Thứ Năm, 14 tháng 3, 2019

Kinh Trái Tim Tuệ Giác Vô Thượng

1. Khi tiến sâu vào nguồn mạch của Tuệ giác vô thượng (1), Người Tỉnh Thức Bình Yên (2) soi sáng như thật rằng tự tịnh của năm hợp thể (3) đều là Không (4), liền thoát ly mọi khổ ách.
2. Này người con dòng Sari (5), hình thể chẳng khác chân không, chân không chẳng khác hình thể. Hình thể là chân không, chân không là hình thể. Cảm xúc (6), niệm tự (7) và tư duy (8) và ý thức (9) đều là như vậy.
3. Này người con dòng Sari, tất cả hiện hữu được biểu thị là Không, nó không sanh, không diệt, không nhơ, không sạch, không tăng, không giảm.
4. Vì thế, này người con dòng Sari, trong Không không có hình thể, không có cảm xúc, không có niệm lự, không có tư duy, không có ý thức (10); không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý; không có hình thể, âm thanh, hương khí, mùi vị, xúc chạm (11) và hiện hữu (12). Không có đối đượng của mắt, cho đến không có đối tượng của ý thức; không có minh, không có vô minh (13), không có sự chấm dứt của minh, cũng không có sự chấm dứt của vô minh; cho đến, không có tuổi già và sự chết, cũng không có sự chấm dứt của tuổi già và sự chết; không có khổ đau, không có nguyên nhân của khổ đau, không có sự chấm dứt khổ đau và không có con đuuờng đưa đến sự chấm dứt khổ đau (14); không có tri giác (15) cũng không có sự thành tựu tri giác, vì chăng có quả vị của tri giác nào để thành tựu.
5. Người Tỉnh Thức Bình Yên, do sống an lành trong Tuệ giác vô thượng mà thoát ly tất cả chướng ngại. Và rằng, vì không có những chướng ngại trong tâm nên không có sợ hãi và xa rời những cuồng si mộng tưởng, cứu cánh Niết bàn.
6. Tất cả chư Phật trong ba đời (16) đều nương tựa vào Tuệ giác vô thượng mà thành tựu (17) chánh giác.
7. Vì thế, nên biết rằng Tuệ giác vô thượng là sức thần (18) kỳ vĩ, là sức thần của trí tuệ vĩ đại, là sức thần cao tuyệt, là sức thần tối hậu, vô song, có thể trừ diệt tất cả khổ đau. Sức thần thoắt sinh từ Tuệ giác vô thượng này là sự thật, là chân lý. Sức thần có năng lực tối thượng đó được tuyên nói trong kinh Trái Tim Tuệ Giác Vô Thượng rằng:
"Ði qua, đi qua
Ði qua bờ bên kia,
Ðã đi qua đến bờ bên kia, reo vui!"

Chú thích:
(1) Trí tuệ Bát nhã (Prajnàpàramità).
(2) Dịch từ "Quán Tự Tại" theo cách chiết tự.
(3) Năm tổ hợp hay năm uẩn (skandhas).
(4) Vô tự tính hay bản tính Không (Sunyata).
(5) Mẹ của Sariputa là người rất thông minh nên có hiệu là Sari. Trung Hoa dịch chữ Sariputa là Xá Lợi tử, nghĩa là, đứa con dòng Xá Lợi (Sari). Do đó, tác giả dịch là Người con dòng Sari, lối dịch này đã được sử dụng trong bản dịch "Kinh Ruột Tuệ Giác Siêu Việt" của Thi Vũ, do HT. Trí Quang giới thiệu, xuất bản năm 1973, tại Paris.
(6) Thọ uẩn
(7) Tưởng uẩn
(8) Hành uẩn
(9) Thức uẩn
Bốn uẩn (hợp thể) này thuộc về tâm lý, sắc uẩn (hợp thể vật chất) thuộc về vật lý.
(10) Sắc, thọ, tưởng, hành, thức (5 uẩn).
(11) Xúc (trong sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp).
(12) Hiện hữu đọc được dùng đồng nghĩa với pháp (dharma).
(13) Vô minh (ignorance), nguồn gốc của sự khổ đau.
(14) Tứ đế (Khổ đế, Tập đế, Diệt đế, Ðạo đế).
(15) Tri giác (dịch từ Vô tri diệc vô đắc).
(16) Ba đời: quá lhứ, hiện tại, vị lai.
(17) Thành tựu ở đây có nghĩa là đã giải thoát khỏi thế giới nhị nguyên, không còn phân biệt, đối đãi nhân-pháp, hữu-vô v.v...
(18) Còn được dịch là linh ngữ hay thần chú (mantra).

Bản dịch Việt:
Thích Tâm Thiện, Sài Gòn, 1998

Không có nhận xét nào: