Thứ Năm, 20 tháng 8, 2020

VÀI LỜI TÂM SỰ

Kinh Lăng Nghiêm ghi: Cho nên, Anan, bây giờ ông nên biết rằng: Khi thấy sáng, cái thấy chẳng phải là sáng. Khi thấy tối cái thấy chẳng phải là tối. Khi thấy không, cái thấy chẳng phải là không. Khi thấy ngăn bít, cái thấy chẳng phải là ngăn bít. Bốn nghĩa đó đã thành rồi, ông lại nên biết : Khi thấy mà có tướng thấy, cái thấy đó chẳng phải là tánh thấy. Cái thấy mà do lìa tướng thấy, đó là tánh thấy siêu việt.
(Xin xem thêm ảnh).

Đại chúng nào đang tu tập pháp thấy biết nơi sáu căn liền biết có chân tâm, cho đến xa lìa một niệm cuối cùng là âm tự "không có một niệm" liền đạt đến cái gọi là vô niệm, thì nên liễu tri hai đoạn pháp khí siêu xuất mỹ diệu, sâu kín này trong kinh Lăng Nghiêm và kinh Bảo Tích, để tránh nhầm lẫn cái chân tâm với cái biết của thức, cái vô niệm thật sự với cái biết đến vô niệm từ nơi thức.

Chân như, Phật tánh sâu kín, mỹ diệu, khó thấy, khó biết, chẳng phải cái thấy biết không sinh niệm nhưng nó còn nương nơi cái thấy biết về sáu trần, sáu căn, sáu thức mà cho là thấy biết của chân tâm bổn tánh. Thế nào là cái thấy biết còn nương nơi cái thấy biết về sáu trần, sáu căn, sáu thức?

Cái thấy biết màu sắc, không màu sắc và sắc tối, đó là cái thấy biết còn nương nơi vọng.

Cái thấy biết đau không đau, xúc chạm không xúc chạm, nóng lạnh,... là cái thấy biết còn nương nơi vọng.

Cái thấy biết cứng mềm, loãng đặc, nặng nhẹ, to nhỏ, nhanh chậm, cao thấp, ít nhiều, mạnh yếu, hư không ngăn ngại,... là cái thấy biết còn nương nơi vọng.

Cái thấy biết hình dạng và không hình dạng như từng biết, từng khái niệm, từng định nghĩa là cái thấy biết còn nương nơi vọng.

Cái thấy biết có chức năng, có công dụng,... như từng biết, từng khái niệm, từng định nghĩa, là cái thấy biết còn nương nơi vọng.

Ngay trong định, cái thấy biết mình vô niệm, là cái thấy biết còn nương nơi vọng.

Cái thấy biết có tên gọi như từng biết, từng khái niệm, từng định nghĩa, là cái thấy biết còn nương nơi vọng.

Vì lòng lo nghĩ và thương tưởng bạn đồng tu mà chia sẻ như vậy.

Mong rằng tất cả ai có nhân duyên gặp những lời này, thoát khỏi kiết sử trói buộc của tàng thức mà thực kiến chân như, bổn tánh.

Không có nhận xét nào: