Thứ Tư, 3 tháng 7, 2019

Chùa Hàm Long

Địa thế vùng đất Nam Sơn (thành phố Bắc Ninh) được người xưa cho là “tứ linh” bởi có những dải núi đồi uốn lượn thơ mộng, tượng trưng cho long, ly, quy, phụng. Vì thế nơi đây tập trung nhiều di tích văn hóa, lịch sử như đền, chùa với các phong cách kiến trúc đẹp cổ kính.

Đầu tiên, núi Rồng, còn gọi là Thần Long hay núi Dạm, từ trên cao nhìn xuống tựa như một con rồng đang bay há miệng đớp viên ngọc. Thời xưa, núi Rồng là một trong những biểu tượng của nhiều triều đại phong kiến VN. Núi dài hơn 5 km vắt qua nhiều thôn làng Kinh Bắc trù phú điển hình với cây đa, giếng nước, sân đình. Vào thế kỷ XI, nguyên phi Ỷ Lan đã cho xây chùa Thần Quang tựa lưng vào núi mà người dân Nam Sơn vẫn gọi là chùa Đại Lãm hoặc chùa Cao.


Chùa có quy mô hơn 100 gian, kiến trúc từ cao xuống thấp, trùng trùng điệp điệp, nối tiếp như 12 tòa sen tráng lệ. Ngày nay chùa không còn quy mô như trước, nhưng đã có thời Thần Quang được coi như quốc tự và là nơi tu hành, tịnh dưỡng dành riêng cho hoàng gia nhà Lý.
Cạnh chùa là đền Bà thờ nguyên phi Ỷ Lan và vua Lý Thánh Tông cũng từng lộng lẫy không kém. Qua nhiều biến động lịch sử, cụm đền chùa giờ đây chỉ còn vẻ thâm nghiêm, cổ kính.

Vườn tháp Tổ. 

Đi thêm một đoạn, du khách sẽ đến với chùa Hàm Long. Sở dĩ chùa có tên này là vì các thầy địa lý xưa cho rằng núi Thần Long như một chiếc án thư che chắn cho ngôi chùa phía trước. Đường lên chùa đi qua những bậc đá chen giữa gốc cây, bụi cỏ rất thơ mộng. Mái ngói nâu sẫm ẩn hiện sau những tán cây cổ thụ xanh mướt trông đẹp như tranh thủy mặc. Thắng cảnh tâm linh

Tam Bảo. 

Phía sau chùa còn có nhiều tháp cổ xen giữa đá núi và những tán cây xanh um. Chùa Hàm Long có ba ngôi tháp cổ, trong đó nổi tiếng nhất là tháp Hàm Long có kiến trúc bằng đá, cao trên 10m. Khuôn viên chùa luôn mát rượi nhờ những bóng cây phượng, mít, bàng, rặng liễu rủ và các bồn hoa tươi. Đứng từ cổng chùa, nhìn ra xa thấy gần chân núi là những thôn xóm mái ngói đỏ tươi nổi bật giữa đồng lúa xanh non.


Dưới chân núi, cạnh chùa là thôn Thái Bảo, nơi có đình Thái Bảo cũng nổi tiếng một thời. Chùa được xây dựng vào thời Lý, đến nay đã được trùng tu nhiều lần. Chánh điện được bài trí tôn nghiêm và đậm chất mỹ thuật, ở đấy có bốn pho tượng bằng đồng rất đẹp: tượng đức Phật Thích Ca cao 2,10m, tượng A-nan và Ca-diếp cao 1,86m, tượng Hoàng hậu Ma-gia cao 1,58m, tượng được đúc tại địa phương, mang thần thái rất ung dung tự tại, làm du khách thấy lòng nhẹ nhàng, thanh thản mỗi khi viếng cảnh chùa.

TTđTD - Theo báo Thanhnien

Không có nhận xét nào: