làm thay đổi hay biến mất nghiệp này. Nghiệp này cũng chính là quả lại vừa cho ra các quả khác của nó nếu đủ nhân duyên nhưng nó không tự nhiên bị thay đổi sau khi trổ quả. Chính ta phải tu mới chuyển được các loại nghiệp này thành nghiệp tốt hơn với những quả tốt hơn. Ví dụ như ngu si. Ngu si là nghiệp mà cũng chính là quả. Tại thời điểm ta còn ngu si, vì ngu si nên ta làm những điều sai lầm, gọi là các quả khác do ngu si tạo ra. Các quả này không tự nhiên làm cho ta hết ngu si. Nếu ta tu tập, trí tuệ của ta mới tiến bộ. Khi ta giảm bớt ngu si thì đây cũng là quả, và ở mức độ trí tuệ này, ta tạo tác các quả tương ứng, gọi là các quả khác của nó. Quả dị thục, ở đây, được nói đến là như vậy.
Tội này cũng có thể tránh nạn (còn tiếp).
___
" - Ai nói như sau, này các Tỷ-kheo: "Người này làm nghiệp như thế nào, như thế nào, người ấy cảm thọ như vậy, như vậy". Nếu sự kiện là vậy, này các Tỷ-kheo, thời không có đời sống Phạm hạnh, không có cơ hội để nêu rõ đau khổ được chơn chánh đoạn diệt. Và này các Tỷ-kheo, ai nói như sau: "Người này làm nghiệp được cảm thọ như thế nào, như thế nào, người ấy cảm thọ quả dị thục như vậy, như vậy". Nếu sự kiện là vậy, này các Tỷ-kheo, thời có đời sống Phạm hạnh, có cơ hội để nêu rõ đau khổ được chơn chánh đoạn diệt.
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người làm nghiệp ác nhỏ mọn, và nghiệp ác ấy đưa người ấy vào địa ngục. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người làm nghiệp ác nhỏ mọn tương tợ, và nghiệp ác ấy đưa người ấy đến cảm thọ ngay trong hiện tại, cho đến chút ít cũng không thấy được (trong đời sau), nói gì là nhiều."
(Trích Tăng chi bộ)
Sư Quang Vô Sắc

Không có nhận xét nào: