Tùng Bách: Nam Mô Phật! Bạch Thầy! Con mong Thầy hoan hỉ giải đáp cho con câu "Phật pháp nói Vũ Trụ không có khởi đầu, không có kết thúc. Vậy tuyên bố số 56 có khác không ạ?". Vì con không thể tìm đoạn kinh nào nói như vậy cả (phần vì kinh Phật rất nhiều, phần khả năng tìm kiếm cũng hạn hẹp). Con mong Thầy hoan hỉ chỉ dạy.
Pháp Không Chân Như: Tùng Bách! Chân Như đã đọc rất ít kinh sách nên không biết đức Thế Tôn không nói hay đã nói về thủy, chung của Vũ Trụ. Nếu có nói thì Chân Như không biết ngài nói như thế nào trong hoàn cảnh nào, người tham vấn là ai, tri kiến của người tham vấn lúc hỏi là như thế nào và với mục đích gì. Ý nghĩa lời dạy của Thế Tôn về pháp học cần phải được quán xét trên các khía cạnh như vậy.
Trước hết, Chân Như cần nhấn mạnh vấn đề quan trọng sau đây với Tùng Bách cùng tất cả chư vị khi học Phật cũng như khi tiếp nhận thông tin ở đời. Chư vị không nên cả tin với bất cứ nguồn thông tin nào và lấy đó làm tri thức của mình hoặc để thực hiện hành vi theo nó. Hầu hết các phát biểu của người phàm phu đều dung chứa dù ít dù nhiều tà kiến. Xã hội hiện nay còn có sự tồn tại và phát triển các thông tin bịa đặt, mạo danh, lừa gạt, dàn dựng quảng cáo, ngụy trang,... Trong đó, có rất nhiều bài viết, câu nói, hình ảnh, clip mang danh đạo Phật nhưng chứa nhiều tà kiến, tạp nham, mê tín di đoan.
Hãy luôn là người sáng suốt, điềm tĩnh trước mọi tình huống và các nguồn thông tin.
Tùng Bách! Như thế nào là vô thủy?
Tùng Bách: Thưa Thầy! Vô thủy là không có bắt đầu. Nam Mô Phật! Nam Mô Thầy!
Pháp Không Chân Như: Tùng Bách! Như thế nào là không có bắt đầu?
Tùng Bách: Thưa Thầy! Là không có điểm bắt đầu.
Pháp Không Chân Như: Không có điểm bắt đầu là như thế nào Tùng Bách? Ví như là không có nguyên nhân khởi ra nó, hay là không có nguồn gốc khởi ra nó, hay không có cái trước nó khởi ra nó, hay không có đấng toàn năng nào tạo ra nó, hay không có địa điểm/nơi chốn/vị trí khởi ra nó, hay là không có thời điểm bắt đầu,...? Và nếu không có thời điểm bắt đầu thì không có thời điểm bắt đầu là như thế nào: là không có khởi đầu của chính nó, hay là không có bất cứ ai có thể xác định thời điểm khởi đầu của nó vì truy về quá khứ là vô tận, không thể truy được,...?
Tùng Bách: Dạ, là không thể tìm ra được nguyên nhân trước đó. Ví dụ quả trứng có trước hay con vịt có trước. Thưa Thầy! Hiểu biết của con còn rất hạn hẹp. Mong Thầy chỉ rõ cho con và mọi người cùng rõ ạ. Nam Mô Thầy!
Pháp Không Chân Như: Tùng Bách! Nếu nói Vũ Trụ vô thủy với ý nghĩa là không có nguyên nhân khởi ra Vũ Trụ thì lời nói ấy đúng. Vì sao? Vì Vũ Trụ đã khởi sinh từ Hư vô. Không có bất cứ thứ gì có mặt kể cả không gian và thời gian được gọi là Hư vô. Không có bất cứ thứ gì có mặt thì nguyên nhân cũng không có mặt. Nghĩa là không có nguyên nhân khởi ra Vũ Trụ.
Cũng như vậy, nếu nói Vũ Trụ vô thủy với ý nghĩa là không có nguồn gốc khởi ra Vũ Trụ, hoặc không có cái trước Vũ Trụ khởi ra Vũ Trụ, hoặc không có đấng toàn năng nào tạo ra Vũ Trụ, hoặc không có địa điểm/nơi chốn/vị trí khởi ra Vũ Trụ thì lời nói ấy đúng. Vì sao? Vì Vũ Trụ đã khởi sinh từ Hư vô. Không có bất cứ thứ gì có mặt kể cả không gian và thời gian được gọi là Hư vô. Không có bất cứ thứ gì có mặt thì nguồn gốc cũng không có mặt, cái có trước Vũ Trụ cũng không có mặt, đấng toàn năng cũng không có mặt, địa điểm/nơi chốn/vị trí cũng không có mặt. Nghĩa là không có nguồn gốc khởi ra Vũ Trụ, không có cái trước Vũ Trụ khởi ra Vũ Trụ, không có đấng toàn năng nào tạo ra Vũ Trụ, không có địa điểm/nơi chốn/vị trí khởi ra Vũ Trụ.
Nếu nói Vũ Trụ vô thủy với ý nghĩa không có bất cứ ai có thể xác định thời điểm khởi đầu của nó vì truy về quá khứ là vô tận, không thể truy được thì lời ấy đúng. Vì sao? Vì không có bất cứ ai có thể tính đếm thời gian đến tận cùng của quá khứ. Ví như số vô tỉ trong toán học, liên thập phân của nó là vô hạn, không thể xác định liên thập phân của số vô tỉ là bao nhiêu con số. Vì vậy nên nói thời gian trở về quá khứ là vô hạn, không thể tính đếm. Theo ý nghĩa đó nói Vũ Trụ vô thủy.
Nhưng này Tùng Bách! Nếu nói Vũ Trụ vô thủy với ý nghĩa Vũ Trụ không có bắt đầu, bắt đầu ở đây là chính nó bắt đầu chính nó, bắt đầu có mặt, bắt đầu cho mọi thứ khác có mặt, khởi đầu về không gian, bắt đầu về thời gian, thì lời nói ấy không đúng. Với ý nghĩa bắt đầu như thế, phải nói Vũ Trụ không vô thủy. Ví như thời gian trở về quá khứ dụ cho căn bậc 2 của 2 là số vô tỉ. Rõ ràng ta biết tồn tại con số căn bậc 2 của 2, ta ý thức được như thế và giữ cách viết căn bậc hai mà không khai triển nó ra thành số. Ý thức về sự tồn tại số vô tỉ căn bậc 2 của hai ví như ý thức về Vũ Trụ có bắt đầu. Khi triển khai căn bậc 2 của 2 thành số thập phân thì không thể triển khai được vì liên thập phân của nó là vô hạn. Ý thức về sự vô hạn của liên thập phân của căn bậc 2 của 2 ví như ý thức về thời gian trở về quá khứ là vô hạn, không có tận cùng. Vậy khi ta xác định ý nghĩa bắt đầu như vừa nêu trên thì ta lại nói Vũ trụ không vô thủy.
Như vậy, Tùng Bách, với ý nghĩa của vô thủy như thế này, ta nói Vũ Trụ vô thủy là đúng và nói Vũ Trụ không vô thủy là sai; với ý nghĩa vô thủy như thế kia, ta nói Vũ Trụ không vô thủy là đúng, nói Vũ trụ vô thủy là sai. Như vậy là, khi nói Vũ Trụ vô thủy lại vừa đúng, vừa sai; khi nói Vũ Trụ không vô thủy lại vừa đúng vừa sai.
Cũng như vậy, với ý nghĩa của vô thủy như thế này, ta nói Vũ Trụ không vô thủy là sai; với ý nghĩa như thế kia, ta nói Vũ Trụ vô thủy là sai. Như vậy là, khi nói Vũ Trụ vô thủy hay nói Vũ trụ không vô thủy cũng đều là lời nói sai.
Tùng Bách, với ý nghĩa vô thủy, hoặc đơn phương một nghĩa mà nói theo ý nghĩa đó, hoặc với ý nghĩa này mà nói theo ý nghĩa khác, hoặc với một ý nghĩa mà nói theo nhiều ý nghĩa, hoặc với nhiều ý nghĩa mà nói theo một ý nghĩa, hoặc với nhiều ý nghĩa mà nói theo nhiều ý nghĩa thì có các kết quả như sau:
- Vũ Trụ thì vô thuỷ vô chung.
- Vũ Trụ thì không vô thuỷ không vô chung.
- Vũ Trụ thì vừa vô thuỷ cũng chẳng vô thuỷ, vừa vô chung cũng chẳng vô chung.
- Tất cả cách nói như vậy đều đúng.
- Tất cả cách nói như vậy đều sai.
- Mỗi cách nói vừa đúng vừa sai.
Cho nên, Tùng Bách, luận đúng sai phải theo ý nghĩa như thế. Tùng Bách. Chân Như đã trình bày xong thắc mắc của ông.
Tùng Bách: Con cảm ơn Thầy nhiều. Con sẽ còn phải đọc đi đọc lại nhiều lần. Vì đọc xong con còn đang rất lơ mơ.
-------
(Pháp thoại ngày 12 /02/2019 - 16/02/2019 nhằm ngày mùng 8-12 năm Kỷ Hợi tại trang Phap Khong Chan Như )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét